Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội
Là công trình tuyển chọn có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung
Tác giả: Chủ trì tuyển chọn: Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 8808 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Là công trình tuyển chọn có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung
      Tiêu chí tuyển chọn: các tác phẩm tiêu biểu về nội dung, tư tưởng và chất lượng nghệ thuật; đại diện cho tinh hoa tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội.
      Công trình mang ý nghĩa tổng kết thành tựu của tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm. Trước khi đi vào giới thiệu các tác phẩm, nhóm biên soạn đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng lịch sử hình thành thể loại, nêu bật được những thành tựu quý báu và giới thiệu được những cây bút tiểu thuyết tiêu biểu nhất về Thăng Long - Hà Nội. Trong bài viết, một mặt các nhà nghiên cứu đã chú ý thích đáng đến các điều kiện lịch sử - xã hội - văn hóa ảnh hưởng đến văn học và hiện thực đời sống được miêu tả trong văn học, mặt khác, phân tích được chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết về Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình không chỉ phục vụ rộng rãi đối tượng bạn đọc yêu văn học Hà Nội mà còn có giá trị thâm khảo đối với người nghiên cứu.

 
 
 
Sách cùng chuyên mục

Tuyển Ký - Tản văn Thăng Long - Hà Nội

Trong suốt 10 thế kỷ với biết bao biến thiên, đổi thay của đất nước, của Thủ đô thì những bài ký, tản văn - với vai trò “được ghi chép” hay nói đúng hơn là mang dấu ấn trực tiếp của “sự kiện” đã thể hiện một bức tranh khá sinh động, chân thực và khá đầy đủ về cuộc sống xã hội, con người, văn hoá, lối sống phong tục truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa (từ năm 1010) trải qua bao biến thiên lịch sử cho đến Hà Nội ngày nay.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
16 x 24 cm

Giới thiệu bộ sách “Tuyển tập Tản Đà”

Công trình “Tuyển tập Tản Đà” là một đề tài hết sức cần thiết và xứng đáng được đứng vào hàng ngũ những tác phẩm nổi bật của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Tản Đà là một nhà thơ có vị trí lớn, là hiện tượng đánh dấu mốc chuyển tiếp trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX từ thơ ca cổ điển sang thơ ca hiện đại. Ông là gương mặt kiệt xuất của văn hóa xứ Đoài (vùng Hà Tây cũ - nay là vùng Hà Nội mở rộng), một phần không thể thiếu của toàn bộ nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Trần Ngọc Vương - Mai Thu Huyền
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
Tập 1 - Số trang: 724; Tập 2 - Số trang: 664
16x24

Hà Nội nơi Frey đến với cách mạng

Thể loại: Sách tư liệu. Ngữ xuất bản: Tiếng Việt. Số lượng in: 1.800 cuốn

Trần Đương
Nhà Xuất bản Hà Nội
Quí 4 năm 2011
148 trang
14,5 x 20,5cm

Tuyển truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội

Là tác phẩm đại diện cho tinh hoa truyện ngắn về Thăng Long - Hà Nội. Thể hiện tinh thần, tư tưởng, tâm hồn, phong thái, cốt cách, lối suy nghĩ cũng như sự nghiệp chiến công của người Thăng Long - Hà Nội. Nhóm biên soạn đã căn cứ vào tiến trình lịch sử của sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn để cung cấp cho người đọc một cái nhìn mang tính lịch đại, nêu được những thành tựu nổi trội của từng giai đoạn, thời kỳ.
Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
16x24cm

Nghìn năm sân khấu Thăng Long

Là đề tài nhánh của công trình “1000 năm văn hiến Thăng Long” do Thành uỷ và UBND thành phố phát động năm 1998. Đến nay, tác giả phát triển thành tác phẩm nghiên cứu tổng hợp các bộ môn sân khấu thủ đô.
NNC. Trần Việt Ngữ
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
1500
Ý kiến bạn đọc
PGS. Phan Văn Các (22/08/2011)
I. Về bài “Tổng quan Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” Bài “Tổng quan” 78 trang này là một bài viết công phu vừa mang tính chất văn học sử vừa giàu tính lí luận phân tích về thể loại tiểu thuyết của Thăng Long - Hà Nội và về Thăng Long - Hà Nội. Tôi đánh giá cao và tán thành. Tuy nhiên còn một vài chi tiết nên xem lại: 1. Ở bảng “Phân loại” (tr.15), hai tác phẩm số 28 Việt Lam xuân thu và 29 Việt Nam kì phùng sự học vì sao không vào loại nào cả? 2. Về vấn đề “viết để làm gì?” (tr.23 - 24), thiết tưởng không nên chỉ căn cứ vào lời tác giả trong các bài tựa (tác giả thường nói khiêm về mình và tác phẩm của mình) mà phải phân tích khách quan quá trình sáng tác và hiệu ứng xã hội của tác phẩm để xét. 3. Phương pháp “thủ tượng” chứ không phải là “thủ tướng” (tr.43 dòng 8). 4. Ở trang 49 có dẫn tên mấy tác giả Pháp, viết nguyên ngữ nên viết cho đúng: Bernardin chứ không phải là Bernadin (thiếu một chữ r sau chữ a). Chateaubriant là sai, phải là Chateaubriand (chữ cuối là d chứ không phải là t). 5. Phải soát lại chính tả cho cẩn thận, với mong muốn Tủ sách được hoàn hảo như “giành được” (tr 53, dòng 17) viết “dành được” là sai chính tả. II. Về Mục lục Cách sắp xếp còn tuỳ tiện. Nên theo trật tự thời gian ra đời của tác phẩm. Không hiểu tại sao lại xếp Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh trước Người Thăng Long, trước cả Vỡ bỡ… Ngoài ra khi đưa vào Tuyển tập, trước hoặc sau mỗi tiểu thuyết nên có lời giới thiệu của Nhóm biên tập về tác giả và tác phẩm được chọn.
PGS. TS. Phan Trọng Thưởng (22/08/2011)
- Về danh mục tác phẩm tuyển chọn: Tôi thấy về cơ bản đã đạt được các yêu cầu về số lượng và chất lượng nghệ thuật của Tuyển tập. Các tác phẩm tuyển chọn mang tính tiêu biểu, đáp ứng tiêu chí thể loại, nội dung gắn với Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, tôi thấy không nên giới hạn quá chặt chẽ số lượng tác phẩm của 1 tác giả vì có những tác giả là người Hà Nội, gắn với Hà Nội nên sáng tác về Hà Nội nhiều hơn, hay hơn. Ví dụ: Nguyễn Huy Tưởng chẳng hạn. Hầu như toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông là dành cho Thăng Long – Hà Nội nên không nhất thiết chỉ chọn 1 trong số đó mà có thể chọn thêm. Những tác phẩm như An Tư, Đêm hội Long Trì rất đậm chất kinh kỳ Thăng Long và không khí lịch sử. Nếu chọn thêm được sẽ tốt hơn. Cùng một cách nghĩ như trên, tôi còn thấy Gánh hàng hoa của Khái Hưng, Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên, Trăng nước Chương Dương của Hà Ân… Tuy có những tác phẩm viết cho thiếu nhi, hướng tới thiếu nhi nhưng là thiếu nhi Hà Nội nên tuyển thêm sẽ làm phong phú cho Tuyển tập. Hơn nữa, nhiều tác phẩm trong số này đã được nhắc đến ở bài Tổng quan. 2- Về bài Tổng quan tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội: Tổng quan là sự hợp thành của hai tác giả có đủ thẩm quyền, uy tín và tư cách để viết. GS. Trần Nghĩa là chuyên gia hàng đầu về ngữ văn Hán - Nôm. GS. Phong Lê là chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại. Bài viết công phu, nghiêm túc, tương xứng với thành tựu thể loại và khối lượng tác phẩm tuyển chọn. Qua bài Tổng quan, những nét khái quát nhất về diện mạo tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội và những đặc điểm về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của nó đã được các tác giả đề cập, soi tỏ trên nhiều khía cạnh. Văn phong khúc chiết, mạch lạc. Đó là cơ sở đề người đọc nghiên cứu, tra cứu, tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá về tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trong trường kỳ lịch sử. Do khái niệm Tiểu thuyết có tính lịch sử nên ở bài Tổng quan, các tác giả đã kỳ khu làm rõ bản chất khái niệm và bản chất thể loại theo quan niệm mỹ học phương Đông để từ đó tiến hành phân loại tiểu thuyết cổ Thăng Long - Hà Nội và bước đầu đưa ra được bảng Danh mục tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội rất cần để tham khảo khi tuyển chọn. Căn cứ vào bảng Danh mục này, tôi nghĩ có thể chọn thêm một số tác phẩm tiểu thuyết thời kỳ Trung đại. Qua phân tích, giới thiệu các tác giả và tác phẩm tiêu biểu thời kỳ Trung đại có thể thấy đặc trưng rất nổi bật và quan trọng của văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng là gắn rất chặt với lich sử và lịch sử tư tưởng (Văn - Sử - Triết bất phân) của dân tộc. Phần Tổng quan về tiểu thuyết Hà Nội thời hiện đại, theo tôi nên chỉnh lại đầu đề. Cụm từ “Hà Nội trong tiểu thuyết Việt Nam thời hiện đại” nên đổi là “Tiểu thuyết về Hà Nội” sẽ phù hợp hơn. Nhìn chung, đây là bài Tổng quan công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học, đáp ứng yêu cầu của Tuyển tập. Đề nghị các tác giả tuyển chọn nghiên cứu để bổ sung, làm phong phú hơn nội dung Tuyển tập, tránh bỏ sót, bỏ quên.
PGS. TS. Hà Văn Đức (22/08/2011)
1. Về bản Tổng quan tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội - Đây là bài viết công phu, nghiêm túc, có tính khoa học. Hai tác giả Trần Nghĩa và Phong Lê đều là những nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn học trung đại và hiện đại Việt Nam. Vì vậy, đây là một sự phối hợp cộng tác cần thiết, đảm bảo chất lượng cho bài viết Tổng quan. - Tuy nhiên, về mặt kết cấu, hai phần viết chưa thật kết nối, liền mạch, nên cần có một sự thống nhất, hoàn chỉnh hơn giữa hai phần viết này. - Phần viết A: Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 1010 - 1900 có thể viết ngắn gọn, cô đúc hơn. Mục 1: Quan niệm về tiểu thuyết và Danh mục tiểu thuyết cổ Thăng Long - Hà Nội đi quá sâu vào những vấn đề học thuật, thích hợp với một chuyên luận khảo cứu hơn là một bài giới thiệu Tổng quan. + Một số câu chữ có thể cân nhắc, sửa chữa như “Việt Nam có một lịch sử tiểu thuyết lâu đời, bao gồm tiểu thuyết cổ và tiểu thuyết hiện đại, trong đó tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng là một dấu nhấn quan trọng” (trang 1) - Ở đây nên để “dấu nhấn” hay là “điểm nhấn”. + Trang 5: “Giống như Ban Cố trước đó 14 thế kỷ Hồ Nguyên Trừng vẫn chưa ý thức được chỗ khác nhau căn bản giữa tác phẩm ông với một cuốn sử chẳng hạn” (Nên xem lại chữ tác phẩm ông). + Xem lại diễn đạt trang 17: “Ở tiểu thuyết chương hồi thì lại có dấu ấn của các bản thần tích, thần phả được ghi lại từ truyền thuyết dân gian, theo khuynh hướng ngày một hệ thống hoá, với quan niệm cả dân tộc sinh ra từ một bọc, có chung một cội nguồn nhưng lại phát triển có lớp lang” (ý và diễn đạt ở đây chưa thật rõ). 2. Về báo cáo quá trình biên soạn của chủ biên và nhóm biên soạn - Thống nhất với ý kiến đề nghị của chủ biên và nhóm biên soạn. - Về băn khoăn của nhóm biên soạn là có 2 tiểu thuyết đề tài lịch sử là Hồ Quý Ly và Người Thăng Long viết thời gian gần đây nên chăng xếp ở giai đoạn 3? Theo ý kiến của tôi việc xếp hai cuốn tiểu thuyết này vào giai đoạn 3 (Thời kỳ 1945 đến nay) là hợp lý. Ở đây chúng ta xuất phát từ thời điểm tác phẩm ra đời chứ không phải là thời điểm nội dung tác phẩm phản ánh. 3. Mục lục các tác phẩm tiểu thuyết phân theo từng thời kỳ như nhóm biên soạn đề xuất là hợp lý.
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp (22/08/2011)
Ưu điểm: 1. Bài Tổng quan được viết công phu, nghiêm túc, đáp ứng được tính nghiêm cẩn của một công trình khoa học. Cấu trúc bài viết tương ứng với hai thời đại văn học lớn, lấy mốc trước và sau 1900 để phân kỳ. Sự phân chia này hoàn toàn phù hợp với cấu trúc chung của bộ sách. 2. Về tiểu thuyết Thăng Long trước 1900: Trước khi đi sâu nghiên cứu tiểu thuyết cổ Việt Nam, các tác giả đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng lịch sử hình thành thể loại, nhất là quan niệm tiểu thuyết của các nhà lý luận cổ Trung Hoa, từ đó tiến hành phân loại tiểu thuyết cổ Thăng Long - Hà Nội, bao gồm 7 loại: Tiểu thuyết bút ký, tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết công án, tiểu thuyết diễm tình, du ký… Phần đội ngũ tác giả và nội dung tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trước 1900 cũng được phân tích và lý giải kỹ càng, chứng tỏ các tác giả vừa có hứng thú vừa sở đắc về đối tượng nghiên cứu. 3. Phần viết về tiểu thuyết Thăng Long- Hà Nội sau 1900: Trong phần này các tác giả cũng đã nêu bật được những thành tựu quý báu và giới thiệu được những cây bút tiểu thuyết tiêu biểu nhất về Hà Nội như Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm, sáng tác của các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn, các nhà văn hiện thực xuất sắc như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao và nhiều nhà văn cách mạng khác. Trong bài viết, một mặt các nhà nghiên cứu đã chú ý thích đáng đến các điều kiện lịch sử - xã hội - văn hóa ảnh hưởng đến văn học và hiện thực đời sống được miêu tả trong văn học, mặt khác, phân tích được chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết về Thăng Long - Hà Nội. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng của người viết về cả điểm và diện, về khả năng bao quát các chiều lịch đại và đồng đại, chú ý đúng mức đến tương quan của các loại hình tự sự. Một vài trao đổi thêm với các tác giả: 1. Trong bảng kê phân loại tiểu thuyết cổ Thăng Long- Hà Nội ở trang 14- 15, nên chăng cần loại bỏ một số tác phẩm mà tự thân nó đã thuyết minh về thể loại như Công dư tiệp ký hay Thượng kinh ký sự. Đành rằng, trong văn cổ trung đại nước ta hiện tượng văn sử triết bất phân là một hiện tượng nổi bật và có tính đặc thù, ranh giới giữa các thể loại cũng không thật rõ ràng nhưng không vì thế mà gò ép chúng vào tiểu thuyết. 2. Việc phân tiểu thuyết cổ Thăng Long- Hà Nội làm bảy loại( trang 12-13) là một cố gắng của nhóm biên soạn. Nhưng thiết nghĩ, cần cân nhắc những thể loại sau đây có nên xếp vào tiểu thuyết hay không là tiểu thuyết bút ký, du ký? 3. Nhận định “Việt Nam có một lịch sử tiểu thuyết lâu đời…” ở trang 1 nên điều chỉnh vì trong thực tế, tiểu thuyết ở nước ta ra đời khá muộn so với Trung Quốc ( vì hai lý do cơ bản: văn tự và vì lực lượng viết tiểu thuyết). Theo chúng tôi, nói Việt Nam có một lịch sử tiểu thuyết khá lâu đời là đủ. 4. Phần viết về tiểu thuyết Hà Nội đương đại nên điểm sâu hơn về hai cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và Cơ hội của Chúa. Quyển thứ nhất có những đoạn viết về Hà Nội trong thời chiến rất hay và giàu chất trữ tình, quyển thứ hai viết về đô thị Hà Nội rất hấp dẫn ( cùng với Vũ Trọng Phụng trước cách mạng và Phạm Thị Hoài sau này, Nguyễn Việt Hà là một trong những nhà văn viết hấp dẫn nhất về cuộc sống đô thị hiện đại). Kết luận: Bản Tổng quan được viết công phu, giàu tính khoa học. Những góp ý trên đây của chúng tôi xuất phát từ mong muốn công trình được hoàn thiện hơn nữa. Rất mong các tác giả lưu ý và sửa chữa nếu thấy đó là những trao đổi hợp lý.
GS. Nguyễn Đình Chú - Đại học Sư phạm Hà Nội (19/08/2011)
Bản đề cương "Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội" sau chỉnh sửa đã đủ nội dung để triển khai làm tuyển tập. Tuy vậy vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện. Sao tác giả vẫn để: “Truyền kỳ tân phả” là của Nguyễn Dữ trong khi từ trước vẫn nói là của Đoàn Thị Điểm. Đề cương có nói là phát hiện mới thì phát hiện mới này là của ai? của các soạn giả này? Nếu là phát hiện mới thì hiện đã đủ tin chưa? Tôi đã góp ý điểm này trong bản đề cương trước, đề nghị nhóm biên soạn xem lại. Vốn ghi “Việt Nam xuân thu” trong khi tên của nó là “Việt lam xuân thu”. Nhà văn Lê Minh Khuê vẫn biết đó là do sơ suất kỹ thuật vi tính. Nhưng nay vẫn chưa điều chỉnh. Xin được lưu ý. Theo tôi, vẫn có thể đưa “Thân phận tình yêu” vào tuyển tập. Tuy vậy nếu Hội đồng không thống nhất đồng ý điểm này thì có thể không đưa vào. Cuối cùng là nếu dã có tuyển truyện ngắn thì cần có giới thuyết cho rõ theo quan điểm lịch sử.
PGS. Phan Văn Các - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên (19/08/2011)
1. Về cơ bản, tán thành đề cương "Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội" sau khi đã được chỉnh sửa, bổ sung. 2. Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì tôi xin góp thêm một số ý kiến sau: 2.1. Phần A. Thời kỳ trung đại: Các ý kiến đã góp lần trước vẫn chưa sửa, đề nghị nhóm biên soạn lưu ý xem xét các góp ý của Hội đồng và Chủ đầu tư trong buổi nghiệm thu. 1. Truyền kỳ tân phả là tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, nên chọn tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ 2. Tên chính xác là Việt lam xuân thu chứ không phải Việt Nam xuân thu 2.2. Phần B thời kỳ 1900 - 1945 Thêm các mục: 2. Cành hoa điểm tuyết 3. Chúa Trịnh Khải 4. Duyên Bích Câu 5. Nhà nho (hoặc Bút Nghiên) 6. Ngoại ô (hoặc Ngõ hẻm) 7. Lều chõng như đề cương mới là thỏa đáng, hợp lý. 2.3 Phần C thời kỳ 1945 đến nay 1. Thay Luỹ hoa bằng Sống mãi với Thủ đô 6. Thêm Hồ Quý Ly 7. Thêm Trong lòng Hà Nội Đề nghị đưa Nỗi buốn chiến tranh (tức “Thân phận tình yêu”) vào (nguyên vẹn, không trích).
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng (19/08/2011)
Tôi có bổ sung tác phẩm “Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng vào giai đoạn 1930 - 1945. Đề xuất này có nhiều ý kiến của Hội đồng đã đồng tình trong buổi họp nghiệm thu lần trước. - Về tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, tôi cũng đã nêu suy nghĩ của tôi dưới đây, đề nghị ban biên soạn tham khảo thêm: Tác phẩm Nỗi buốn chiến tranh của Bảo Ninh theo tôi là một tác phẩm có giá trị, một tiểu thuyết hay, nhưng tuyển chung vào tập này có gì đó gờn gợn không phù hợp, không thật ăn nhập với chủ đề nghìn năm Thăng Long. Thật tiếc khi phải bỏ ra, nhưng đưa vào thì thấy vẫn cần phải cân nhắc thận trọng. Tôi xin nhắc lại thận trọng vì nó có vẻ không phù hợp với chủ đề chứ không phải vì tác phẩm có vấn đề gì. Các vấn đề còn lại nhìn chung chủ biên đã có sự chỉnh sửa, bổ sung hợp lý. Đề nghị Nhà xuất bản - Chủ đầu tư tạo điều kiện để nhóm biên soạn thực hiện khâu biên soạn bản thảo đảm bảo kịp thời tiến độ Dự án.
PGS.TS. Hà Văn Đức (19/08/2011)
1. So với bản đề cương trước đây, thì bản đề cương bản thảo “Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” lần này được soạn thảo tốt hơn, phần lớn những tác phẩm tiểu thuyết có giá trị viết về Hà Nội đều được chọn đưa vào bộ sách. Do vậy, theo tôi đây là một dự án có tính khả thi và sẽ đạt hiệu quả tốt. 2. Tuy nhiên, tôi muốn được trao đổi thêm với nhóm biên soạn một số điểm sau: - Cần xác định rõ hơn muc đích và tiêu chí tuyển chọn. Phần này trong đề cương viết còn sơ sài. Nếu tiêu chí tuyển chọn rõ ràng sẽ chọn được những tác phẩm tốt và tránh được những phiền phức sau này. Ví dụ: sẽ chọn in hoàn chỉnh cuốn tiểu thuyết được chọn, hay có thể lược bỏ bớt một số đoạn (khi đã có tiêu chí về điểm này sẽ tránh được chuyện phân vân là có in toàn bộ tiểu thuyết quá dài như Vỡ bờ (hai tập) của Nguyễn Đình Thi, hay Vùng trời của Hữu Mai sẽ giải quyết như thế nào?). - Với những tác phẩm văn học trung đại được tuyển chọn ở đây, như: Truyền kỳ tân phả của Nguyễn Dữ, Hoa viên kỳ ngộ - Khuyết danh, hay Việt Nam kỳ phụng sự lục - Khuyết danh, Việt lam xuân thu của Vũ Xuân Mai, Lê Hoan quả thực tôi rất phân vân vì những tác phẩm này nghiêng nhiều về ký hơn là tiểu thuyết. - Phần Tổng quan của bộ sách được giao cho GS. Trần Nghĩa và PGS. Trần Ngọc Vương viết. Đây là những nhà nghiên cứu có chuyên môn tốt, nhưng điều mà tôi băn khoăn là cả hai giáo sư này đều nghiên cứu sâu về văn học trung đại, trong khi đó thì phần tuyển chọn của bộ sách chủ yếu lại là Văn học Việt Nam hiện đại (vả lại, đây cũng là phần khó khăn, phức tạp nhất khi tuyển chọn và đánh gía). Vì vậy theo tôi, nên chăng có thêm một người chuyên sâu về văn học Việt Nam hiện đại cùng tham gia viết phần Tổng quan này thì tốt hơn.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp - Phó Viện trưởng Viện VH (19/08/2011)
1. Sau khi tác giả chỉnh sửa lại, về cơ bản tôi đồng ý và tán thành bản đề cương lần này. 2. Tuy nhiên các soạn giả phải hết sức lưu ý phần tiểu thuyết thời kỳ trung đại. Bởi, chúng ta rất khó phân biệt đâu là ký, đâu là tiểu thuyết, hơn nữa số lượng tác phẩm rất ít. Một số điểm vẫn chưa sửa: + “Truyền kỳ tân phả” là của Đoàn Thị Điểm không phải của Nguyễn Dữ. + “Việt lam xuân thu” chứ không phải là “Việt Nam xuân thu” 3. Thời kỳ 1945 đến nay có một số tác phẩm cần lưu ý: + Tác phẩm “Mặt trận trên cao” của Nguyễn Đình Thi có thể trích khoảng 60 trang, còn nếu nhóm tác giả đưa cả vào thì phải cân nhắc cẩn thận, số trang sẽ tăng lên rất nhiều. + Cuốn “Mười năm” của Tô Hoài cũng phải để tâm. Tô Hoài là một nhà văn khá nhạy cảm, nhóm tác giả cần nên đưa cả. + Riêng tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” còn có tên là “Thân phận tình yêu” trong buổi họp nghiệm thu đề cương tôi có đề xuất trích những đoạn tiêu biểu. Nhưng quả thật đó là một tác phẩm hay, nếu trích sẽ không thể hiện được giá trị thực của nó. Bởi vậy, nhóm tác giả nên đưa cả, không trích. + Việc chọn tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô” thay cho “Luỹ hoa” của Nguyễn Huy Tưởng là hợp lý. Cuối cùng, tôi tán thành bản đề cương chỉnh sửa lần này, những sai sót trong bản đề cương cần phải chỉnh lại trước khi bắt tay vào biên soạn, sao cho sách được hoàn thiện nhất trước khi đến tay độc giả.
PGS. Phan Văn Các (19/08/2011)
Tôi đã nhận được Thư mời của ông Tổng Giám đốc NXB Hà Nội Nguyễn Khắc Oánh và sẵn sàng tham gia Hội đồng nghiệm thu đề tài bản thảo “Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” do nhà văn Lê Minh Khuê chủ biên. Về bản đề cương, xin sơ bộ nhận xét như sau: 1. Đề tài tốt, có ý nghĩa nhiều mặt: Là Thủ đô có một ngàn năm tuổi, Thăng Long - Hà Nội là đề tài lớn cho mọi thể loại văn học nghệ thuật. Tiểu thuyết với tư cách một thể loại lớn, quan trọng của văn học đã dành một dung lượng lớn cho đề tài Hà Nội. Qua sự phân tích giới thiệu một cách hệ thống các tiểu thuyết viết về Thăng Long - Hà Nội, một mặt giúp người đọc có nhận thức sâu sắc thêm vê Thủ đô ngàn năm văn hiến, mặt khác có thể phác hoạ được tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng và văn học nói chung của Thủ đô và của đất nước. 2. Nhóm biên tập: Gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu có năng lực và có kinh nghiệm có thành tựu, nhóm biên tập của đề tài này là đáng tin cậy. 3. Nội dung: a. Nhìn chung, chấp nhận được Phần tổng quan: mở đầu, thời kì trung đại, thời kì 1900-1945, thời kì 1945 đến nay. b. Một số chi tiết cần lưu ý: Tiêu đề phần 2: “Phần giới thiệu cụ thể tên tác giả cùng những tác phẩm…” chưa ổn. Nên ghi “Giới thiệu tác phẩm”. Nội dung nên tập trung giới thiệu tác phẩm, có kết hợp giới thiệu tác giả. - Một số tên tác phẩm nên chưa chính xác, cần sửa lại: + Tác phẩm của Nguyễn Dữ là “Truyền kì mạn lục” chứ không phải là Truyền kì tân phả. Tác phẩm sau là của Đoàn Thị Điểm. Đây đúng là trường hợp điển hình “râu ông nọ cắm cằm bà kia” đúng cả theo nghĩa đen! + Tác phẩm của Vũ Xuân Mai, Lê Hoan có tên Việt Lam xuân thu chứ không phải Việt Nam xuân thu như đã ghi trong đề cương (Cũng có văn bản mang tên Hoàng Việt Xuân Thu, nhưng chưa bao giờ có tên Việt Nam xuân thu). - Về tác phẩm cụ thể được chọn cho từng thời kì cũng nên có sự cân nhắc thêm. 4. Tóm lại, đề tài có thể chấp nhận được. Vấn đề là công sức và công phu của nhóm biên tập.
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng (19/08/2011)
“Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” nằm trong Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đây là Dự án trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Thủ đô Hà Nội, việc biên soạn bản thảo này theo tôi là cần thiết và có ý nghĩa. - Tác giả có phân các tác phẩm qua 3 thời kỳ lớn: A. Thời kỳ trung đại B. Thời kỳ 1900 - 1945 C. Thời kỳ 1945 đến nay. Để giúp nhóm biên soạn hoàn thiện bản thảo, tôi có một số góp ý sau: - Thời trung đại, nhiều vướng mắc về thể loại ví như truyền kỳ có là tiểu thuyết không? - Nhóm biên soạn cần đối chiếu giữa hai tập truyện ký và tiểu thuyết để tránh trùng nhau; cần có giới thuyết về thể loại tiểu thuyết truyền thống và tiểu thuyết hiện đại ở phần tiểu luận của đầu sách để hướng dẫn bạn đọc. - Văn học từ 1945 đến 1954 và nhất là văn học hiện đại mới phát triển nhưng đã đạt đến điểm xuất sắc, như tác giả Ngô Tất Tố (tác giả người Hà Nội) có nhiều truyện viết về Hà Nội. - Một số tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết lịch sử mà cụ Vũ Ngọc Phan đã đánh giá rất cao (tác giả Vũ Bằng, Nguyễn Tuân) đều phản ánh rất đúng hiện trạng Hà Nội những năm 1930, 1945. Ngoài ra, tôi có một số ý kiến về tác phẩm trước năm 1960 được tuyển chọn trong tuyển tập: - Nên chọn tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô” thay cho “Luỹ Hoa” của Nguyễn Huy Tưởng. - Cần xem xét lại các tác phẩm: “Truyền kỳ mạn lục”, “Thượng Kinh ký sự”; “Trong lòng Hà Nội”, “Vào đời” của Hà Minh Tuân.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp (19/08/2011)
1. Đề cương được soạn thảo công phu, nhóm tác giả đã bao quát được hệ thống tiểu thuyết về Hà Nội từ xưa đến nay (gồm tiểu thuyết chữ Hán và tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ). 2. Các tiểu thuyết dự kiến lựa chọn về cơ bản là những tiểu thuyết tiêu biểu về Hà Nội trong suốt chiều dài ngàn năm lịch sử. Qua các tác phẩm được chọn, người đọc sẽ có cái nhìn toàn diện về văn hoá, lịch sử, tâm hồn người Hà Nội. 3. Phần tổng quan (dự kiến 30 trang) là phù hợp, giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh về Hà Nội trong tiểu thuyết và đặc sắc của tiểu thuyết về Hà Nội qua hai phương diện nội dung và hình thức. Góp ý: Phần tiểu thuyết trung đai cố gắng lựa chọn để không trùng lặp nhiều với các bộ sách khác thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Không nên quá gò ép cho rằng truyện dài thời trung đại đều thuộc tiểu thuyết để từ đó lựa chọn tác phẩm sao cho thật hợp lý. Danh mục tác phẩm mà nhóm soạn giả đưa ra có những tác phẩm cần phải xem xét lại. Vấn đề không phải là chỉ chọn những tác phẩm nói về Hà Nội mà phải cố gắng chọn những tác phẩm xuất sắc về tư tưởng nghệ thuật. Có thể chọn thêm một số chương trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh và Võ Thị Hảo nếu thấy cần thiết. Đánh giá chung: Đây là đề tài có ý nghĩa khoa học và có tính khả thi. Kính đề nghị Hội đồng xét duyệt đề cương thông qua đề cương này để nhóm biên soạn sớm bắt tay vào công việc đã dự định.
GS. Nguyễn Đình Chú (19/08/2011)
Trước hết xin hoan nghênh chủ trương biên soạn “Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” trong kế hoạch chuẩn bị kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long. Và cũng xin hoan nghênh những cố gắng bước đầu của các soạn giả trong việc xây dựng đề cương chi tiết. Nhưng để tốt hơn, tôi xin có những ý kiến sau: 1. Nhan đề và cũng là nội dung công trình là gì? Là Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội ư? Nếu thế thấy vướng mấy điều: - Đề cương đã đưa vào một số tác phẩm không phải là tiểu thuyết, mà là kí (hoặc là truyện ngắn) ví dụ: Truyền kì tân phả, Thượng kinh kí sự… không phải là tiểu thuyết… - Nếu nói là tiểu thuyết thì với văn học trung đại là rất ít (trừ thể loại truyện Nôm từng được coi là truyện văn vần, hoặc tiểu thuyết văn vần). - Ngay với văn học 1900 - 1945, nếu chỉ là tiểu thuyết thì cũng sẽ để ra ngoài không ít tác phẩm kí về Thăng Long - Hà Nội rất có giá trị. Vậy để tránh đi những sự không ăn khớp và cũng là để có bộ sách phong phú hơn về Thăng Long - Hà Nội, nên chăng thay đổi nhan đề và cũng là thêm nội dung bằng cách: Không phải là “Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” mà là Tuyển: “Truyện kí và tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội”. 2. Đề cương cần nói rõ thêm cách đưa tác phẩm vào công trình: đưa cả hay trích? Vì trong thực tế tác phẩm, nội dung liên quan đến Thăng Long - Hà Nội cũng rất sinh động, nhiều ít, đậm nhạt khác nhau, chỉ một số là có không gian nghệ thuật thuần tuý thuộc Hà Nội. 3. Cần chữa một số sai lầm trong đề cương Truyền kì tân phả là của Đoàn Thị Điểm chứ không phải là Nguyễn Dữ. Không có tác phẩm “Việt Nam xuân thu” mà chỉ có “Việt Lam xuân thu” còn được gọi là Việt Lam tiểu sử hoặc Hoàng Việt xuân thu, sách đã được in khắc gỗ năm 1908. Ngay vấn đề của tác giả của Việt Lam xuân thu hay Việt Lam tiểu sử cũng không đơn giản. Có người nói là Vũ Xuân Mai, có người nói là Lê Hoan, có người ghi cả hai: Vũ Xuân Mai, Lê Hoan. Và dịch phẩm nên chọn bản nào, cũng là vấn đề cần cân nhắc. Xin nhớ rằng người dịch đầu tiên (1914) là Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến vốn là dịch giả Hán học nổi tiếng (mặc dù Đông Châu đã bỏ bài tựa của Lê Hoan). 4. Tóm lại là tôi muốn đề nghị với nhóm viên soạn: - Một là mở rộng nội dung và lấy nhan đề sách là Tuyển “Truyện kí và tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” - Nếu đề nghị này được NXB Hà Nội và các soạn giả chấp thuận thì nên làm đề cương bước II trong đó sẽ có nhiều tác phẩm khác sẽ có mặt, ví như: Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng… - Cần nêu rõ quy cách tổ chức nội dung sách trong đó có nêu lên vấn đề trích hay in trọn… - Và tốt hơn nữa là cần giới thuyết thế nào là tiểu thuyết hay truyện kí tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trong đó có các vấn đề: người Hà Nội viết, viết về Hà Nội. Viết về Hà Nội thì có thể là người Hà Nội, có thể không phải là người Hà Nội, còn người Hà Nội viết thì cũng có thể viết về Hà Nội hoặc không. Đúng là phải giới thuyết, giới hạn để chỉ đạo việc làm một cách tự giác, hợp lí.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)