Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 952 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 5.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung

- Công trình sưu tập, tuyển chọn những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Thăng Long - Hà Nội với ý nghĩa vinh danh lịch sử, cuộc sống, con người và cảnh quan thủ đô qua ngàn năm văn hiến; chú trọng chọn lọc những tác phẩm nghệ thuật phản ánh chiều sâu văn hóa, hình ảnh cuộc sống , con người và cảnh quan Thăng Long - Hà Nội, nhấn mạnh những tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc thể tài du ký, in đậm phong cách du ký và hồi ức, kỷ niệm qua các thời kỳ lịch sử.

- Công trình tinh tuyển, giới thiệu những tác phẩm phản ánh lịch sử xây dựng phát triển Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội qua suốt ngàn năm văn hiến, đặc biệt những giá trị tinh thần trong thế kỷ XX, bao quát khối lượng tài liệu phong phú, trải rộng từ hệ thống thần thoại, truyện cổ tích, ca dao đến thơ ca đề vịnh, truyện ký tiêu biểu dưới thời trung đại, hiện đại và đương đại nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa và lưu giữ những giá trị tinh thần Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ, góp phần thiết thực phục vụ  giới nghiên cứu, giáo viên, học sinh các cấp và đông đảo công chúng bạn đọc.

Sách cùng chuyên mục

Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội

Là công trình tuyển chọn có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung

Nhà văn Lê Minh Khuê (Chủ trì sưu tầm, tuyển chọn)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
16x24cm

Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội

Là công trình tuyển chọn có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung
Chủ trì tuyển chọn: Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
8808 trang

Di sản Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám

Làm rõ các giá trị văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong nền văn học trung đại Việt Nam: giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn hoá, giá trị tư tưởng, tính dân tộc của văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
PGS. Phan Văn Các và PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
1164 trang

Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội

Giới thiệu cuốn sách “Cái kiểu người Hà Nội”

Nhận định về những sáng tác của nhà văn Ngọc Giao, Giáo sư Phong Lê viết: Phấn hương (1939) và Cô gái làng Sơn Hạ (1942) là hai tập truyện đủ đưa Ngọc Giao vào hàng ngũ thành danh trước năm 1945, giống như Thạch Lam với Gió đầu mùa, Nắng trong vườn; Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời; Tô Hoài với O Chuột, Nhà nghèo... Ngọc Giao phải được xem là một tác giả quen thuộc viết về Hà Nội, để có vị trí xứng đáng bên cạnh Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài... (Kiến thức ngày nay, số 472).

Ngọc Giao
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
332
14,5x20,5
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (01/09/2011)
1- Nhìn chung chúng tôi tán thành bản đề cương này. Tôi rất tán thành là chúng ta đã có thêm những trang thư trong những tập Từ tuyến đầu tổ quốc, những dòng nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc thể hiện những tình cảm nhớ nhung, yêu quý thủ đô khi họ xa Hà Nội. 2- Sau đây là một số góp ý để tác giả và Nhà xuất bản cân nhắc thêm. 2.1- Phần tổng luận nếu chỉ có dung lượng từ 15 đến 25 trang thì hơi ít, tối thiểu cũng nên 35 trang. 2.2- Không nên đưa bài Nam quốc sơn hà (tr.3 đề cương) vào đây, bởi vì theo tương truyền bài này được đọc ở sông Cầu, còn bởi vì đã có nhiều ý kiến (của GS. Hà Văn Tấn, của PGS. Bùi Duy Tân) khẳng định bài này không phải là của Lý Thường Kiệt. Tại cuộc họp lần trước, một uỷ viên hội đồng là ông Vũ Thanh cũng nói là không nên đưa bài này vào sách. 2.3- Không nên tuyển bài Góc thành Nam (tr.4 đề cương) của Nguyễn Trãi vào đây. Vì bài này nằm dưới cái mục “Thăng Long - những trang thơ mơ rắn rồng bay” thì không hợp. 2.4- Ở nửa cuối tr.8 và cả tr.9 cho đến nửa đầu tr.10, tác giả đề cương đánh 38 số thứ tự: 1, 2, 3,… 38, những con số này đưa vào đây không hợp lôgíc. Đề nghị bỏ bớt bài của Mai Thảo, Tạ Tị, Đinh Hùng. Những tác giả này chỉ nên chọn của mỗi một vị độ hai bài. 2.5- Tại tr.8 của bản đề cương, các tác giả viết như sau: * Anh Đức…(Từ tuyến đầu tổ quốc) Viết như thế là không chính xác. Viết như thế sẽ làm cho người đọc hiểu rằng Anh Đức là tác giả của tập sách Từ tuyến đầu tổ quốc. Thật ra không phải. Nhà văn Anh Đức là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, tại đất Bắc ông nổi tiếng với những tác phẩm Con cá song, Chị Tư Hậu. Sau đó ông vào miền Nam, có tác phẩm nổi tiếng là Bức thư Cà Mau, Hòn đất, Giấc mơ của ông lão vườn chim…
PGS.TS. Trần Ngọc Vương (24/08/2011)
1. Đây là một công trình sưu tầm và tuyển chọn theo một chủ đề mở, không mang tính kết cấu chặt chẽ bắt buộc, cho nên nguồn tư liệu mà các soạn giả có thể tiếp cận rất phong phú, hơn nữa, chính vì quá phong phú lại gây khó cho công việc. Như nhiều lần đã trao đổi, cái sự “công phu” không phải là chuyện đáng bàn, bởi thực ra nếu xét theo nghĩa “đổ mồ hôi sôi nước mắt” thì công trình này không phải thế, chẳng cần thế. Cái cần ở đây là sự tinh tế trong việc tuyển lựa. Có thể coi là bản thảo đã thành hình. Nhưng có lẽ so với nhiều công trình khác mà tôi biết cho tới thời điểm hiện nay thì tiến độ của công trình này sẽ bị chậm. Nếu cứ “chắc mẩm” là “cơ bản xong rồi” thì lại càng chậm. Chắc là nhiều ý kiến nhận xét đã khẳng định những gì đã làm được, tôi không đi sâu thêm ở đây. Tôi viết nhận xét này với không với mục đích đánh giá là chính mà góp ý là chính. 2. Tôi nhớ đã thống nhất chia công trình này làm hai phần lớn, lấy văn học làm trục, có thêm phụ lục một số tác phẩm nhạc họa. Các soạn giả cũng đã làm thế. Ranh giới thời gian của hai phần (chấp nhận những ước lệ và ngoại lệ) là những năm bản lề giữa hai thế kỷ XIX - XX. Nhưng tên gọi của mỗi phần thì phải đầu tư suy nghĩ, sao cho “đắt”. Nhìn vào mấy tiêu đề lớn nhỏ, tôi đều thấy là chưa ổn. Sao thư tịch bao quát 900 năm lịch sử mà gọi là “nghìn năm mở nước”? Mở nước gì mất những nghìn năm? Sao chỉ Thăng Long, dù là cả “Thăng Long 2” đi nữa, mà được gọi là “mở nước”? Một trăm năm qua có phải là “thời hội nhập”? Thơ, dù là của Thăng Long, về Thăng Long, không nhất định là “mơ dáng rồng bay”. Trên thực tế là thơ từ Hà Nội, về Hà Nội, của Hà Nội rất phong phú và đa sắc, nhiều hơn “thất tình lục dục”, chứ không phải chỉ cảm xúc về “dáng rồng”. Mà nếu chỉ “mơ dáng rồng bay” thôi thì người đọc sẽ chán, còn nếu là trăm thương nghìn nhớ, trăm giận nghìn hờn thì mới làm người đọc vấn vương ám ảnh với kinh kỳ! Cái tiêu đề này, nói thật nhé, vừa giáo điều vừa sơ hốt, đến mức không nhìn ra chút nào có tính “chuyên nghiệp” cả. Cái tiêu đề cho mục Văn (phần A) tuy cũng chưa phải hay nhưng dù sao còn ổn hơn. Cả hai tiêu đề của hai mục sau cũng chưa ổn. Nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ bây giờ, là nghe nó “chuối chuối” thế nào ấy. 3. Phần văn chương trung đại vắng thơ từ lúc có văn học viết cho tới tận Vãn Trần. Những tác giả được chọn ở đây sớm nhất là từ thế kỷ XIV. Tôi không hiểu lý do của sự thiếu vắng này. Còn phần văn, sao một tác phẩm mô tả tổng thể đối với vùng đất Thăng Long với một niềm say mê không giấu giếm lộ ra trong từng câu chữ là Chiếu dời đô lại không có mặt? Chính Chiếu dời đô cấp cho ta lý do đầy đủ nhất để rồi yêu và say mê Thăng Long - Hà Nội! Mà sao Văn cũng chỉ chọn bắt đầu từ thế kỷ XIV? Cảm nhận chung của tôi là sự tuyển chọn chưa thật công phu, chưa có gout lắm. Cả phần văn thơ hiện đại cũng thế: quá nhiều tác phẩm “sản xuất chiến đấu” quá nhiều “thời văn”, và từ phía ngược lại, tiêu chí “mặt trận” lại được áp dụng khá lộ liễu. May mà số lượng có trong tay nhiều, nên có thể “lọc” lại mà không sợ cập rập. 4. Lỗi văn bản thì nhiều lắm. Đặc biệt lưu ý rằng nhất là đối với các tác phẩm có nguyên văn Hán Nôm thì cần phải dò lại từng câu, từng chữ rất kỹ mới được. 5. Bài Tổng quan, hay đúng ra, bài dẫn luận, chưa đạt. Có cảm tưởng tác giả lúng túng trong cách viết, không chọn được văn mạch, không có cảm hứng chủ đạo nên văn thiếu lửa. Nêu một số nhận xét như vậy để các soạn giả tham khảo, với tư cách là một ý kiến. Kết luận chung của Hội đồng sẽ còn tùy thuộc vào sự tổng hợp của nhiều ý kiến khác.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (24/08/2011)
A. Mô tả bản thảo Bản thảo không đánh số trang liên tục. Nội dung gồm có: + Bài tổng luận do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn viết + Phần I: Thăng Long ngàn năm mở nước + Phần II: Thăng Long trăm năm hội nhập + Phụ lục. B. Ưu điểm của bản thảo Bản thảo đã thực hiện theo bản đề cương được sửa chữa lần cuối. Những chỗ góp ý của Hội đồng đều được nhóm soạn giả cân nhắc, lược bỏ. Bản thảo đã giới thiệu rất nhiều tác giả (những tác giả thời trung đại, những tác giả thời hiện đại), không chỉ giới thiệu thơ văn mà còn có cả các bản nhạc mà nội dung châu tuần xung quanh chủ đề cuốn sách. Nhiều văn bản được ghi xuất xứ. Đây là cách làm việc khoa học và cần thiết. Có nhiều tác phẩm đã được chọn đúng và kịp thời. Thí dụ, bài thơ “Thăng Long” của Đỗ Trung Lai được in trên báo tết Hà Nội Mới cách đây mấy năm, là một bài thơ hay, đã được giới thiệu ở đây. Nhìn tổng thể, bản thảo đủ chất lượng để xuất bản và chắc chắn khi cuốn sách ra đời sẽ được độc giả đánh giá tốt. C. Một số điều trao đổi để các soạn giả cân nhắc thêm 1. Bài Tổng luận trong dung lượng gần 24 trang về cơ bản đã đáp ứng nhiệm vụ của một bài viết mở đầu cuốn sách. Tuy nhiên nếu PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn có thể viết sâu sắc hơn, cảm xúc hơn thì bài viết sẽ thành công hơn. Có một vài chỗ nên xem lại. Thí dụ không nên viết “Nguyễn Khoa Điềm gửi về anh Tường”. Nên viết “Nguyễn Khoa Điềm gửi về Hoàng Phủ Ngọc Tường”, bởi vì trong cả đoạn văn, những người được nhắc đến đều có đủ họ tên hoặc bút danh. Trang 5, dòng 14  nên thay từ “thâm thuý” bằng từ “tài tình”. Trang 8 dòng 12  và dòng 14  nên thay từ “khởi loạn” bằng từ “khởi nghĩa”. Trong bài Tổng luận đối với những bài thơ chữ Hán có lẽ chỉ nên dẫn phần dịch thơ, còn phần phiên âm chữ Hán và dịch nghĩa đã có ở phần nội dung. 2. Tên phần I là “Thăng Long ngàn năm mở nước”. Phạm vi thời gian của các sáng tác thơ văn trong phần này không bao choán hết một nghìn năm. Bởi vậy có lẽ nên đổi là “Thăng Long thời Đại Việt”. Khái niệm “Đại Việt” được nhiều người sử dụng tính từ thế kỉ thứ X (năm 939) đến cuối thế kỉ XIX (các 1883-1884). Hai tiếng “Đại Việt” không gây cảm giác cụ thể “một nghìn năm”. Tiêu đề mục A “Những trang thơ mơ dáng rồng bay” là một tiêu đề hay nhưng không phải tất cả các bài thơ trong mục này đều mơ dáng rồng bay. Vì vậy nên đổi tên, có thể không hay bằng nhưng hợp hơn. Đó là “Những trang thơ trên đất rồng bay”. Mục A của phần II có tiêu đề “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Trong các bài thơ trong mục này không phải bài nào cũng có nội dung như vậy, thí dụ bài “Tràng giang” của Huy Cận, bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, bài “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ. Vì vậy mục này nên đổi là “Hà Nội trong tiếng nói thi ca giàu cảm xúc”. Tiêu đề này sẽ hô ứng với tiêu đề của mục B “Hà Nội trong những trang văn thương nhớ”. D. Những đề nghị sửa chữa, bổ sung 1. Bản đánh máy có rất nhiều lỗi in sai. Để chỉ những lỗi đó, chúng tôi xin lấy các ký hiệu của các tập đóng rời (2/10, 3/10, 4/10, 5/10, 6/10,…) và số trang kèm theo để Nhà xuất bản Hà Nội và nhóm soạn giả tiện theo dõi: tập 2/10: trang 12, 53, 54, 62, 64, 65, 68, 78, 80, 82 (có đến 05 lỗi), 83 (cũng có đến 05 lỗi); tập 3/10: trang 86, 114, 133, 289; tập 4/10: trang 65, 104; tập 5/10: trang 143, 150, 153, 154, 156, 166, 178, 184, 185, 194, 196, 197, 204, 205, 207; tập 6/10: trang 289, 294, 302, 310, 318, 321, 323, 325 (có đến 04 lỗi), 327, 328, 329, 330, 396, 422, 437, 451. 2. Có khá nhiều lỗi chính tả. Thí dụ ở tập 3/10, trang 194 “dấu tên” đúng ra là “giấu tên”, trang 204 “dấu diếm” đúng ra là “giấu giếm” (theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên), Nxb Đà Nẵng năm 2002; tập 5/10, trang 160 “bắt trạch”, đúng ra là “bắt chạch”, trang 194 “Đem tiền trực rước”, đúng ra là “Đem tiền chực rước”; tập 6/10, trang 325 “các bà nội chọ”, đúng ra là “các bà nội trợ”. 3. Việc ghi thời gian sáng tác hoặc năm công bố lần đầu các tác phẩm văn thơ là rất quan trọng. Việc này giúp người đọc từ bối cảnh ra đời của tác phẩm mà hiểu đúng tác phẩm. Thí dụ, ở tập 4/10, trang 24 không ghi thời gian sáng tác bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, trang 67 không ghi thời gian sáng tác bài “Ngõ Tạm Thương” của Lưu Ngọc An, trang 74 không ghi thời gian sáng tác bài “Tháng ba quay lại” của Hoàng Nhuận Cầm, trang 76 không ghi thời gian sáng tác bài “Buổi sớm qua Hồ Tây” của Phạm Tiến Duật, trang 78 không ghi thời gian sáng tác bài “Một góc chiều Hà Nội” của Nguyễn Duy, trang 79 không ghi thời gian sáng tác bài “Gửi anh Tường” của Nguyễn Khoa Điềm, trang 88 không ghi thời gian sáng tác bài “Gửi Hà Nội” của Nam Hà, trang 90 không ghi thời gian sáng tác bài “Với hoạ sỹ Bùi Xuân Phái” của Tô Hà, trang 91 không ghi thời gian sáng tác bài “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách,… 4. Một số chỗ cần bỏ bởi vì những trang đó không nói cái hay cái đẹp của Hà Nội và cũng không diễn tả nỗi niềm thương nhớ. Xem tập 5/10, các trang 194-197, 197-198, 201-207. Những trang này viết về việc vợ ngoại tình rồi giết chồng, viết về cái hồ vùi dập xác trẻ con; viết về hình phạt “gọt gáy bôi vôi” đối với những người đàn bà bất chính; viết về một tay đao phủ bất hiếu với cha (và người cha cũng chẳng ra gì). Riêng ở trang 160, tập 5/10 cần bỏ 5 dòng viết về trò tạc tượng. 5. Một số chú thích không ổn. Đó là những chú thích mà nhóm soạn giả sử dụng lại từ sách khác. Những chú thích ấy chỉ phù hợp với sách trước mà không phù hợp với bản thảo này. Thí dụ, đây là chú thích ở tập 5/10, trang 143: “Chuyến đi Bắc kì năm ất Hợi (1786 d.1) là bài ký bằng chữ Quốc ngữ, thường được coi là tác phẩm mở đầu cho văn học hiện đại Việt Nam. Vì vậy, dù xuất hiện dưới thời trung đại, chúng tôi vẫn xếp tác phẩm này vào tập II của bộ sách”. Ở bản thảo của nhóm ông Nguyễn Hữu Sơn, Bùi Việt Thắng,... làm gì có tập II? Một thí dụ khác ở tập 3/10, trang 130 có chú thích như sau: “(8) Hàn Hoành: xem chú thích (4) Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu”. Tập bản thảo này không có “Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu” thì lấy đâu ra chú thích (4) và như vậy thì người đọc rộng rãi sẽ không biết Hàn Hoành là ai? Đó còn là một số chú thích không cập nhật việc thay đổi địa danh. Thí dụ, ở tập 3/10, trang 214 có chú thích như sau: “Nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh”. Hiện nay, không còn huyện Tiên Sơn, mà là huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn. Ở tập 3/10, trang 281 có chú thích như sau: “Khánh Vân: nay thuộc xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Tây”. Hiện nay, không có tỉnh Hà Tây. 6. Cần xem lại, bổ sung ở bốn trường hợp sau: 6.1. Tập 4/10 trang 49 “Điện đưa thư, giọng đò đưa chớ buồn”, “Điện đưa thư” tôi không hiểu? 6.2. Tập 4/10, trang 63 “Ôm đất nước những người áo vải”, Ôm hay Ôi? 6.3. Tập 5/10, trang 178 cần trình bày lại hình thức bài hát nói “Chơi bến Ngạc” như đã trình bày đối với bài hát nói “Cảnh Hà Nội” của Nguyễn Công Trứ ở tập 2/10, trang 62. 6.4. Tập 6/10, trang 330 “Cao điếu tận, lương cung tàn, giảo thỏ tử, tẩu cẩu phang; địch quốc phá, mưu thần vong”  sau tiếng “tàn” cần thay dấu , (phảy) bằng dấu ; (chấm phảy), điếu phải sửa là điểu. Cả câu chữ Hán này nhóm biên soạn cần chú thích để người đọc rộng rãi hiểu được. Họ không được học Hán Nôm như PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn! 7. Còn khá nhiều việc nữa, như cần thống nhất cách viết hoa tên riêng. Tất cả những trường hợp còn lại tôi đã ghi trực tiếp ở bản thảo. E. Kết luận Khi đọc bản thảo, tôi cố gắng góp ý để không phụ sự ủy thác của Nhà xuất bản Hà Nội, để nhóm biên soạn có căn cứ trong việc sửa chữa, bổ sung bản thảo, khi sách được in ra sẽ có chất lượng tốt. Không ai dám nói mạnh trong việc biên soạn, nếu tôi có làm việc này thì cũng sẽ mắc nhiều sai lầm và thiếu sót. Nhìn chung, sau khi nhóm biên soạn chỉnh sửa, bản thảo này được công bố càng sớm càng tốt.
PGS. Lê Văn Lan (24/08/2011)
1. 990 trang bản thảo này đã thể hiện được tinh thần làm việc “thực sự cầu thị” của các tác giả: vừa vẫn bám (theo) sát đề cương mà họ đã vừa dầy công tạo tác, vừa gắng sức chỉnh sửa đến lần thứ ba; đồng thời, vẫn quan tâm đầy đủ đến những đóng góp (góp ý) tâm huyết và đúng đắn của Hội đồng nghiệm thu mà thêm bớt, sửa chữa nhiều điều, để thành ra bản thảo này. Những gì có trong (làm nên) bản thảo này, cho người đọc cảm giác rằng: thế là tạm đủ. Có thể thiếu đôi chút, nhưng còn hơn là thừa. 2. Cấu trúc của công trình, với 2 phần (là (gồm): cổ và kim, mỗi phần lại chia làm 2 mảng (là: thơ (trước) và văn (sau), như vậy là ổn đáng, rành mạch. Riêng về phần xử lý (ứng xử với) những tác phẩm nghệ thuật, thì còn cấn cái. Mới chỉ có 10 ca khúc được huy động. Chưa thấy các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh... Mà lại đưa (dồn) các tác phẩm âm nhạc này xuống “Phụ lục”! Các nhạc sĩ sẽ có thể thấy: âm nhạc vậy là “vào” sách vừa sơ lược (thiếu), vừa bị coi thường (không công bằng, so với văn học) chăng? Gợi ý giải pháp: thôi thì khó khăn thế, nên chăng bỏ luôn cả âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh..., lẫn “Phụ lục” đi! Chỉ cần thêm 3 chữ (phụ chú) dưới nhan đề sách, là: “Tuyển (các tác phẩm) văn học!. Vậy là rõ và gọn (chắc). Cũng không nên thêm chữ “tinh” (hoặc chữ “hợp”) trước chữ “tuyển” làm gì nữa, trong tất cả các chỗ của bản thảo. 3. Phần “Tổng luận” có vẻ như là một phần điểm (giới thiệu) nội dung sách nhiều hơn. Nên chăng, bỏ 2 chữ “Tổng luận” này đi. Và như thế, còn đỡ được cho sách cả tính “khảo cứu (nghiên cứu) mà đã được “cảnh báo” là không cần nhiều. Tôi tán thành tiêu chí: “hay” (tức là có tính nghệ thuật) của những tác phẩm được tuyển vào sách. Như thế, những bài “kể lể” (nhiều tính thông tin, báo cáo), chẳng hạn như bài về Ngô Bảo Châu..., có lẽ nên thôi (Bài này, tên tác giả cũng chẳng tìm thấy nữa!). Riêng về bài “Tràng giang” của Huy Cận, “hay” đấy, nhưng không biết có phải là nói về Thăng Long không? Huy Cận (cũng như Xuân Diệu) có nhiều bài về Thăng Long - Hà Nội, có thể thay “Tràng giang” mà “vào” sách. Tôi nhớ có đọc được những câu thú vị của Huy Cận về Hà Nội: “Vinh quang rồi, không cần ngồi đếm tuổi/ Chở phù sa mới là nước sông Hồng” (?) 4. Công bác “biên tập kỹ thuật” bản thảo này, cần được chú ý (cẩn thận). Nhiều chỗ dẫn tên sách (như “Đào Khê dã sử”, tr.45) không được in nghiêng. Lỗi chính tả rất nhiều. Cách trình bày (tên tác giả, tên tác phẩm) không thống nhất. Ở phần “Mục lục”, trong khi các bài tuyển đều không đánh số (thứ tự), thì riêng II.B, lại đánh số (từ 1 đến 88)! Bài “Sông Hồng với Hà Nội”, được tuyển đến 2 lần (trang 730 và trang 867)...
Nhà báo Trần Chiến (24/08/2011)
Phần 1: Thăng Long ngàn năm mơ ước và Phụ lục Tôi không nắm được nhiều nên không có ý kiến gì Phần 2: Thăng Long trăm năm hội nhập A: Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm: đồng ý B: Hà Nội trong những trang văn thương nhớ Tôi không nhớ rõ bản thảo lần trước có gì. Nhưng với tư cách người làm báo, tiếp xúc nhiều hơn với tác giả, tác phẩm đương đại, xin nói rõ hơn về phần này… 1. Nhóm tuyển chọn tìm trong sách vở, báo in, báo mạng để bổ sung, cập nhật những tác phẩm mới mẻ, gần gụi hơn, kể cả những bài mới, ra vào dịp Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi. Đây là một công sức rất lớn. Có tác giả đang sống ở nước ngoài, có tác giả trẻ…, thể hiện một cách nhìn cởi mở. 2. Có điều những tác phẩm tươi mới chưa chịu thử thách của thời gian được đưa vào nhiều quá. Thăng Long - Hà Nội mới chỉ là đề tài, chưa phải chất lượng. Trong chiều dài 1000 năm, nên cân nhắc tương quan, tỷ lệ giữa những gì đã là cổ điển với cái mới, kẻo chục năm gần đây được đánh giá quá cao - nếu xét về số lượng. Có những bài rất đơn giản, có thể dễ dàng tìm thấy trên báo. Có bài chỉ thuần tuý thông tin, không có văn. Lại có hai bài đều về “người đẹp áo đen”, bài của Kiên Trung tôi thích hơn nhiều. Loại hoài niệm, tựa vào một nỗi nhớ, mỏng về tứ khá nhiều. Nói chung người nổi tiếng tác phẩm hay hơn chưa nổi, dù sao cũng đã qua thử thách, nhưng Băng Sơn chọn 5 bài thì nhiều quá. Theo hướng trên, tôi thấy nên bỏ tác phẩm của các tác giả sau: Phạm Xuân Nguyên, trang 808, Quang Anh 843, Hà Châu 845, Nguyễn Phúc Giác Hải 847, (Tác giả?) Trăng Tây Hồ 799, Khuyết Khuyết 865, Phương Thảo 890, Nguyễn Thu Lành 901, Thu Nguyên 907, Danh Danh 913, Phạm Kim Thanh 931, Đức Hải 950, Thảo Hoàn 954, Danh Khuyết 956, Nguyễn Đức Thuần 976, Nguyễn Bảo Linh 957, Hà Phương 971, Anh Ngọc 964, Thanh Phan 966, Nguyễn Như Mai 960, Kim Thi 974, KD 984, Hoài Việt 987, (Tác giả ?) về nhà toán học Ngô Bảo Châu 978. 3. Còn khá nhiều lỗi chính tả: Trần Long ẩn 921, gánh hoà hoa 934, kéo léo 936, á Đông 971, Hà thành 945, áo véc nhung 944… Bài “Tết xưa trong ký ức một người HN gốc”, 941, có nhiều đoạn lặp lại Hoặc giả là khái niệm tôi không hiểu hay còn nghi vấn: 960, tầu Nautilus hay Autilus? Viễn Đông bác cổ là BEFEO hay EFEO? 934, bản conerto hay conserto? Nếu conserto thì là dàn nhạc đối thoại hay làm nền cho một nhạc cụ, mà bánh chưng thì không có nguyên liệu nào đóng vai trò quá chủ đạo.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương (22/08/2011)
So với bản đề cương đã được chỉnh sửa gần đây nhất, thì bản đề cương này gọn gàng hơn, mạch lạc, tính khả thi cao hơn, và hi vọng vì thế, khi trở thành bản thảo, cũng sẽ có sức thuyết phục đối với bạn đọc hơn. Gần như những góp ý của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đã được suy xét và tiếp nhận nghiêm túc. Tôi đề nghị có thể tiến hành ký hợp đồng để triển khai thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn một số chi tiết cần lưu ý: 1. Phần Mở đầu của chủ biên công trình: Ít nhất cũng là 25-35 trang chứ không thể nào lại từ 15 đến 25 trang được. 2. Trong một cuốn sách sưu tầm tư liệu thư tịch trải ra nhiều thời gian và địa điểm như cuốn sách này, việc chọn lấy những bài viết của Tạ Tỵ lên đến chừng 360 - 370 trang là bất hợp lý, dù với bất cứ lý do gì. Chỉ nên chọn tối đa tác giả này một nửa số trang đó. 3. Từ chỗ đưa ra một danh mục cộng tác viên quá đông, giờ đây “gút danh sách” lại hơi ít. Nên quan tâm đến nguồn tư liệu có thể khai thác mà anh Oánh trong lần nghiệm thu vừa rồi có gợi ý và giới thiệu (dĩ nhiên nếu khó văn bản hóa quá thì thôi). Tóm lại, tôi đề nghị cho triển khai ký hợp đồng. Trong quá trình thực hiện vẫn có thể có những sự điều tiết, vi chỉnh. * GS.TS. Nguyễn Xuân Kính 1- Nhìn chung chúng tôi tán thành bản đề cương này. Tôi rất tán thành là chúng ta đã có thêm những trang thư trong những tập Từ tuyến đầu tổ quốc, những dòng nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc thể hiện những tình cảm nhớ nhung, yêu quý thủ đô khi họ xa Hà Nội. 2- Sau đây là một số góp ý để tác giả và Nhà xuất bản cân nhắc thêm. 2.1- Phần tổng luận nếu chỉ có dung lượng từ 15 đến 25 trang thì hơi ít, tối thiểu cũng nên 35 trang. 2.2- Không nên đưa bài Nam quốc sơn hà (tr.3 đề cương) vào đây, bởi vì theo tương truyền bài này được đọc ở sông Cầu, còn bởi vì đã có nhiều ý kiến (của GS. Hà Văn Tấn, của PGS. Bùi Duy Tân) khẳng định bài này không phải là của Lý Thường Kiệt. Tại cuộc họp lần trước, một uỷ viên hội đồng là ông Vũ Thanh cũng nói là không nên đưa bài này vào sách. 2.3- Không nên tuyển bài Góc thành Nam (tr.4 đề cương) của Nguyễn Trãi vào đây. Vì bài này nằm dưới cái mục “Thăng Long - những trang thơ mơ dáng rồng bay” thì không hợp. 2.4- Ở nửa cuối tr.8 và cả tr.9 cho đến nửa đầu tr.10, tác giả đề cương đánh 38 số thứ tự: 1, 2, 3,… 38, những con số này đưa vào đây không hợp lôgíc. Đề nghị bỏ bớt bài của Mai Thảo, Tạ Tị, Đinh Hùng. Những tác giả này chỉ nên chọn của mỗi một vị độ hai bài. 2.5- Tại tr.8 của bản đề cương, các tác giả viết như sau: * Anh Đức…(Từ tuyến đầu tổ quốc) Viết như thế là không chính xác. Viết như thế sẽ làm cho người đọc hiểu rằng Anh Đức là tác giả của tập sách Từ tuyến đầu tổ quốc. Thật ra không phải. Nhà văn Anh Đức là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, tại đất Bắc ông nổi tiếng với những tác phẩm Con cá song, Chị Tư Hậu. Sau đó ông vào miền Nam, có tác phẩm nổi tiếng là Bức thư Cà Mau, Hòn đất, Giấc mơ của ông lão vườn chim…
PGS.TS. Vũ Thanh (22/08/2011)
1. Chúng tôi đã đọc bản đề cương chi tiết được chỉnh sửa sau nghiệm thu“Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” của nhóm tác giả do PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn làm Chủ biên. Về cơ bản, các tác giả đã sửa chữa theo những góp ý của Hội đồng, chủ yếu theo hướng rút gọn những phần chưa phù hợp và bổ sung thêm một vài phần phù hợp hơn với đề tài. Nguồn tư liệu được các tác giả công trình sử dụng là phong phú, cơ bản và đáng tin cậy, bao gồm chủ yếu là các tác phẩm văn học dưới dạng du ký, hồi ức, ký ức qua nhiều giai đoạn của lịch sử dân tộc; đặc biệt là bộ phận sáng tác của những người con Hà Nội phải xa quê hương đi mở nước, đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hoặc phải sống xa Hà Nội. Kết cấu của cuốn sách như được trình bày ở bản đề cương đã chỉnh sửa là khá hợp lý, vừa thể hiện được nội dung cần thể hiện theo chiều lịch đại, vừa phản ánh được chiều sâu của sự phát triển văn học nghệ thuật theo hướng đồng đại. 2. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến của chúng tôi góp ý cho Bản đề cương của cuốn sách ở trong buổi nghiệm thu lần trước vẫn chưa được lưu ý. Nếu là chủ ý của nhóm biên soạn muốn giữ nguyên ý định của mình thì không sao, chúng tôi vẫn xin được nhắc lại để lưu ý nhóm biên soạn: - Ở phần I.1. Thăng Long - những trang thơ mơ dáng rồng bay nên bỏ mục Lý Thường Kiệt và bài thơ Nam quốc sơn hà, vì bài thơ này đã được xác định là không phải do Lý Thường Kiệt sáng tác, mà theo truyền thuyết, ông chỉ là người sử dụng nó trong trận đánh ở phòng tuyến sông Cầu. Bài thơ và sự kiện đó không có liên quan trực tiếp đến Thăng Long, đến chủ đề “thương nhớ Thăng Long”. - Cũng ở mục này, ở tác giả Nguyễn Trãi nên bổ sung bài Tích cảnh, X trong Quốc âm thi tập: Loàn đoan ướm hỏi khách lầu hồng, Nồng ấm thì thương kẻ lạnh lùng. Ngoài ấy dầu còn áo lẻ, Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng. Vì đây là một bài thơ tình Nguyễn Trãi gửi cho Nguyễn Thị Lộ ở Thăng Long khi ông đang ở ẩn tại Côn Sơn, thể hiện nỗi cô đơn, niềm thương nhớ người yêu, người vợ trẻ và cũng là nỗi lòng với Thăng Long của mình. - Mục Thái Thuận có thể đưa thêm bài Hoàng giang tức sự - một trong vài bài thơ hay nhất của Thái Thuận. Hoàng giang thời Thái Thuận có một nhánh chảy qua Cổ Loa, mà vùng Long Biên, Cổ Loa vốn là những địa danh quen thuộc với Thái Thuận. - Phải chăng cũng nên đưa bài phú Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh vào công trình, vì giai đoạn sau các tác giả tập sách cũng có chọn lọc cả phú, mà đây lại là một trong vài bài phú hiếm hoi tiêu biểu viết về Thăng Long. - Phần II - Hà Nội trăm năm hội nhập nên thống nhất xếp theo mục tác giả có lẽ hợp lý hơn chăng ? Bởi một tác giả như Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai mà lại bị ngắt thành nhiều đoạn thì sẽ tạo nên cảm giác về sự không liền mạch. Cũng không rõ lý do tại sao từ mục * Vũ Bằng đến Đinh Hùng thì các tác giả đánh số, còn các mục còn lại thì không đánh số thứ tự? - Mảng cộng đồng người Việt ở nước ngoài viết về Hà Nội, theo tôi nên mở rộng sự tìm tòi hơn nữa tài liệu từ các nguồn khác nhau, trong đó nguồn từ mạng intenet là rất quan trọng và dễ tìm kiếm. Một số tác giả ra nước ngoài sau năm 1975 chắc chắn có những sáng tác rất đặc sắc, trong đó chúng ta có thể gạn lọc được những trang viết hay về Hà Nội. Một số tác giả trẻ ở nước ngoài cũng đã in sách ở trong nước, trong đó cũng có thể chọn ra những phần họ viết về Hà Nội… 3. Nhận xét chung: Tôi trân trọng đánh giá cao công phu của bản đề cương chi tiết “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Mong muốn trong thời gian sớm nhất tập sách sẽ được xuất bản, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc yêu mến Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm 1000 năm Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long – trung tâm của trung tâm đất nước. Một vài ý kiến của tôi ở trên chỉ là những đóng góp thêm trên cơ sở của một bản Đề cương đã hoàn chỉnh và hợp lý.
PGS. Lê Văn Lan (22/08/2011)
1. Bản đề cương này đã “chỉnh lý lần 3” rồi mà vẫn chưa khiến chúng ta hình dung rõ (và yên tâm) được cuốn sách viết theo đề cương này rồi sẽ như thế nào. Sách sẽ có độ dày “khoảng 800-1000 trang khổ 16x24”, trừ “Tổng luận” 15-25 trang, và “Thăng Long ngàn năm mở nước” khoảng 200 trang, vậy còn khoảng 575 (585) - 775 (785) trang dành cho “Hà Nội trăm năm hội nhập”. Tuy nhiên về khỏng 4/5 dung lượng sách này các tác giả chỉ mới báo được cụ thể một số tác phẩm sẽ được “tinh tuyển”, còn rất nhiều tác phẩm nữa, chỉ mới báo được tên tác giả: 7 người (tr.8), 10 người (trong đó 2 người trùng với danh sách ở tr.8) và tên 18 tờ báo, tạp chí (tr.10) mà không cho biết tác phẩm nào sẽ được “tinh tuyển” ở từ đấy. Phần “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” và “Hà Nội ơi” cũng chỉ mới báo (tr.10) là sẽ “chọn lọc khoảng 30 bài thơ tiêu biểu” và sẽ “chọn lọc khoảng 10 bản nhạc tiêu biểu” cùng “một số hình ảnh chọn lọc từ các ngành nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, điêu khắc…” mà không cho biết cụ thể bất cứ tác phẩm nào sẽ được “tinh tuyển” trong cái chỗ chắc chắn và đích thực sẽ là cái “tổ ong vò vẽ” này. Có thể yên tâm được chăng, với một đề cương được báo là ‘chi tiết” và “chỉnh lý lần 3” như thế này? 2. Vì các tác giả đã nhiệt tình và công phu làm (nhiều lần) đề cương rồi, và vì Nhà xuất bản cũng báo là sẽ ký hợp đồng biên soạn với các tác giả, nên ý kiến của chúng tôi là: có thể tiến hành ký hợp đồng biên soạn nhưng cần lưu ý: a. Chuẩn bị sẵn khâu biên tập cho thích hợp (từ trình độ, thái độ, phương thức… chỉ đạo và làm biên tập của Hội đồng tư vấn, biên tập viên…) đối với bản thảo sách). b. Nếu có thể và còn kịp, thì đề nghị các tác giả tham khảo lúc viết (biên soạn) sách: - Về cấu trúc (bố cục) sách: Không nên đặt “Tổng luận” (chỉ 15-25 trang) thành một phần trong chỉ có hai phần của sách (800-1000 trang) vì e rằng “Phần một” mất cân đối với “Phần hai”. Nên coi “Phần một” này là “Dẫn luận” (hoặc “Lời mở sách”) thôi. Còn ruột sách, thì mới chia thành hai phần: Thăng Long và Hà Nội. Riêng mục 3 của phần II (Đề cương, cuối tr.10) nên bỏ vì để thế sẽ “vỡ cấu trúc” một cuốn sách (chủ yếu) tuyển thơ và văn; đồng thời “vướng” vào chuyện nhạy cảm của sự “tinh tuyển” các thể loại (loại hình) nghệ thuật (đa dạng và phong phú) này. Chỉ nên “dỡ” các tác phẩm định “tinh tuyển” này ra, “cài” vào một số chỗ trong sách, như là (để) minh họa (trang trí) cho sách thôi. Nhưng, như thê này sẽ có thể đụng (chạm) đến các vấn đề về bản quyền (tác phẩm) và tâm lý (tác giả) đấy. - Về nội dung “tinh tuyển”: Nên điều chỉnh một số dự kiến được báo cụ thể (ví dụ” có thể thêm “Kiếm Hồ thập vịnh” của Vũ Tông Phan, các bài thơ vịnh cảnh nhà mình ở Đại Lan (Thanh Trì) của Nguyễn Như Đổ…; hoặc thay “Chơi đài Khán Xuân (“rất Hồ Xuân Hương”) bằng một thi phẩm khác (và nữa) đích thực của Bà Huyện Thanh Quan cũng rất hay về Hà Nội; và bớt những tác phẩm của một số tác giả được “tinh tuyển” nhiều quá (Vũ Bằng 7 bài, Đinh Hùng 7 bài, Tạ Tỵ 13 bài…). Còn ở chỗ chỉ mới đang có ý tưởng (dự định) “tinh tuyển” thì nên chú ý tìm thêm một số bài viết (rất thi vị về “Hà Nội học” và “di tích thắng cảnh Hà Nội”) của một số nhà Hà Nội học tiền bối: Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy… (cả Vũ Ngọc Phan) nữa. Về “chữ nghĩa”: Những cái tên như “Hà Nội trăm năm hội nhập” dùng làm đầu đề cho cả một phần sách, với chữ “hội nhập” vừa có vẻ “tùy thời” (theo thời) quá, vừa không mấy trúng với chủ đề “thương nhớ” của sách; hoặc thuật ngữ “tinh tuyển” vừa nghe “kêu” (không mấy khiêm tốn, cẩn trọng), vừa e có thể gây “phản cảm” (cho những gì mà “nhỡ” không được “tinh” hoặc bị “sót” (lỗ đỗ)… chăng?
Nhà báo Trần Chiến (22/08/2011)
* Với tư cách một người viết văn, viết báo, tôi thấy đề cương này độc đáo, tránh được nhiều trùng lặp trong các bộ sách ra nhân dịp 1000 năm. Thiên về văn hoá, nó cũng tránh được điều nhiều bộ sử hay mắc, là thiên về quá trình giữ nước hơn dựng nước. Tác giả, tác phẩm chọn không bị nhạt. Sự có mặt của Tạ Tỵ, Đinh Hùng, Vũ Thư Hiên… làm nó cởi mở, hướng tới một diện người đọc ngoài biên giới. Tóm lại đây là một hướng hay. * Phân theo triều đại là phải. Những tác phẩm cách nay trên trăm năm được chọn tôi không rành lắm, nhưng thấy nó tiêu biểu cho văn hiến, nghĩa là trên tầm văn hoá, càng hơn văn minh. * Riềng phần cách nay trăm năm, xin có mấy đề nghị: - Nên nhắc đến “Tứ hổ Tràng An” Quỳnh Vĩnh Tố Tốn. Phạm Quỳnh, hình như anh Sơn đã làm bộ du ký nên không muốn nhắc lại, nhưng tôi thấy vẫn nên, vì rất tiêu biểu. - Có một bài báo đặc sắc, “Một chầu hát không tiền khoáng hậu” của Ngọc Thứ Lang, kể anh em Nhất Linh, Thạch Lam, cùng Huyền Kiêu, Nguyễn Tuân hát cô đầu, tôi không nhớ nguồn, đưa vào được rất thích. - Nên có thêm vài tác giả mới, như Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Việt Hà và trẻ hơn nữa. Tôi cũng có thể đóng góp được, như bài “Đi tìm một tính cách Hà Nội”. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh có đoạn mô tả hình thái sông hồ của Hà Nội, cũng xứng đáng. Có thể tham khảo thêm “Người Thăng Long”, Hà Ân, cũng được giải Thăng Long. - Về sân khấu, nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền có đoạn viết về Sán Nhiên Đài, nơi đầu tiên đưa nghệ thuật chèo từ sân đình lên sân khấu hộp, cũng nên coi là một cột mốc. - Dấu (*) sau tên tác phẩm có ý nghĩa gì? - Trong lời đầu nên có câu “chưa tính đến những vùng đất mới nhập về Hà Nội”. - Tôi chưa đọc Nguyên Sa, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo nên không rõ họ có dấu ấn rõ nét với Hà Nội không? Vì ở đây phần Tạ Tỵ, viết về họ khá nhiều. - Bài của Vũ Bằng có nhiều quá? “Thương nhớ mười hai” rất nổi tiếng, in nhiều, để nhường cho những gì cũng đặc sắc thì tốt. - Thơ chống Mỹ có hai bài rất nổi tiếng, “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ, “Trở lại trái tim mình” của Bằng Việt, nên có mặt.
PGS. Lê Văn Lan (22/08/2011)
Tên đề tài là một “biến tấu” hay và thích hợp lúc này của “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Và như vậy, công trình nghiên cứu biên soạn này cần khuôn (bám chắc) vào 2 tinh thần (chủ đề) và nội dung (ruột sách) là “ngàn năm” và “thương nhớ”. 1- Với “ngàn năm”, tức là chuyện thương nhớ cũ (trước lâu) tôi hơi ngại, là không có nhiều và không đủ chuyện thương nhớ cho suốt cả “ngàn năm”. Cố gạn đưa vào thì chệch (trượt chủ đề) và lệch (cấu trúc nội dung mất cân đối). Tôi chưa hiểu chủ biên và các tác giả sẽ xử lý (khắc phục) vấn đề này như thế nào. Vì đến bản chỉnh lý đề cương chi tiết, với cả trang “Phụ lục” kèm cuối nữa, “nguy cơ” chênh lệch, vẫn là hiện hữu. Tôi thấy việc tập trung nói nhiều về các chuyện thương nhớ gần đây, và từ (ở) bên ngoài, có thể là lối thoát chăng? Nhưng như thế thì “ngàn năm” để đâu? 2- Về “thương nhớ”, có vô cùng nhiều cách (thể tài) để nói về chuyện này. Âm nhạc chẳng hạn, rất nhiều ca khúc thương nhớ thành công, từ “Ai về Thủ đô…” (của Huy Du) đến cả chùm gần đây của Phú Quang. Trong mục 8 của “Thuyết minh tổng thể…”, chủ nhiệm đề tài có nói là sẽ “sưu tầm tuyển chọn các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu qua các thời đại”, gồm đủ các thể tài “văn học, kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, ca nhạc…”. Tôi thấy hơi lo vì không biết các tác giả sẽ đưa đủ các loại hình văn học nghệ thuật ấy vào và thành sách in như thế nào. May mà đến “đề cương chi tiết” (bản chỉnh lý) tôi chỉ thấy toàn là văn học thôi. Tôi tán thành ý kiến số 2 ở trang “Phụ lục”, nói rằng sẽ chỉ “lấy các tranh ảnh thuộc các bộ môn nghệ thuật khác làm nền minh họa” cho sách thôi, mặc dù không hiểu lắm “các tranh ảnh thuộc các bộ môn nghệ thuật khác” cụ thể là cái gì (như thế nào). Nhưng, như thế thì sách “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” này nên nói rõ lại (hoặc có một hàng phụ chú dưới nhan sách) rằng đây chính/ và chỉ/ là một tuyển chọn (hợp tuyển, “tinh tuyển”) các tác phẩm văn học mà thôi.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương (22/08/2011)
1. So với bản đề cương cũ, trong lần chỉnh sửa này, các soạn giả đã thể hiện rõ hơn tính chất của cuốn sách là phản ánh cho được tình cảm của người Việt và người đã đến Việt Nam đối với Thăng Long - Hà Nội. Dĩ nhiên, tình cảm đối với một vùng đất có thể được biểu đạt qua nhiều phương thức khác nhau. Ngoài sự thể hiện tập trung qua các tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật, tình cảm đối với Hà Nội cũng có thể được chứa đựng trong các loại diễn ngôn cận nghệ thuật, thậm chí trong diễn ngôn chính luận hay biên khảo, khoa học. “Điểm nhìn du ký”, vì vậy, lại có nguy cơ làm đơn giản hoá, thu hẹp phạm vi dữ kiện. Tôi nghĩ rằng các tác giả nên tham khảo thêm một chút nữa cách làm và điểm nhìn của phim “Hà Nội trong mắt ai”. 2. Dung lượng (thể hiện qua số trang) dành cho các phần là hợp lý. 3. Kê ra các tác phẩm, các nguồn tư liệu và dữ kiện như trong bản đề cương là cần thiết. Tuy vậy, cũng không nên cố định vào chỉ những tư liệu ấy. Trong quá trình thực hiện công trình, các soạn giả cũng nên dành lại cho mình một dư địa, một quyền tự do lấy bỏ và điều chỉnh nguồn tư liệu nếu phát hiện thêm những thứ như vậy. 4. Hướng tổ chức bài Tổng luận không thật sát với chủ đề cuốn sách, vẫn còn nặng tính biên khảo. Bài mở đầu này, đúng ra, không phải là Tổng luận (bởi trong một cuốn sách như thế này thì cái tiêu đề Tổng luận không cần thiết, thậm chí có nguy cơ phá hỏng cảm hứng chủ đạo). Bài luận mở đầu cuốn sách này theo ý tôi, nên viết theo hướng kết hợp giữa tuỳ bút khoa học với diễn thuyết - hùng biện văn hoá. Phải hướng dẫn cảm xúc cho độc giả, làm sao cho độc giả bị thuyết phục rằng Hà Nội - Thăng Long quả thật là đáng nhớ, đáng yêu, thậm chí đáng say mê. Trong một mức độ nhất định, bài mở đầu còn cần hỗ trợ cho độc giả cách đọc những tài liệu mà mình (nhóm soạn giả) đã tập hợp vào đây, vào cuốn sách này. 5. Nhìn chung, tôi đánh giá bản đề cương này là thoả mãn những yêu cầu đặt ra, việc triển khai theo nó là khả thi, không cần biên soạn lại nữa. Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua và các bộ phận có thẩm quyền phê duyệt để ký hợp đồng thực hiện. Thời gian đã gấp lắm.
PGS. TS Vũ Thanh (22/08/2011)
1.“Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” là một đề tài rất có ý nghĩa trong đợt Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình hoàn thành sẽ có giá trị hệ thống lại một mảng sáng tác văn học nghệ thuật đồ sộ về mảnh đất trung tâm của đất nước qua trường kỳ lịch sử. Nguồn tư liệu được các tác giả công trình sử dụng là phong phú, cơ bản và đáng tin cậy, bao gồm chủ yếu là các tác phẩm văn học dưới dạng du ký, hồi ức, ký ức qua nhiều giai đoạn của lịch sử dân tộc; đặc biệt là bộ phận sáng tác của những người con Hà Nội phải xa quê hương đi mở nước, đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hoặc phải sống xa Hà Nội, trong đó nguồn tư liệu từ các tác giả miền Nam trước năm 1975 là rất đáng quý. Kết cấu của cuốn sách như được trình bày ở bản Đề cương là khá hợp lý, vừa thể hiện được nội dung cần thể hiện theo chiều lịch đại, vừa phản ánh được chiều sâu của sự phát triển văn học nghệ thuật theo hướng đồng đại. Với độ dày khoảng 1000 trang viết có thể nói đây là một tập sách khá dày dặn và công phu, mang tính chuyên sâu, thể hiện tâm huyết của các tác giả và cơ quan chủ quản. 2. Sau đây là một vài ý kiến của chúng tôi với mong muốn góp ý cho Đề cương của cuốn sách được tốt hơn: * Mặc dù đã có chỉnh sửa cho sát thực với đề tài của cuốn sách nhưng theo tôi việc lựa chọn tác phẩm vẫn cần có sự điều chỉnh thêm: - Ở mục I: Cội nguồn sông Nhị, núi Nùng, trong phần 2. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao nên bổ sung phần ca dao về sông Tô Lịch, về vùng đất ngoại thành Hà Nội… - Ở mục 1.2. Thi ca nên bỏ mục Lý Thường Kiệt và bài thơ Nam quốc sơn hà, vì bài thơ này đã được xác định là không phải do Lý Thường Kiệt sáng tác, mà theo truyền thuyết, ông chỉ là người sử dụng nó trong trận đánh ở phòng tuyến sông Cầu. Bài thơ và sự kiện đó không có liên quan trực tiếp đến Thăng Long, đến chủ đề “thương nhớ Thăng Long”. - Mục 2. Văn hóa - văn học thế kỷ XV-XVII, phần 2.2. Thi ca, mục Nguyễn Trãi nên bổ sung bài Tích cảnh, X trong Quốc âm thi tập: Loàn đoan ướm hỏi khách lầu hồng, Nồng ấm thì thương kẻ lạnh lùng. Ngoài ấy dầu còn áo lẻ, Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng. Vì đây là một bài thơ tình Nguyễn Trãi gửi cho Nguyễn Thị Lộ ở Thăng Long khi ông ở ẩn tại Côn Sơn, thể hiện nỗi cô đơn, niềm thương nhớ người yêu, người vợ trẻ và cũng là nỗi lòng với Thăng Long của mình. - Mục Thái Thuận có thể đưa thêm bài Hoàng giang tức sự - một trong vài bài thơ hay nhất của Thái Thuận. Hoàng giang thời Thái Thuận có một nhánh chảy qua Cổ Loa, mà vùng Long Biên, Cổ Loa vốn là những địa danh quen thuộc với Thái Thuận. - Phải chăng cũng nên đưa bài phú Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh vào công trình, vì giai đoạn sau các tác giả tập sách cũng có chọn lọc cả phú, mà đây lại là một trong vài bài phú hiếm hoi tiêu biểu viết về Thăng Long. - Phần III - Hà Nội trăm năm hội nhập nên thống nhất xếp theo mục tác giả có lẽ hợp lý hơn chăng ? Bởi một tác giả như Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai mà lại bị ngắt thành nhiều đoạn thì sẽ tạo nên cảm giác về sự không liền mạch. Cũng không rõ lý do tại sao từ mục Vũ Bằng đến Đinh Hùng thì các tác giả đánh số, còn các mục còn lại thì không đánh số thứ tự? - Ở đây chúng ta cũng thấy vắng bóng hai nhà văn quan trọng của Hà Nội - Nguyễn Huy Tưởng và Tô Hoài. Có thể tác phẩm của họ không phù hợp với mục đích của cuốn sách chăng? - Mảng cộng đồng người Việt ở nước ngoài viết về Hà Nội, theo tôi nên mở rộng sự tìm tòi hơn nữa tài liệu từ các nguồn khác nhau, trong đó nguồn từ mạng intenet là rất quan trọng và dễ tìm kiếm. Một số tác giả ra nước ngoài sau năm 1975 chắc chắn có những sáng tác rất đặc sắc, trong đó chúng ta có thể gạn lọc được những trang viết hay về Hà Nội. Một số tác giả trẻ ở nước ngoài cũng đã in sách ở trong nước, trong đó cũng có thể chọn ra những phần họ viết về Hà Nội… 3. Nhận xét chung: Tôi trân trọng đánh giá cao công phu của bản Đề cương chi tiết “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Mong muốn trong thời gian sớm nhất tập sách sẽ được xuất bản, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc yêu mến Thăng Long - Hà Nội. Một vài ý kiến của tôi ở trên chỉ là những đóng góp thêm trên cơ sở của một bản Đề cương đã hoàn chỉnh và hợp lý.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)