Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Người Thăng Long

 Trong nền văn học Việt Nam, nhà văn Hà Ân xứng danh là cây đại thụ trong các nhà văn đương đại viết về lịch sử. Đọc tiểu thuyết lịch sử của ông, người đọc không cảm thấy sự khô khan, trúc trắc bởi các sự kiện lịch sử đã đi vào nội tâm nhân vật, lý giải vấn đề lịch sử bằng cái nhìn của ngày nay, cùng với sự tưởng tượng của nhà văn. Tất nhiên ông vẫn là tôn trọng chính sử, coi chính sử là cái mốc thời gian để trên đó hư cấu theo ý đồ của mình nêu lên những ý nghĩa nhân văn và đạo đức cao cả. Nhắc đến Hà Ân là nhắc đến một con người uyên bác, kiến văn sâu rộng, và ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, tinh tế. Với những tiểu thuyết lịch sử viết về Thăng Long - Hà Nội đặc biệt là tiểu thuyết “Người Thăng Long”, Hà Ân không chỉ tái hiện một thời đoạn oai hùng nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, vương triều Trần, mà ông còn làm sống dậy những anh hùng, hào kiệt mang hào khí Đông A. Dù chỉ tái hiện lịch sử trong một lát cắt là cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, nhưng ở đó khung cảnh, đất và người Thăng Long lại được tạo dựng một cách oai hùng, lắng đọng và đi vào chiều sâu từ chính những điều bình thường nhất đó là lối sống, là nếp nghĩ, cách ứng xử, nếp sinh hoạt tinh tế, khéo léo và thanh lịch của người Tràng An.

Tác giả: Hà Ân
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Tổng số trang: 380
Kích thước: 14,5x20,5
Bình chọn:
(Tổng số: 4 - Trung bình: 3.25)
Giới thiệu về sách:

Đối mặt với một kẻ thù hùng mạnh không từ bỏ dã tâm xâm phạm bờ cõi Đại Việt vừa là sự biến xã hội lớn lao vừa là bối cảnh để vua tôi nhà Trần thể hiện sự đồng tâm nhất chí, lòng yêu nước nồng nàn và hào khí thời đại mạnh mẽ. Trong cơn biến thiên thời đại ấy, có những con người đã góp phần làm nên lịch sử dân tộc mà tiêu biểu là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (ông hoàng Sáu), một vị vương nổi tiếng đã tự thoát ra và chiến thắng những ràng buộc mà số phận một vương gia mang lại cho mình. Đó là những cử chỉ thân thiện với quân sĩ, tình cảm dành cho nhũ mẫu người đã chăm sóc ông, là tình cảm dành cho người em Hoàng Mãnh… và còn cả tình yêu dành cho cô Mơ. Những tình cảm chân thành, những hành động hiệp nghĩa càng toát lên vẻ đẹp của một vương gia đầy tài hoa. Cũng từ nhân vật này trong bối cảnh lịch sử với sự song hành của những con người bảo toàn độc lập tự do cho dân tộc, làm rạng danh sử sách như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Hoàng Mãnh,… Hà Ân đã truyền tải đầy đủ vẻ đẹp của người Thăng Long. Đó là nét hào hoa, lịch thiệp, cách đối nhân xử thế biết vì việc chung, nghĩa lớn mà hành xử, là tài binh lược cùng với lối sống phóng khoáng, đầy nghĩa khí từ đó làm nên sức mạnh của cả một thời đại.

Với nhà văn Hà Ân “Người Thăng Long” không chỉ dừng lại ở tên tuổi cuốn tiểu thuyết lịch sử mà còn là duyên nghiệp của ông với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến với vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch của người Tràng An. Qua từng trang viết của ông ánh lên vẻ đẹp đến lạ lùng của những con người Tràng An từ đế vương đến những người dân thường chốn Kinh kỳ. Cùng với đó những trang truyện kể lịch sử đã tái hiện về một thời đầy bóng kiếm, hoa đào và cả vó ngựa chốn biên thùy, buồm căng nơi biển lớn, tiếng thét Sát Thát chất chứa căm hờn của đoàn quân xung trận nhà Trần trong cuộc đấu tranh đánh đuổi quân Nguyên Mông hùng mạnh. Có thể nói những nhà văn chuyên về đề tài lịch sử như Hà Ân thực chất là những phi hành gia đã mạo hiểm lên tàu con thoi, ngược thời gian để trở về quá khứ: họ tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân trong hành vi ngược nguồn mạo hiểm đó. Họ đổ bộ xuống những vùng đất trống, những vùng đất mà cơn lũ của những tháng năm, những thế kỷ đã cuốn phăng đi tất cả. Nơi đó, bằng một ít tàn tích nửa thật nửa giả gom nhặt được, họ phải nối kết chúng, nhào nặn chúng, thổi hồn cho chúng, làm sống lại những tàn tích của quá khứ sống lại như câu chuyện vừa diễn ra đâu đó. So với những nhà văn viết về đề tài hiện đại, với những sự kiện, dự liệu sinh động thì người viết truyện lịch sử phải huy động một nguồn năng lượng, sức tưởng tượng, sự am hiểu vô cùng rộng mới có thể dựng lại sự kiện, đời sống của những con người cách nay hàng nghìn năm. Để thành công trên lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử như nhà văn Hà Ân thì có lẽ động lực lớn nhất đó là tình yêu của ông dành cho những nhân vật lịch sử.

Từ những trang viết của nhà văn Hà Ân, khi đọc tiểu thuyết Người Thăng Long, bạn đọc như thấy mình đang sống cùng với thời đại của nhà Trần, với hào khí Đông A, sức mạnh, ý chí phi thường trong cuộc đấu tranh chồng quân Nguyên Mông. Cùng với đó còn cả lời ăn, tiếng nói, món ăn, nếp nghĩ của những bậc đế vương, quan quân triều Trần cũng như người dân Kinh kỳ cách nay gần nghìn năm.

 “Người Thăng Long” của Hà Ân, góp phần đánh dấu tên tuổi ông là người hiểu và cảm một cách sâu sắc nhất về thời đại này. Ông không chỉ đơn thuần là kể lại lịch sử, ông làm cho lịch sử sống lại với sự hào hùng của thời đại hoàng kim nhà Trần và lòng tự hào dân tộc muôn đời.

Tiểu thuyết Người Thăng Long ra mắt năm 1980, bởi sức hấp dẫn của mình cuốn tiểu thuyết này đã được in nhiều lần sau đó. Trân trọng tấm lòng và tình yêu của một con người dành cả cuộc đời gắn bó và viết về Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng tái bản và giới thiệu đến độc giả tiểu thuyết  “Người Thăng Long” trong mảng sách phổ thông của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đàm Ly

Sách cùng chuyên mục

Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI

Các tác phẩm được tuyển chọn phong phú. Mỗi ca khúc phản ánh được không khí của Hà Nội gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể và hơn hết là chứa đựng cái hồn của Hà Nội, tiếng lòng của Hà Nội và tình yêu đối với mảnh đất này.
PGS. Hoàng Dương (Chủ biên) - NS. Hồ Quang Bình (Chủ trì)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
364 trang
16 x 24 cm

Tuyển tập Văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
PGS. Trần Lê Sáng (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu)
Nhà Xuất bản Hà Nội
ước 3376 trang

Hà Nội với những tấm lòng gần xa

Đây là tuyển tập các bài thơ văn, bút ký, tản văn và một số ký hoạ, tranh, ảnh nghệ thuật của người nước ngoài nhìn Hà Nội, cảm nhận và viết về Hà Nội. Điểm theo thời gian, nêu những nét đặc sắc của Hà Nội qua cái nhìn của bè bạn. Các tác phẩm nêu bật được vẻ đẹp của cảnh sắc và con người Hà Nội, bày tỏ sự thán phục trước sự dũng cảm của con người Hà Nội và những ấn tượng sâu sắc mà Hà Nội để lại trong lòng bạn bè.
Hoàng Thuý Toàn (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
16 x 24 cm

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
952 trang

Tướng Vương Thừa Vũ – một người con Hà Nội

Trung tướng Vương Thừa Vũ là một trong những danh tướng tài ba mà tên tuổi và sự nghiệp của ông đã gắn liền với những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của Quân đội nhân dân Việt Nam như một huyền thoại. Trân trọng những đóng góp to lớn trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Thủ đô của Trung tướng Vương Thừa Vũ - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội tái bản trong mảng sách phố thông của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến cuốn sách “Tướng Vương Thừa Vũ - Một người Hà Nội” của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, người đã gắn bó với tướng Vũ suốt một đời binh nghiệp.

Nguyễn Chu Phác
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
224
14,5x20,5
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)