Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội
Tập sách chuyên khảo chọn lọc các bài Văn sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra có mở rộng thêm một số Trạng nguyên quê tỉnh khác nhưng có gắn bó đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội thời Lý, Trần, Lê.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 1384 trang
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 3 - Trung bình: 3.17) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Kỳ Thi Đình (Đình đối) là kỳ thi cuối cùng và cao nhất của khoa thi Tiến sĩ. Các cống cử - những người đã đỗ kỳ thi Hội, thực chất là đã đỗ Tiến sĩ vào thi Đình là tham gia kỳ thi do Hoàng đế chủ trì. Bài thi của kỳ thi này, chỉ có một bài văn sách nên gọi là: Đình đối sách văn, trả lờicâu hỏi do Hoàng đế ra - Sách vấn. Xét về bản chất, Thi Đình là cuộc thi hiến kế sách của các cống sĩ với Hoàng đế và giành thứ bậc cao thấp theo giáp đệ của Tiến sĩ, cao nhất là Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh tức Trạng nguyên. Kỳ thi này không đánh trượt người thi, tâm trạng nặng nề muôn thuở trong khoa trường “văn nhân lạc đệ” không còn mấy chi phối người thi. Họ được “tung hoành bút trận” - thao bút là lời mà Hoàng đế thường khuyến khích người thi trong Sách vấn của mình, về nội dung, văn chương và thư pháp.
Các Sách vấn của Hoàng đế thường hỏi về những vấn đề có tính “quốc gia đại sự”, “quốc kế dân sinh”… Chính vì vậy mà các bài Văn sáchĐình đối trở thành những áng văn tiêu biểu về cả nội dung và nghệ thuật.
      Tập sách chuyên khảo chọn lọc các bài Văn sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra có mở rộng thêm một số Trạng nguyên quê tỉnh khác nhưng có gắn bó đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội thời Lý, Trần, Lê.
      Tập sách phản ánh thành tựu cao nhất của chế độ khoa cử Việt Nam, với những người đỗ thứ bậc cao của kỳ thi Tiến sĩ. Đương thời họ tiêu biểu cho nền học thuật giáo dục truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Văn sách thi đình tiêu biểu cho văn chương khoa cử Việt Nam, những áng văn chuẩn mực về văn tự, nghệ thuật và những nội dung xã hội.
      Tập sách có điều kiện vừa phục vụ đối tượng nghiên cứu và độc giả rộng rãi. Đây là dịp giới thiệu một trong những thành tựu văn hoá văn học tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 
 
 
Sách cùng chuyên mục

Hà Nội - Danh thắng và di tích (Tập 2)

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
TS. Lưu Minh Trị (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
2100 trang
16x24 cm

Giới thiệu sách Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội

 Tiếp nối sự thành công của công trình Hà Nội trên đường hội nhập và phát triển thuộc  Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I, trong giai đoạn II, việc nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội” là điều cần thiết và có ý nghĩa sâu rộng. Trên tinh thần đó Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn sách “Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội”. Cuốn sách do GS.TS. Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Quang Lân đồng chủ biên cùng đội ngũ tác giả nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học và có kinh nghiệm biên soạn.

Nguyễn Quang Lân - Tô Xuân Dân
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
640
16x24

Giới thiệu cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương”

Thủ đô của một đất nước bao giờ cũng là đầu não kinh tế - chính trị - văn hóa là nơi tập trung trí tuệ, tài năng trên mọi lĩnh vực là nơi hội tụ tinh hoa của tất cả các vùng miền, Hà Nội - Tràng An, đất kinh sư của muôn đời cũng không nằm ngoài quy luật đó, luôn đề cao vấn đề văn hóa, coi trọng phẩm chất người Hà Nội hào hoa, tinh tế, thanh lịch, văn minh. Phẩm chất Hà Nội gắn với văn hóa Hà Nội, mà trong văn hóa có một bộ phận hết sức quan trọng chính là văn học - nhất là khi nghiên cứu nó như một hình thái ý thức xã hội đặc thù.

Bùi Việt Thắng
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
320
14,5x20,5

Hà Nội - Danh thắng và di tích

Nghiên cứu tổng quan văn hoá Thăng Long - Hà Nội, nhằm nghiên cứu chọn lọc, thống kê, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, và di tích cách mạng kháng chiên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
TS. Lưu Minh Trị (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
2100 trang
16x24 cm

Giới thiệu sách “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”

 Đã có rất nhiều công trình viết về mảnh đất, con người Thăng Long - Hà Nội với nhiều phương diện và từ những cách tiếp cận khác nhau. Từ góc độ của một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, tác giả Nguyễn Kim Thản đã vận dụng những lý thuyết, cơ sở lý luận ngôn ngữ học để tìm hiểu về “lời ăn tiếng nói” hay nói cách khác là cách sử dụng lời nói - hình thức giao tiếp của người Hà Nội.

Nguyễn Kim Thản
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
152
14,5x20,5
Ý kiến bạn đọc
GS. Nguyễn Đình Chú (22/08/2011)
Nhìn chung đã có sự tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu đề cương và từ đó đã hình thành được văn bản đề cương mới khá chu đáo, lớp lang. Tuy thế, vẫn có một vài điều muốn được ông chủ biên và nhóm biên soạn suy nghĩ thêm như sau: 1. Ở điều 7.2 mục 7, phần II: có lẽ không nên nói một cách cứng nhắc là “chọn lọc các bài Văn sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đậu đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn (…) của Thăng Long - Hà Nội”. Bởi thực tế, giữa các bằng cấp đậu đầu với giá trị văn của các bài Đình đối sách e không hoàn toàn là một vì hai lẽ: - Chuyện đậu đầu hay không còn lệ thuộc vào kết quả điểm số của kì thi Hội trước đó. - Và chuyện đánh giá văn chương vốn dĩ là không thể tuyệt đối hóa căn cứ vào việc đầu hay không đầu. Trong tình hình đó nên chăng thêm vào trước hai chữ “chọn lọc” hai chữ “chủ yếu”. Đây không chỉ là chuyện hành văn mà chính là chuyện thực tế lựa chọn. Cụ thể là có trường hợp bài Sách của Á nguyên mà hay hơn Trạng nguyên thì sao không chọn. 2. Với mục 9: “Cách tiếp cận” và mục 10: “Phương pháp nghiên cứu”: Trước đây tôi có đề nghị gộp làm một vì về mặt ngôn từ thì hai điều đó là một. Nhóm biên soạn không nghe và vẫn giữ như cũ. Tôi đồng ý nhưng đề nghị chuyển chữ “cách” thành chữ “hướng” (Hướng tiếp cận). Hướng tiếp cận, chính là hai nội dung đã được nêu. Chứ vẫn giữ chữ “cách” trong “Cách tiếp cận” (methode d’ approclimint) thì đây chính là phương pháp tiếp cận, hay phương pháp nghiên cứu. 3. Với mục 13: tôi vẫn thấy - xin được nói thật - là chưa mạch lạc, vẫn có chỗ chưa thỏa đáng, chưa chặt chẽ, dễ có thắc mắc như sau: 3.1. Tại sao chỉ nói đến đặc trưng văn học của khoa thi Tiến sĩ - Từ khoa trong điều 13.1.1 “Khoa Tiến sĩ trong khoa cử Việt Nam”, mà ở điều 13.1.2 “Kỳ thi Đình trong khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ” lại không nói gì về đặc trưng văn học?? 3.2. Tại sao lại chỉ nói “Thi Đình một kỳ thi biểu hiện đỉnh cao về trí thức Nho giáo và văn hóa, văn học Kinh đô Thăng Long - Hà Nội” (điều 13.1.3) mà lại không phải là của thi Đình nói chung? Thi Đình ở Huế chẳng phải là thế sao? 3.3. Tại sao ở điểm 13.1.2 “Kỳ thi Đình trong khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ” (đã được tách ra khỏi “Khoa Tiến sĩ trong khoa cử Việt Nam” ở 13.1.1) để nói thì có chuyện “Các ý kiến về kỳ thi Đình trong khoa thi Thái học sinh”. Còn ở điểm 13.1.1. “Khoa Tiến sĩ trong khoa cử Việt Nam” lại không có “các ý kiến” về khoa Tiến sĩ… Việt Nam đó. Đúng là ở đây còn thiếu một logic chặt chẽ, hợp lý trong bố cục nội dung 13.1. của mục 13. Theo tôi có thể bố cục một cách đơn giản nhưng chặt chẽ hơn như sau: 13. Bố cục của tập sách Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội A. Phần khảo cứu I. Đình Thí và Đình đối sách 1. Thi Đình trong hệ thống thi cử Hán học xưa. 2. Văn sách thi Đình II. Thăng Long - Hà Nội với thi Đình 1. Thăng Long - Hà Nội với thi Đình 2. Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội. Hãy từ cái khhung chung đơn giản nhưng sáng rõ đó mà chi tiết hoá ở từng điểm thuộc nội dung. Dĩ nhiên, trọng tâm sẽ là mục II và điểm 2 của nó. B. Phần văn tuyển Với động cơ để có một công trình để đời với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật chứ không phải là loại sách bình thường, với tư cách chủ tịch Hội đồng duyệt đề cương, tôi xin được nói thẳng, nói hết ý nghĩ của mình dù đúng, dù sai. Mong được chủ biên và nhóm biên soạn thông cảm. Nếu cần thì đối thoại thêm.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (22/08/2011)
1. PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu đề cương đề tài Văn sách thi đình Thăng Long-Hà Nội để chỉnh sửa xây dựng lại bản đề cương mới, xác định rõ mục đích, ý nghĩa và giá trị khoa học của công trình. 2. Qua bản đề cương chỉnh sửa, chúng tôi cũng nhận thấy bố cục của tập sách chặt chẽ, các phương pháp tiếp cận và xử lý các vấn đề cụ thể cũng rất chắc chắn, đủ sức thuyết phục. 3. Những chỉnh sửa đề cương của nhóm tác giả theo hướng tích cực cho thấy đề tài Văn sách thi đình Thăng Long-Hà Nội do PGS-TS Nguyễn Văn Thịnh chủ biên có đủ khả năng thực hiện đạt chất lượng cao và đúng thời hạn như ghi trong đề cương. Đề nghị ban chỉ đạo Dự án tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến chấp nhận tiến hành kí hợp đồng để các tác giả có đủ điều kiện bắt tay thực hiện đề tài.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương (22/08/2011)
1. So với bản đề cương đã trình Hội đồng nghiệm thu lần trước, bản đề cương đã chỉnh sửa lần này mạch lạc và hoàn thiện hơn, đáp ứng hầu như tất cả những yêu cầu mà một bản đề cương chi tiết cho một công trình khoa học nghiêm túc cần phải thể hiện. Danh sách những thành viên tham gia đề tài cũng cụ thể và thực tế hơn trước. 2. Tất cả các mục đều được cân nhắc và thể hiện lại, nhìn chung theo hướng rõ ràng và cụ thể, tuy cũng súc tích. 3. Một số điểm điều chỉnh và thay đổi nhìn chung là hợp lý, tiếp thu nghiêm túc những đề xuất, gợi ý và đòi hỏi mà các thành viên Hội đồng đã nêu ra trong lần nghiệm thu đề cương vừa qua. 4. Do dung lượng của tập sách được đề nghị tăng lên và thực hiện văn bản dịch thuật theo hướng đòi hỏi cao nhất, nên dự trù kinh phí cũng tăng lên là điều bình thường. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng trong số kinh phí tăng lên ấy, phải sử dụng một phần cho những cộng tác viên và biên tập viên tham gia hỗ trợ kỹ thuật văn bản, nhất là xử lý để in cho được nguyên tác chữ Hán bằng phương pháp ảnh ấn. Cần có sự xác định mạch lạc ngay từ đầu việc này để trong quá trình thực hiện không phát sinh những trục trặc không đáng có. 5. Tôi cho rằng chủ đầu tư đã có thể căn cứ vào văn bản đề cương chi tiết đã hoàn thiện này để ký hợp đồng thực hiên, mà việc ký hợp đồng càng xúc tiến sớm càng tốt, bởi trên thực tế nay đã tháng 4/2009, dù tác giả bản đề cương đề nghị thời gian thực hiện là 15 tháng, tính từ tháng 10/2008.
PGS.TS. Trần Nho Thìn (22/08/2011)
1. Nhận xét chung: Cụ thể hóa bản đề cương đợt trước, bản thuyết minh này đã chi tiết hóa, làm rõ hơn một số vấn đề quan trọng, như xác định 25 tác giả văn sách được tuyển chọn, xác định rõ nội dung khảo cứu và bố cục tập sách, cho biết rõ những công việc chuyên môn mà các tác giả đã thực hiện có liên quan trực tiếp với đề tài… Nhìn chung, bản thuyết minh này đã làm rõ ý nghĩa khoa học của đề tài và khả năng thực thi cao. Trân trọng đề nghị Ban Quản lý dự án xem xét cho ký Hợp đồng chính thức để các tác giả có thể sớm bắt tay vào công việc. 2. Một vài góp ý nhỏ: Về mục nghiên cứu Nội dung Văn sách thi Đình, nên áp dụng phương pháp phân tích lịch sử, chỉ ra mối liên hệ giữa nội dung các bài văn sách này với những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở các giai đoạn lịch sử. Điều này dễ thấy ở văn sách cuối thế kỷ XIX, song không phải là không thể nhận ra ở các thế kỷ trước. Một vấn đề nữa là trong nội dung khảo cứu, nên có sự so sánh ở mức độ nhất định, tìm ảnh hưởng từ thực tiễn văn khoa cử Trung Quốc.
PGS. Phan Văn Các (22/08/2011)
1. Tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu đề cương, chủ nhiệm đề tài đã chỉnh sửa đề cương chi tiết, nói chung là tốt. 2. Nội dung khoa học của đề tài, lịch sử vấn đề, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, quy mô, bố cục cũng như dự trù kinh phí và thời gian thực hiện đều cơ bản hợp lý và chấp nhận được. 3. Tuy nhiên đi vào chi tiết câu chữ cũng như tiêu đề các mục vẫn có chỗ phải cân nhắc thêm, ví dụ: - Có nên viết “Hệ thống văn sách Thăng Long - Hà Nội”? Từ “hệ thống” dùng có ổn không? (Mục 13.1.5) - Chấm câu theo “cú đậu” là thế nào? “Cú đậu” chính nghĩa là ngắt câu. - Phần tuyển chọn tác giả văn sách nên rà soát kỹ lại: Có lẽ không nên bỏ qua Vũ Kiệt đề Trạng nguyên năm Hồng Đức 3 khi mới chưa tròn 20 tuổi và Vũ Tuấn Chiêu đề Trạng nguyên năm Hồng Đức 6 và là bố của 2 tiến sĩ. Cũng nên chú ý sửa lỗi vi tính: tác giả được chọn số 9 (tr.7 đề cương) là Nguyễn Năng Thiệu chứ không phải Thiện. Tôi tán thành đề tài và đề nghị NXB sớm kí kết hợp đồng với tác giả.
GS. Nguyễn Đình Chú (22/08/2011)
1. Có hai điều rất đáng khẳng định trước: a) Đề tài là cần thiết vì sẽ có hai tác dụng lớn: a.1. Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long trên cơ sở hiểu biết sâu hơn về giá tri văn hoá phi vật thể đã có trên đất Thăng Long. a.2. Đưa đến cho người đọc một sự hiểu biết về một loại hình văn hoá - giáo dục đích đáng, sáng giá của đất nước Đại Việt xưa. b) Nhóm biên soạn bao gồm chủ biên là PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh là người đã có thành quả nghiên cứu đáng kể hơn ai hết về đề tài, cùng với 3 người cộng sự này là đáng tin cậy trong trình độ Hán học hiện thời của đất nước ít ra là tại Hà Nội. Dĩ nhiên là, cần có sự góp sức thêm của các nhà Hán học khác về sau trong quá trình hoàn thiện bản thảo. 2. Nội dung khoa học của đề tài thuộc đề cương: nhìn chung là khá chu đáo, có lớp lang, hệ thống, phản ánh phần nào tiềm lực đã có của nhóm biên soạn, trước hết là chủ nhiệm đề tài. 3. Sau đây là một số điều vụn vặt muốn góp thêm theo kiểu gặp đâu nói đấy, nghĩ sao nói vậy, mong được các soạn giả tham khảo thêm: - Viết “Kỳ Thi Đình (Đình đối)”: dễ gây thắc mắc, cho là đồng nhất hoàn toàn hai nội dung, mặc dù chúng có liên quan mật thiết. - Sự phản ánh về tình hình nghiên cứu về “đình đối sách” của đề cương là chưa đầy đủ. Theo tôi được biết thì đầu những năm 60, Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội đã thuê cụ Nguyễn Đức Vân - nhạc phụ của tôi dịch “Văn sách thi đình triều Nguyễn” với 289 trang chép tay. Bản dịch đã được đánh máy tại Thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mong giờ còn lưu giữ. Riêng tôi cũng đã giới thiệu các bài đình đối sách của các cụ: Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Khuyến, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Hữu Lập. - Nên gộp hai tiểu mục 9 (cách tiếp cận) và 10 (phương pháp khoa học) làm một. - Cần nói rõ hơn về mô hình sách. Ở đây đã ghi: Số lượng trang: khoảng 900tr, 15cm/ 22cm + Phần khảo cứu: 90tr + Phần phiên dịch: gần 900tr + Phần phụ lục: 20tr Xin hỏi: nếu thế thì có phần phiên âm và có phần in lại nguyên tác bằng chữ Hán không? Vả chăng, cộng 3 con số trên lại thì trên dưới 1000 trang. Điều này, liên quan gì đến kinh phí? - Trong nội dung, ở mục 1.3.1: những vấn đề được nêu lên là đích đáng, phong phú. Nhưng tôi vẫn muốn được các soạn giả nói rõ về quan điểm của mình hôm nay trong việc nhìn nhận, đánh giá đối với chế độ thi cử xưa trong đó Đình thí trong công cuộc xây dựng đất nước. Bởi ở đây, đã có sự nhìn nhận không được thoả đáng của kẻ hậu sinh, nhất là ở những người bị bệnh “kiêu ngạo vô sản” - cái bệnh mà Lênin từng phê phán. Mời quý bạn đọc bài viết của tôi về “Bài văn sách thi Đình” của Nguyễn Quang Bích, của Đào Nguyên Phổ của tôi sẽ rõ thêm ý nghĩ này của tôi. - Trong nội dung, giá gì các soạn giả cung cấp cho người đọc biết rõ: Lịch sử đã có bao nhiêu kỳ thi Đình? Số lượng bài văn sách thi Đình ở các triều đại là bao nhiêu? Về văn bản, hiện còn lại bao nhiêu? Trong đó thuộc phạm vi của người Thăng Long - Hà Nội là bao nhiêu? Nếu có được những số liệu cụ thể đó thì người đọc càng hình dung rõ hơn tiềm lực đã có của người biên soạn rõ nét hơn nữa. Do đó, cũng thấy rõ hơn triển vọng công trình. - Riêng về phần văn sách thi Đình của Thăng Long - Hà Nội, đề cương đã nêu những điều cần nói và 13 tác giả. Tất cả đó, đều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thêm bốn điều sau: a) Thêm số lượng tác giả được nữa không? Nếu chỉ 13 thì sợ lướt so với yêu cầu của công trình gần 1000 trang. b) Nên chăng thêm một nội dung là “duy tâm hay thủ cựu”. Và quan trọng hơn là cố gắng phát hiện đặc điểm của văn sách thi Đình của Thăng Long là gì so với tình hình chung. c) Cũng quan trọng nữa là cần nói rõ về phẩm chất, công trạng của những vị người Thăng Long đã qua Đình thí đối với quê hương Thăng Long nói riêng, đất nước nói chung. Dĩ nhiên, Đình thí chưa hẳn đã quyết định gì nhiều đối với các vị nhưng nói về phẩm chất công trạng của các vị đó thì cũng là điều có thể nói, đáng nói. d) Sao lại Nguyễn Phạm Hàm? Vũ Phạm Hàm (hoặc Phạm Vũ Hàm) người Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Đông cũ, Hà Nội mới, Thám hoa 1884. Về tài liệu tham khảo: thế là phong phú đáng quý nhưng nên bổ sung thêm loại thư tịch trực tiếp liên quan đến giáo dục và thi cử chữ Hán. Trong đó có: a) Lịch sử giáo dục Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh (có thể tôi ghi tên sách không chính xác, xin bổ chính). b) Chuyên luận về chế độ thi cử xưa của Dương Bá Trạc đăng trên Nam Phong số 23 năm 1919. c) “Tìm hiểu: học tập, thi cử, học vụ, học hàm dưới thời phong kiến Việt Nam”, tác giả Đinh Văn Niêm – chưa in. Ngoài ra, cần xem lại tên sách của Hồ Khả Quang: “Trung Quốc tiểu học sử” (?) hay “Trung Quốc tiểu sử học” Cuối cùng, tôi vẫn muốn trở lại vấn đề cốt lõi nhất của công trình bằng cách viết lại với yêu cầu sáng rõ hơn, chặt chẽ hơn nội dung điều 7.2. Bởi viết như hiện có thì có thể gây ít nhiều thắc mắc, băn khoăn như sau: - Công trình này chỉ đụng đến văn sách thi Đình của các trạng nguyên (với triều Nguyễn là Bảng nhãn) không thôi sao? Nếu viết thế thì sẽ mâu thuẫn với chính mình ở dòng cuối một khi lại viết “tập sách này phản ánh thông tin cao nhất của chế độ khoa cử Việt Nam với những người đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ”. “Đỗ đầu tiến sĩ” dĩ nhiên là Trạng nguyên nhưng nhiều khoa cũng chỉ là Bảng nhãn, hoặc Thám hoa, hoặc Hoàng Giáp. Mà quả thế, trong số 13 vị được tuyển chọn về sau lại có Nguyễn Ý chỉ là đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp). Nguyễn Đăng Huân cũng đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp). Tóm lại là ít nhiều thiếu sự nhất quán, ít ra là trên phương diện bình văn. - Đó là phải ý thức một cách đầy đủ hơn, tự giác hơn, tường minh hơn nội hàm khái niệm - vốn là công cụ cơ bản của công trình là “Văn sách thi Đình Thăng Long”. Trong đó, có thể có hai cách xác định: a) của người Thăng Long trên đất Thăng Long và trên đất Huế (kinh đô nhà Nguyễn). b) được viết trên đất Thăng Long, không kể người Thăng Long hay các địa phương khác. Nếu theo cách 1 thì đối tượng chiếm lĩnh hẹp hơn. Còn theo cách 2 thì đối tượng chiếm lĩnh rộng hơn. Chọn cách nào cũng có lý của nó. Đề cương chọn cách thứ nhất cũng được, nhưng phải chủ động nói rõ quan điểm lựa chọn của mình để khỏi bị thắc mắc. Thêm nữa cũng phải xác định lại nội hàm khái niệm văn sách Đình thí là gồm những gì? Có phải chỉ với Trạng nguyên hay còn là với mọi bậc kết quả thi. Trong đó có tam khôi là đệ nhất giáp gồm đệ nhất giáp đệ nhất danh, đệ nhất giáp đệ nhị danh, đệ nhất giáp đệ tam danh. Tiếp đến, thấp hơn là đệ nhị giáp (Hoàng giáp), đệ tam giáp (đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, thường gọi tắt là tiến sĩ). Chọn đến phạm vi nào là trúng. Nhưng xin nhớ rằng: không chừng bài của Hoàng giáp lại còn hay hơn Thám hoa, Bảng nhãn cũng nên. Bởi đây có vấn đề chủ quan trong tiếp nhận. Tóm lại là phải thuyết minh rõ hơn, tự giác hơn, tường minh hơn các khái niệm công cụ cơ bản của công trình là: - Văn sách thi Đình - Văn sách thi Đình Thăng Long Lại lời cuối cùng nữa là rất hoan nghênh đề tài, hoan nghênh những gì đã có trong đề cương. Tôi có nói thêm gì đó cũng là xuất phát từ ý muốn để cuối cùng có một công trình về văn sách thi Đình Thăng Long xứng đáng với Thăng Long, được độc giả muôn đời công nhận, tán dương. Mong được quý vị thông cảm và tiếp nhận đến đâu là tùy.
PGS. Phan Văn Các (22/08/2011)
1- Đề tài tốt, có ý nghĩa học thuật và văn hoá, rất cần thiết cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. 2- Mục tiêu rõ ràng, thiết thực: tiêu chí đề ra để chọn các bài văn sách đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội là thích hợp. 3- Bố cục về cơ bản hợp lý 4- Thư mục tham khảo khá phong phú. Tuy nhiên, tôi xin mách thêm: - Lê triều Hội thí đình đối sách văn (A.3026/1-3) có 1 bài văn sách trong khoảng 14/5 - 1661. - Lịch khoa hội tuyển (A.2819/1-4). 5- Các tác giả, nhất là chủ nhiệm đề tài đều đã có quá trình nghiên cứu và giảng dạy lâu năm, đã chủ trì nhiều đề tài, đã bảo vệ luận án liên quan trực tiếp đến đề tài nên đã thâm nhập vào đề tài và nắm vững đề tài, tin chắc sẽ hoàn thành tốt bản thảo. 6- Tuy nhiên, đây là một đề tài khó, văn bản khảo cứu và dịch đều là tác phẩm của các đại gia, cần gia công ở mức cao nhất cho các bản dịch. Tôi ủng hộ đề tài này, song lưu ý Nhà xuất bản quan tâm nhiều đến sự phối hợp các đề tài có liên quan để bảo đảm không trùng lặp trong Tủ sách.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (22/08/2011)
1. Nền giáo dục nho học khoa cử của nước ta có lịch sử kéo dài hàng ngàn năm. Trong các kì thi cử tuyển dụng nhân tài đó, có thể thức cho phép các cống sinh vào sân điện của triều đình để làm văn trả lời câu hỏi của Hoàng đế. Bài văn trả lời đó gọi là văn sách thi đình. Những người lọt vào phòng thi này đã phải vượt qua hàng ngàn ứng sinh khác. Điều đó đủ khẳng định họ là những người có tài năng xuất chúng, do vậy những điều họ trình bày phô diễn trong bài văn đều là những tri thức bổ ích của người xưa được họ vận dụng xây dựng cuộc sống xã hội hiện tại một khi họ được lấy đỗ. Khai thác văn sách thi đình không chỉ tìm thấy cái hay cái đẹp của lối văn chương khoa cử hoa mĩ, mà chắc chắn sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm của người xưa. Do vậy có thể khẳng định công trình chuyên khảo Văn sách thi đình Thăng Long - Hà Nội là công trình khoa học có giá trị thực tiễn rất cao. 2. Nội dung công trình rất phong phú, bố cục hợp lý. Phần khảo cứu dày 90 trang, giới thiệu tường tận về chế độ thi cử nho học thời xưa. Người đọc có thể tìm hiểu các tri thức lịch sử văn hóa của Việt Nam thể hiện qua chế độ giáo dục khoa cử. Phần tuyển dịch văn bài thi đình gồm 900 trang, tuyển chọn hàng chục văn bài của các vị Đình nguyên nổi tiếng như Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh, Vũ Phạm Hàm... Các bản dịch văn bài thi đình này chắc chắn sẽ đem lại nhiều tri thức bổ ích cho độc giả, và cũng chắc chắn sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận. 3. Các tiêu chuẩn tuyển chọn văn bài, các phương pháp nghiên cứu tiếp cận đề tài được các tác giả công trình sử dụng đến thực sự phù hợp với đề tài nghiên cứu khai thác di sản văn hóa Hán Nôm. Chẳng hạn như các tác giả sử dụng phương pháp văn bản học để giám định tuyển chọn được bản nền đủ độ tin cậy để tiến hành dịch thuật. 4. Văn sách đình đối là thể tài văn học rất hay và cũng rất khó dịch, nó đòi hỏi người dịch phải có nhiều tri thức khoa học tổng hợp để thực hiện. Các tác giả tham gia khảo cứu thực hiện công trình này đều là những nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm, uyên thâm về Hán học. Do vậy công trình Văn sách thi đình Thăng Long – Hà Nội là công trình có giá trị thực tiễn và có tính khả thi cao, đề nghị Ban chỉ đạo Dự án tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến chấp nhận cấp kinh phí cho các tác giả thực hiện.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương (22/08/2011)
1. Đây là một đề tài độc lập với nội dung độc đáo. Chắc chắn rằng nếu thực hiện thành công, sản phẩm của đề tài sẽ là một tài liệu tham khảo và thưởng thức có ý nghĩa, có giá trị nhiều mặt. 2. Tác giả của bản đề cương là người có thâm niên nghiên cứu về vấn đề này, có thể coi là chuyên gia duy nhất hiện nay trong ngành nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu văn học Trung đại đã có sự theo đuổi đề tài này một cách công phu và tương đối liên tục. 3. Để công trình được tiến hành có kết quả hơn, xin đưa ra một vài góp ý. 3.1. Về phạm vi đối tượng cần khảo sát, bao quát và tuyển chọn: Nếu là công trình khảo sát và tuyển chọn các bài văn sách có tính chất đối vấn ở trường thi cuối cùng của kỳ thi đại khoa qua các triều đại, thì việc định danh là “đình đối” phải được giới thuyết một cách rõ ràng. Tiêu chí của việc tuyển chọn tác giả và tác phẩm càng cần được suy nghĩ để xác định cho thật rõ ràng, mạch lạc thêm nữa. Do chỗ Thăng Long là kinh đô, các cuộc thi đại khoa tổ chức phần lớn ở đó, nhưng người đỗ - từ đó mà có các tác phẩm tiêu biểu của từng hay mọi kỳ thi - có thể đến từ bất cứ vùng nào trên cả nước, nôi dung của tác phẩm lại thường tập trung vào những vấn đề có tầm quan trọng cốt tử của quốc gia, của triều đại, nên nếu tiêu chí tuyển chọn không mạch lạc tác giả dễ dàng rơi vào một trạng thái lúng túng. Tôi chưa thấy tác giả bản đề cương trình bày hệ tiêu chí tuyển chọn này. Ngoài “tiêu chí đương nhiên” là “tác giả Hà Nội” (cứ cho là đã mở rộng đi!), còn có hoặc còn vận dụng thêm những tiêu chí gì khác? Phải cụ thể hoá ra. Không phải kỳ thi đại khoa nào cũng có người đỗ Trạng, thậm chí không phải kỳ nào cũng có người đỗ vào hàng Tam khôi hay Đệ nhị giáp. Vậy thì tác giả được tuyển chọn “dừng lại” ở “vạch vôi” nào? Nếu lấy tới tận Đệ tam giáp (đồng tiến sĩ) thì e quá nhiều, nhưng nếu chỉ chọn trong Đệ nhất giáp hay chỉ Trạng nguyên, thì e lại quá hẹp (thành hẹp hòi). Vả lại, do nhiều nguyên nhân, không phải bài văn đỗ Trạng nào ta cũng còn, cũng có thể dịch và cần tuyển, ngược lại, có nhiều những bài không phải của Trạng nguyên vẫn nên có mặt trong tuyển này. 3.2. Liên quan đến điều vừa nói là dung lượng (dự kiến) của công trình. Có vẻ như soạn giả vì làm khoa học xã hội nên các con số đưa ra trong bản đề cương này cứ “tít mù” thế nào? Con số dự trù kinh phí là 110.000.000 đồng, nhưng bằng chữ là chín mươi triệu; số trang dự kiến là 900 trang, mà phần khảo luận khoảng 90 trang, phần tuyển dịch khoảng gần 900 trang, chưa nói thêm phụ lục, thế thì là 900 hay 1000 trang? Cần chặt chẽ hơn trong “phần cứng” thì mới thoả thuận được “phần mềm”, chứ nếu không, thì độ co dãn của công trình thành ra “vô định” mất. Tóm lại: Nội dung của bản đề cương thì phong phú, hấp dẫn, tính khả thi cao, nhưng đề nghị tác giả “chỉnh lý” lại cho rành rẽ hơn nữa. Đề nghị thường trực Dự án mời một vài chuyên gia độc lập đọc lại (không cần họp Hội đồng) nếu nhất trí được thì sớm triển khai ký hợp đồng. 3.3. Đây là một công trình được “thiết kế” muộn, nội dung lại khó, đề nghị tác giả đưa ra một thời gian biểu cụ thể và khả tín, bởi với những công trình như thế này, việc tuân thủ tiến độ sẽ có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bản thảo.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (29/03/2011)
Công trình Văn sách thi đình Thăng Long - Hà Nội do PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên Bản thảo công trình Văn sách thi đình Thăng Long - Hà Nội có độ dày 859 trang, gồm phần giới thiệu trang và tuyển chọn giới thiệu 24 bài văn đình đối xuất sắc với 802 trang, có thể nói là rất bề thế, lại được đánh máy rõ ràng, trình bày mạch lạc, rất dễ theo dõi. Sau khi đọc xong bản thảo, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến nhận xét như sau. 1. Văn sách thi đình là một hình thức thi cử tuyển dụng nhân tài ở mức cao nhất trong chế độ khoa cử thời xưa. Nội dung các bài văn sách đều do những người đang ở độ tráng niên có trí tuệ phát triển đầy đủ, có sức khỏe dồi dào, thực hiện mà những vấn đề đặt ra đòi hỏi giải đáp đều là những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh. Do vậy những sản phẩm này có thể được coi là đã hội tụ được tinh túy của thời đại. Hơn nữa văn sách thi đình khác hẳn các thể tài văn học đã một thời cùng tồn tại như văn tế, văn bia, hương ước là từ khi dừng chế độ khoa cử nho học thì nó cũng dừng bước luôn. Do vậy đặt vấn đề tuyển chọn giới thiệu văn sách thi đình ở vùng Thăng Long Hà Nội là một việc làm hết sức cần thiết và có giá trị thực tiễn rất cao. 2. Bài giới thiệu được tác giả thực hiện hết sức công phu. Chỉ với khuôn khổ khiêm tốn là 57 trang đánh máy, tác giả đã lần lượt dẫn dắt người đọc đi theo giải quyết các vấn đề về lịch sử thi cử, về thể văn đình đối và ngay cả về tên gọi về thời điểm xuất hiện chính thức của văn sách thi đình đã được giải thích đầy đủ rõ ràng. Bài viết cũng thể hiện tác giả là người rất thông thạo, am tường về thể chế thi cử, thể văn sách này. Tác giả đã nắm được nguồn tư liệu rất phong phú, kể cả những tư liệu do người nước ngoài viết, do vậy mà những nhận xét đánh giá của tác giả đã đủ sức thuyết phục người đọc. Chẳng hạn như ở trang 17, tác giả cho rằng năm 1070 Tể tướng Vương An Thạch đã tiến hành cải cách, trong đó về thi cử, ông đã áp dụng quy chế mới: “Theo đó nội dung thi thơ và phú trong kỳ thi đình khoa tiến sĩ sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó chỉ thực hiện duy nhất nội dung thi văn sách”. 3. Các bài văn sách tuyển chọn cũng thực sự hợp lý. Trong số 24 bài văn sách tuyển dịch giới thiệu, thấy phân bố như sau: - Thời Lê Sơ có 2 bài - Thời Mạc có 1 bài - Thời Lê Trung Hưng có 3 bài - Thời Nguyễn có 18 bài Nhìn theo góc độ thời gian tưởng như không hợp lý lắm, song nếu tính ở góc độ văn bản học thì tỉ lệ 6/24 và 18/24 lại là hợp lý, bởi lẽ số bài văn sách mà chúng ta hiện nay giữ được thì bài văn thời Nguyễn lại nhiều gấp mười lần các bài văn sách thời Lê Mạc. Ngay cả việc thời Nguyễn có bốn khoa thi được các tác giả tuyển dịch giới thiệu hơn một văn bài, cũng là việc làm có ý vị, nó sẽ giúp chúng ta tư liệu quan trọng để tìm hiểu xem cùng một vấn đề đặt ra đã có những phương án xử lý khác nhau. Đây cũng có thể xem là một ưu điểm của công trình. 4. Bản dịch đạt chất lượng tốt. Phần phiên âm dịch nghĩa chính xác, văn phong khoa học, lời văn trong sáng thể hiện cô đọng, công phu rất lớn của người dịch. Đặc biệt là phần chú thích được tác giả thực hiện rất công phu, có thể nói các dịch giả là những người đã biết cách “tầm chương trích cú”, để chú giải tường tận tỉ mỷ, làm tăng thêm giá trị rất nhiều cho bản dịch, để thuyết phục người đọc. 5. Ý kiến đóng góp 5.1. Nghe nói các tác giả đã đánh máy chữ Hán toàn bộ 24 bài văn sách, song trong tập bản thảo này chưa thấy xuất hiện. Đây là việc làm thực sự cần thiết song càng xin lưu ý các tác giả là cần phải thận trọng tỉ mỉ, không thì dễ xảy ra tình trạng “tam sao thất bản”. Xin nêu ví dụ ngay ở bài viết, số chữ Hán trích dẫn chỉ khoàng ngoài trăm chữ mà đã có mấy trường hợp chưa chính xác, như: Trang 15: Tào Phi 曹 丕 lại viết là 鲁 Trang 16: Cái như hậu thế mà chữ Hán 蓋 為 後 世 không rõ là như hay là vi? Trang 23: chữ 既 定 lại viết là 耆 定 Chưa kể trong câu này chữ xiển dương lại phiên âm là đàn dương 5.2 Phần dịch thuật cũng có một số trường hợp chưa thật rõ nghĩa, nhất là có chữ còn để nguyên từ Hán Việt, ví dụ: Bài 7, bài văn của Nguyễn Ý, trang 13 dịch “Hoàng thượng, thận phép tắc, xét thành công, đức nhật tân sáng mãi” (Phiên âm: Hoàng thượng thận hiến tỉnh thành, nhật tân nguyệt chiếu…). 5.3 Tập sách nên có số sách dẫn tra cứu. Nhìn chung bản thảo công trình Văn sách thi đình Thăng Long Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên là một công trình khoa học đạt chất lượng tốt. Các tác giả đã dụng công thực hiện nghiêm túc, khoa học, do vậy tôi xin trân trọng đề nghị Hội đồng nghiệm thu công trình thông qua.
* PGS.TS. Trần Nho Thìn (05/05/2010)
1. Đề tài: đây là đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn ở nhiều mặt, vừa thiết thực đóng góp vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, vừa cung cấp tư liệu hữu dụng cho các khoa học nghiên cứu sử học, triết học, văn học và văn hóa Việt Nam thời trung đại. Tin chắc công trình sẽ có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới chuyên môn nói trên và đông đảo bạn đọc yêu mến văn hiến Thăng Long. 2. Về nội dung: Đề tài có hai phần chính, phần Khảo về khoa cử của Trung Quốc và Việt Nam cũng như khái niệm Văn sách. Đây là một phần viết công phu, tâm huyết, có giá trị khoa học. Phần thứ hai gồm 24 bài văn sách Thi đình được trình bày theo trình tự phiên âm, dịch nghĩa, chú thích tỷ mỉ. Với phần này, nhóm soạn giả đã đầu tư công sức và thời gian, thực hiện một khối lượng công việc khá lớn, thể hiện trình độ ngôn ngữ uyên thâm và vốn hiểu biết kinh điển khá sâu sắc. Với phần in nguyên văn chữ Hán, công trình có giá trị tham khảo cao. Vì thế có thể an tâm tiếp nhận bản thảo này để biên tập xuất bản. 3. Một số góp ý: Những góp ý của tôi chủ yếu liên quan đến quan niệm về dịch thuật của các soạn giả chứ không phải về chữ nghĩa. Lẽ ra nên có một phần trình bày dẫu vắn tắt về quan niệm dịch thuật để người đọc có thể theo dõi. Trên thực tế, trong các bản dịch, dù nói là được thực hiện với chất lượng cao và độ tin cậy, song tôi vẫn thấy băn khoăn. Đối tượng bản dịch là người hiện đại, vốn cổ học không nhiều, cần quan tâm đến việc cung cấp cho họ một bản dịch chuyển tải được những hàm nghĩa văn hóa của ngôn từ và cách lập luận của người xưa. Có thể với người có Hán học thì những từ ngữ được phiên âm không gây nên vấn đề nào vì có thể hiểu được thì đối với người đọc thông thường, nếu chỉ thuần tuý phiên âm những khái niệm chữ Hán liệu có để mất nội dung hay không? Ví dụ: bài của Phùng Thế Trung, phần Chế sách của Hoàng thượng mấy dòng đầu dịch như sau: “Ban bố chính trị, thi hành nhân là gốc của việc làm vua thiên hạ, có chắc như vậy không? Những việc như: Kính trời, tể tướng, noi theo đế vương, dùng bề tôi cũ, đài gián, tướng quyền, quân chính, cửu khanh, tướng tài, học hiệu, tài đức, quan chế, xã tắc, kỷ cương, nhân tài các đời, công nghiệp trung hưng đều là những việc hàng đầu có quan hệ đến thiên hạ” (tr.26). So với nguyên văn, bản dịch đã để nguyên không dịch, chỉ phiên âm một phần lớn các khái niệm (tôi in nghiêng). Nếu quan niệm đây là các việc làm, tức phải dịch có động từ như mấy chỗ đã dịch thì việc phiên âm như trên gây khó hiểu. Liệu có nên dịch tất cả có động từ (tạm dịch) như sau : “Kính trời, dùng tể tướng, noi theo đế vương, đề cao gián quan, cẩn thận việc trao quyền cho tướng lĩnh, làm nghiêm quân binh…định quan chế, tế xã tắc, lập kỷ cương..”. Cũng như vậy, nếu chỉ phiên âm theo trật tự ngữ pháp tiếng Việt rồi dịch thiên địa hoá dục thành hoá dục trời đất thì cũng gây khó hiểu. Thực ra, sự biến hoá, sinh dục là việc thiêng liêng của trời đất, vũ trụ, con người vì đứng trong tam tài, được tham dự vào công cuộc hoá dục này. Do đó, tôi cho là tất cả những trường hợp từ ngữ, khái niệm chỉ thuần tuý phiên âm hay dịch đơn giản nên được cân nhắc lại. Một số khái niệm triết học văn hóa cổ đại nếu không dịch thì cần chú thích kỹ hơn. Chính được dịch là chính trị thì không sai nhưng trong câu phát chính/ thi nhân thì bản thân áp lực của cấu trúc đối xứng đòi hỏi phải dịch khác đi một chút để nói lên sắc thái đối này, ví dụ, ban bố nền vương chính/ thi hành đạo nhân nghĩa. Cũng như vậy, thể dịch là thể chế thì không cẩn thận làm mất sắc thái ngữ nghĩa triết học văn hóa riêng của đời xưa… Trên đây là tôi lấy mấy ví dụ ở một bài để nói một nguyện vọng chung mong muốn cho văn bản được hoàn chỉnh nên có gia công thêm, mặc dù đây là một công trình khoa học đã được các chuyên gia có thẩm quyền chuyên môn thực hiện rất công phu, với chất lượng cao.
PGS. Phan Văn Các (05/05/2010)
I. Ưu điểm: 1. Công trình nghiêm túc, công phu theo sát đề cương đã được nghiệm thu ngày 13/3/2009. Bản thảo đã hoàn thành gồm: - Phần tổng luận: 57tr - Phần sao chụp nguyên văn chữ Hán: 473tr - Phần phiên âm dịch chú: 983tr Cộng: 1513tr 2. Phiên âm dịch nghĩa cơ bản chính xác, sát nguyên văn. 3. Chú thích kỹ lưỡng, cơ bản chính xác, cần thiết. Bài ít nhất cũng có: 30 chú thích (bài 19 của Nguyễn Kham) Bài nhiều nhất đến: 200 chú thích (bài 6 của Đặng Công Chất) Tuy có những chú thích trùng lặp giữa bài này với bài khác song vẫn cần thiết vì tiện dùng cho người đọc, không nên trở về bài trước. 4. Bài tổng luận viết kỹ lưỡng công phu gồm các nội dung cần thiết để hiểu về văn sách như: 4.1. Thi Đình và văn sách đình đối trong thể chế khoa cử. 4.2. Khoa Tiến sĩ và kỳ thi Đình trong lịch sử khoa cử Việt Nam 4.3. Điển chế thi Đình, quy thức văn sách đình đối và không gian văn hóa kinh đô. 4.4. Văn sách đình đối Thăng Long - Nội dung và ý nghĩa văn hóa a. Những vấn đề căn bản của trị đạo (p.39) b. Những vấn đề về kiến lập thiết kế, chế độ (p.45) II. Một số điểm đề nghị các tác giả cân nhắc sửa chữa 1. Bài Tổng luận bố cục chưa chặt chẽ, các tiểu mục có chỗ trùng lặp, và tiêu đề chưa rạch ròi, giữa (1) và (2), giữa (2) và (3). 2. Tuyển chọn tác phẩm còn có bài không thật tiêu biểu, vì sao chọn nhiều Hoàng Giáp, thậm chí đến 4 đồng tiến sĩ đệ tam giáp, trong khi rất nhiều Trạng nguyên không được chọn (tổng số 46 Trạng nguyên, chỉ có 2 Trạng nguyên được chọn) thời Lê chỉ chọn 5 bài, Mạc 1 bài, trong khi đó thời Nguyễn 18). Tuy nhiên, vô tình ở đây có sự phân công với “Văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám”; 2 công trình không có bài văn sách nào trùng lặp. 3. Rà soát kỹ lại phần dịch chú, ở trên có nói dịch đúng và sát chú thích kỹ là ưu điểm song vẫn không tránh khỏi thiếu sót. Tôi chưa có thời gian rà soát cả 24 bài (nguyên bản chữ Hán NXB chuyển đến tôi chỉ có 2 ngày trước buổi nghiệm thu này) nhưng cũng là đọc kỹ được 2 bài thì cũng đã phát hiện một số lỗi, thí dụ như chú thích số 42 của bài 2 (bài của Vũ Tuấn Chiêu) chú thích kỹ về “thanh miêu” nhưng lại bỏ qua “thu trà” ở p.18. Và quan trọng hơn là “thu trà” là đọc nhầm từ “Thu đồ” . “Thu đồ” là cách nói hình ảnh về hình pháp tàn khốc của Vương An Thạnh (cỏ “đồ” mùa thu tràn lan khắp nơi, cần phải trừ diệt triệt để). “Đồ” và “trà” chỉ khác nhay 1 nét ngang nhỏ, đã bị chép nhầm ngay từ nguyên bản chữ Hán ký hiệu A3026/2 của Viện Hán Nôm. 4. Một số lỗi chữ Hán như “Tào Phi” đánh thành “Lỗ Phi”
GS.Nguyễn Đinh Chú (05/05/2010)
Công trình bao gồm hai phần: tiểu luận và văn tuyển. Ở đây, chỉ nhận xét về phần chuyên luận do chủ nhiệm chương trình PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh viết. 1- Nội dung tiểu luận rất phong phú dựa trên một sự hiểu biết khá đầy đủ về chuyện thi cử nói chung, thi tiến sĩ, thi đình nói riêng ở Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng đã nêu lên được những nội dung của Đình đối sách trong lịch sử thi Đình của đất nước và của Thăng Long - Hà Nội. 2- Tuy nhiên, xét về mặt tổ chức một văn bản sao cho thật chặt chẽ, logic thì cũng để lộ một số nhược điểm cần khắc phục, điều chỉnh: 2.1- Trước hết là cách đề tên tác giả ở bìa sách. Ở đây đề: “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh. Trong khi trong đề cương thì ghi: Nguyễn Văn Thịnh: chủ nhiệm đề tài và một loạt “thành viên tham gia đề tài”. Như thế, không bị thắc mắc sao? Nên chăng ở bìa ghi: chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh và ở mặt trong của bìa, ghi đầy đủ: chủ biên và các thành viên tham gia. 2.2- Điều đáng nói nhất ở chuyên luận này là chưa có tính định hướng tới mức cần thiết nhất. Nhược điểm đó thể hiện ở chỗ: +) Việc bố trí nội dung các phần trong tiểu luận có chỗ chưa thật logic và cũng chưa thỏa đáng về tỷ lệ số trang. Cụ thể: Mở đầu: Văn sách thi Đình Thăng Long: 7tr (tr.1 - tr.7) Nội dung: - Thi đình và văn sách Đình đối trong chế độ khoa cử: 10tr 1/2 (từ tr.8 – ½ tr.17) - Khoa tiến sĩ và kỳ thi Đình trong lịch sử khoa cử Việt Nam: 12tr (từ ½ tr.17 – ½ tr.29). - Điển chế thi đình, quy thức văn sách Đình đối và không gian văn hóa Thăng Long: 7tr ½ (1/2 tr.29 – tr.37). - Văn sách đình đối Thăng Long – nội dung và ý nghĩa văn hóa: 19tr ½ (tr.38 – ½ tr.57). Như thế là: phần chính, phần trọng tâm: “Văn sách đình đối Thăng Long…” chỉ 19tr ½ trong khi trừ phần mở rộng còn 3 phần nội dung cộng lại là 30tr (nếu cộng thêm phần mở đầu 7 là 37tr). Rõ ràng là mất cân đối. Đúng ra là phải ưu tiên số trang cho phần chính so với số trang phần mở rộng, nếu là một công trình khoa học chặt chẽ, có tính định hướng cao. +) Phần mở đầu: Viết lan man – rời rạc. Có lẽ phần này chỉ viết dăm ba dòng gọi là vào đề. Còn chuyển xuống phần viết về văn sách thi Đình Thăng Long ở cuối, để người đọc theo dõi vấn đề một chỗ thì dễ nắm vấn đề trọn vẹn hơn. Vả lại, cũng là một cách để tăng số trang cho phần chính. Tất nhiên, nếu chỉnh thì cũng phải sửa chữa cách viết sao cho liền mạch liền lời chứ không phải cứ bê nguyên si sự lủng củng vào. + Tôi nghĩ phải thu gọn 3 phần giới thiệu thi cử và đình đối sách lại thành một phần và phải giới thiệu đầy đủ hơn, tập trung hơn, có tính định hướng sáng rõ hơn phần viết về Đình đối sách Thăng Long cũng phải nói thêm: ngay ở phần đình đối sách Thăng Long thì nhiều đoạn cũng gây cho người đọc cảm giác là nói chung về Đình đối sách chung chứ không phải riêng về Thăng Long. + Tuyển tập giới thiệu 22 bài Đình đối sách Thăng Long nhưng thực tế chỉ đụng đến bài của các vị: Nguyễn Trực, Vũ Tuấn Chiêu, Hoàng Tế Mỹ , Ngô Điền, Hà Tông Quyền, Đặng Công Chất, Nguyễn Năng Thiệu, Nguyễn Tư Giản, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Kham, Hoàng Xuân Hiệp. Tôi muốn tập trung vào Đình đối sách Thăng Long nhiều hơn nữa bằng cách: nói rõ tình hình thi Đình ở Thăng Long của người Thăng Long, ở Huế của người Thăng Long; đôi nét tiểu sử các thí sinh Đình thí Thăng Long; nội dung đình đối sách Thăng Long được nói kỹ hơn và muốn tốt nữa thì có thể so sánh với người ngoài Thăng Long để thấy cái chung và cái riêng nếu có. + Tôi cũng muốn phần luận không chỉ ngừng ở trạng thái kể lể sự kiện mà phải phân tích đánh giá sự kiện, có thế mới làm cho người đọc thấy được giá trị của Đình đối sách có nhiều điều cao siêu mà ngày nay còn phải suy nghĩ kể cả thèm khát muốn có lại. Tóm lại, tôi cảm phục tác giả tiểu luận có nhiều hiểu biết quý báu, nhưng cách dàn dựng vấn đề thì còn có nhiều chỗ chưa thật tốt, đặc biệt là phần chính của nội dung còn chưa tương xứng với những gì nó có và cần có ở tiểu luận này. Xuất phát từ ý muốn có 1 công trình kỷ niệm đích đáng đối với 1000 năm Thăng Long, tôi xin được nói thật, nói thẳng mặc dù có thể có điều nói không đúng, mong được tác giả thông cảm.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)