Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội
Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09
Tác giả: PGS.TS. Võ Quang Trọng (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 296 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

Là một cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kế thừa kết quả của chư­ơng trình nghiên cứu cấp Nhà nước KX.09: Phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô, tiếp thu thành quả của các thế hệ đi trước, công trình này tiếp tục làm sáng tỏ các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội, bao gồm văn học dân gian và tiếng Hà Nội, di sản Hán Nôm, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, trò chơi, trò diễn, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực và nghề truyền thống;  Chỉ ra được kinh nghiệm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, trên cơ sở tổng kết lịch sử, kinh nghiệm của các nước và thực tế của Hà Nội hiện nay; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội.

Cuốn sách gồm các chương sau đây:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của bảo tồn và phát huy                                        giá trị di sản văn hóa phi vật thể           

Chương 2: Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội 

Chương 3: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội  

Chương 4: Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội         

Sách cùng chuyên mục

Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2010

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
GS.TS. Phùng Hữu Phú (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
304 trang

Giới thiệu sách “Sương phố bóng người”

 “Sương phố bóng người” là cuốn sách tuyển chọn, tập hợp các tác phẩm tạp văn và truyện ngắn được nhà văn Trần Chiến chắp bút từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay. Tác phẩm được xuất bản trong hạng mục sách phổ thông của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

Trần Chiến
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
360
14,5x20,5

Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội

 Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội là cuốn sách tổng hợp giới thiệu về những làng nghề thủ công của Thăng Long - Hà Nội với những nét đặc trưng riêng, sản phẩm truyền thống tiêu biểu, các nghệ nhân của làng nghề đã được vinh danh công nhận, có minh họa bằng hình ảnh cụ thể. Cuốn sách có kết cấu rõ ràng, logic giúp cho người đọc thêm thông tin tìm hiểu về làng nghề và các nghệ nhân của làng nghề thủ công ở Hà Nội.

TS. Đinh Hạnh - Chủ biên
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
308
16x24

Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long – Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
GS.TSKH. Vũ Hy Chương (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
364 trang

Chân dung Hà Nội truyền thống, thành phố Rồng nghìn tuổi

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Nhà văn hoá Hữu Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
248 trang
16x24cm
Ý kiến bạn đọc
NNC. Giang Quân (25/08/2011)
I. Nhận xét chung: Đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, do tập thể 4 nhà khoa học xã hội có uy tín biên soạn. Bản thào dày 323 trang, đã đề cập đầy đủ đến những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc bảo tồn cũng như phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội, đạt yêu cầu đề ra cho công trình nghiên cứu này. II. Nhận xét cụ thể về từng chương: Sách gồm: Lời nói đầu, 4 chương và kết luận. Chương 1: 53 trang, tác giả viết chắc tay khi dẫn ra các khái niệm định nghĩa về văn hóa và văn hóa phi vật thể, cuối cùng lấy “công ước về bảo vệ văn hóa phi vật thể” của UNESCO và “Luật di sản văn hóa” của Việt Nam làm điểm tựa cho các vấn đề nghiên cứu của công trình. Tuy nhiên, trong 5 lĩnh vực mà công ước UNESCO đưa ra có mục: d) Tri thức và tập tục liên quan đến tự nhiên và vũ trụ và ở trang 17 tác giả cũng nhắc đến y học dân gian, nhưng loại hình này đã không được đưa vào các loại hình nghiên cứu ở chương 2. Như vậy, tri thức dân gian đã không được đề cập đến trong công trình này. Mục 1.4 đã đưa ra kinh nghiệm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của 6 nước: Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc là rất bổ ích và cần thiết cho ta có cái nhìn ra ngoài để rút kinh nghiệm cho mình. Chương “cơ sở lý luận và thực tiễn” này khá tốt. Chương 2: Các loại hình văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội (97 trang) là chương dài nhất trong 4 chương, đề cập đến 6 loại hình văn hóa phi vật thể để nghiên cứu. Mở đầu, tác giả đã khuôn lại không gian nghiên cứu là trong vùng “thuần Hà Nội” (4 quận nội thành cũ), và còn đưa ra nhận xét chung của các nhà khoa học là “địa giới hành chính không thể coi là địa giới văn hóa” (trang 84). Vậy mà, ngay ở trang sau (85) tác giả lại nêu: “văn học dân gian Thăng Long - Hà Nội là những tác phẩm được lưu truyền và được sưu tầm trên đất Hà Nội, nói đúng hơn là trên địa giới hành chính Hà Nội, bao gồm cả các vùng phụ cận giáp ranh.” Điều này đã không được thể hiện trên bản thảo vì các trích dẫn cứ liệu không hề có vùng đất Hà Tây, Mê Linh đã thuộc về Hà Nội gần 2 năm nay. - Mục 2.1.3 (trang 89) tác giả nêu 6 chủ đề để xem xét, theo tôi nên thêm chủ đề thứ 7: Văn học dân gian với tri thức và trải nghiệm về cuộc sống và tự nhiên. Chủ đề này, ở trang 87 tác giả đã có đưa ra một số câu tục ngữ về dự đoán thời tiết theo dân gian. - Sự phân bổ nội dung các loại hình chưa cân xứng “Văn học dân gian” là loại hình quan trọng nhất lại vẻn vẹn có 7 trang, mà “di sản thư tịch Hán Nôm” lại dài tới 36 trang (85 - 120) là không hài hòa, mặc dù di sản Hán Nôm có nhiều cái đáng nói. - Mục 2.3 (trang 121) tác giả viện dẫn địa giới Hà Nội theo ghi nhớ của các nhà văn là “hẹp toen hoẻn” để nghiên cứu về “tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội” chỉ trong phạm vi khu vực “thuần Hà Nội” với 18 trang. Về tôn giáo, chỉ đề cập đến Nho, Phật, Đạo có nên thêm đạo Gia tô, đạo Hồi... không? Hà Nội có nhà thờ của các đạo này. - Trang 133, khi nói đến lễ hội “Tứ bất tử” về Tản Viên chỉ nêu thờ ở Tầm Xá (Đông Anh) là không thỏa đáng, khi đền chính ở Ba Vì, đền Và ở Sơn Tây và một số đền Xứ Đoài thờ Tản Viên đã không nhắc tới. Về Chử Đồng Tử chỉ nêu ở Chử Xá (Gia Lâm) mà không nhắc tới xã Tự Nhiên (Thường Tín) nay đề cập đến một chuỗi lễ hội (Chi Nam, Phù Đổng, Xuân Tảo, Thanh Nhàn, Phù Lỗ, Phù Linh) chứ không chỉ có Hội Dóng Gia Lâm. Lễ hội đặc thù ngoài Hội thề Đồng Cổ, nên thêm Hội Chùa Vua thờ Đế Thích. - Trang 135, Hội Dóng chỉ có 2 trận đánh với việc trình diễn “ba ván cờ thuận, ba ván cờ nghịch” chứ không phải 3 trận. Trò diễn “thi cày kén rể” và “cởi vú mo” là cùng ở một lễ hội thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, không phải Sóc Sơn. - Mục 2.4 về nghệ thuật biểu diễn nên thêm hình thức hề chèo độc tấu, song tấu phê phán thói hư tật xấu ở đời. Trang 144 - Đình Đông Các này ở phố Đông Các phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa. Trang 145 - Đã nêu hát trống quân, thì nên nêu cả “hát xẩm” một thứ hát rong đặc thù Hà Nội (mà ở chương 3 đã ca ngợi là phương thức biểu diễn có chức năng giáo dục tốt - trang 211), tục hát đồng dao “xúc xắc xúc xẻ” của các em đi chúc tết từng nhà, các điệu múa rồng, múa sư tử, múa lân, mua tứ linh (long, ly, quy, phượng). - Mục 2.5 về văn hóa ẩm thực. Trang 150: Xem lại câu ca dao về Kẻ Láng Trang 158: Thanh trì không gắn với văn hóa xứ Đoài, chỉ có Từ Liêm. Trang 159: Mục 2.5.3 “Một số đặc trưng cơ bản của ẩm thực Hà Nội” nên thêm yếu tố thứ ba: Phong cách và kinh nghiệm dân gian về ăn uống (Ăn trông nồi ngồi trông hướng, miếng ăn quá khẩu thành tàn, một quả cà ba thang thuốc, thịt gà, các chép, ba ba/ăn vào lại bảo là ma nó làm, con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi...). Nên đề cập đến ứng dụng y dược học cổ truyền vào ăn uống để bồi bổ sức khỏe (thực phẩm chức năng), những điều kiêng kỵ, các món ăn khắc nhau. Trang 160 - 161 nói về phở nên có từ phở bò chín đến các loại phở bò khác (tái gầu, tái nạm, tái sách, ngầu pín, áp chảo, xào...) và phở gà. Về món chả cá miêu tả quá kỹ (2 trang) có lẽ nên cô lại. Mục ẩm thực gồm ăn và uống: ăn còn thiếu các loại quà Hà Nội (xôi, chè, bún, cháo) các loại bánh (chưng, tẻ, nếp, giò, dày, gai, xu xê, cốm...) các loại mứt, kẹo, ô mai.. nên điểm qua để thấy cái phong phú, đa dạng của món ăn Thủ đô. Còn quá ít nói về uống, cần bổ sung một đoạn. - Mục 2.6: Làng nghề, phố nghề Trang 165: Văn Giang thuộc Hưng Yên, không phải Bắc Ninh. Trang 167: Về huyện Sóc Sơn nên kể đến một làng nghề đang phục hồi và phát triển, đó là nghề làm nhà và các đồ dùng nội thất bằng tre trúc ở làng Thu Thủy, còn gọi là Thu Hồng nay thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn. Ca dao, tục ngữ cổ còn có những câu: Thu Thủy có sông Cà Lồ Có đồ trúc kỷ tha hồ sắm sanh - Muốn làm nhà gỗ đi đón thợ Me, muốn làm nhà tre đi đón thợ Hồng. - Trang 169 - nghề gốm từ thôn Bát Tràng đã phát triển sang thôn Giang Cao cùng xã và ra cả mấy xã bên như Kim Lan, Đa Tốn... hình thành một vùng gốm sứ. - Làng Lệ Mật không chỉ đi bắt rắn mà còn nuôi rắn sinh sản. - Kiêu Kỵ làm vàng, bạc qùy có câu: “còn nhiều dịch vụ cao cấp liên quan đến sản phẩm này" là những vụ gì nên nêu rõ. Trang 170 - Ninh Hiệp còn nghề may đồ da, góp phần lập nên phố Hà Trung. Thanh Trì thuộc Sơn Nam Thượng rồi chứ đâu phải là “cửa ngõ xuống Sơn Nam Thượng” Trang 171: Mai Động đậu mơ, Tương Mai xôi lúa, Thanh Trì bánh cuốn nên ghi chú nay thuộc quận Hoàng Mai. Nên thêm làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì). Trang 172: Định Công nay thuộc quận Hoàng Mai. Trang 174: Làng hoa cũ của Từ Liêm còn có Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá. Trang 175 - 176: Húng Láng vẫn còn chưa mất hẳn. Đúc đồng Ngũ Xã còn hành nghề và bán sản phẩm. Chương 3: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể (58 trang). Mục 3.2.4 nên đi sâu thêm vào các trò chơi, trò diễn (ngoài đá cầu) là hình thức giáo dục nhẹ nhàng, vừa rèn luyện thể lực, trau dồi trí thông minh. Các cuộc thi tài dân gian “trai thi mạnh, gái thi mềm” nên được phát triển. Mục 3.3.2 - giá trị nghệ thuật nên thu gọn lại vì nhiều ý kiến đã nêu ở chương 2 rồi, tránh lặp lại nhiều. Chương 4: Các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản... (62 trang). Tác giả đề cập khá rõ các biện pháp và nêu cả hình thức tổ chức thực hiện một cách cụ thể, thực tế, sinh động có khả năng ứng dụng được. Trang 253 - nên thêm: Sở giáo dục - đào tạo Hà Nội gần đây đã đưa trò chơi, trò diễn dân gian vào trường học. Trang 282 về xã hội hóa, ngoài các hình thức tài trợ lớn, nên khai thác phục hồi “lệ thưởng tại chỗ” của người nghe, người xem như bỏ tiền vào hộp giấy, thau đồng, rổ, nón như thời xưa (trong hát xẩm, chầu văn, ca trù, chèo tuồng, xiếc...). Trang 286 - Để duy trì đặc sản cốm, làng Vòng Hậu đã chủ động hợp đồng với nông dân Đông Anh, Sóc Sơn trồng nếp cái đến đúng thời hạn, họ sang thu mua thóc nguyên liệu đem về làm cốm. Hà Nội còn có cốm Mễ Trì, cốm Lủ (cốm khô). Trong biện pháp nên đề cập thêm. + Các đài truyền hình mở các mục trò chơi sử dụng ca dao tục ngữ, dân gian, lễ hội, trò chơi vào các câu hỏi nhằm phổ biến và phát huy tác dụng rộng rãi (như Đuổi hình bắt chữ, Đố chữ, Ai là triệu phú...) + Đề nghị Hội di sản văn hóa Thăng Long quan tâm hơn đến việc tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, hội mới góp phần vào phục dựng một số lễ hội cổ truyền và một vài lễ hội mới cho quận Hoàn Kiếm, còn phần chủ yếu là trùng tu di tích, văn hóa vật thể. III Kết luận: Theo danh mục tài liệu tham khảo, các tác giả đã sử dụng tới 388 tác phẩm (sách và bài báo) với dung lượng đồ sộ như vậy chứng tỏ công phu của việc biên soạn bản thảo, đồng thời lại do các nhà khoa học xã hội chuyên ngành thực hiện nên rất có chất lượng. Mong các tác giả xem xét các ý kiến tham góp của tôi, nếu cái gì chấp nhận được thì nên bổ sung, và sửa lại những chỗ chưa chính xác, cập nhật địa danh tới nay. Công trình này hoàn toàn nên xuất bản sớm, góp phần vào Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (25/08/2011)
Cảm nhận đầu tiên của tôi là bản thảo được làm công phu, các phần được trình bày rõ ràng, mạch lạc, nội dung khá sâu sắc. Cuốn sách sẽ rất có ích cho việc nghiên cứu và thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội. Chỉ có một vài lỗi đánh máy (VD: trang 9), một vài chỗ chưa trích nguồn tài liệu tham khảo (VD, trang 13), chú thích nhảy trang (VD: trang 267), tôi đã chữa, đánh dấu trực tiếp vào bản thảo. Đọc tập bản thảo, Tôi thấy rằng đây là công trình của tập thể tác giả là những nhà nghiên cứu có uy tín trong ngành và đã được triển khai, hoàn thành từ năm 2009, nội dung một số phần viết có thể đã hoàn thành trước đó. Trong một vài năm trở lại đây các hoạt động về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở trong nước và thế giới đã có những bước phát triển mới, tôi tin rằng các tác giả đã nắm được các thông tin mới này nhưng chưa kịp bổ sung vào bản thảo. Cụ thể giữa năm 2009 Quốc hội đã thông qua Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, trong đó phần về di sản văn hóa phi vật thể được sửa đổi bổ sung khá nhiều. Trong đó điều 3 quy sửa đổi bổ sung điều 65 của Luật Thi đua khen thưởng về việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng trong bản thảo nêu tên luật chưa đầy đủ (trang 16) và chưa thấy trong nội dung bản thảo (có thể đưa vào trang 49). Đối với quốc tế, cụ thể là UNESCO, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ra đời năm 2003, nhưng cho đến năm 2005 mới có hiệu lực sau khi có đủ 30 nước phê chuẩn. Việt Nam ta là nước thứ 22 đã phê chuẩn Công ước ngày 20/9/2005. Hiện nay đã có gần 200 quốc gia phê chuẩn Công ước. Sau khi Công ước có hiệu lực vào cuối năm 2005, Đại Hội đồng các nước thành viên Công ước đã họp và thông qua Hướng dẫn thực hiện Công ước do các cơ quan chuyên môn và tư vấn của Ủy ban dự thảo trong phiên họp thường kỳ thứ 2 tháng 6 năm 2008 tại Pari (hướng dẫn 2008). Theo quy định của Công ước và bản Hướng dẫn thực hiện công ước 90 di sản văn hóa thuộc 70 nước trước đây được ghi danh vào Tuyên bố di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại được tự động chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2009 đã có thêm 76 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 27 nước được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 12 di sản thuộc 12 quốc gia thành viên được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Vì vậy để cho cuốn sách được cập nhật, mang tính thời sự tôi đề nghị các tác giả nên chỉnh sửa, bổ sung một vài chỗ tại các trang 29, 30, 34, 39 (tôi đã đánh dấu trong bản thảo). Tóm lại tôi đánh giá cao nội dung bản thảo.
PGS.TS Phạm Mai Hùng (25/08/2011)
Được biết “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội” nằm trong hệ thống các đề tài nghiên cứu thuộc chương trình KX.09; hơn thế đây là một đề tài có sự tham gia của 26 nhà khoa học chuyên sâu (ở lĩnh vực này, hay lĩnh vực khác thuộc văn hoá phi vật thể), trong số đó có 4 giáo sư, tiến sĩ, 6 phó giáo sư, tiến sĩ, 1 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và đã được nghiệm thu. Do vậy, tôi rất yên tâm khi đọc. Sau khi đọc, tôi đã có vài nhận xét như sau: 1. Bản thảo sách “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở Thăng Long- Hà Nội” là sản phẩm được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của 7 đề tài nhánh, mà chủ nhiệm của các đề tài ấy lại là các nhà khoa học đã thành danh như GS.TS Nguyễn Xuân Kính, GS.TS Kiều Thu Hoạch, GS.TS Ngô Đức Thịnh, PGS.TS Nguyễn Thụy Loan, PGS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Nguyễn Văn Trọng … Do vậy đây là một tập sách quý, có hàm lượng tri thức, khoa học cao. Qua tập sách, người đọc không chỉ nhận biết được những khái niệm cơ bản liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể, đến bảo tồn, phát huy giá trị, đến các văn bản có tính quy phạm pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể, kinh nghiệm của một số nước, các công ước và khuyến cáo của UNESCO về di sản văn hoá phi vật thể; chủng loại di sản văn hoá phi vật thể của thủ đô, giá trị ẩn chứa trong các chủng loại đó, thành công, hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy giá trị và những định hướng, những giải pháp có tính khả thi nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể trước mắt, cũng như lâu dài. 2. Sách có bố cục hợp lý, khoa học và lôgíc; biên tập công phu và dường như không có lỗi về vi tính (lỗi kỹ thuật). Sách có 4 chương, mỗi chương đều có một nhà khoa học chịu trách nhiệm nhưng tuyệt nhiên không có độ chênh lệch về tri thức, cũng như cách diễn đạt - tính nhất quán và biểu đạt liền mạch là điều dễ dàng nhận thấy ở tập bản thảo của tập sách này. 3. Danh mục 388 công trình tham khảo bao gồm 311 tài liệu tiếng Việt, 31 tài liệu tiếng Pháp, 46 tài liệu tiếng Anh đều có suất xứ rõ ràng, có tính cập nhật và phần lớn được sử dụng trực tiếp cho việc luận giải nội dung của từng chương của tập sách. Có lẽ đây là một trong những công trình sử dụng có hiệu quả các tài liệu tham khảo mà tôi được biết. Tuy vậy cũng có “hạt sạn nhỏ” - chẳng hạn tài liệu tham khảo số 142 - Chùa Hà Nội - NXB. VH.T.HN.1997 là công trình của hai tác giả: Nguyễn Thế Long - Phạm Mai Hùng chứ không phải là công trình của mỗi tác giả: Nguyễn Thế Long. 4. Tôi rất tâm đắc với “các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội” (chương IV). Căn cứ vào sự đa dạng (về loại hình), căn cứ vào giá trị tiềm tàng của di sản văn hoá phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội, căn cứ thực tiễn các hoạt động trình diễn văn hoá phi vật thể, nhất là các lễ hội, tôi đề xuất thêm giải pháp: Thành lập trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và tổ chức thực nghiệm trình diễn văn hoá phi vật thể của Hà Nội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị và trả lại cho nó nguyên mẫu các hình thức thể hiện vốn có của nó; đồng thời phải tạo cho nó cơ chế, chính sách về tài chính đủ để duy trì hoạt động về nhân bản. Tóm lại, tôi cho rằng đây là tập sách đảm bảo mọi yêu cầu và đủ để xuất bản và có chỗ đứng xứng đáng trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
TS. Đặng Kim Ngọc (25/08/2011)
1. Đây là một bản thảo tốt, có chất lượng, được biên soạn công phu và đặc biệt là rất khoa học. Nhóm tác giả đều là những nhà khoa học lâu năm, có kinh nghiệm. Những chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa dân gian - phi vật thể. Bản thảo này đã đạt được những yêu cầu của một tập sách khoa học, chuyên khảo về một lĩnh vực thuộc văn hóa di sản Thăng Long - Hà Nội. 2. Bản thảo sách "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội" chính là kết quả của công trình nghiên cứu thuộc đề tài khoa học trong chương trình KX.09-10 với cùng tên gọi. Do đó nó đã được đầu tư những điều kiện tối ưu cộng với một đội ngũ các nhà khoa học trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, những chuyên gia đầu ngành, bởi vậy công trình nghiên cứu đã có kết quả đạt chất lượng cao. Bản thảo này là kết quả tổng hợp từ 7 đề tài nhánh với nội dung làm rõ các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội bao gồm văn học dân gian và tiếng Hà Nội, di sản Hán Nôm, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, trò chơi, trò diễn, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực và nghề truyền thống. Chỉ ra được kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội". Phải nói rằng với nội dung như trên đây mà đề tài đã đạt được, kết quả sẽ rất có giá trị và ý nghĩa cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn cho vùng đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng và đất nước ta nói chung trong giai đoạn hiện nay. 3. Về cấu trúc sách. Theo tôi cấu trúc cuốn sách được thể hiện trong tập bản thảo này là hợp lý. Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, sách gồm 4 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chương 2: Các loại di sản văn hóa phi vật thể Chương 3: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể Chương 4: Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Với cấu trúc như thế này, vừa tập trung, vừa cô đọng xúc tích lại rất đầy đủ. Nội dung thể hiện 4 chương đã làm rõ được mục tiêu của sách là văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội. Tức là có đặt vấn đề, có trình bày, giới thiệu vấn đề, và có giải quyết vấn đề. Ở phần thứ nhất, tức phần đặt vấn đề chỉ với một nội dung là cơ sở lý luận và thực tiễn của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể mà các tác giả đã giành khá nhiều thời gian và công sức để giải quyết các vấn đề như khái niệm, mối quan hệ giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, những quan điểm khác nhau về bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể. Điều này rất cần thiết. Xưa nay, phân biệt văn hóa vật thể và phi vật thể trong rất nhiều trường hợp chỉ là tương đối, rất khó rành rọt một cách triệt để. Chẳng hạn nói về di sản ngành nghề thủ công. Rõ ràng là có thể xếp loại hình này vào di sản văn hóa vật thể cũng được, hoặc di sản văn hóa phi vật thể cũng được. Đều đúng. Ví dụ như nghề làm gốm, nghề đúc đồng, rèn sắt... nói về lò rung, nguyên liệu, dụng cụ làm nghề là văn hóa vật thể, nhưng nói về quy trình, các bước tiến hành, kinh nghiệm nghề nghiệp thì lại là văn hóa phi vật thể. Các tác giả còn nêu rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của một số nước để tham khảo trong đó có những nước rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Ấn Độ... Nói tóm lại, những vấn đề các tác giả đề cập đến trong phần này đều là những cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc tìm hiểu xác định giá trị cũng như đề ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội. Ở phần thứ hai, với sáu loại hình văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội được các tác giả giới thiệu ở phần này đã tạo thành bức tranh toàn cảnh khá đầy đủ về văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói đây là công việc khá vất vả, tốn rất nhiều công sức và thời gian. Các tác giả có cái nhìn rất biện chứng trong việc phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và đặc biệt, đã xác định khá đầy đủ và chính xác các đối tượng văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội. Chẳng hạn khi khắc họa loại hình di sản Hán Nôm, các tác giả đã chọn "tác phẩm" chứ không chọn "tác giả", tức là chỉ những tác phẩm nào đề cập đến hoặc phản ánh về đất nước - con người Thăng Long - Hà Nội thì sẽ được xếp vào loại hình văn hóa Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội, bất kể tác giả của nó là người Thăng Long gốc hay ở các địa phương khác. Như thế cũng có nghĩa là dù là người Thăng Long gốc, sống suốt đời ở Thăng Long có nhiều tác phẩm, nhưng các tác phẩm dó không nói về đất nước - con người Thăng Long - Hà Nội thì cũng sẽ không được chọn. Tôi cho rằng đây là cách xác định, tuyển chọn rất khoa học rất chuẩn xác (trang 92). Nhân đề cập tới nội dung ở phần này, tôi xin góp thêm một ý kiến nhỏ. Các tác giả khi xác định và phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội, thì chỉ đề cập đến những di sản mang tính tích cực, những điều tốt đẹp. Chẳng hạn như khi xác định loại hình văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội, ở trang 89, các tác giả giới thiệu 6 chủ đề, đều là những chủ đề ca ngợi cái hay cái đẹp của đất nước, con người Hà Nội. Tuy nhiên, văn học dân gian Thăng Long - Hà Nội còn phản ánh nhiều mặt khác nữa - cũng khá phong phú - đó là những thói hư tật xấu, những lời ca, câu tục ngữ nhằm châm biếm, đả kích những tục lệ hủ tục, những thói hư tật xấu trong dân gian. Tôi nghĩ nếu bổ xung thêm phần nội dung này, sách sẽ phong phú thêm nhiều. Từ những xác định và phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội, ở phần ba, các tác giả đã khẳng định các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội trên 3 nội dung: Giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật. Ở từng nội dung, các tác giả đã phân tích từng hiện tượng, từng di vật, hiện vật cụ thể đề rồi nâng lên, khái quát lên thành giá trị đóng góp, giá trị khẳng định, đó là một phương pháp rất khoa học và hiện đại. Phần ba chính là phần rất quan trọng. Đây chính là mục tiêu của đề tài: Xác định giá trị di sản văn hóa phi vật thể để từ đó đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội. Tóm lại ở phần này, các tác giả đã thể hiện việc xử lý các tư liệu (chất liệu) làm cơ sở cho sự khẳng định giá trị di sản văn hóa phi vật thể khá chắc tay, đảm bảo được tính khoa học và tính logich của các sự kiện và hiện tượng. Chỉ có một chút băn khoăn là: Khi thể hiện tính giá trị lịch sử, các tác giả đã sử dụng nhiều những tư liệu thường được coi tiêu biểu cho văn hóa vật chất (văn hóa vật thể) như trống đồng, bia ký... Điều này dễ khiến cho những độc giả hiểu nhầm hoặc nhận thức không đúng. Ở phần thứ tư các tác giả đã trình bày khá đầy đủ và cụ thể các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói đây là kết quả (hệ quả) của quá trình tìm tòi, khảo sát khám phá và khẳng định của các tác giả - đã được trình bày ở các phần trước. Trước khi nêu (đề xuất) các giải pháp, các tác giả đã trình bày tình hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể Thăng Long - Hà Nội hiện nay, những ưu điểm thành tựu đã đạt được cùng những nhược điểm, do đó những đề xuất giải pháp đều rất đúng đắn, chuẩn xác, có giá trị (ứng dụng) rất cao. Tôi đánh giá cao hai giải pháp được nêu trong phần này là tổng kiểm kê toàn bộ, tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm văn hóa phi vật thể; thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Làm tốt được hai mảng công tác này thì sẽ làm tốt được công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội. 4. Tóm lại, bản thảo sách "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội" là một tập bản thảo có chất lượng, được biên soạn công phu với một văn phong trong sáng, câu chữ rõ ràng, lỗi chính tả (lỗi kỹ thuật) ít. Tập bản thảo này rất xứng đáng được đưa vào kế hoạch xuất bản. Để kết thúc phần góp ý của mình tôi xin gợi thêm một ý nhỏ cuối cùng: Giá cuốn sách này có thêm phần phụ lục ảnh về di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội thì sách sẽ phong phú hơn, giá trị hơn.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)