Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Truyện kể dân gian Hà Nội
Tác phẩm này sẽ tập hợp, tuyển chọn toàn bộ những truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại, truyện cười về Thăng Long - Hà Nội, hoặc lưu truyền ở Hà Nội; nhằm phản ánh giá trị của truyện kể dân gian Thăng Long - Hà Nội làm tư liệu tra cứu cho các nhà nghiên cứu.
Tác giả: PGS.TS. Võ Quang Trọng (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 1076 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 1.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Chủ trương của Ban chủ nhiệm chương trình KX.09 và đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội KX.09.10 là: cùng với phần nghiên cứu lý luận của việc bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể chương trình sẽ xuất bản một số sách sưu tập để đóng góp vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hơn nữa, Hà Nội là nơi hội tụ và lưu giữ một kho tàng truyện kể dân gian phong phú và có giá trị. Đã có một số sách sưu tầm về truyền thuyết, giai thoại, truyện cổ như: Viện điện u linh, Lý Tế Xuyên, Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Doãn Kế Thiện, 1999 (nguyên bản 1329); Lĩnh Nam chích quái, Vũ Quỳnh và Kiều Phú, 2001 (nguyên bản 1492); Danh nhân Hà Nội, Lê Thước…, 1973; Giai thoại Thăng Long, Vũ Ngọc Khánh, 2005; Tổng tập văn học dân gian người Việt - Truyền thuyết dân gian người Việttập 4, tập 5, Kiều Thu Hoạch chủ biên, Nxb Khoa học xã hội H., 2004, 957 tr; Tổng tập văn học dân gian người Việt - Giai thoại văn học Việt Nam, tập 11, Kiều Thu Hoạch chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, H., 2004, 695 tr.
      Kế thừa và phát huy những kết quả ấy, chúng tôi tập hợp, tuyển chọn toàn bộ những truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại và truyện cười về Thăng Long - Hà Nội, lưu truyền ở Hà Nội đưa vào cuốn sách này, nhằm giới thiệu với bạn đọc một cuốn sách tương đối đầy đủ về bốn thể loại truyện kể dân gian kể trên.
      Công trình cố gắng thu thập tài liệu đầy đủ nhất và áp dụng phương pháp biên soạn khoa học, để phản ánh được giá trị của truyện kể dân gian, cũng để giúp ích cho việc tìm hiểu, thưởng thức của rộng rãi bạn đọc và việc tra cứu của các nhà nghiên cứu.

 
 
 
Sách cùng chuyên mục

Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI

Các tác phẩm được tuyển chọn phong phú. Mỗi ca khúc phản ánh được không khí của Hà Nội gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể và hơn hết là chứa đựng cái hồn của Hà Nội, tiếng lòng của Hà Nội và tình yêu đối với mảnh đất này.
PGS. Hoàng Dương (Chủ biên) - NS. Hồ Quang Bình (Chủ trì)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
364 trang
16 x 24 cm

Người Thăng Long

 Trong nền văn học Việt Nam, nhà văn Hà Ân xứng danh là cây đại thụ trong các nhà văn đương đại viết về lịch sử. Đọc tiểu thuyết lịch sử của ông, người đọc không cảm thấy sự khô khan, trúc trắc bởi các sự kiện lịch sử đã đi vào nội tâm nhân vật, lý giải vấn đề lịch sử bằng cái nhìn của ngày nay, cùng với sự tưởng tượng của nhà văn. Tất nhiên ông vẫn là tôn trọng chính sử, coi chính sử là cái mốc thời gian để trên đó hư cấu theo ý đồ của mình nêu lên những ý nghĩa nhân văn và đạo đức cao cả. Nhắc đến Hà Ân là nhắc đến một con người uyên bác, kiến văn sâu rộng, và ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, tinh tế. Với những tiểu thuyết lịch sử viết về Thăng Long - Hà Nội đặc biệt là tiểu thuyết “Người Thăng Long”, Hà Ân không chỉ tái hiện một thời đoạn oai hùng nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, vương triều Trần, mà ông còn làm sống dậy những anh hùng, hào kiệt mang hào khí Đông A. Dù chỉ tái hiện lịch sử trong một lát cắt là cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, nhưng ở đó khung cảnh, đất và người Thăng Long lại được tạo dựng một cách oai hùng, lắng đọng và đi vào chiều sâu từ chính những điều bình thường nhất đó là lối sống, là nếp nghĩ, cách ứng xử, nếp sinh hoạt tinh tế, khéo léo và thanh lịch của người Tràng An.

Hà Ân
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
380
14,5x20,5

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
952 trang

Tuyển Ký - Tản văn Thăng Long - Hà Nội

Trong suốt 10 thế kỷ với biết bao biến thiên, đổi thay của đất nước, của Thủ đô thì những bài ký, tản văn - với vai trò “được ghi chép” hay nói đúng hơn là mang dấu ấn trực tiếp của “sự kiện” đã thể hiện một bức tranh khá sinh động, chân thực và khá đầy đủ về cuộc sống xã hội, con người, văn hoá, lối sống phong tục truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa (từ năm 1010) trải qua bao biến thiên lịch sử cho đến Hà Nội ngày nay.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
16 x 24 cm

Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh

Giới nhiếp ảnh Thủ đô có vinh dự được cầm một dấu mốc lịch sử “Nhiếp ảnh Hà Nội là cái nôi của Nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam” bởi chưng các sự kiện, niên đại chủ yếu về sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam (từ 1869 đến hết 2009 (140 năm) phần lớn đều diễn ra tại Hà Nội.

NSNA. Hoàng Kim Đáng (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
424 trang
Ý kiến bạn đọc
PGS.TS Nguyễn Thị Huế (29/08/2011)
1. Nhận xét về đề tài và đối tượng phạm vi của đề tài 1. Nhận xét về đề tài và phạm vi đối tượng của đề tài Đáp ứng chủ trương của Ban chủ nhiệm chương trình KX.09 và đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội, đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội mang tính cấp thiết và sẽ là một tài liệu đầy đủ nhất, mang tính khoa học nhằm phục vụ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Truyện kể dân gian Hà Nội là một bộ phận không thể thiếu được của giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long. Đã có nhiều công trình sưu tầm, tập hợp trước đây của nhiều nhà biên soạn. Nhưng mỗi soạn giả đều đứng ở mỗi giác độ riêng của mình, do vậy sẽ nhấn mạnh ở từng phương diện. Để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cần thiết cần phải có những công trình mới, đầy đủ hơn, phản ánh được giá trị văn hóa Thăng Long xưa và nay, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức rộng rãi cua bạn đọc và các nhà nghiên cứu về Thăng Long, Hà Nội hôm nay. Đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội do PGS.TS. Võ Quang Trọng chủ biên, chủ trương kế thừa và phát huy những công trình sưu tầm, biên soạn trước đây, đồng thời “tập hợp, tuyển chọn toàn bộ truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại và truyện cười về Thăng Long - Hà Nội hoặc lưu truyền ở Hà Nội” (tr.1, đề cương đề tài) là đúng đắn. Chọn bốn thể loại này để tập hợp trong công trình về cơ bản phản ánh được giá trị của truyện kể dân gian Hà Nội. 2. Về phương pháp Về phần trình bày phương pháp biên soạn của đề cương đề tài phản ánh tính khoa học của đề tài. Các phương pháp như: phương pháp lựa chọn văn bản (bản khác, bản chính thức), phương pháp sử dụng chú thích, cách thức biên soạn (lựa chọn, lược bỏ hay bổ sung), vấn đề chính tả (tr.2, tr.3 đề cương đề tài)... là các phương pháp tối ưu và hợp lý cho quá trình thao tác việc biên soạn một sưu tập văn học dân gian, dựa trên cơ sở những đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học dân gian. 3. Về kết cấu và dung lượng đề tài - Kết cấu đề tài là hợp lý: Phần đầu bao gồm Lời nói đầu, Quy cách, Bảng chữ tắt và ký hiệu. Phần nội dung sẽ bao gồm 4 thể loại chính của truyện kể dân gian Hà Nội. Phần ba sẽ là Thư mục tài liệu. - Dung lượng 700 - 800tr là vừa đủ. 4. Kết luận Đề cương đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội do PGS.TS. Võ Quang Trọng chủ biên là đề tài mới trên cơ sở tiếp thu và bổ sung những thành tựu sưu tầm biên soạn trước đây. Phương pháp biên soạn khoa học hợp lý. Kết cấu nội dung đầy đủ, trong đó bao gồm cả 4 thể loại chính của truyện kể dân gian Hà Nội. Dung lượng vừa phải. Chủ biên PGS.TS. Võ Quang Trọng là người có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong một cơ quan nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Văn hóa (trước đây là Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian). Do vậy đề tài đủ tiêu chuẩn để thông qua và cần sớm được tạo điều kiện để tiến hành, nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
GS. TS Lê Chí Quế (29/08/2011)
1. Để tiến tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có dự án nghiên cứu về văn hóa phi vật thể Hà Nội. Để làm rõ hơn nội dung của dự án này cần có sản phẩm bổ sung là văn bản của tục ngữ, ca dao, truyện kể dân gian lưu truyền ở Hà Nội hoặc nói về Hà Nội. Trong bối cảnh ấy việc ra đời hai đề tài sưu tầm biên soạn về ca dao tục ngữ và truyện kể dân gian Hà Nội là rất cần thiết. Thông qua hai đề tài này các tác giả làm cho người đọc hiểu thêm về truyền thống lao động, sản xuất, buôn bán và xây dựng kinh đô Thăng Long Đông Đô Hà Nội trong gần 1000 năm nay. 2. Nội dung của các tập sách sẽ được sưu tầm, biên soạn là rất phong phú (khoảng 500 – 700 trang). Ngoài việc sử dụng những văn bản đã lưu truyền trong các sách quen thuộc như Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Ca dao ngoại thành, Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Giai thoai Thăng Long, Danh nhân Hà Nội…Các tác giả còn bổ sung rất nhiều tư liệu được in rải rác trong các sách báo khác, thậm chí là trong các văn bản Hán Nôm đang lưu trữ ở các thư viện. Phải là những nhà khoa học có trình độ cao về văn học dân gian và có tri thức Hán Nôm mới làm được công việc đó. 3. Phương pháp thực hiện của các tác giả là rất khoa học. Đầu tiên các tác giả chọn một văn bản làm bản chính, sau đó đối chiếu với các bản khác để xác định đâu là bản khác đâu là bản sai. Đây là phương pháp đã được thực hiện đối với Tổng tập văn học dân gian người Việt (nxb Khoa học xã hội, 2002 - 2006) và các bộ kho tàng ca dao người Việt, Tục ngữ người Việt. 4. Thư mục tham khảo để biên soạn hai công trình trên là rất phong phú. Ngoài những văn bản bằng chữ quốc ngữ các tác giả còn sử dụng những văn bản đang còn ở dạng Hán Nôm trong các thần tích, thần phả. 5. Một số góp ý: - Khi sử dụng các tài liệu trước đây đề nghị các tác giả cần biên tập lại, thậm chí phải viết lại vì các thần tích thần phả mang phong cách văn học trung đại còn các sách sắp xuất bản lại mang phong cách dân gian. - Ngoài các nguồn tư liệu trên, các tác giả cũng cần khai thác thêm nhiều tư liệu khác trong các sách bằng tiếng nước ngoài và những tư liệu lưu hành ở các địa phương. 6. Kết luận chung: Hai bản đề cương của PGS. TS Võ Quang Trọng và Th.s Nguyễn Thuý Loan được chuẩn bị rất công phu và có tính khoa học. Tôi tin rằng các tác giả sẽ thực hiện các công trình của mình đúng thời hạn quy định và với chất lượng cao. Đề nghị các cấp quản lí cấp đủ kinh phí và nhà xuất bản Hà Nội tạo điều kiện giúp đỡ để hai công trình trên sớm ra mắt độc giả.
TS. Đỗ Hồng Kỳ (29/08/2011)
1. Về mục đích lí do chọn đề tài Trong nhiều năm đi công tác ở Tây Nguyên, tiếp xúc với học sinh, sinh viên các tộc người thiểu số, tôi thấy rằng trong mắt họ, ngoài một Hà Nội là thủ đô của đất nước, nơi có Lăng Bác Hồ, còn có một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” (Nguyễn Đình Thi). Sẵn với tư duy huyền thoại của ông cha, ít nhiều còn trong tâm thức mình, họ say sưa kể cho tôi nghe “Sự tích Hồ Gươm” với lòng ngưỡng mộ, tin tưởng chân thành. Tôi nghĩ đây chính là một trong những ý nghĩa chính trị, thời sự của đề tài “Truyện kể dân gian Hà Nội”. 2. Về phương pháp biên soạn Theo người chủ trì, khi biên tập, người thực hiện công trình này sẽ lược bỏ những ý kiến chủ quan của soạn giả, là việc cần phải làm. Quả thật một số người khi biên soạn truyện cổ đã gán ghép ý tưởng chủ quan của mình nên ít nhều đã làm lệch đi tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ của tác phẩm. Chúng ta có quyền lược bỏ. 3. Về kết cấu Kết cấu như vậy nhìn chung là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xét theo bình diện lịch sử thể loại, thì nên xếp giai thoại sau truyện cười. Thêm nữa, khi giới thiệu “giai thoại” cũng cần có tiêu chí tuyển chọn. Theo chỗ tôi biết, nhiều nhà văn hiện đại thời chống Pháp và chống Mỹ có nhiều giai thoại về họ lắm. Kết luận 1. Đây là đề tài hay, có ý nghĩa chính trị và thời sự. Đề cương được trình bày sáng, gọn, rõ. Phương pháp biên soạn thỏa đáng. 2. Đề tài sẽ có tác dụng phổ biến tri thức lịch sử, văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến đối với công chúng rộng rãi. 3. Người chủ trì là người có nhiều kinh nghiệm biên tập thể loại tự sự dân gian, do vậy tôi tin rằng, đề tài này sẽ được thực hiện một cách tốt nhất. 4. Đề nghị Ban chủ nhiệm chương trình KX09 thông qua đề cương này và cho tiến hành thực hiện.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (29/08/2011)
1. Văn bản được yêu cầu nhận xét gồm có bản đề cương 3 trang và 5 trang kèm theo với nhan đề “Sách dùng để biên soạn Truyện kể dân gian Thăng Long - Hà Nội”. 2. Trong bản đề cương, người chủ trì đã làm rõ được mục đích biên soạn, đã trân trọng những thành quả lao động của những người đi trước, đã nêu rõ phương pháp biên soạn (cách lựa chọn bản chính, bản khác, trình bày bản khác, chú thích...). Hiện nay chưa có sự thống nhất về quy ước chính tả. Soạn giả đã nêu rõ những cuốn từ điển chính tả mà nhóm biên soạn sẽ sử dụng. Bản đề cương cũng cho thấy được kết cấu của công trình mà nội dung chính sẽ gồm 4 phần: a. Truyền thuyết b. Truyện cổ tích c. Giai thoại d. Truyện cười 3. Những điều cần trao đổi a. Chúng tôi chưa rõ trong mỗi loại truyện như vậy, các truyện (các tác phẩm được sắp xếp theo nguyên tắc nào? b. Tài liệu tham khảo gồm 5 trang là khá phong phú và khá chính xác. Tuy nhiên ở đây vẫn còn một số chỗ thiếu chính xác: - Tr.2 dòng 12↓ “Linh từ quốc mẫu Từ Thị Dung” sai, phải là Trần Thị Dung mới đúng. - Tr.2 dòng 3↑ “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam, truyện mới đúng. - Cuối tr.2 và đầu tr.3 có nhận định: “Đây là bộ sách quy tụ mọi nguồn cổ tích mà ông (tức Nguyễn Đổng Chi - N.X.K chú thích) dày công nghiên cứu trong suốt hơn 50 năm...”. Nhận định này chưa thật chính xác vì tập 1 được xuất bản lần đầu vào năm 1958, tập 5 lần đầu được xuất bản vào năm 1982. Trong 5 tập này, chính Nguyễn Đổng Chi nói ông sưu tầm và nghiên cứu trong khoảng 30 năm. Năm 1984 Nguyễn Đổng Chi từ trần. Vậy con số 50 năm nói trên là chưa chính xác. 4. Chúng tôi tin rằng với bản đề cương này, nhóm biên soạn sẽ thực hiện tốt tập sách Truyện kể dân gian Thăng Long - Hà Nội. Đề nghị Hội đồng xét duyệt thông qua bản đề cương này.
TS. Nguyễn An Tiêm (29/08/2011)
- Tôi rất vui mừng vì những góp ý của Hội đồng trong buổi nghiệm thu đã được nhóm biên soạn tiếp thu một cách nghiêm túc và chỉnh sửa đề cương cẩn thận. - Vấn đề tôi có nêu ra trong lần góp ý lần trước: trong bản đề cương cho thấy kết cấu nội dung của công trình sẽ gồm: - Truyền thuyết - Truyện cổ tích - Giai thoại - Truyện cười Nhưng tôi chưa thấy đề cương lần 1 nêu lên, trong mỗi loại đó thì các tác phẩm sẽ được sắp xếp như thế nào? Trong đề cương lần này nhóm tác giả đã bổ sung thêm phần nguyên tắc sắp xếp: Sắp xếp theo chủ đề. - Tác giả cũng nên lên rất rõ tiêu chí sẽ biên tập lại những truyện theo phong cách dân gian, tất nhiên là độ như thế nào là tuỳ theo thời gian, lược bỏ những từ ngữ hàn lâm, không phù hợp sự phát triển ngôn ngữ trong bối cảnh không gian ra đời của tác phẩm. Đây là một việc làm rất công phu. - Tôi cũng có thêm một góp ý nhỏ: Nếu các tác giả nói trong bản đề cương là tập hợp, tuyển chọn toàn bộ những tác phẩm dân gian của Hà Nội, nếu là tập hợp, sắp xếo, tuyển chọn nghĩa là có loại đo, vậy thì trong các nguồn tư liệu đó sẽ bỏ đi cái gì, dựa trên nguyên tắc nào? Hay kà tuyển tậo toàn bộ chỉ sắp xếp lại. Trong quá trình biên soạn nhóm tác giả nên chú ý đến vấn đề này. - Với một số góp ý nhỏ mong nhóm biên soạn tham khảo, nghiên cứu và bổ sung thêm vào đề cương. Nhưng về cơ bản tôi hoàn toàn tán thành thông qua đề cương này.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (29/08/2011)
- Về cơ bản, nguồn tài liệu được bổ sung khá đầy đủ. Đó là những công trình đã được biên soạn một cách công phu, cẩn thận nên việc sử dụng những nguồn tư liệu đó là đáng tin cậy. Nếu có thể xem xét, bổ sung tài liệu, nhóm tác giả nghiên cứu, xem xét nên thêm những tài liệu xuất bản những năm đầu thế kỷ XX, hoặc những tài liệu cổ qua kho tàng Hán Nôm. Nếu có được những tài liệu như vậy, dù không nhiều, vẫn có thể giúp người đọc có cái nhìn sâu hơn về kho tàng truyện kể dân gian Thăng Long - Hà Nội. - Tôi đồng tình với nội dung, bố cục của tác phẩm mà nhóm biên soạn nêu ra trong đề cương. Phần Tổng quan là một phần hết sức quan trọng, nêu lên những nội dung cơ bản của công trình, vừa đảm bảo tính khái quát, đầy đủ nhưng súc tích, cô đọng nên cần phải hết sức chú trọng. - Trong nội dung công trình, chúng tôi đề xuất cần bổ sung một nội dung làm rõ khái niệm truyện kể dân gia Thăng Long - Hà Nội. Hiểu thế nào cho đúng trong từng văn cảnh? cần khu biệt ở mức độ nào?... - Về cơ bản đây là một đề cương được xây dựng công phu, cẩn trọng và có tính khoa học. Nếu được bổ sung những ý kiến góp ý thêm của Hội đồng sẽ trở thành một bản đề cương hoàn chỉnh, một định hướng rõ ràng cho nhóm biên soạn tiến hành công tác nghiên cứu, hoàn thiện công trình.
TS. Đỗ Hồng Kỳ (29/08/2011)
- Tôi nhận thấy đề cương lần này mà Nhà xuất bản Hà Nội gửi đến đã được chỉnh sửa những chỗ chưa chính xác mà Hội đồng nghiệm thu góp ý. Về phương pháp thực hiện của các tác giả nêu một cách cụ thể hơn: đầu tiên các tác giả chọn một văn bản làm bản chính, sau đó đối chiếu với các bản khác để xác định đâu là bản khác đâu là bản sai. Đây là phương pháp khoa học và đảm bảo tính chính xác cao nhưng cũng rất công phu nên cần phải tiến hành hết sức thận trọng. - Thư mục tham khảo để biên soạn công trình được bổ sung phong phú hơn. Ngoài những văn bản bằng chữ quốc ngữ các tác giả còn sử dụng những văn bản đang còn ở dạng Hán Nôm trong các thần tích, thần phả. - Một vài góp ý thêm: Khi sử dụng các tài liệu trước đây đề nghị các tác giả cần hết sức thận trọng vì cùng một truyện nhưng được ghi ở nhiều nguồn khác nhau, nội dung khác nhau. Khi lựa chọn bản chính, bản khác cần phải có tiêu chí rõ ràng và khoa học. Một số truyện có khi được các tác giả sáng tác lại theo phong cách khá hiện đại nên cần biên tập lại, thậm chí phải viết lại vì đã là truyện kể dân gian thì phải mang phong cách dân gian. - Nhìn chung, nếu tiếp thu thêm những ý kiến góp ý lần thứ hai này của Hội đồng thì tôi nghĩ đây sẽ là một đề cương có sức thuyết phục và tôi tin rằng với sự chủ trì của PGS.TS Võ Quang Trọng là người rất có kinh nghiệm về biên soạn một loạt các sách về hương ước cuốn sách sẽ được hoàn thiện tốt. Tôi tán thành đề cương này.
GS.TS. Lê Chí Quế (22/08/2011)
1. Truyện kể dân gian Hà Nội đã được in rải rác trong một số sách báo từ thời Trung đại đến nay. Tuy nhiên phải đợi đến công trình của PGS.TS Võ Quang Trọng thì những truyện kể này mới được tập hợp đầy đủ, đồ sộ và được biên soạn một cách khoa học. Ngoài bộ phận lớn những truyện lưu hành ở Hà Nội cũ, trong công trình này còn có những truyện lưu hành ở Hà Tây cũ (Hà Nội mở rộng) như nhóm truyện liên quan đến Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, truyện Nhất dạ trạch... 2. Trong hệ thống tư liệu đồ sộ đó, tác giả chia làm 4 nhóm cơ bản: Truyền thuyết, Cổ tích, Giai thoại, Truyện cười là hợp lý, phù hợp với cách phân loại truyện kể dân gian phổ biến hiện nay. 3 Những truyện cụ thể được đưa vào trong sách này đều được tuyển chọn kĩ, có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. 4 Góp ý: - Ở trang 384 có tiêu đề là Truyện cổ tích nói chung. Theo tôi nên đặt là Truyện cổ tích lưu truyền ở Hà Nội (trong tương quan với những truyện cổ tích về Hà Nội). - Cuối mỗi truyền thuyết không nên ghi quá chính xác ngày hoá của nhân vật. Ví dụ: Ở trang 147 ghi ngày hoá là 11 tháng 3, trang 153 ghi ngày hoá là 12 tháng 9... Kết luận: Đây là công trình quy mô, được tuyển chọn và biên soạn nghiêm túc, khoa học, xứng đáng tầm cỡ là công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (22/08/2011)
1- Công trình này thuộc tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sản phẩm gồm 949 trang đánh máy khổ A4. Nội dung như sau: + Tổng quan về truyện kể dân gian Hà Nội Đây là bài tổng luận do GS. TS. Kiều Thu Hoạch + Phàm lệ biên soạn + Bảng chữ tắt I/ Truyền thuyết II/ Cổ tích III/ Giai thoại IV/ Truyện cười + Thư mục tài liệu tham khảo. 2- Nhìn chung, đây là một công trình có chất lượng tốt. Những người biên soạn có trình độ, Thạc sĩ Nguyễn Thuý Loan là người có kinh nghiệm biên soạn. Nhóm biên soạn có điều kiện thu thập được nhiều tài liệu. Bản thảo rất ít lỗi đánh máy. Có lẽ việc sửa chữa không nhiều. Sau đó có thể đưa vào công đoạn biên tập để xuất bản. 3- Để giúp các soạn giả hoàn chỉnh thêm, xin có những góp ý sau đây. 3.1- Nên thay đổi một chút trật tự. Bản chữ tắt nên để trước bài tổng quan. Như vậy trong bài tổng quan có thể sử dụng được một số chữ tắt. 3.2- Bài tổng quan do một vị giáo sư danh tiếng viết. Vị này có uy tín thực sự, am hiểu Hà Nội, đã viết nhiều về truyện dân gian, đã từng làm chủ biên các tập về truyền thuyết, giai thoại văn học trong bộ sách Tổng tập văn học dân gian người Việt, được chọn mặt gửi vàng làm chủ biên tập Văn học dân gian trong bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tuy vậy, bài tổng quan mà hầu hết chỗ nào cũng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, vẫn có những điểm xin được thưa cùng GS. Kiều Thu Hoạch. Trang 18: Tác giả dẫn tài liệu như sau: “Theo tài liệu của giới sử học: Giao Châu – châu thổ sông Hồng – có 55 hương thì Tống Bình chiếm 11 hương. Dân cư nội ngoại thành, sử nhà Đường chép là 15 vạn, nội thành Đại La có 40 vạn gian nhà. Những con số đó cũng gợi cho ta một ý niệm nào đó về dân số của Tống Bình – Hà Nội đương thời”. Tài liệu nào thì GS. không nói rõ. Tuy vậy, đối với một cuốn sách phục vụ đông đảo bạn đọc thì không dẫn cũng có thể được. Điều quan trọng là những con số trên không chính xác. GS. Kiều Thu Hoạch nên khẳng định đó là những con số không chính xác rồi sẽ viết tiếp như ông đã viết: “Những con số đó cũng gợi cho ta một ý niệm nào đó về dân số của Tống Bình – Hà Nội đương thời”. Trang 68 – 30: Khi viết về Ba Giai, Tú Xuất, không nên khẳng định một chiều, nên nói rõ mặt trái của hai nhân vật này là lối trêu đùa, chọc ghẹo nhiều chỗ, nhiều lúc tục tĩu, không nhân văn. Trang 46 dòng 5 - 6: Xem lại câu Nhận thì không đúng, từ làm sao đây? Trang 14: Tây hồ chí cần sửa lại là Tây Hồ chí, trang 25 Lĩnh nam chích quái cần sửa là Lĩnh Nam chích quái. Các trang 18, 19, 20, 22, 26, 33, 37, 39: Khi nêu chú thích đã để ở phần chính văn không đưa xuống chân trang và in chữ nhỏ hơn như đã thực hiện ở trang 45. 3.3- Vấn đề bao trùm lên cả phần biên soạn chiếm gần 900 trang do Võ Quang Trọng, Nguyễn Thuý Loan, Lê Việt Liên thực hiện là vấn đề bản quyền. Tất cả các tư liệu tác phẩm đều lấy từ các sách đã xuất bản. ở đây những người soạn đã có một việc làm đúng và cần thiết là ghi xuất xứ: sách nào, trang nào? So với nhiều cuốn sách biên soạn, đây là việc làm trung thực và khoa học hơn. Tuy nhiên, đối chiếu với luật bản quyền hiện hành thì tôi vẫn có phần băn khoăn. (Xin được dẫn giải thêm khi trình bày miệng). 3.4- Như đã nói ở trên, ở cuối mỗi truyện, các soạn giả đều ghi chú nguồn gốc. Tuy nhiên, ở đây có việc phải bàn. Thí dụ: tại trang 217 ở cuối truyền thuyết “Lý Thường Kiệt” các soạn giả ghi như sau: TTVHDGNV, T4, tr. 868 - 870 (VĐUL, tr.29 – 30) Dòng ghi xuất xứ trên cho thông tin như sau: Văn bản truyện “Lý Thường Kiệt” được lấy từ Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 4, trang 868 – 870. Nếu không có điều kiện tra cứu cuốn sách do ông Hoạch chủ biên thì người đọc có thể băn khoăn: Việt điện u linh (bản dịch) trang 29 – 30 là tài liệu mà nhóm của ông Kiều Thu Hoạch biên soạn Tổng tập… sử dụng hay là tài liệu mà nhóm ông Võ Quang Trọng, bà Nguyễn Thuý Loan sử dụng. Bởi vì, ở cuối sách Tổng tập văn học dân gian người Việt, ông Kiều Thu Hoạch dẫn bản dịch Việt điện u linh xuất bản năm 1960 (xem tập 5 của bộ Tổng tập…, tr.766); còn ông Trọng, bà Loan ở mục tài liệu tham khảo tr.945 lại dẫn bản dịch Việt điện u linh, in năm 2001. Thực ra những người soạn chỉ sử dụng có một cuốn sách của Kiều Thu Hoạch, số trang 29 – 30 VĐUL là số trang của bản dịch mà nhóm ông Hoạch sử dụng. Bởi vậy xuất xứ Việt điện u linh không cần nêu ra làm gì. 3.5- Trang 71 các soạn giả viết như sau: “Phần Cổ tích chúng tôi tuyển chọn những truyện được lưu truyền và phổ biến ở Hà Nội, những chuyện kể về địa danh ở khu vực Hà Nội và Hà Tây cũ”. Chuyện kể cần viết truyện kể. Hiện nay có những người đang làm việc ở thành phố Hà Đông (sắp đổi thành quận Hà Đông) phải ngày ngày tiến vào khu vực gần Hồ Hoàn Kiếm làm việc. Họ than rằng, trước đây làm việc ở Hà Đông thì đi, về gần, được về nhà ăn cơm trưa, thậm chí có thời gian nghỉ trưa tại nhà. Hiện nay đi làm xa hơn, tốn tiền xăng hơn, lại tốn cả tiền ăn cơm bụi, cơm hộp hoặc sang hơn là cơm văn phòng. Lại có trường hợp có người ở mãi cầu Đuống trước đây đi làm ở gần bờ Hồ, nay phải vào mãi thành phố Hà Đông. Nhiều sở có đến chục cấp phó, cán bộ nhiều hơn nhân viên. Rõ ràng là bây giờ có nhiều cái chưa ổn, người ta có phàn nàn, người ta chưa quen với việc nhập Hà Tây vào Hà Nội. Nhưng người Việt Nam vốn thích nghi giỏi, dần dần sẽ thích hợp. Đến thời điểm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, so với thời điểm bây giờ, câu chuyện sáp nhập sẽ nhạt hơn nhiều. Lúc đó quyển sách này in ra. Vậy không nên ghi là “Hà Tây cũ”. Nên sửa là: “Đối với phần truyện cổ tích, chúng tôi tuyển chọn những truyện đã từng được lưu truyền phổ biến ở những vùng đất thuộc Hà Nội ngày nay”. 3.6- Về địa danh, có một số chỗ chưa cập nhật. Xin nêu một số thí dụ: Trang 83 dòng 2 ghi như sau: “Nay là Xóm Cốc, thôn Thu Phát, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây”. Hiện nay làm gì còn tỉnh Hà Tây. Trang 193 cũng viết “nay thuộc Hà Tây”. Trang 191, chú thích 1 ghi như sau: “Đền ở thôn Hương Sơn, xã Dương Sơn, huyện Mỹ Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Quanh vùng ấy có 10 đền thờ”. Hiện nay Thanh Hoá không có huyện Mỹ Hoá. Tôi gọi điện hỏi ba vị ở Thanh Hoá là nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, TS. Mai Thị Hồng Hải. Có hai vị không trả lời vì đi vắng. Ông Hoàng Tuấn Phổ cho tôi biết huyện Mỹ Hoá là một huyện ở vào thời vua Thành Thái. Sau đó, huyện này đã cắt một phần cho huyện Hậu Lộc và cắt phần lớn cho huyện Hoàng Hoá. Tất nhiên ông trả lời theo trí nhớ, vì lúc đó không kịp tra cứu tài liệu. Trang 200 dòng 3 có đoạn như sau: (nay ở khu Ba Đình, Hà Nội). Bây giờ làm gì còn cấp khu, điều này ai cũng rõ. Trang 559 dòng 6 có câu như sau: “Tại Vĩnh Phú, thần tích ở đền Đào Xá lại chép khác”. Hiện nay không có tỉnh Vĩnh Phú. 3.7- Phần biên soạn vẫn còn lỗi chính tả. Xin nêu một số thí dụ: Trang 225 dòng cuối cùng không viết “Bần Tăng:” mà phải viết “Bần tăng:”. Trang 268 “vườn Uyển hựu” phải viết là “vườn Uyển Hựu”. Trang 286 dòng 8 không viết “Sứ giả” mà phải viết “sứ giả”. Trang 287 không viết “Hoàng Việt”, “Bạch Mao” mà phải viết “hoàng việt” (cái búa vàng), “bạch mao” (cờ trắng). 3.8- Tài liệu tham khảo từ trang 943 – 949, dẫn ra 91 tài liệu. Theo chúng tôi tài liệu 54 và tài liệu 55 chỉ là một. Về tên nhà xuất bản ở tài liệu 54 có lẽ chưa thật chính xác. Tài liệu 83 phải viết Lan Trì kiến văn lục (Trì viết hoa) mới đúng. Tài liệu 88 ghi sai tên cơ quan.
TS. Đỗ Hồng Kỳ (22/08/2011)
A. Nhận xét chung 1. Dòng tự sự dân gian, cụ thể ở đây là truyện kể dân gian Hà Nội đã làm thoả mãn các chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật, đó là: nhận thức - giáo dục - thẩm mĩ. Với ý nghĩa này truyện kể dân gian Hà Nội có tác động tốt tới con người trong cuộc sống đương đại có nhiều biến đổi này. 2. Bài giới thiệu “Tổng quan về truyện kể dân gian Hà Nội” của GS. Kiều Thu Hoạch hàm súc và đầy đủ. Nó phản ánh sự uyên bác và sâu sắc của tác giả về địa lý, lịch sử, xã hội và con người Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội. 3. Tuy nhiên, công trình này, theo chúng tôi vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. B. Những vấn đề hạn chế và trao đổi Để tiện theo dõi, chúng tôi không phân thành các nhóm vấn đề mà trình bày theo thứ tự số trang của công trình. Dưới đây là những góp ý cụ thể: - Tr.14: - Thời kì đồ đá đồ đồng thiếu dấu phẩy - “đã có cuộc sống của những con người” nên đổi thành “đã có con người sinh sống” - Tr.15: Thời phong kiến chưa có khái niệm huyện, quận mà chỉ có khái niệm châu. - Tr.30: Nên đổi “vườn cổ tích” thành kho tàng. - Tr.36: Tác giả viết rằng “Văn học dân gian không chỉ là truyền miệng mà còn là văn bản - chẳng những ghi chép bằng văn bản/văn bản hoá, mà cả sáng tạo bằng văn bản chữ viết”. Về ý kiến này chúng tôi chỉ tán đồng một nửa. - Tr.96: Tác giả cho rằng khi Bác Hồ làm thơ vui trả lời nhà thơ Hằng Phương “Cảm ơn bà biếu gói cam/Nhận thì không đúng, từ làm sao đây/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây…”. Ở đây chỉ có thể nói sáng tác theo phong cách dân gian mà thôi. Nếu coi đó là “sáng tác dân gian” thì không có thể chấp nhận được. Về phàm lệ biên soạn (tr.71-72), chúng tôi thấy phần này nên viết lại cho đầy đủ và rõ ràng hơn. Ở đây, sự hướng dẫn cách tra cứu chưa đầy đủ; cách trình bày không nhất quán. Chẳng hạn cùng một cấp độ chỗ thì dùng gạch ngang, chỗ lại không. Về bảng chữ viết tắt và các kí hiệu (tr.73, mục 14), xem lại huyền thoại hay là giai thoại. Về chú thích, nên thay phần tu chỉnh văn của các soạn giả bằng kí hiệu “*” hoặc kí hiệu nào đó chứ cứ để cả chữ A Rập thì gây rối mắt. Cụ thể là các trang 82, 83, 84, 86, 87, 88, 90, 91, 100. Tr.107: Thay Hà Tây bằng Hà Nội. Tr.119: Chú thích lại ở tr.119, 120, tr.124-125: tình hình cũng như vậy. Xem lại các trang 268, 269, 273, 274, 278, 284, v.v. sửa chữa lại cho nhất quán. Về việc sắp xếp thể loại. Các truyện như “Đền Ngọc Sơn” (tr.456), “Văn Miếu” (tr.462), “Gò Đống Đa” (tr.479) các soạn giả xếp chúng vào thể loại cổ tích đã hợp lí chưa? Về tài liệu tham khảo. Chúng tôi không thấy các tài liệu GS. Kiều Thu Hoạch tham khảo để viết phần “Tổng quan về truyện kể dân gian Hà Nội”. Nên thêm phần này vào cho đầy đủ. Chúng tôi nghĩ đặc trưng của văn hoá Hà Nội là chuẩn mực, tài hoa. Nếu một ai đó có phẩm chất này thì nên nhờ họ nhuận sắc lại văn bản “Truyện kể dân gian Hà Nội” là tốt hơn cả. C. Kết luận Có thể nói, “Truyện kể dân gian Hà Nội” của nhóm biên soạn Võ Quang Trọng - Nguyễn Thuý Loan - Lê Việt Liên là một tập hợp đầy đủ nhất từ trước đến nay về dòng tự sự dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Kết luận: Sau khi các soạn giả hoàn chỉnh thêm một bước, bản thảo hoàn toàn có thể xuất bản. Công việc này sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với việc kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Thị Huế (18/08/2011)
* PGS.TS. Nguyễn Thị Huế - Trước hết tôi vẫn đánh giá đây là một đề tài hay và không thể thiếu trong chương trình kỷ niệm Thăng Long 1000 năm. - Về phương pháp biên soạn và đối tượng nghiên cứu được tác giả bổ sung, nêu một cách cụ thể hơn trong đề cương chỉnh sửa lần này. Tôi đồng tình với các tác giả là có sự lựa chọn bản chính, bản khác, biên tập nhiều vấn đề về nội dung, chính tả… Với kinh nghiệm của các tác giả đã từng biên soạn nhiều công trình thì đến công trình này sẽ đem đến cho độc giả hiểu biết đầy đủ hơn về di sản truyện kể dân gian của Hà Nội. - Những lỗi chưa chính xác trong tài liệu tham khảo đã được nhóm biên soạn chỉnh sửa cẩn thận. - Tôi hoàn toàn nhất trí với kết cấu đề tài nêu trong đề cương nhưng tôi muốn giá như tác giả trình bày rõ hơn cho chúng tôi biết mỗi thể loại thì sẽ trình bày như thế nào? Trình bày theo chủ đề hay theo aphabet. - Trình bày bản khác, ở đây nói là không có điều kiện để trình bày nội dung mà chỉ có thể thông báo bản khác nằm ở đâu, nếu có thể tác giả ghi một vài dòng thuyết minh để người đọc đỡ mất công tra cứu. - Tôi tán thành thông qua đề cương này.
GS.TS. Lê Chí Quế (18/08/2011)
1. Trong buổi họp nghiệm thu đề cương, Hội đồng đã có ý kiến góp ý về nội dung, phạm vi nghiên cứu của đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội, cơ bản nhóm biên soạn đã tiếp thu nghiêm túc và chỉnh sửa đề cương. - Phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu được đưa ra đầy đủ và cụ thể hơn. - Phần Tài liệu tham khảo cũng được bổ sung và điều chỉnh những chỗ chưa chính xác. 2. Ngoài việc khẳng định và ủng hộ đề cương việc thông qua đề cương đã được chỉnh sửa của nhóm biên soạn, tôi xin có thêm một vài góp ý nhỏ: - Trong việc sử dụng lại các tài liệu trước đâu tác giả không chỉ đơn giản là sửa lại về mặt câu cú, chỉnh tả mà trong một số truyện nên kể lại cho đúng theo phong cách dân gian. - Trong quá trình lựa chọn các bản chính, bản khác cần chú ý nhiều tới phong cách kể và cốt truyện cần phải phù hợp với phong cách dân gian. - Có một số truyện hiện nay còn có rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc, nội dung nhưng không nên bỏ không chọn vào công trình mà nên đưa vào nhưng theo cách xử lí riêng của mình, như vậy người đọc sẽ thấy hấp dẫn và công trình cũng phong phú hơn. 3. Kết luận chung: Bản đề cương của PGS. TS Võ Quang Trọng được chỉnh sửa rất công phu và có tính khoa học. Tôi tin rằng nhóm biên soạn sẽ thực hiện các công trình của mình đúng thời hạn quy định và với chất lượng cao.
nguyen tuan dung (18/08/2011)
rat hay va ly thu
PGS.TS. Nguyễn Thị Huế - Viện Văn học (15/07/2009)
Đáp ứng chủ trương của Ban chủ nhiệm chương trình KX.09 và đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội, đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội mang tính cấp thiết và sẽ là một tài liệu đầy đủ nhất, mang tính khoa học nhằm phục vụ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Truyện kể dân gian Hà Nội là một bộ phận không thể thiếu được của giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long. Đã có nhiều công trình sưu tầm, tập hợp trước đây của nhiều nhà biên soạn. Nhưng mỗi soạn giả đều đứng ở mỗi giác độ riêng của mình, do vậy sẽ nhấn mạnh ở từng phương diện. Để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cần thiết cần phải có những công trình mới, đầy đủ hơn, phản ánh được giá trị văn hóa Thăng Long xưa và nay, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức rộng rãi của bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội do PGS.TS. Võ Quang Trọng chủ biên, chủ trương kế thừa và phát huy những công trình sưu tầm, biên soạn trước đây, đồng thời “tập hợp, tuyển chọn toàn bộ truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại và truyện cười về Thăng Long - Hà Nội hoặc lưu truyền ở Hà Nội” là đúng đắn. Chọn bốn thể loại này để tập hợp trong công trình về cơ bản phản ánh được giá trị của truyện kể dân gian Hà Nội. Đề cương đề tài Truyện kể dân gian Hà Nội do PGS.TS. Võ Quang Trọng chủ biên là đề tài mới trên cơ sở tiếp thu và bổ sung những thành tựu sưu tầm biên soạn trước đây. Phương pháp biên soạn khoa học hợp lý. Kết cấu nội dung đầy đủ, trong đó bao gồm cả 4 thể loại chính của truyện kể dân gian Hà Nội. Dung lượng vừa phải. Chủ biên PGS.TS. Võ Quang Trọng là người có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong một cơ quan nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Văn hóa (trước đây là Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian). Do vậy đề tài đủ tiêu chuẩn để thông qua và cần sớm được tạo điều kiện để tiến hành, nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
GS.TS. Lê Chí Quế - Đại học Quốc gia Hà Nội (15/07/2009)
Tiến tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có dự án nghiên cứu về văn hóa phi vật thể Hà Nội. Để làm rõ hơn nội dung của dự án này cần có sản phẩm bổ sung là tục ngữ, ca dao, truyện kể dân gian lưu truyền ở Hà Nội hoặc nói về Hà Nội. Trong bối cảnh ấy việc ra đời hai đề tài sưu tầm biên soạn về ca dao tục ngữ và truyện kể dân gian Hà Nội là rất cần thiết. Thông qua hai đề tài này các tác giả làm cho người đọc hiểu thêm về truyền thống lao động, sản xuất và xây dựng kinh đô Thăng Long trong gần 1000 năm nay. Nội dung của các tập sách sẽ được sưu tầm, biên soạn là rất phong phú (khoảng 500 - 700 trang). Ngoài việc sử dụng những văn bản đã lưu truyền trong các sách quen thuộc như Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Ca dao ngoại thành, Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Giai thoại Thăng Long, Danh nhân Hà Nội…Các tác giả còn bổ sung rất nhiều tư liệu được tập hợp trong các sách báo khác, thậm chí là trong các văn bản Hán Nôm đang lưu trữ ở các thư viện. Phải là những nhà khoa học có trình độ cao về văn học dân gian và có tri thức Hán Nôm mới làm được công việc đó.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)