Công trình “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” nhằm sưu tập, thống kê các nguồn tài liệu liên quan đến phong trào Thơ mới theo tiến trình thời gian, ghi nhận một thời đại thi ca gắn với quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, kết quả của cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây và nằm trong tiến trình đổi mới, phát triển của cả nền thơ phương Đông.
Phạm vi tư liệu bao gồm tất cả các vấn đề: tác giả, đội ngũ, nội dung, hình thức, giai đoạn, trào lưu, trường phái, định hướng tiếp nhận; các phương diện nghiên cứu, lý luận, phê bình; các bài tựa, bạt, phát biểu cảm tưởng, phân tích, bình luận, bình giảng; các sự kiện gắn với xuất bản, tiếp nhận, trao đổi ý kiến, nhận định, đọc sách, điểm sách, tin sách, tin thơ, giới thiệu chân dung, hồi ức, kỷ niệm của người đương thời phong trào Thơ mới bàn về Thơ mới…
Cuốn sách gồm có hai phần:
- Lời dẫn: Giới thiệu khái lược về nội dung, mục đích, quy cách biên soạn của công trình; đánh giá về giá trị của phong trào Thơ mới từ góc độ như một diễn ngôn lịch sử.
- Phần Biên niên sử: Liệt kê các sự kiện liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của phong trào Thơ mới từ 1932 đến 1945 thông qua việc trích dẫn (nguyên văn hoặc tóm tắt) các tư liệu sách báo và tạp chí được xuất bản trong thời kỳ này.
Cuốn sách được đánh giá là một công trình có có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao. Thông qua việc hệ thống hóa các nguồn tài liệu quý hiếm trên các nguồn sách báo trước 1945, cuốn sách nhằm đưa đến một cái nhìn toàn cảnh về tất cả các vấn đề, sự kiện, hiện tượng được sắp xếp theo tiến trình thời gian từ đó phục dựng lại diện mạo phong trào Thơ mới. Công trình sau khi được xuất bản sẽ là nguồn tư liệu có giá trị, phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại và góp phần bảo tồn những giá trị của nền văn học dân tộc.
Hoàng Linh