Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Từ điển đường phố Hà Nội
Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Tác giả: TS. Nguyễnn Viết Chức (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Tổng số trang: 1068 trang
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 5 - Trung bình: 4.40) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

- Đây là cuốn sách tra cứu về tên đường và phố Hà Nội, cung cấp cho người đọc đầy đủ, có hệ thống về tên đường phố Hà Nội giúp cho việc tra cứu, nghiên cứu về Hà Nội, đồng thời có thể dùng cho việc hướng dẫn, du lịch, tìm hiểu lịch sử và địa lý Hà Nội. Cuốn sách sẽ là cơ sở để nghiên cứu quản lý đô thị, quy hoạch đô thị xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi khác cũng như xây dựng và quản lý giao thông đô thị và các ngành khác như điện, nước, môi trường… Đồng thời công trình góp phần quảng bá du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Nội dung chính của cuốn sách tập trung giới thiệu tên đường phố Hà Nội, lịch sử hình thành thay đổi các tên đường, phố Hà Nội qua các thời kỳ.

Ngoài ra sách còn đề cập tới các vấn đề: Trích lục bản đồ cụ thể của từng đường phố Hà Nội; Thông tin đầy đủ các thông số kỹ thuật từng đường phố cụ thể; Giới thiệu một số công viên, quảng trường tiêu biểu; Tiểu sử các danh nhân là tên của các đường, phố công viên, quảng trường.

Sách cùng chuyên mục

Tuyển tập tác phẩm văn hoá ẩm thực Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Phạm Quang Long và Ông Bùi Việt Thắng (Dồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
842 trang
16x24 cm

Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và hiện đại

Quá trình hình thành và phát triển những bản sắc và tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội gắn liền với những đóng góp của các thế hệ của những người trẻ tuổi. Thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội, từ đời này sang đời khác luôn là những người đi tiên phong trong lao động sáng tạo, chiến đấu, chống ngoại xâm, giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp rất đặc trưng của “con người Tràng An”. Những người trẻ tuổi vừa bảo vệ các giá trị truyền thống vừa mang đến cho cuộc sống và văn hoá sự trẻ trung sôi nổi nhưng cũng đầy tinh tế của Thăng Long - Hà Nội.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
336 trang
16x24 cm

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09
PGS.TS. Võ Quang Trọng (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
296 trang

Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2010

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
GS.TS. Phùng Hữu Phú (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
304 trang

Chân dung Hà Nội truyền thống, thành phố Rồng nghìn tuổi

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Nhà văn hoá Hữu Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
248 trang
16x24cm
Ý kiến bạn đọc
PGS.TS Phạm Mai Hùng (30/08/2011)
Sau Hội nghị nghiệm thu đề cương bản thảo “Từ điển đường phố Hà Nội” ngày 12 tháng 2 năm 2009, nay được đọc chi tiết đề cương đề tài nói trên tôi có mấy nhận xét như sau: 1. Kế thừa những thành công, khắc phục được những khiếm khuyết của các công trình đã nghiên cứu, đã công bố (xuất bản) về đường phố Hà Nội từ trước tới nay; đồng thời tiếp thu những ý kiến góp ý khách quan, tâm huyết của các đồng nghiệp, các nhà khoa học, tác giả đề tài nghiên cứu công trình “Từ điển đường phố Hà Nội” - TS. Nguyễn Viết Chức và các cộng sự của ông đã xây dựng bản đề cương rất chi tiết về tập sách “Từ điển đường phố Hà Nội”. Bản đề cương này với cấu trúc nội dung gồm các đề mục thể hiện được tính khoa học, lôgích, khả thi như: 1.1. Sự cần thiết phải nghiên cứu, biên soạn sách “Từ điển đường phố Hà Nội” và ý nghĩa của nó nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 1.2. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng sử dụng sách. 1.3. Khẳng định thể loại của sách (sách tra cứu). 2. Về nội dung sách: Ngoài lời nói đầu, thư mục tài liệu tham khảo, phụ lục sách “Từ điển đường phố Hà Nội” với bố cục chi tiết: + Lời nói đầu + Khái lược lịch sử việc đặt tên đường phố Hà Nội + Đường - phố - ngõ ở Hà Nội Theo chúng tôi là hợp lý, khoa học và sinh động. 3. Về tổ chức thực hiện, thời gian triển khai và khái toán kinh phí: Chúng tôi thấy rõ ràng, có tính thuyết phục. Tóm lại, căn cứ vào bản đề cương chi tiết đề tài “Từ điển đường phố Hà Nội”, căn cứ năng lực của chủ nhiệm đề tài và các cộng sự, cũng như khả năng phối hợp của các cơ quan, chúng tôi cho rằng đồng chí Nguyễn Khắc Oánh - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để ký hợp đồng kinh tế với nhóm tác giả và hy vọng công trình này sẽ ra đời kịp trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
NNC. Giang Quân (30/08/2011)
Xét theo ý nghĩa, mục đích, đối tượng, yêu cầu của sách mà ông chủ biên và nhóm biên soạn đã nêu lại trong đề cương chi tiết, tôi xin góp ý thêm và nhấn mạnh một số điểm để làm cho cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội” này hơn hẳn cả về nội dung và hình thức so với các sách viết về cùng một đề tài đã xuất bản, để xứng đáng là một cuốn sách trong Tủ sánh Thăng Long – Hà Nội nghìn năm. Tôi chỉ tập trung góp ý kiến về Nội dung ở phần Bố cục chi tiết mỗi tên đường - phố - ngõ. - Thông số kỹ thuật phải theo số liệu mới nhất mà Sở Giao thông vận tải + Quy hoạch kiến trúc đã điều chỉnh độ dài, chiều rộng sau khi con đường hoặc phố đó đã được kéo dài và mở rộng trên thực địa hiện tại (2009). Nêu được thời gian và quá trình mở rộng, kéo dài càng tốt. - Lịch sử, địa lý vùng đất: phải nêu rõ ít nhất là từ thời Lý - Trần – Lê - Nguyễn thuộc thôn, xã, phường trại của huyện, phủ nào; qua thời kỳ Pháp thuộc, chính phủ Trần Trọng Kim, Cách mạng Tháng 8, trong tạm chiếm và từ sau giải phóng Thủ đô đến nay đã từng được thay đổi tên như thế nào (nếu được nên thêm lý do) tháng năm đổi tên, quyết định đổi tên do chính quyền nào ban hành. Hiện nay đường - phố - ngõ ấy chạy dài trên địa bàn phường hoặc các phường nào thuộc quận, huyện (xã - thị trấn) nào hiện nay. Giới thiệu tên đường - phố - ngõ ấy có các cơ quan công sở nào thuộc chính quyền thành phố, trụ sở UBND quận, huyện, phường sở tại; di tích danh thắng, vườn hoa tiêu biểu; rạp hát - chiếu bóng – nhà văn hoá, thư viện lớn, bảo tàng, trường đại học – cao đẳng; một vài siêu thị - chợ lớn có truyền thống lâu đời, bưu điện, khách sạn, ngân hàng, nhà ga, bến xe, bến tàu thuyền… nằm trên đường phố ấy. Với các phố cổ có chữ “Hàng” nay không còn bán hoặc làm nghề trước đây thì nay mặt hàng nào được bán là chủ yếu. Tiểu sử nhân vật được đặt tên nên lưu ý đến công tích đối với đất nước, với dân là chủ yếu, bên cạnh đó cần có ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất (nếu tư liệu có đầy đủ), quê gốc, nơi cư trú. Nếu cả cha và con, vợ và chồng, anh và em cùng được đặt tên phố Hà Nội cũng nên nói thêm về sự vinh danh ấy. Nếu là địa danh nên cung cấp cho bạn đọc ý nghĩa của tên nôm, tên chữ nơi ấy là đất cổ hay là nơi từng diễn ra sự kiện lịch sử nào, liên quan đến nhân vật nào, di tích nào. Các ngõ mang tên số nhà liền kề nếu trước đây từng có tên chữ mà nay nhiều người vẫn quen gọi, cần ghi lại đầy đủ. Tên lược đồ của đường - phố - ngõ nên có mũi tên chỉ hoặc ký hiệu nơi đầu phố giúp thêm cho người sử dụng dễ thấy dễ tìm, vì có đường phố dài vài km qua hai, ba quận - huyện. - Phần Phụ lục: Giới thiệu một số công viên, vườn hoa, quảng trường chính nên thêm một số hồ lớn, sông lớn, sông cổ của Hà Nội, núi Ba Vì, núi Sóc, núi Đôi… Bảng tra cứu phải từ một tên cổ, tên cũ ra tên mới đổi đang dùng qua tất cả các thời kỳ mới giúp cho người muốn tra cứu, tìm hiểu xưa - nay. Được như vậy mới có thể nói là đáp ứng được các đối tượng rộng rãi như đã nêu trong đề cương và đáp ứng sự mong mỏi của người Hà Nội hôm nay. Chúc đồng chí chủ biên và nhóm biên soạn thành công.
ThS. Triệu Văn Hiển (30/08/2011)
1. Nhận xét chung: Sau buổi họp nghiệm thu lần thứ nhất ngày 12 tháng 2 năm 2009, nhóm tác giả cuốn sách Từ điển đường phố Hà Nội do TS. Nguyễn Viết Chức làm chủ biên đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội đồng và các địa biểu dự họp. Vì vậy Đề cương được các tác giả chỉnh sửa lần này nghiêm túc, gọn gàng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một cuốn Từ điển - loại sách tra cứu cao cấp. Chúng tôi cơ bản nhất trí với các tiêu chí mà nhóm tác giả đề xuất: Mục đích, yêu cầu và đối tượng phục vụ của sách. Đặc biệt phần nội dung chính của cuốn sách - tức là phần nào đưa tên các con đường, con phố, ngõ hiện diện chính thức (có quyết định của UBND Thành phố Hà Nội và UBND Tỉnh Hà Tây trước đây) trên đất Hà Nội từ trước ngày 01/8/2008, cùng với các nội dung liên quan đến các đường, phố, ngõ đó: lược đồ, thông số kỹ thuật, tiểu sử danh nhân, lịch sử địa danh…Tất nhiên sách sẽ ra mắt bạn đọc vào khoảng tháng 3/2010, do đó trong năm 2009 nếu có tên những đường, phố mới các tác giả vẫn có thể bổ sung. 2. Một số ý kiến xin trao đổi thêm Chúng tôi chỉ xin trao đổi với các tác giả một số chi tiết như sau:. - Trang 4, các tác giả viết: Tên đường, phố hoặc ngõ Hà Nội (viết hoa, in đậm), có ghi rõ Đường (Đ), Phố (phố), Ngõ (N) và chú giải Hà Nội cũ (HN), Hà Đông (HĐ), Sơn Tây (ST). Theo chúng tôi đã viết tắt thì cùng viết tắt - Đường trong ngoặc là Đ, Ngõ trong ngoặc là N, thì Phố trong ngoặc cũng chỉ ghi P. Ngoài ra các đường, phố, và ngõ ở Hà Nội cũ đều nằm trong các quận nội thành hoặc các thị trấn. Do đó không cần chú giải các đường phố của Hà Nội cũ là (HN) nữa mà nên chú giải nó ở quận nào: Ba Đình - BĐ, Hoàn Kiếm - HK hay Thanh Xuân - TX, hay thị trấn Đông Anh (ĐA)... là đủ. - Cũng ở cuối trang 4 đầu trang 5, nhóm tác giả dự kiến: Nếu các đường phố của Hà Nội cũ, Hà Đông, Sơn Tây mang tên cùng một danh nhân, không cần phải giới thiệu lại thân thế và sự nghiệp của danh nhân ấy. Theo chúng tôi không chỉ có trùng tên danh mà mà kể cả trùng tên các sự kiện lịch sử (Điện Biên Phủ), các địa danh lịch sử (Bắc Sơn, Mê Linh…) cũng không cần phải nhắc lại các nội dung về các sự kiện lịch sử hoặc các địa danh lịch sử đó nữa. - Ngoài việc đưa vào từ điển một số Công viên, vườn hoa, quảng trường chính, theo chúng tôi nhóm tác giả suy nghĩ thêm có thể đưa vào từ điển một vài chợ tiêu biểu, nổi tiếng của Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Tóm lại, chúng tôi cơ bản nhất trí với nội dung Đề cương của cuốn sách, mà TS. Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự xây dựng. Nếu được ký hợp đồng kịp thời và đầu tư kinh phí thỏa đáng, thì chắc chắn Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có thêm một cuốn sách quý phục vụ cho tìm hiểu, khám phá tương đối đầy đủ, sâu, rộng về đường và phố Hà Nội. Với tư cách là người Hà Nội, chúng tôi xin mong chờ đón đọc cuốn Từ điểm đường phố Hà Nội với sự trân trọng và biết ơn nhóm tác giả cũng như Nhà xuất bản Hà Nội.
Ông Đào Xuân Dương (24/08/2011)
Đây là một công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ và hết sức nghiêm túc của tiến sĩ Nguyễn Viết Chức và tập thể tác giả. Một từ điển tên đường phố đầu tiên được ra đời, khá dầy dặn đã giúp người đọc có cái nhìn cơ bản tên các đường phố của Thủ đô Hà Nội. Qua đó cũng giúp chúng ta có cái nhìn rõ và sáng hơn về lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Thủ đô với một bề dày nghìn năm văn hiến. Đọc “Từ điển tên đường phố Hà Nội" toát lên một tinh thần yêu nước nồng nàn, một ý chí độc lập dân tộc quật khởi, một giá trị nhân văn sâu sắc. Những điển tích, giai thoại giới thiệu các danh nhân lịch sử văn hóa mang đậm chất thơ ca đã giúp cho từ điển có phần hồn. Những làng nghề, phố cổ sự hình thành thay đổi và phát triển của nó gắn với sự phát triển người Hà Nội tạo nên nhân cách người kinh kỳ xưa kia và người Thủ đô ngày nay. Những phong tục, tập quán được giới thiệu trong quyển sách gắn với đường phố đã tạo nên nét riêng có của Thủ đô yêu dấu. Quyển sách đã giới thiệu những thay đổi của phố phường gắn với sự phát triển thăng trầm và bi hùng của Thủ đô. Văn hóa “xứ Đoài" đã được đưa vào sách góp phần hoàn thiện phố phường Thủ đô sau hợp nhất. Chủ đề, bố cục của sách đã đặt được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên một vài vấn đề nên có: kiến trúc phố phường Thủ đô có sự giao thoa kim, cổ, đông tây điều này ít được phản ánh trong Từ điển. Dấu tích phát đạn đại bác tại phố Cửa Bắc cần nêu ra trong từ điển. Tại đoạn nói về phố An Dương lặp lại hai lần số người bị chết trong trận tập kích của B52 là không cần thiết. Chưa có những hình ảnh được lựa chọn giới thiệu vào sách… Tóm lại “Từ điển tên đường, phố Hà Nội" là một quyển sách có giá trị và rất bổ ích cho đông đảo người dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tê. Đây là một công trình khoa học có những đóng góp tích cực cho Tủ sách nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi đánh giá sách đạt loại xuất sắc.
PGS.TS Phạm Mai Hùng (22/08/2011)
Nhận được tập hồ sơ: Đơn đăng ký chủ trì thực hiện đề tài của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” và đề cương chi tiết đề tài: “Từ điển đường phố Hà Nội”, tôi đã đọc kỹ và xin có mấy nhận xét như sau: 1. Về tính cấp thiết của đề tài Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá số một của quốc gia Đại Việt, là Thủ đô - Kinh đô của quốc gia Việt Nam gần tròn 1000 tuổi. Lịch sử xây dựng, phát triển Thủ đô không ngững được mở rộng. Do đó việc biên soạn “Từ điển đường phố Hà Nội” để tiện ích cho hoạt động giao dịch, cho tra cứu và cho quản lý đô thị v.v… là việc làm cấp thiết. Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2008, khi toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), 4 xã thuộc huyện Hương Sơn (tỉnh Hoà Bình) được sát nhập vào Thủ đô Hà Nội thì việc làm trên càng cấp thiết hơn. Bởi ngoài hệ thống đường phố của Hà Nội, chúng ta còn biết đầy đủ, chính xác tên đường, phố của thành phố Hà Đông và thành phố Sơn Tây - tựu chung lại là có được một tập từ điển tên đường, phố Hà Nội đầy đủ nhất (tính đến thời điểm sách được xuất bản) từ trước cho đến nay. 2. Về nội dung 2.1. Cần phải khẳng định đây là loại sách tra cứu tên đường, phố. Do vậy, những thông tin mà sách cung cấp cần ngắn, gọn, xúc tích, chính xác tới mức tối đa và dĩ nhiên là dễ tra cứu. 2.2. Về cơ bản, chúng tôi đồng ý nội dung sách “Từ điển đường phố Hà Nội” mà TS. Nguyễn Viết Chức chủ nhiệm - chủ biên đề tài đã trình bày ở bản đề cương chi tiết của đề tài. Chúng tôi đã từng là cộng tác viên biên soạn Bách khoa thư Việt Nam, Bách khoa thư Hà Nội, nên về bố cục nội dung sách, chúng tôi đề nghị sau lời nói đầu, viết ngay tên đường, phố Hà Nội theo thứ tự a, b, c. Bỏ nội dung: khai lược lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua tên đường phố Hà Nội, thay vào nội dung trên là hưỡng dẫn cách tra cứu. 2.3. Những tiêu chí cần, đủ cho việc giới thiệu một tên đường, một tên phố cần được nhất quán như sau (theo chúng tôi): - Tên đường, phố. - Năm được đặt tên. - Chiều dài. - Chiều rộng. - Vị trí trên bản đồ. - Khái quát nội dung địa danh, danh nhân hoặc sự kiện lịch sử - văn hoá được sử dụng để đặt tên cho đường, phố. 3. Chúng tôi không có bản danh mục tài liệu tham khảo của chủ nhiệm đề tài, xin gợi ý chủ nhiệm nên tham khảo: Từ điển Hà Nội - Địa danh của tác giả Bùi Thiết, Nxb Văn hoá - Thông tin ấn hành năm 1993; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Thắng - Nguyễn Bá Thế, Nxb Văn hoá - Thông tin, xuất bản năm 1999 (in lần thứ 5 có sửa chữa và bổ sung); Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Chương Thâu, Bùi Tuyết Nhung, Nxb Giáo dục - Hà Nội, 2005; Trí thức Việt Nam xưa và nay - do Trung tâm UNESCO phổ biến kiến thức văn hoá giáo dục cộng đồng - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam biên soạn, Nxb Văn hoá - Thông tin ấn hành, Hà Nội 2006… 4. Chúng tôi thấy Nhà xuất bản Hà Nội có thể ký hợp đồng với chủ nhiệm đề tài sau hội nghị này để kịp triển khai.
KTS. Nguyễn Trực Luyện (22/08/2011)
1. Đây là cuốn sách trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ được xuất bản dịp kỷ niệm Hà Nội một nghìn năm tuổi, vào 2010. Từ ngày 01/8/2008 Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, bao gồm trong nó cả thành phố Hà Đông và thành phố Sơn Tây. Vậy nên phạm trù “Hà Nội” trong tên gọi “Từ điển đường phố Hà Nội” không chỉ còn đóng khung trong Hà Nội trước mở rộng nữa. Vấn đề này trong đề cương chưa được đặt ra và chưa có giải pháp xử lý thích hợp trong cấu trúc của Từ điển. 2. Về yêu cầu của sách: Ngoài cung cấp thông tin cho người đọc thì sách cung cấp các dữ liệu cho việc nghiên cứu quy hoạch và quản lý đô thị (xây cất nhà cửa, phát triển và cải tạo giao thông, kết cấu hạ tầng đô thị). 3. Đối tượng phục vụ của sách gồm 2 thành phần: - Độc giả phổ thông trong các tầng lớp xã hội và du khách trong và ngoài nước - Các nhà nghiên cứu. 4. Về yêu cầu của sách: Vì là từ điển nên cần nhấn mạnh tính khoa học và chuẩn xác. 5. Nên có cấu trúc thống nhất cho một mục từ (tên đường phố) như: - Tên gọi. - Vị trí trong đô thị, kèm theo trích lục bản đồ. - Các thông số kỹ thuật (độ dài, chiều rộng…). - Chức năng, đặc điểm (nhà ở, dịch vụ, thương mại…) của đường, phố trong đô thị. - Lịch sử đặt, đổi tên đường phố. - Thông tin về danh nhân, hoặc địa danh được đặt tên.
ThS. Triệu Văn Hiển (22/08/2011)
. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu, xuất bản sách: Chỉ còn chưa đầy 675 ngày nữa là Hà Nội - Thủ đô yêu dấu của chúng ta sẽ bước vào tuổi một ngàn. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân Hà Nội, mà là niềm tự hào chung của cả dân tộc Việt Nam. Bởi vì, trong suốt chiều dài một thiên niên kỷ ấy biết bao sự kiến oai hùng đã xảy ra trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này và biết bao thế hệ người dân Việt Nam đã lao động quên mình và hy sinh xương máu để xây dựng và bảo vệ cho một thủ đô giàu đẹp, một thành phố vì hòa bình - Trung tâm chính trị, Trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa của cả nước như ngày hôm nay. Với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, thăm quan Hà Nội ngày càng nhiều. Đặc biệt xuất phát từ yêu cầu phát triển của Thủ đô, nên từ ngày 01 tháng 8 năm nay, Hà Nội được mở rộng ra cả phần đất của tỉnh Hà Tây, một phần của Vĩnh Phúc và 4 xã của Hòa Bình. Do đó, việc quản lý, tìm hiểu về một Thủ đô rộng lớn như hiện nay đòi hỏi phải có nhiều loại sách công cụ tra cứu, mà một trong những loại sách công cụ quan trọng đó là các loại Từ điển về các lĩnh vực khác nhau, trong đó Từ điển về các tên đường tên phố của Hà Nội là một cuốn Từ điển rất cần thiết. Mặc dù trước đây đã có một số sách xuất bản viết về đường và phố Hà Nội, nhưng mỗi cuốn sách viết với mục đích, mục tiêu sử dụng, quảng bá khác nhau, nên chưa thể đáp ứng một cách tổng thể về các nhu cầu tìm hiểu về các đường phố Hà Nội. Thậm chí có những cuốn còn đưa nhiều thông tin khác nhau (không kể các thông tin không chuẩn xác). Đặc biệt phần Hà Nội mới mở rộng từ 01/8/2008 thì không sách nào trước đó được đề cập tới. Chính vì vậy TS. Nguyễn Viết Chức và các cộng sự chọn và đăng ký thực hiện cuốn Từ điển đường phố Hà Nội là một cuốn sách quý và bổ ích phục vụ cho việc quản lý, tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của nhóm tác giả (trang 2) là Tên đường phố là các tên gọi, là địa chỉ để quản lý đô thị và giao dịch, nhưng tên còn là ý chí, tình cảm, nhận thức của thời đại về lịch sử và văn hóa của một thành phố. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và trân trọng ý tưởng cho ra đời cuốn sách Từ điển đường phố Hà Nội trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 2. Về nội dung cuốn sách Ngoài phần Lời nói đầu, khái lược về lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua tên đường phố, còn lại chủ yếu là phần giới thiệu tên các con đường, con phố và một số ngõ của thành phố Hà Nội ngày nay. Đây được coi là phần trọng tâm nhất của cuốn sách, vì vậy nhóm tác giả đã dành trọn 900 trang trong tổng số 1000 trang của cuốn sách cho phần này. Bố cục như vậy là thỏa đáng và hợp lý, tránh được các nội dung thừa hoặc không cần thiết cho một cuốn Từ điển. Về các nội dung chi tiết: Theo nhóm tác giả dự kiến sẽ đưa vào mỗi mục tên của một đường hoặc phố (cả tên của 130 con ngõ) các nội dung sau: - Trích lục bản đồ trong đó có đường hoặc phố với nguyên tắc dễ tra cứu, dễ tìm kiếm trên thực địa. - Thông số kỹ thuật: độ dài, chiều rộng - Lịch sử, địa lý vùng đất nay là đường hoặc phố. Năm tháng, lý do, ý nghĩa của việc đặt đổi tên đường hoặc phố. - Tất nhiên là các con đường hay phố mang tên nhân vật lịch sử thì có tóm tắt tiểu sử của nhân vật ấy. Theo chúng tôi đưa vào mỗi mục từ tên đường, tên phố hoặc tên ngõ những nội dung như trên là cần thiết, vì thông qua các nội dung như trên, người đọc có thể tiếp cận một cách gián tiếp với các đường và phố của thủ đô Hà Nội. Đồng thời qua đó còn hiểu biết được thêm các kiến thức khác về địa lý, lịch sử, văn hóa… gắn liền với tên gọi các con phố, các con đường trên khắp các quận nội thành củaHà Nội trước đây (trước 01/8/2008) cũng như Hà Đông và Sơn Tây. Song theo chúng tôi để cho cuốn sách trọn vẹn hơn và đáp ứng tối đa cho các độc giả cần nghiên cứu, tìm hiểu về đường phố Hà Nội, nhóm tác giả cuốn sách cần bổ sung và lưu ý thêm một số điểm như sau: 1. Về quy mô lựa chọn các tên đường tên phố, tên ngõ để đưa vào Từ điển, nên lưu ý cả các tên đường, tên phố của các thị trấn, thị xã thuộc Hà Nội ngày nay (sau 01/8/2008). Vì đây là cuốn Từ điển đề cập đến đường phố của cả thành phố Hà Nội nói chung, chứ không phải chỉ có tên đường và phố, ngõ nội thành Hà Nội. Đồng thời có đề cập đầy đủ như vậy thì đây cũng là một điểm rất mới, rất khác so với một số sách viết về đường và phố Hà Nội xuất bản trước đây. 2. Hà Đông giờ đây là một Quận nội thành Hà Nội, vì vậy các tên đường tên phố của Hà Đông cũng được sắp xếp như tên đường, tên phố, ngõ của các quận khác, không nên xếp các đường, phố Hà Đông ở một mục riêng (sách sẽ in vào đầu năm 2010, mà Hà Đông là quận nội thành Hà Nội từ tháng 11 - 2008). Trong trường hợp các tên trùng nhau có thể ghi thêm phố hoặc đường đó thuộc Quận nào (vì thông số kỹ thuật: độ dài, chiều rộng khác nhau). 3. Trong phần nội dung để giới thiệu về tên một đường hoặc phố, nên giới thiệu tên các Di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, các cơ quan, các doanh nghiệp lớn đang tọa lạc tại đó. 4. Để phục vụ cho nghiên cứu cần có Bảng tra cứu tên các đường phố Hà Nội qua các thời kỳ (tên gọi thời Pháp thuộc - tên gọi ngày nay). 5. Trong Từ điển nhóm tác giả dự kiến sẽ giới thiệu một số công viên, quảng trường, đây là nội dung rất cần thiết và tiện ích cho loại sách công cụ. Nhưng theo chúng tôi, nên có cả tên các chợ tiêu biểu của nội thành Hà Nội. Tóm lại, tìm hiểu về đường và phố là một nhu cầu thiết yếu của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà kinh doanh và khách du lịch. Nhất là đối với một Thủ đô thì loại sách tra cứu như Từ điển đường phố càng cần thiết hơn. Vì vậy việc cho xuất bản cuốn Từ điển đường phố Hà Nội trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến chắc chắn sẽ được công chúng nhiệt liệt hưởng ứng và đón đọc với sự trân trọng và biết ơn nhóm tác giả cũng như Nhà xuất bản Hà Nội.
NNC. Giang Quân (20/05/2010)
1. Nhìn chung Trước hết xin hoan nghênh ý tưởng của chủ biên và nhóm biên soạn đã bày tỏ trong “lời nói đầu”: “Chúng tôi muốn đem đến cho độc giả một cuốn Từ điển tên đường phố Hà Nội đầy đủ hơn, thuận tiện hơn cho việc tra cứu cũng như sử dụng nó trong đời sống thường nhật”, bởi lẽ như nhận định của nhóm biên soạn các sách về tên đường phố xuất bản trước đây “còn hạn chế về các tư liệu để biên soạn…” Còn nhiều tên đường phố của Hà Nội chưa được giới thiệu, còn thiếu những thông tin cần thiết hoặc một vài chi tiết chưa được chính xác cần được chỉnh lý hoặc bổ sung cho đầy đủ hơn” làm được như vậy cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội” trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến sẽ rất xứng đáng là cẩm nang đầy đủ và chính xác nhất về loại sách này. Chúng tôi cũng rất tin đó là hiện thực, bởi những ưu điểm mà tác giả và tác phẩm trong lần biên soạn này có được. Đó là: 1- Tiếp cận được khối lượng tư liệu tham khảo quý của các phông lưu trữ mà những người đi trước chưa có điều kiện và tận dụng được những công trình giới thiệu đường phố Hà Nội đã xuất bản từ trước tới nay (không ít). 2- Lần đầu tiên làm được lược đồ từng đường phố giúp bạn đọc nhận thức dễ dàng, hơn là chỉ mô tả bằng lời. 3- Lần đầu có đủ các đường phố của quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây. 4- Chủ biên và những người biên soạn đã từng giữ những nhiệm vụ trực tiếp trong việc đề xuất đặt tên phố để Hội đồng nhân dân thành phố quyết định trong nhiều năm, như: Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, bà Nguyễn Thị Dơn - thư ký Hội đồng đề xuất tên phố và soạn thảo lập kho dữ liệu cho việc đặt tên phố lâu dài. Bởi vậy, khi tiếp nhận bản thảo lần đầu, Từ điển đường phố Hà Nội, tuy còn thiếu phần Phụ lục, cũng đã dày tới 742tr A4 đánh vi tính cỡ chữ nhỏ, dòng xít, mà thời gian hoàn thành chỉ trong 10 tháng, kể từ khi đề cương chi tiết được nghiệm thu (tháng 2 - tháng 12/2009). Đó là một cố gắng rất đáng khích lệ, rất đáng khen ngợi. 2- Tổng kê và phân tích 2.1. Căn cứ danh mục đường – phố - ngõ, toàn thể (từ A đến Y) có 828 mục từ. Kiểm tra lại thấy danh mục kê trùng tên 1 phố (Ngụy Như Kon Tum), sót tên 13 đường phố, phát hiện còn thiếu 1 phố (Lê Hữu Trác (HĐ)) và 2 ngõ (ngõ Hàng Cháo (HN cũ)), ngõ Lạc Sơn (ST)). Như vậy, xác định lại đưa vào sách phải có 843 mục từ tên đường, phố, ngõ, chưa kể còn do dân tự đặt: phố Đông Quan, ngõ Tuổi Trẻ… Trong số này có 62 đường, phố trùng tên: Hà Đông trùng 53, Sơn Tây trùng 20 với Hà Nội (cũ). Trong đó có 11 trường hợp trùng cả ở 3 nơi (Hà Nội (cũ) – Hà Đông – Sơn Tây); có 7 trường hợp trùng người nhưng tên đặt khác nhau (Lê Lợi với Lê Thái Tổ, Lãn Ông với Lê Hữu Trác, Minh Khai với Nguyễn Thị Minh Khai, Tản Đà với Nguyễn Khắc Hiếu, Trạng Trình với Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trương Công Định với Trương Định, riêng Hai Bà Trưng đặt rất đa dạng: Hai Bà Trưng (HN), Trưng Trắc và Trưng Nhị là 2 phố HĐ, Trưng Vương (ST)). 2.2 Rất nhiều tên phố được đổi tên qua nhiều lần chủ yếu là ở giai đoạn thay thế nhà cầm quyền thành phố. Có thế phân định việc đặt tên và đổi tên theo các giai đoạn sau: + Thời phong kiến gọi tên phố theo nghề và sản phẩm bán ở đó, bắt đầu bằng chữ Hàng, chưa có biển tên phố. + Thời Pháp thuộc các tên phố Hàng chuyển ngữ sang tiếng Pháp ở các biển tên phố, nhưng trong dân gian vẫn gọi như cũ. Phố mới đặt tên Tây. + Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, thị trưởng Hà Nội đổi tên tất cả các phố mang tên sĩ quan và quan chức người Pháp bằng các danh nhân Việt Nam thời phong kiến. + Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhân dân thay thế một số tên chiến sĩ yêu nước và cách mạng thời hiện đại đã hy sinh. + Thời Pháp tạm chiếm đổi tên các chiến sĩ cách mạng, đưa tên một số quan chức cộng tác với Pháp thời kỳ mới chiếm Hà Nội làm nhượng địa. + Sau hòa bình lập lại, thủ đô giải phóng, ta cho đổi những tên phố mang tên người không có công với sự nghiệp cách mạng. Sau đó, đổi một số tên phố rải rác nhiều năm để thay vào tên các lãnh tụ cách mạng của Đảng, còn chủ yếu là đặt tên đường phố mới mở. 2.3- Có mấy vấn đề nổi cộm trong việc đặt tên phố Hà Nội: + Chưa có quy chuẩn cụ thể phân loại: đường, phố, ngõ (ở độ dài, chiều rộng, vỉa hè, cấp - thoát nước, điện chiếu sáng, nhà cửa hai bên). Một số đặt là đường, ít lâu thành phố. Một vài ngõ có độ dài nhưng chưa có vỉa hè vẫn được gọi là phố, mặc dầu chưa có văn bản nào công nhận (ngõ chợ Khâm Thiên được gọi là phố chợ Khâm Thiên). + Chỉ mới có quy định người mất sau 10 năm mới được đặt tên phố còn đặt tên thế nào chưa nhất quán (tên thật, tên hiệu, bí danh, bút danh, theo miếu hiệu (vua), theo tước phong, tên nôm thường gọi). Thí dụ: - Tên thật Lê Lợi, tên miếu hiệu Lê Thái Tổ - Tên thật: Trần Tế Xương, tên học vị Tú Xương - Tên thật Trần Hữu Tri, bút danh Nam Cao - Tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, tên hiệu Tản Đà - Tên thật Nguyễn Gia Thiều, tên tước phong Ôn Như Hầu - Tên thật Nguyễn Công Miều, bí danh Lê Văn Lương - Tên thật Nguyễn Đức Ngữ, tên nôm Đốc Ngữ Cho nên vẫn là một người mà mỗi nơi đặt một khác. Ngoài cách đặt tên theo danh nhân, còn đặt tên theo địa danh (nơi đó như Kim Liên, Đại Từ; nơi từng có cơ sở đó: Tràng Thi, Tràng Tiền; nơi có di tích: chùa Vua, chùa Một Cột, Pháo Đài Láng; nơi có bán hoặc làm việc đó: ngõ Gạch, Lò Lợn, tên ghép hai địa danh: Nhân Hòa = Quan Nhân + Hòa Mục, Thổ Quan = Quan Thổ + Quan Trạm). Đặt tên theo mỹ tự: Tiến Bộ, Đoàn Kết, Đồng Tâm, Chiến Thắng, Hòa Bình, Thống Nhất… (chủ yếu sau giải phóng Thủ đô). Đặt theo địa danh lịch sử: Bạch Đằng, Chương Dương, Vạn Kiếp. Điện Biên Phủ. Lại còn có tên do dân tự đặt để tiện liên lạc do thành phố chậm đặt tên: Đông Quan, Hồng Liên, Đông Tây, Tuổi Trẻ, Quảng Bá. Cũng cần so sánh với các địa phương khác hoặc cách đặt của người Pháp xem thế nào thuận tiện, phù hợp hơn như: ở TP. Hồ Chí Minh trừ 5 đại lộ (Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Duẩn) còn tất cả gọi là đường. Người Pháp chia ra: Rue = phố, Voie hoặt Route = đường (phần lớn chỉ đánh số, chờ xây dựng hoàn chỉnh đặt tên chính thức), Boulevard = đại lộ, Avenue = phố lớn có nhiều cây xanh. Trên phố có ngõ, trong ngữ có ngách (TP. Hồ Chí Minh gọi chung là Hẻm). Qua đó, có thể gợi ý cho cơ quan quản lý đi tới thống nhất cách gọi và đặt tên cho đường phố. 3. Đề nghị: Cần có một bài Tổng quan về tình hình trên ở đâu sách thay cho “Lời nói đầu”, đề cập đến thực trạng đang tồn tại và quá trình thay đổi tên phố Hà Nội từ xưa đến nay đầy đủ và có dẫn chứng cụ thể. Như vậy nâng được tầm nội dung của cuốn sách, tỏ rõ tính nghiên cứu, điều tra, cập nhật mà nhiều sách cùng đề tài chưa đến được. Tất nhiên làm việc này nhóm biên soạn sẽ mất công sứu, vất vả hơn, nhưng giá trị hơn. Nhận xét bản thảo 4. Về lược đồ: - Không nên để tỉ lệ so với thực địa dù đã có nói là tương đối, vì các thông số cho khoảng cách khá xa nhau (đường Phạm Văn Đồng 520m, lược đồ theo tỉ lệ chỉ 2100m). - Chỉ có lược đồ đường và phố, không có ngõ, cho nên trên lược đồ của đường phố nào có ngõ cùng tên nên được thể hiện. - Một số lược đồ quá đơn giản, chỉ có phố giao nhau ở đầu và đuôi, không thể hiện phố, ngõ ngang, đường cắt qua, cần bổ sung. - Thể hiện trên lược đồ còn sai hoặc chưa cập nhật (Thí dụ: Phủ Diễn chợ ở bên trái không phải ở bên phải sau Cầu Diễn; Ninh Hiệp ghi chữ “ngã tư chơk vải” nhưng không có ngã tư; Tam Trinh ở cả 2 bên sông Kim Ngưu chỉ thể hiện 1 bên; phố Hồng Liên do dân tự đặt đã có tên chính thức là Ngụy Như Kon Tum nhưng vẫn để tên Hồng Liên ở nhiều lược đồ phố lân cận). - Đặt sai nhiều lược đồ: Đốc Ngữ đặt lược đồ Phạm Hồng Thái, Hàng Dầu thành Hàng Đậu, Hào Nam thành Giảng Võ, Nguyễn Trực Thành Nguyễn Hiệu? (có phố này không?)… Một số phố chưa có lược đồ (Lê Thanh Nghị…) - Nên rút bớt lược đồ trùng nhau ở phố Long Biên 1 và 2, Yên Phụ… vì giống như nhau. 5. Về sắp xếp theo trình tự từ điển ABC Còn nhiều lộn xộn chưa tuân thủ đúng trình tự cần điều chỉnh lại (Phạm Văn Đồng trước Phạm Hùng, Phạm Tuấn Tài; Sơn Nam trước Sơn Lộc; Nguyễn Thị Định sau Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiếp…). 6. Về mô tả đường phố: + Ghi sai tên: Quán Thánh là Quan Thánh, Tức Mặc là Tức Mạc, Lý Tự Trọng là Lý Tử Trọng, trong phố Ngô Quyền: Lê Gia Đỉnh gọi sai là Lê Gia Định… + Chưa có tiểu sử: Lý Tự Trọng, Trần Văn Chuông. + Chi tiết chưa đúng: Nguyễn Trực (HĐ) thuộc phường Kiến Hưng, không có phường Đa Sĩ, phố Lê Thanh Nghị trên đất Phương Liệt không phải Thanh Liệt. Thịnh Yên trước đây là phường Dumoutier? Trung Tả thuộc phường Thổ Quan, không phải Khâm Thiên Yên Thế (phố) thuộc phường Điện Biên, chỉ có ngõ thuộc phường Văn Miếu. Thanh Yên làng sao lại thuộc thôn được. Ngõ Quỳnh chỉ là một, có nhiều nhánh chứ không phải 2 ngõ. Vĩnh Hưng là tên cổ của Vĩnh Tuy chứ không phải là Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh. Việt Hưng là con đường duy nhất vào khu đô thị Việt Hưng, huyện Thanh Trì, sai, còn có đường vào từ Ô Cách, Lệ Mật, Ngô Gia Tự. La Thành (ST) chạy qua 5 phường, chỉ ghi tên có 4 phường Huỳnh Văn Nghệ dẫn sai hai câu thơ, đúng là: Từ thuở mang gươm đi mở cõi Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long + Cần xem lại độ dài các phố, có phố ghi độ dài mét đến số lẻ (152m, 216m) nhưng nhiều đường phố lại chỉ số tròn (90m, 1200m, 1000m) Hoàng Đạo Thúy 1100m ghi sai là 110m. + Trùng lặp: Mỗ Lao (trang 350 - 355), ngõ Quỳnh… + Chưa cập nhật: Ngõ Nhà thờ Nam Đồng rẽ vào Công ty Thảm len, nay đã là vườn hoa 1-6 phố Vũ Xuân Thiều từ quốc lộ 5 vào, nay là đường Nguyễn Văn Linh, phố Lê Thái Tổ: đình Nam Hương đã đưa vào thờ Lê Thái Tổ, Cục Văn hóa Thông tin cơ sở này là Cục Văn hóa cơ sở. Vọng Hà lời mô tả khác với lược đồ. Ngõ Hàng Bông Lờ phát hiện ra là biển phố chỉ ghi ngõ Hàng Bông vậy vần theo cái biển đang treo hay theo quyết định HĐND mà không ai biết? Giải thích Cơ Xá không đúng. Chữ Hán có tới 7 chữ Cơ, Cơ này không thể là máy móc mà là Cơ hàn, đói, mất mùa. Vì vậy mới có chuyện dân kiến nghị đồi lại là An Xá. Bác ý kiến của sách khác cho Phương Mai là do ghép hai địa danh Phương Liệt và Bạch Mai (hoặc ở giữa Phương Liệt, Bạch Mai). Vậy tại sao Pháp đặt tên bệnh viện Bạch Mai, phi trường Bạch Mai ở trên đất không thuộc Bạch Mai (hoặc Hồng Mai trước kia) có bản đồ địa bạ chứng cứ không? (Còn nhiều chỗ sai khác, ở đây chi ghi một số thí dụ, cần đọc kỹ thẩm tra thêm). + Đây là từ điển đường phố nên mô tả đường phố và giới thiệu tóm tắt tiểu sử người được đặt tên là cần thiết, có thể nêu ở đường phố ấy có các di tích văn hóa, lịch sử nào giá trị phục vụ du lịch, nhưng có lẽ không cần đi sâu mô tả di tích, đưa cả câu đối, hiện vật, truyền thuyết vị thần đang thờ, đó thuộc về một cuốn sách khác có lẽ hơn. Chú ý độ dài tiểu sử cho phù hợp (Võ Văn Dũng 40 dòng, Quang Trung 21 dòng)… Các phố trùng tên ở HĐ, ST cần có chỉ dẫn xem tiểu sử ở phố Hà Nội cũ. Nguyễn Trãi, nhà văn hóa lớn mà không đưa tên các tác phẩm tiêu biểu… + Rất không nên sao chép nguyên văn ở đường phố trong sách khác đưa vào. Tham khảo để viết lại theo phong cách của mình mới là cách làm đúng đắn. + Phần phụ lục ngoài quảng trường, vườn hoa, công trình công cộng tiêu biểu, nên có bảng đối chiếu tên phố cũ với tên phố đã thay đổi. 7- Kết luận Với tính trung thực của người phản biện, tôi đã nêu ra dù chưa hết mới chỉ là thí dụ, đã thấy ngổn ngang, nhưng không có gì đáng quan ngại. Đó chỉ do sự thẩm định đọc lại, rà soát lại của nhóm biên soạn chưa thật kỹ, trong đó có nhiều lỗi do đánh vi tính (nhất là các con số, năm tháng sự kiện, tên người). Ta chỉ cần một thời gian ngắn chỉnh lý, sửa chữa, bổ xung, thêm bớt, thay đổi là hoàn chỉnh được tác phẩm. Đồng thời, với một bài mở đầu mang tính tổng quan, bình luận, nhận xét về quá trình đặt tên, đổi tên từ trước đến nay, chắc chắn cuốn từ điển đường phố Hà Nội sẽ là một trong những sách hay trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến. Vì vậy, tôi đề nghị Hội đồng nghiệm thu chấp nhận bản thảo này, sau khi hoàn tất, đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội chuẩn bị phương án lên maket, làm chế bản để sách ra sớm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
ThS. Triệu Văn Hiển (20/05/2010)
Cuốn sách Từ điển đường phố Hà Nội do TS. Nguyễn Viết Chức và các cộng sự biên soạn – một công trình chào mừng Đại lễ Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi, là một cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung khoa học mang đậm nét lịch sử, văn hóa. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, các tác giả cuốn sách đã bám sát Đề cương đã được phê duyệt, tiến hành sưu tầm tư liệu xây dựng bản thảo cho 828 tên đường, tên phố và tên ngõ của Thủ đô Hà Nội vào thời diểm cuối năm 2009. Mỗi đường, phố, ngõ của Hà Nội cũ, cũng như của Hà Đông và Sơn Tây được nghiên cứu, được tìm tòi và chắt lọc từ hàng trăm trang tư liệu để xây dựng được các tiêu chí về tên gọi, lược đồ, kích thước, năm đặt tên, lịch sử tên gọi và trích ngang các nhân vật lịch sử mà con đường, dãy phố hoặc cái ngõ ấy được vinh dự mang tên. Sau khi đọc - mặc dù cũng chỉ mới đọc nhanh, qua trên 700 trang bản thảo giấy A4, chúng tôi đã thấy sự kỳ công, cẩn trọng và tỷ mỉ của nhóm tác giả trong quá trình biên soạn cuốn Từ điển đường phố Hà Nội . Nếu so với một số công trình Từ điển về tên các đường, phố của Hà Nội được xuất bản trước đây, thì công trình Từ điển đường phố Hà Nội lần này do TS. Nguyễn Viết Chức làm chủ biên đã hội đủ nhiều yếu tố, mà các cuốn Từ điển trước đây không có hoặc chưa có. Đặc biệt trong cuốn Từ điển đường phố Hà Nội biên soạn lần này đã đưa vào gần 100 tên đường, tên phố và tên ngõ của hai đô thị của Hà Tây trước đây mới nhập vào Thủ đô Hà Nội từ ngày 1 tháng 8 năm 2008 đó là Hà Đông và Sơn Tây. Bố cục cuốn từ điển hợp lý, khoa học, cách trình bày rõ ràng khúc triết, các lược đồ vẽ dễ hiểu, thuận tiện cho tra cứu, tìm vị trí các con đường, con phố, ; Các nội dung về lịch sử hình thành đường phố, tiểu sử tóm tắt các nhân vật lịch sử được đặt tên cho các đường phố Hà Nội được các tác giả chọn lọc tương đối kỹ càng, liều lượng thông tin vừa đủ, tập trung vào các khía cạnh chính và bám sát vào mục tiêu của cuốn Từ điển, cùng với cách hành văn nhẹ nhàng, khoáng đạt, do đó người sử dụng Từ điển không bị chi phối bởi các chi tiết vụn vặt, không nhàm chán khi tra cứu tìm thông tin trong từng mục từ, cũng như khi dọc toàn bộ nội dung Từ điển với tư cách là một công trình văn hóa. Đọc Từ điển đường phố Hà Nội chúng ta có thể thấy được sự phát triển không ngừng của Thủ đô Hà Nội trong mấy trăm năm qua. Từ chỗ mới chỉ có 36 phố phường, ngày nay qui mô Hà Nội được mở rộng cả về diện tích, dân số và cả vê qui hoạch đô thị. Với gần 1000 con đường, dãy phố, con ngõ có tên và không có tên được gọi theo số, người đọc có thể tìm trong đó một kho tàng đò sộ kiến thức về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, văn học, nhân học, địa lý…Có thể nói rằng Tập bản thảo cuốn Từ điển đường phố Hà Nội cơ bản đáp ứng được mục tiêu ban đầu đề ra, hội đủ các yếu tố của một cuốn từ điển về tên gọi các đường phố của Thủ đô Hà Nội. Song, để sản phẩm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được hoàn thiện hơn, chất lượng hơn chúng tôi xin được trao đổi cùng nhóm tác giả một số ý như sau: 1- Ở trang 2 mục 2 và mục 1 chỉ là một nội dung. 2- Trong bản thảo còn bị nhiều lỗi chính tả do đánh máy vi tính, nhiều chỗ các địa danh, các tên người hoặc các từ chỉ phương hướng Tây- Nam, Đông, Bắc… không viết hoa (Trg.81); Có nhiều chữ bị nhảy từ khi đánh máy tính (â-ô, Ái mộ thành Ái Môi,…)Có một số chỗ dùng từ chưa chuẩn xác. Xin phép được nêu vài ví dụ: Trang 15 HĐ thiếu chữ H; Trang 18 phố Bảo Khánh: còn gọi là phố Bảo Khánh? Trang 26 mục từ Bùi Bằng Đoàn (dòng 3 từ dưới lên: câu cụt, không có chủ ngữ); Trang 37 Không nên viết là cấp II Cát Linh mà phải viết là THCS Cát Linh; Trang 43 - dòng thứ 8 trên xuống– viết F. Garnier bị phục kích chạy về đến Giảng Võ thì chết – dùng từ chết không chuẩn (có lẽ nên viết :bị quân Triều đinh nhà Nguyễn giết chết). Trang 47 dòng thứ 4 từ trên xuống, (sau này…)câu này không có chủ ngữ và tối nghĩa; Có chỗ thừa chữ (Trg 53 dòng 9 trên xuống); Trg 59 ba chữ Diên Hựu tự lại viết thành 3 tên Diên Hựu tự. Nhiều chỗ hành văn còn bị trùng lặp (Trg 59, ). Trang 81 thiếu chữ Đại An (P.HĐ). Vì là Từ điển, nên không dùng quá nhiều mỹ từ, có chỗ dùng hơi quá (Trg 91 – Rất cực kỳ nổi tiếng – đã rất lại còn cực kỳ!); Trang 223: Cụ Hoàng Hoa Thám mất năm 1913 chứ không phải 1931 (dòng 5 dưới lên dùng từ hàng chục năm là không chuẩn vì từ 1897 đến 1913 chỉ có 6 năm); Trang 454 Đại hội Đảng VI viết thành XI 3- Một số mục từ thiếu thời gian đặt tên (kể cả phố mới được đặt tên gần đây, nhiều nhất là các phố ở HĐ và ST): Cầu Mới (Trg 44), Cầu Trì (trg 45); Hoặc giải thích về tên gọi còn sơ sài (cả mục từ Cầu Trì có 3 dòng). Phố Gia Quất (Trang 135) thiếu năm đặt tên (6/2008); Lược đồ vẽ chưa chuẩn lắm; cuối phố này là Chung cư Đầm Nấm thuộc ngành Đường săt (không phải tập thể Trung học Đường săt). Nên có vài dòng về làng Gia Quất xưa (hát ả đào?) Mục từ phố Huế trang 244 viết về lịch sử các sự kiện liên quan đến địa danh này còn dài, trong khi đó chưa giải thích con phố này gọi là phố Huế tức là mang tên thành phố Huế - tên cố đô Huế (?!) Mục từ Long Biên I và II (Trg 321) gọi là đường không đúng mà là phố và đã 5 năm nay thuộc phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên chứ không thuộc Thị trấn Gia Lâm, huyện Gia Lâm nữa. Mục từ 19 tháng Chạp (trang 352). Ở đây lấy sự kiện ngày 19/12/1946 đặt tên cho con phố này, do đó tháng 12 Dương lịch không phải là tháng Chạp. 4- Một số thuật ngữ dùng tư liệu cũ nên không còn phù hợp nữa (Bây giơ không còn gọi là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội mà đã thống nhất chỉ gọi là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – lỗi này ở hầu hết các mục từ mang tên các vị tiền bối của Đảng: Hồ Tùng Mậu trang 239; Lê văn Lương trang 308; Ngô Gia Tự 371; Nguyễn Đức Cảnh trang 405; Phan Đăng Lưu trang 490; Trần Cung trang 614, trang 671….). Trang 209 Cục Văn hóa cơ sở chứ không gọi là Cục Thông tin cơ sở; Trang 244 chỉ nêu cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương nay đã có thêm hai cây cầu mới Thanh Trì và Vĩnh Tuy. Mục từ Lê Hồng Phong phần trích ngang thiếu chi tiết quan trọng ông là Tổng Bí thư giai đoạn 1935-1936 Mục từ Lý Tự Trọng trang 338 thiếu Tiểu sử của Ông. Lê Gia Đỉnh (trang 286) có phải là Lê Gia Định không? (trang 273) Mục từ Nguyễn Đức Cảnh (trang 405) phần tiểu sử của Ông thiếu chi tiết quan trọng là: Ông tổ chức Đại hội đại biểu Tổng Công Hội đỏ Bắc Kỳ ngày 28/7/1929 và ông được bầu làm Tổng thư ký Hội. Chính ngày 28/7 là ngày truyền thống Công đoàn Việt Nam Mục Tôn Đức Thắng trang 598 viết Cụ là nông dân Cù lao Ông Hổ là không đúng, vì từ khi còn rất trẻ cụ đã lên Sài Gòn học rồi thành thợ và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Mục từ Trạng Trình trang 609 cần có dòng chữ: Xem thêm mục từ Nguyễn Bỉnh khiêm Trang 614 viết về cụ Trần Cung dùng các từ làm để chỉ chức vụ của Ông nghe chưa chuẩn lắm: làm Xứ ủy viên Bắc Kỳ; làm ủy viên thường tực… làm Chành tòa… Mục Trần Văn Chuông (trang 646) không có Tiểu sử của nhân vật này và dùng khái niệm chợ vồ trong Từ điển nghe ra có vẻ dân dã quá chăng?! Trang 715 phố Yên Bình nội dung mục từ này quá sơ sài chỉ có 3 dòng cẩn sưu tầm bổ sung thêm về lịch sử vùng đất này. 5- Tại một số mục từ còn dùng các địa danh cũ – không cập nhật thời sự. Chẳng hạn trang 146 viết Phúc Thọ Hà Tây và Yên Lãng Vĩnh Phúc cả hai địa danh trên đã thuộc về Hà Nội 18 tháng rồi và Yên Lãng đã là Mê Linh từ lâu rồi. Trang 148 vẫn viết là Hà Sơn Bình? Trang 224 Lệ Mật nay đã là Phường Lệ Mật thuộc Q Long Biên – không phải thuộc huyên Gia Lâm nữa. Trang 332 Lập Thạch chứ không phải là Tập Thạch; Tam Nông thuộc Phú Thọ chứ không phải của Vĩnh Phúc Trang 333 Gia Viễn thuộc Ninh Bình chứ không thuộc Nam Hà. Trang 353 không nên dùng từ Mạc Tư Khoa mà nên phiên âm thành Matxcơva hoặc Moscova thì đúng hơn. Trang 498 Can Lộc từ xưa đến nay là một huyện của tỉnh Hà Tĩnh chứ không phải của Nghệ An Trang 659 Thời Pháp ngõ Trung Yên viết là ruelle de Chung Yên nhóm tác giả cho là viết sai chính tả thì chưa chắc đã đúng, vì tiếng Pháp nếu viết là Trung Yên thì sẽ đọc là Tờ - rung Yên, cho nên có thể họ viết thành Chung Yên chăng? Có lẽ tốt nhất không cần giải thích gì thêm chỉ biết là thời Pháp gọi là ngõ Chung Yên là được. Trang 661 có phố Trương Định còn trang 663 có phố Trương Công Định. Nếu hai cụ là một thì trang 663 nên có thêm dòng chữ : xem thêm mục từ Trương Định Trang 666 và 667 có các phố Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trưng Vương cần có thêm dòng chữ Xem thêm mục từ Hai Bà Trưng 6- Một số phố nhầm hoặc trùng lược đồ; hoặc không có lược đồ. Chẳng hạn trang 175 Hàng Dầu thành Hàng Đậu; Mục Hội Tin Lành (trang 240) và mục Nguyễn Phạm Tuân (427) không có lược đồ; Trang 448 lược đồ sai ? (phố Nguyễn Trực nhưng lược dồ ghi tên là phố Nguyễn Hiệu) Trang 717-718 hai lược đồ Đường Yên Phụ và Phố Yên Phụ trùng nhau. 7- Những vấn đề có yếu tố nhẩy cảm cần lưu ý và cân nhắc kỹ càng, vì đây là Từ điển – loại sách công cụ, tra cứu, do đó phải chuẩn xác đến từng chi tiết, vì vậy chỉ đưa vào những nội dung đã được xác định, còn những nội dung đang tranh cãi cần lựa chọn sao cho phù hợp. Chẳng hạn trang 12 viết là: tù binh Chiêm Thành bị nhà Lý nhà Lê đày đến vùng Ba La thì không nên; Hoặc trang 33 mục từ Cao Đạt cần xem lại nội dung về ông Cao Đạt ở đây chính xác là ông Cao Đạt nào (có thể nhờ Hội Sử học); Mục từ Cù Chính Lan trang 68 (cả trang 400) không nên dùng từ cướp chính quyền mà phải dùng giành chính quyền; Trang 397 mục Nguyễn Công Hoan viết : Tác phẩm giai đoạn sai có… (từ được dùng ở đây là sai hay sau?). Trang 720 có đưa vào mục từ Yên Thái (phố dư). Cần xem lại tên phố này, vì nếu phố do dân tự đặt để gọi với nhau, không có quyết định của Thành phố thì không nên đưa vào từ điển. Tóm lại, Bản thảo cuốn sách Từ điển Đường phố Hà Nội đã được các tác giả nghiên cứu, biên soan khá công phu. Nếu có thêm một ít thời gian nữa, các tác giả đọc kỹ lại, chỉnh sửa các chỗ sai, sót, những chi tiết chưa chuẩn thì chắc chắn cuốn Từ điển Đường phố Hà Nội sẽ là một ấn phẩm có giá trị rất cao phục vụ cho người dân Thủ đô cũng như du khách bốn phương về với Hà Nội.
KTS. Nguyễn Trực Luyện (20/05/2010)
1. Các mục từ được biên soạn cẩn thận, đầy đủ, thông tin phong phú. 2. Có một vài chỗ góp ý (có tính vi chỉnh) được ghi bằng bút chì ngay trên bản thảo. 3. Đề nghị xem xét ở một số mục từ được bớt các thông tin về tên gọi của vùng đất xưa mà đường phố đi qua. 4. Để tăng tính hệ thống và để thuận tiện trong sử dụng, đề nghị ở mỗi mục từ sau tên gọi và thể loại đường phố có thêm thông tin về khu vực (quận, thị xã huyện…) Thí dụ: - ĐINH TIÊN HOÀNG (P- HK) chỉ phố này ở quận Hoàn Kiếm. - ĐINH TIÊN HOÀNG (P - HĐ) chỉ phố này ở quận Hà Đông. - ĐINH TIÊN HOÀNG (P - ST) chỉ phố này ở thị xã Sơn Tây. * Ông Đào Xuân Dương - Phó Ban Văn hóa - Xã hội - Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội Đây là một công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ và hết sức nghiêm túc của tiến sĩ Nguyễn Viết Chức và tập thể tác giả. Một từ điển tên đường phố đầu tiên được ra đời, khá dầy dặn đã giúp người đọc có cái nhìn cơ bản tên các đường phố của Thủ đô Hà Nội. Qua đó cũng giúp chúng ta có cái nhìn rõ và sáng hơn về lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Thủ đô với một bề dày nghìn năm văn hiến. Đọc “Từ điển tên đường phố Hà Nội" toát lên một tinh thần yêu nước nồng nàn, một ý chí độc lập dân tộc quật khởi, một giá trị nhân văn sâu sắc. Những điển tích, giai thoại giới thiệu các danh nhân lịch sử văn hóa mang đậm chất thơ ca đã giúp cho từ điển có phần hồn. Những làng nghề, phố cổ sự hình thành thay đổi và phát triển của nó gắn với sự phát triển người Hà Nội tạo nên nhân cách người kinh kỳ xưa kia và người Thủ đô ngày nay. Những phong tục, tập quán được giới thiệu trong quyển sách gắn với đường phố đã tạo nên nét riêng có của Thủ đô yêu dấu. Quyển sách đã giới thiệu những thay đổi của phố phường gắn với sự phát triển thăng trầm và bi hùng của Thủ đô. Văn hóa “xứ Đoài" đã được đưa vào sách góp phần hoàn thiện phố phường Thủ đô sau hợp nhất. Chủ đề, bố cục của sách đã đặt được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên một vài vấn đề nên có: kiến trúc phố phường Thủ đô có sự giao thoa kim, cổ, đông tây điều này ít được phản ánh trong Từ điển. Dấu tích phát đạn đại bác tại phố Cửa Bắc cần nêu ra trong từ điển. Tại đoạn nói về phố An Dương lặp lại hai lần số người bị chết trong trận tập kích của B52 là không cần thiết. Chưa có những hình ảnh được lựa chọn giới thiệu vào sách… Tóm lại “Từ điển tên đường, phố Hà Nội" là một quyển sách có giá trị và rất bổ ích cho đông đảo người dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tê. Đây là một công trình khoa học có những đóng góp tích cực cho Tủ sách nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi đánh giá sách đạt loại xuất sắc.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)