Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh

Giới nhiếp ảnh Thủ đô có vinh dự được cầm một dấu mốc lịch sử “Nhiếp ảnh Hà Nội là cái nôi của Nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam” bởi chưng các sự kiện, niên đại chủ yếu về sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam (từ 1869 đến hết 2009 (140 năm) phần lớn đều diễn ra tại Hà Nội.

Tác giả: NSNA. Hoàng Kim Đáng (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Tổng số trang: 424 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 0.00)
Giới thiệu về sách:

          So với các ngành Văn học - Nghệ thuật khác, nhiếp ảnh Hà Nội (nói riêng) và nhiếp ảnh Việt Nam (nói chung) ra đời muộn nhưng thành đạt sớm, có thể nói là thành công rực rỡ. Nhiếp ảnh Hà Nội đã góp phần quan trọng đưa nhiếp ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới. Vì thế, một công trình về những tác phẩm nhiếp ảnh về Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm lịch sử là điều cần thiết và rất có ý nghĩa. Nhân kỷ niệm Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, việc công bố cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh” là rất cần thiết, đúng thời điểm.

           Cuốn sách giúp cho độc giả thấy được chân dung tổng quát về một Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay, nhìn qua lăng kính thời gian và không gian kiến trúc toàn cảnh Thủ đô Hà Nội bằng những hình ảnh lịch sử, những thắng tích còn lại, những phố cổ, con người Thăng Long xưa.

Sách cùng chuyên mục

Tuyển tập Văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
PGS. Trần Lê Sáng (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu)
Nhà Xuất bản Hà Nội
ước 3376 trang

Gương mặt văn học Thăng Long

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
GS. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
840 trang

Tuyển tập Ngô gia văn phái

“Tuyển tập Ngô gia văn phái” là công trình được đầu tư nghiên cứu từ nhiều năm nay, được đánh giá là thành tựu lớn nhất trong dòng văn học đương đại cả về số lượng và chất lượng.
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
1664 trang
16 x 24 cm

Giới thiệu cuốn sách “Cái kiểu người Hà Nội”

Nhận định về những sáng tác của nhà văn Ngọc Giao, Giáo sư Phong Lê viết: Phấn hương (1939) và Cô gái làng Sơn Hạ (1942) là hai tập truyện đủ đưa Ngọc Giao vào hàng ngũ thành danh trước năm 1945, giống như Thạch Lam với Gió đầu mùa, Nắng trong vườn; Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời; Tô Hoài với O Chuột, Nhà nghèo... Ngọc Giao phải được xem là một tác giả quen thuộc viết về Hà Nội, để có vị trí xứng đáng bên cạnh Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài... (Kiến thức ngày nay, số 472).

Ngọc Giao
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
332
14,5x20,5

Truyện kể dân gian Hà Nội

Tác phẩm này sẽ tập hợp, tuyển chọn toàn bộ những truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại, truyện cười về Thăng Long - Hà Nội, hoặc lưu truyền ở Hà Nội; nhằm phản ánh giá trị của truyện kể dân gian Thăng Long - Hà Nội làm tư liệu tra cứu cho các nhà nghiên cứu.
PGS.TS. Võ Quang Trọng (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
1076 trang
Ý kiến bạn đọc
NSNA. Lê Cường (25/08/2011)
I. Ý KIẾN VỀ BẢN THẢO LẦN THỨ BA a/ Tên cuốn sách "Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh" chưa hợp lý, cần tìm tên khác, bỏ chữ "qua hình ảnh" có thể lấy tên "Ảnh Thăng Long - Hà Nội". b/ Toàn bộ "Trình tự nội dung" chương mục không theo trình tự xuyên suốt tiến trình lịch sử, giá trị văn hóa, địa danh. Thăng Long - Hà Nội qua các triều đại: 1. Thời Lý (1009 - 1225) 2. Thời Trần (1225 - 1400) 3. Thời Lê (1418 - 1527) 4. Thời Nguyễn (1558 - 1945) 5. Thời đại Hồ Chí Minh Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 6. Thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc Việt Nam Những dòng sông: sông Hồng - sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu 7. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch 8. Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) 9. Ngoại thành Thăng Long - Hà Nội 10. Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc 11. Hà Nội trong hòa bình xây dựng 12. Thăng Long - Hà Nội tưng bừng trong lễ hội nghìn năm 13. Hà Nội trong hội nhập và phát triển 14. Văn Miếu - Quốc Tử Giám Toàn bộ 13 chương mục không khoa học, chưa hợp lý, mang tính cảm hứng. Phần đầu xếp chương mục theo trục thời gian, tiến trình lịch sử: Thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thời đại Hồ Chí Minh, thời chống Pháp, thời chống Mỹ, thời hòa bình xây dựng, thời hộ nhập và phát triển... Phần thứ hai xếp các chương mục theo trục không gian, địa danh: Hồ Tây – Hồ Trúc Bạch - Hồ Gươm - những dòng sông: Sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu. Ngoại thành Thăng Long - Hà Nội - Văn Miếu Quốc Tử Giám... Đề cương xếp không theo trình tự mang tính khoa học: không gian, thời gian hay những giá trị văn hóa, đời sống xã hội ... cần đặt lại toàn bộ đề cương sách ảnh. b/ Một số chương mục thiếu: Thời Mạc (1527 - 1593) khi ở Cao Bằng (1593 - 1677) Thời Tây Sơn (1788 - 1802) c/ Một số chương mục cơ bản về văn hóa Hà Nội, còn thiếu nên đặt thành những chương mục lớn. - Các di tích và danh lam thắng cảnh Hà Nội thể hiện tiến trình văn hóa, lịch sử, đời sống xã hội, tư tưởng, nhân sinh quan của con người. Một số giá trị khác như: - Kiến trúc phố cổ Hà Nội, kiến trúc cổng làng, ngõ xóm. - Những tòa nhà, nơi làm việc, nhà ở... mang dấu ấn kiến trúc Pháp. - Lầng nghề, chợ quê. - Lễ hội làng quê. - Những ứng xử văn hóa tốt đẹp trong xã hội, mừng khao lão, tiên chỉ của làng, dòng họ, mừng thọ, đám cưới, đám tang...hình thành những giá trị đạo đức, lối sống văn hóa, nhân văn mang dấu ấn Hà Nôi. d/ Đề nghị thẩm định lại lời tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. i/ Ảnh lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ở nhiều vị trí chưa trân trọng, không hợp lý, cần xem xét lại. g/ Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu cuốn sách, không nên đặt ở đó vì đây là cuốn sách 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không phải một giai đoạn lịch sử thế kỷ 20. II. Về những bài viết, lời mở đầu, lời tựa, chú thích ảnh, lời viết các chương mục cần điều chỉnh. 1. Lời mở đầu của tác gả toàn bộ không ăn nhập với nội dung cuốn sách, mang tính thông sử, một số câu văn không rõ nghĩa. “Người khai sinh ra kinh đô nước Đại Việt ta chính là Lý Thái Tổ (1009 -1028), qua tám đời vua nhà Lý từ 1010 - 1225” “Nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/1010 - 10/10/2010)...” Vậy ngày 10/10/1010 là ngày gì của năm 1010. Còn nhiều câu khác cần xem lại??? 2. Những bài viết giới thiệu về thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thời đại Hồ Chí Minh...mang tính lịch sử mà không hề nói tới Thăng Long - Hà Nội. Cần viết lại các thời đại đã có những gì, đóng góp gì về mọi mặt cho Thăng Long – Hà Nội. Phải bám sát nội dung chủ đạo của lãnh đạo thành phố chi tiền để in sách và nội dung sách. 3. Những bài viết về các thời chưa bám sát những sự kiện chính trị lịch sử từng thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thời đại Hồ Chí Minh... thiếu thời Mạc và thời Tây Sơn. Đề nghị viết lại toàn bộ. 4. Chú thích của các ảnh có nhiều câu thừa và sai: - Biểu tượng Thăng Long – Hà Nội? - Kỳ đài Thăng Long hồn thiêng đất Việt? - Chùa Một Cột (Diên Hữu Tự)...? - Nhà thờ Cửa Bắc bên cạnh đường phố... - Bến cảng sông Hồng, nơi vận chuyển hàng đi và đến khu phố cổ? 5. Có một vài ảnh có chú thích, giải thích, ghi chú, trong khi đó hàng loạt ảnh không giải thích.?? 6. Tên người viết trong chú thích ngoài một số lãnh tụ, vĩ nhân, danh nhân, anh hùng...có một vài người ghi tên chú thích vào cuốn sách như: Trang Công Lũng, Lương Ngọc Trác, Phạm Đình Luận, Hoàng Tuyết Hương, nghệ sĩ Kim Lê... không nên ghi cần lược bỏ... 7. Số lượng ảnh trong toàn bộ cuốn sách hầu hết là ảnh đã công bố trên nhiều cuốn sách, ảnh cũ của người Pháp (quá nhiều) so với tinh thần chủ đạo của cuốn sách.
NSNA. Nguyễn Huy Toàn (25/08/2011)
Kể từ khi Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009” đến nay, đã gần trọn 01 năm. Trong thời gian ấy, nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng đã kịp đưa ra trình Hội đồng một bản thảo mới “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh”, với 384 bức ảnh có từ thời Lý cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Đây là việc làm rất công phu và nghiêm túc. Nhiều bức ảnh cũ đặc biệt quý hiếm, như ảnh đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc thô sơ (ảnh chụp từ 1884) và một số ảnh mô tả sinh hoạt của cư dân Thăng Long - Hà Nội xưa mà nhiều người chưa được biết. Tác giả đã chú ý lựa chọn ảnh để thể hiện lịch sử phát triển của Thăng Long và Hà Nội ngày nay cả về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Là tác phẩm nghệ thuật nên tác giả đã hết sức quan tâm đến cái đẹp. Vì vậy, nhìn chung việc lựa chọn được nhiều ảnh đẹp, rất đẹp. Đây là tác phẩm tốt, nên sớm xuất bản cho kịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vài điều cần nghiên cứu bổ sung: - Ngày xưa có hai vị Tư lệnh thành Hà Nội là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương đã tuẫn tiết vì thành Hà Nội. Sau này có vị Tư lệnh thứ ba là tướng Vương Thừa Vũ đã chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ thành, sau đó rút ra. Chín năm sau lại dẫn quân về giải phóng Hà Nội. Đây là 3 vị cần có ảnh hoặc chụp nơi thời phục các vị - Ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơi nhiều, trong khi đó còn thiếu ảnh của các vị cần được có trong sách này là: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng (các vị này đều có đi thăm đồng bào và chiến sĩ Thủ đô khi chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội). Đây không chỉ là ghi nhận công lao mà quan hệ đến tình cảm Bắc Nam rất nhạy cảm. Ảnh thời chống Mỹ, nên bổ sung ảnh các cháu học sinh đội mũ rơm đi học, cô dân quân Hà Nội Nguyễn Thị Hiếu trong tiểu đội bắn rơi máy bay F111 cánh cụp cánh xòe của Mỹ, chàng trai Hà Nội Nguyễn Huy Hoàng đang dẫn giải Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để tuyển bố đầu hàng (những ảnh này tôi có thể cung cấp).
NSNA. Trần Mạnh Thường (25/08/2011)
VỀ LỜI TỰA: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao cuốn sách, nên tôi đề nghị cho in nguyên bản chữ viết của Đại tướng. 1- Khổ sách: đồng ý 25 x 29cm, in trên giấy couche mat 150 gr/m2 2- Số trang: khoảng 17tay x 16 trang = 272trang 3- Tên sách: Thăng Long - Hà Nội (bỏ qua ảnh vì trong sách toàn ảnh) 4- Bố cục sách: tôi đồng ý sắp xếp nội dung theo thứ tự qua các triều đại. Trong đó có thể bỏ triều Hồ (vì triều Hồ không để lại dấu vết nhiều ở Thăng Long, hơn nữa đây là một triều đại thoán ngôi nhà Trần và cũng diễn ra trong một thời gian ngắn ở Thăng Long, chủ yếu ở Hậu Lộc Thanh Hóa). Cũng nên bỏ nhà Mạc, nhà Mạc chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn. 5- Trong đó đáng chú ý triều Tây Sơn - Quang Trung, Nguyễn Huệ có nhiều ảnh hưởng ở Thăng Long như: Chùa Bộc, Tượng Quang Trung ở chùa Bọc được tạc từ lâu, tượng Quang Trung sau gò Đống Đa, Khu di tích Ngọc Hồi… 6- Ảnh bìa: dùng áng mây tưởng tượng như hình con rồng đang bay, thích hợp với sách ảnh nghệ thuật, ở đây là sách ảnh lịch sử, nên cần có hình ảnh cụ thể. 7- Ảnh đầu sách: Để hình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp không ổn, Đại tướng đóng vai trò rất quan trọng đối với dân tộc ta, nhưng cũng chỉ ở thời đại Hồ Chí Minh, như Trần Hưng Đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng dưới triều Trần, hay Nguyễn Trãi dưới triều Lê…Vì vậy cần thay. Đưa hình Đại tướng xuống ở chương thời đại Hồ Chí Minh. 8- Về triều Lý: theo tôi nên thêm những hình sau: - Đền Bà Tấm (thờ Ỷ Lan, vợ Lý Thánh Tông, ở Gia Lâm - Đình Giao Tự, thờ Lý Chiêu Hoàng - Lý Quốc Sư, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không - Nguyễn Chí Thành, ngườì có công chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, ở phố Lý Quốc Sư. - Ngoài ra nên chọn một số hiện vật đào được ở Hoàng thành như nghê, lá đề… 9- Triều Trần: Theo tôi nên bỏ bức ảnh sông Bạch Đằng vì nó không liên quan gì với Thăng Long, cả những trận chiến đấu của quân dân nhà Trần ở sông Bạch Đằng cũng nên bỏ, mà chọn một số bức vẽ chiến thắng ở Hàm Tử Quan, hay Chương Dương Độ… mới có liên quan đến Thăng Long. Ngoài ra triều Trần nên đưa thêm: Tượng Trần Hưng Đạo ở đền Ngọc Sơn Đền Ngọc Sơn Đền Bà Chúa thờ công chúa Trần Khắc Hản, con vua Trần Nhân Tông (ở Cổ Nhuế) Đền Tương Thuận thờ Trần Hưng Đạo… (ở Khâm Thiên). Đền Lư Giang thờ Phan Tố Thu và Ngưu Tất, 2 vị tướng của Trần Khát Chân (ở phường Hoàng Văn Thụ). 10- Triều Lê: theo tôi nên thêm hình ảnh Điện Kính Thiên Cổng Đoan Môn, lầu Công chúa Đền thờ Nguyễn Trãi ở Hà Tây 11- Nhà Nguyễn: Nên xem lại bức ảnh ở trang 91, có phải là phố Tràng Tiền Hà Nội không, tôi nghi là một phố ở Sài Gòn. Nên đưa cột cờ vào triều nhà Nguyễn vì cột cờ được xây dưới triều Nguyễn. 12- Thời đại Hồ Chí Minh: tôi đề nghị: đưa các số ảnh từ trang: 251 - 289 (phần ảnh chống Mỹ) đưa lên sau trang 141 (phần ảnh kháng chiến chống Pháp cho liền mạch. Những bức ảnh ở các trang 291, 306, 307, 309, cũng đưa lên phần ảnh chống Mỹ. 13- Bỏ mục ngoại thành (vì ta không có mục nội thành). 14- Khu di tích Văn Miếu không nên lập thành một chương, nó trở nên lạc lõng, đưa di tích Văn Miếu vào thời Lý có giá trị văn hóa và lịch sử lớn. 15- Phần kháng chiến chống Pháp: Theo tôi ở Hà Nội cần đưa: Diệt giặc đói (hũ gạo) Diệt giặc dốt (Lớp học bình dân học vụ) Diệt giặc ngoại xâm (Đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở chợ Đồng Xuân) B. GÓP Ý PHẦN BÀI VIẾT VÀ CHÚ THÍCH ẢNH I. NHỮNG BÀI VIẾT: 1. Bài Kỳ đài Thăng Long: Câu : “… tiếng hô quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ” của các chiến sỹ cảm tử quân bảo vệ thành Hoàng Diệu, bảo vệ thủ đô yêu dấu thu đông 1947”. Theo tôi biết lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ” ra đời từ ngày 19-12-1946, ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Còn thu đông 1947 là lúc quân dân ta đập tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp, chúng tập trung quân đánh vào chiến khu Việt Bắc để tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. 2. Bài Thời Lý: “… nhà Lý trị vì đất nước qua 8 triều vua với 216 năm (1009-1225) đặt tên nước là Đại Việt” theo tôi viết như vậy không chính xác, vì khi mới lên ngôi, Lý Thái Tổ vẫn giữ tên nước là Đại Cồ Việt, đến ngày 1/10/1054 khi Lý Nhật Quang lên ngôi là Lý Thánh Tông (sinh ngày 25/2 năm Kỷ Tỵ 1023), đời vua thứ 3, đặt niên hiệu là Long Thụy Thái Bình và đổi tên nước là Đại Việt. 3. Bài Thời Trần: “… nữ Hoàng đế nhà Lý buộc phải nhường ngôi…” theo tôi trong sử sách chỉ ghi “với sự khéo léo của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng hạ chiếu tuyên bố nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh ”. 4. Bài Thời Lê: “… Lê Lợi và các tướng lĩnh của mình cùng với Tổng binh Vương Thông cùng các tướng sỹ quân Minh…l àm lễ khấn vái trời đất, thần linh Đại Việt, gọi là Hội thề Đông Quan”. Theo tôi hiểu dùng chữ “cùng với” có nghĩa hai bên cùng nhau thương lượng làm lễ hội thề. Trong thực chất ta ở thế thắng “buộc” Vương Thông phải thề không xâm phạm đất Đại Việt. Nhìn chung các bài viết về các triều đại chỉ kể về chiến công của các triều đại đó đối với đất nước nói chung không thấy có đóng góp gì, để lại chiến công gì, dấu tích gì cho Thăng Long - Hà Nội. Chẳng hạn khi nói về triều Lý chủ yếu nói đến quê hương nhà Lý ở Bắc Ninh là chính. Nhà Trần, nhà Lê cũng vậy chủ yếu nói đến Nam Định và Thanh Hóa… 5. Bài viết Trang 31: “Thật kỳ lạ mấy năm gần đây cứ đến ngày Hội đền Đô, các nhà nhiếp ảnh Hoàng Tuấn Đại, Nguyễn Đức Thìn lại thu được vào ống kính của mình 8 giải mây…” theo tôi biết không phải năm nào củng có 8 giải mây xuất hiện khi ngày Hội Đền Đô khai mạc, mà chỉ có một lần xuất hiện vào ngày 26/8/1998 mà thôi. Đó là một hiện tượng tự nhiên. II. LỜI CHÚ THÍCH ẢNH: - “Bút tháp chạm nắng mai Thê Húc”, nhìn bức ảnh không thể chụp lúc “nắng mai” (buổi sáng) mà phải chụp nắng chiều. Có thể soạn giả có dụng ý ghép Bút Tháp với hai chữ “Thê Húc” có nghĩa “Nắng mai đậu trên cầu” . - Tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm nên ghi năm xây dựng, nếu không sau này con cháu hiểu nhầm là xây từ lâu. - “Chùa Kim Liên” đây không phải là chùa mà là cổng chùa. Cần chú thích cho chính xác. - Bức ảnh “Tượng đài Trần Hưng Đạo ” cần ghi rõ được đặt ở đâu, vì ở đâu cũng có tượng Trần Hưng Đạo. Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Hụê cần ghi năm tháng xây dựng. - “Đường Thanh Niên nối hồ Trúc Bạch và Hồ Tây”, dùng chữ “nối” không đúng mà dùng chữ “ngăn” Hồ Tây và hồ Trúc Bạch mới đúng. III. SẮP XẾP THỨ TỰ ẢNH: - Bức ảnh “Chiếm Bắc Bộ phủ”(tr.111), phải đặt trước ảnh “Đại biểu Quốc hội ”, vì có chiếm được Bắc Bộ phủ mới có ngày 2/9, mới có ngày bầu cử quốc hội. - Bức ảnh “Ngày bầu cử Quốc hội 6/1/1946, và bức ảnh Hồ Chủ tịch chủ tọa lễ khai mạc kỳ họp quốc hội 18/10/1946”, phải đặt trước “Lời kêu gọi kháng chiến” vì Bác ra Lời kêu gọi vào ngày 19/12/1946. - Ảnh “Đ/c Võ Nguyên Giáp duyệt đội quân Giải phóng tại Hà Nội 8/1945 (tr.120) và ảnh “Đoàn thiếu nhi” (tr.121), để sau ảnh “Mít tinh ở nhà hát Lớn” (tr.129), vì cuộc mit tinh ở nhà hát Lớn diễn ra ngày 17/8/1945, trước ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945, còn Đ/c Võ Nguyên Giáp duyệt đội quân Giải phóng và Đoàn thiếu nhi diễn ra sau ngày 2/9/1945. - Ảnh “Đón Hồ Chủ tịch đi Pháp về 10/1946” phải để trước các bức ảnh mô tả Hà Nội chiến đấu, vì Bác về nước một thời gian ngắn chiến tranh mới nổ ra.
NSNA. Mai Nam (25/08/2011)
Tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu lần thứ nhất, bản thảo thuộc tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” của Nhà xuất bản Hà Nội. Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng (người chủ biên) đã biên tập và chỉnh sửa theo ý kiến thống nhất của Hội đồng nghiệm thu lấy tên sách “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh. Đây là một bản thảo khá tốt nhiều công phu của nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng. Cuốn sách ảnh đã được bố cụ theo từng thời đại của kinh thành Thăng Long nghìn tuổi qua các triều đại với nhiều hình ảnh quý được sưu tầm của Thủ đô Thăng Long Hà Nội. Quyển sách ảnh không thể nào chứa đựng tất cả những ảnh vừa là tư liệu, vừa là những tác phẩm nghệ thuật của tất cả các nhà nhiếp ảnh Hà Nội. Tuy nhiên nên chú ý đến những tác phẩm chụp tại Hà Nội. Thí dụ như tác phẩm của nghệ sĩ Xuân Liễu về Sông Bạch Đằng nên thay bằng tác phẩm “Cô dân quân lội bùn trên bãi Sông Hồng” vì sông Bạch Đằng ở Quảng Ninh không phải ở Hà Nội. Cũng như vậy, cảnh bến Chương Dương lại là hình ảnh tốt về Hà Nội. Tác phẩm “Mây trên đền Đô” ở Đình Bảng, Bắc Ninh không nên chú thích “những năm gần đây năm nào cũng có đám mây như thế” làm người xem hiểu lầm vì chỉ có một hai năm có kiểu mây ấy, thường là ở chân trời không phải mọc lên ở Đền Đô. Người khác có thể chụp ở nơi khác với kiểu mây như vậy gắn với một địa danh khác. Chú thích của ảnh nên cụ thể, thí dụ Rùa ở Tháp Rùa ảnh của Hà Đình Đức nổi trên đám bùn rác lại chú thích ở chân Tháp Rùa. Ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập cần xem lại ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Về các hình ảnh các danh nhân hay các cá nhân tiêu biểu trong sách nên cân nhắc vì là vấn đề hết sức nhạy cảm, đề nghị nên xem xét thận trọng. Tóm lại bản thảo lần này tôi tán thành nên đưa xuất bản sau khi Hội đồng góp ý và sửa đổi một vài vấn đề cho hoàn chỉnh.
Nhà thơ Bằng Việt (25/08/2011)
A. Nhận xét chung - Sau khi Hội đồng nghiệm thu có ý kiến về đề cương sách ảnh “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009”, tác giả đã tiếp thu và nghiêm túc chỉnh sửa lại toàn bộ bố cục và nội dung cuốn sách. Không còn bị lấn bấn về đề tài chỉ khuôn vào lịch sử nghệ thuật Nhiếp ảnh thủ đô qua 140 năm như trước kia nữa, mà đề tài đã được tác giả thực sự mở ra theo hướng soi rọi và minh họa lại cả 1000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội thông qua hình ảnh. Đó là một cố gắng rất lớn và rất đáng trân trọng, vì chỉ trong một thời gian không dài, tác giả đã hoàn toàn thay đổi được toàn bộ những gì mình đã tâm niệm và đã từng tập trung vào đó trong nhiều năm, để tập hợp, chọn lọc và sắp xếp lại hệ thống ảnh hoàn toàn theo một trình tự mới, một quan niệm mới, đồng thời cũng đã xác lập nên một bố cục và dàn ý mới cho toàn bộ tập sách. Có thể nói đó cũng là cả một kỳ công, mà nhờ nó, tập sách đã hoàn toàn có thể “lột xác” và đã thay đổi diện mạo một cách ngoạn mục và đầy ấn tượng !. Tôi nghĩ, cuốn sách này, trong diện mạo mới này, thấy rõ là đã có đủ tư cách làm một mắt xích hữu cơ nằm trong Tủ sách 1000 năm Thăng Long, phù hợp với tiêu chí và yêu cầu của Ban quản lý Dự án Tủ Sách của Nhà xuất bản Hà Nội năm 2010. B. Một số ý kiến đóng góp thêm 1. Về bố cục: a) Về phần Thăng Long - Hà Nội qua các triều đại: Không thể xếp thời Nguyễn là bắt đầu từ năm 1558, như vậy là giản lược hóa lịch sử một cách khiên cưỡng. Dù thủy tổ của triều Nguyễn là Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa và mở cõi về phía Nam từ 1558, nhưng trên danh nghĩa, thời đó, vua Lê vẫn trị vì từ Thanh Hóa trở vào và được gọi là Nam triều, còn nhà Mạc vẫn tồn tại ở phía Bắc (gọi là Bắc triều) và chỉ tan rã sau khi Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng đánh bại và giết năm 1592. Con trưởng của Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn cũng bị Trịnh Tùng bắt và giết năm 1593. Dư đảng của nhà Mạc còn chiếm cứ Cao Bằng và một số tỉnh miền núi phía Bắc, và chỉ thực sự tan rã mãi tận năm 1677, sau khi bị chúa Trịnh Tạc săn đuổi ráo riết, phải bỏ trốn sang Trung Quốc. Thời Lê trung hưng, vua Lê cũng chỉ còn hư danh, nhưng vẫn được tôn vinh là vua và vẫn có niên hiệu. Suốt 2 thế kỷ XVII và XVIII là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm ranh giới, chưa bao giờ chúa Nguyễn đánh ra được tới đất Bắc, và vẫn chỉ bằng lòng cát cứ ở Đàng Trong, chưa đủ uy tín để có thể xếp là một triều đại ở tầm cả nước, và dù có xưng vương, thì các Chúa Nguyễn vẫn phải tôn trọng niên hiệu của Nhà Lê. Đến đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần, thì bị quân Tây Sơn đánh tan và bị giết năm 1777. Còn nhà Lê, nếu không kể đời vua cuối cùng là Lê Chiêu Thống, thì vị vua còn có công tích và làm vua tương đối lâu là Lê Hiển Tông, lên ngôi năm 1740, ở ngôi được 46 năm, và mất vào năm 1786. Đến năm 1788, thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi đặt niên hiệu là Quang Trung, để chỉ huy toàn quân toàn dân thần tốc dẹp tan quân Thanh sang xâm lược, lấy danh nghĩa là giúp vua Lê Chiêu Thống (1789). Vậy là từ năm 1777 đến 1789 (12 năm), dòng họ Nguyễn cũng chưa có vai trò gì đối với đất nước. Triều Nguyễn chỉ có thể thống nhất được đất nước sau khi phải mất thêm 13 năm nữa, để Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, tức năm 1802. Vì vậy, chỉ có thể đặt niên biểu thời Nguyễn chính thức là từ 1802 trở đi, sau một giai đoạn gián cách là 25 năm, tính từ chính quyền Chúa Nguyễn bị đánh đổ ở Đàng Trong, cho đến khi nhà Nguyễn khôi phục. Vì vậy, tôi cho rằng không thể xếp các bức ảnh về Tượng đài Quang Trung trong Hội Đống Đa, ảnh về bản thân Lễ hội Đống Đa, hay ảnh Múa mừng chiến thắng Ngọc Hồ i- Đống Đa vào giai đoạn nhà Nguyễn, kẻ đã tru diệt nhà Tây Sơn, đào cả mồ mả vua Quang Trung và bức tử Công chúa Ngọc Hân cùng các con của bà và vua Quang Trung được !. Nên chăng, vẫn nên để một thời kỳ lịch sử là Nhà Tây Sơn , dù ngắn, nhưng rất anh hùng và xứng đáng được phục hồi trong chính sử, sau Triều Lê. Như vậy, các ảnh trên đây mới có thể xếp vào đó cho hợp lý. Nếu để cân đối với các giai đoạn khác, cũng có thể chọn thêm 1, 2 ảnh nữa, như ảnh gò Đống Đa, ảnh quê hương của “Tây Sơn tam kiệt” ở Bình Định chẳng hạn...v.v... b) Mục “Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...” không thể xếp vào sau mục Ngoại thành Thăng Long - Hà Nội , không liên tục và không liền khối. Theo tôi, đã xếp một mạch thời gian liên tục theo các thời đại, thì đến phần “Thời đại Hồ Chí Minh”, đã có phần trước là “Nước VNDCCH và cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp”, thì nối liền theo sau nó phải là “Cuộc Kháng chiến chống Mỹ ...” là phù hợp nhất và gọn nhất! Đến phần sau, là Hà Nội trong hòa bình xây dựng, Hà Nội trong hội nhập.v.v... thì đi tiếp phần về các cảnh quan, danh thắng, ao hồ, sông nước, nội ngoại thành... là không có gì khiên cưỡng. Và khỏi phải “nhảy cóc” từ chiến tranh chống Pháp sang hòa bình, rồi cách quãng một lúc, lại bật ra một mảng ảnh phóng sự dài về chiến tranh chống Mỹ một lần nữa, có phần hơi bị lạc và làm người theo rõi thiếu tập trung !. 2. Về thứ tự niên đại để xếp các ảnh: a) Không nên đưa vào giai đọan thời Nguyễn và thời thuộc Pháp quá nhiều ảnh không minh họa cho công trình hoặc kỷ niệm về thời ấy. Ví dụ : + Ảnh Tháp Hòa Phong ở Hồ Gươm + Ảnh Ô Quan Chưởng + Thậm chí cả ảnh: Cổng sau Cấm thành Thăng Long, Ảnh Hậu lâu. Hoặc ảnh Hồ Trúc Bạch và làng đúc đồng Ngũ Xã ... ( sao không thấy làng làm giấy dó, dệt lụa, nhuộm vải, làm thêu ren, làng trồng đào v.v... ). b) Ảnh về di tích Cổ Loa và cây đa nghìn tuổi, đền An Dương Vương..., nên đưa lên trên, vào phần lịch sử xa xưa đáng tự hào của Hà Nội trước khi lập đô (trước thế kỷ X), không chỉ đưa đơn giản như một phong cảnh ngoại thành bình thường. Các ảnh khác như ảnh Lăng Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng, đền Tản Viên, di tích Thánh Gióng ở Sóc Sơn, đền Hai Bà Trưng... cũng vậy. 3. Một vài chú thích và ảnh nên bỏ: + Vì là một quyển ảnh nghệ thuật, không nhất thiết phải đưa vào các ghi chú quá kỹ lưỡng như một quyển ảnh thông tấn, nên theo tôi nên bỏ : - Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Bác Hồ. - Thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân ở Thủ đô. Cùng lắm, thì chỉ nên để lại: Chiếu dời đô và Tuyên ngôn độc lập mà thôi. + Bỏ đoạn tin trên báo “Bắc Việt Nam bắn rơi 4000 máy bay Mỹ” và bỏ cả đoạn trích lời văn của nhà văn Nguyễn Quang Thân ở dưới. + Nên bỏ bức ảnh đặc tả cảnh chém đầu bên Hồ Gươm, gây phản cảm không cần thiết trong một cuốn sách chủ yếu giới thiệu lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. 4. Một vài ảnh nên bổ sung thêm: + Thiếu một số ảnh về gương mặt trẻ trung duyên dáng và sáng láng của tuổi trẻ Hà Nội hôm nay, làm tập ảnh hơi nặng nề và tĩnh tại quá!. + Thiếu một số ảnh về các công trình mới, hài hòa và làm đẹp cho kiến trúc và cảnh quan Thủ đô; những ảnh đã chọn như ngôi nhà tháp siêu thị Cầu Giấy thì hình khối lại không đẹp và không điển hình cho kiến trúc hiện đại của Hà Nội. 5. Sửa lại chú thích: Những chú thích tên người và chữ nước ngoài, bản dịch tiếng Anh v.v... phải thật lưu ý cho thật chuẩn, không để sai. Ví dụ: Người Trung Quốc ghi cảm tưởng thì nên ghi theo âm Bạch thoại đã được La tinh hóa, không ghi là “Diệp Tố Hoa” theo âm tiếng Việt. Hoặc nhà thơ Hy Lạp viết về Hồ Gươm phải ghi đủ và đúng cả họ cả tên là “Menelaos Loudemis”, không chỉ phiên tắt theo âm Việt là Ludêmít thôi.
Nhà báo Trần Đương (23/08/2011)
I. Về đề cương của Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng Sau gần 2 tháng kể từ hội nghị 25/4/2009, tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu và chủ đầu tư, ông Đáng đã thể hiện những nỗ lực vượt bậc, làm lại đề cương “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh”, đáp ứng được yêu cầu chung. Điều này cũng thể hiện nhiệt tình và trách nhiệm cao của ông Đáng. A. Ưu điểm của đề cương - Các chương mục như vậy là hợp lý, có hệ thống, rõ ràng, có thể chấp nhận được. - Việc chọn và cung cấp số lượng ảnh cho từng chương mục thích đáng. Vấn đề là khi in, chú ý chất lượng ảnh, vì nhiều ảnh cũ được khai thác lại. Trên tổng thể, ý kiến của tôi là có thể nghiệm thu và tiến hành theo đề cương này. B. Mấy đề nghị nhỏ: 1. Về lời bạt của cuốn sách, theo tôi nên dành cho một nhà sử học hoặc nhà Hà Nội học có uy tín, đảm bảo tính khoa học của bài viết, tránh tán rộng. Xin chọn 1 trong 4 vị này: Vũ Khiêu, Hữu Ngọc, Nguyễn Vinh Phúc, Lê Văn Lan. 2. Ở chương V, “Nhiếp ảnh Hà Nội trên những nẻo đường đất nước”, nên tước đi 3 ảnh (số 297, 298, 311) vì các ảnh này nói về Hà Nội, không đúng với nội dung của chương đề cập “các nẻo đường đất nước”. 3. Ở các trang 337-348 ghi là “trích ngang các tác giả trong cuốn sách” - là các tác giả nào, những người làm sách hay tác giả ảnh? Theo tôi, ở phần Phụ lục “Các tác giả nhiếp ảnh Hà Nội có tác phẩm in trong sách” có lẽ hơi dài, rườm rà, không cần thiết, sẽ chiếm rất nhiều giấy mực, vì có cả “trích ngang, tiểu sử nghệ thuật, ảnh chân dung tác giả, địa chỉ liên hệ, điện thoại…”. Vậy có nên không? 4. Một số chi tiết nhỏ, như tên tác giả ảnh chưa chính xác, có lẽ do vi tính. Ví dụ: Khắc Hường chứ không phải Khắc Thường, Phạm Hùng Cường chứ không phải Phan Hùng Cường… Chú ý đọc kỹ morát. II. Về bài viết của Đại tá Nguyễn Huy Toàn * Nội dung súc tích, nêu được những nét đặc trưng của từng triều đại. * Chứng tỏ tác giả có trình độ khái quát cao. * Mấy đề nghị: 1. Ở bài “Thời Lý”, tại tr.2, phía dưới có đoạn: “Đình Bảng còn là quê hương có truyền thống cách mạng…” đến tr.3 là tên mấy vị khách nước ngoài. Tôi đề nghị sửa thành: “Đình Bảng còn là quê hương có truyền thống cách mạng. Tại ngôi đình của làng Đình Bảng từng diễn ra các hội nghị của Trung ương Đảng, của Thường vụ Trung ương để bí mật quyết định vận mệnh của đất nước ta vào năm 1945. Sau khi nước ta độc lập (9/1945), quê hương nhà Lý đã bốn lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp, như Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã về thăm Đền Đô. Một số vị khách quốc tế, như Italia, Pháp, Anh, Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc… đã đến thăm Đền Đô và để lại những cảm tưởng sâu sắc về mảnh đất lịch sử này”. (Tiếp đó là trích lời các bạn Đức, Pháp, Trung Quốc). Sửa như trên, hàm ý không ghi cụ thể tên người này, người khác. Vả lại, người ta sẽ hỏi tại sao những người khác không về thăm? - Về tên của khách quốc tế, cần xem lại cho chính xác. Theo tôi tên người Đức là hoàn toàn không đúng. Tên người Pháp cũng vậy. Nếu không chính xác sẽ giảm tính khoa học, gây ấn tượng không tốt trong bạn đọc và cả các vị khách ấy. 2. Còn một số câu diễn đạt như văn nói, cần bỏ bớt những từ thừa. Chúng tôi rất mong được tham gia xem kỹ (cả ảnh và lời) trước khi sách đưa in, với mong muốn đạt kết quả cao nhất, xứng đáng với sự kiện trọng đại của Thủ đô ta.
NSNA. Trần Mạnh Thường (23/08/2011)
Tôi đã đọc kỹ đề cương gồm 12 trang. Tôi quan niệm đây là một cuốn sách lịch sử Thăng Long Hà Nội từ thời Lý 1010 đến nay 2010, qua hình ảnh, chứ không phải là cuốn lịch sử nhiếp ảnh Hà Nội từ ngày cụ Đặng Huy Trứ đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869. Xuất phát từ nội dung đó tôi đề nghị bỏ dòng chữ ở bìa: Hanoi Photographers from 1869 - 2009. Cũng trên dòng chảy đó, tôi đề nghị bỏ: Mục III: THĂNG LONG - HÀ NỘI QUA ỐNG KÍNH CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI và đưa từng bức ảnh từ số 35 - 72 (tùy theo đối tượng chụp, không quan tâm tới thời gian chụp) để đưa vào từng thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời đại Hồ Chí Minh cho phù hợp. Thí dụ: người nước ngoài chụp chùa Một Cột năm 1890 ta đưa hình ảnh này vào thời Lý, vì chùa Một Cột xây vào thời Lý… Mục IV: Những công trình kiến trúc xây dựng thời nào đưa vào thời đó. Ở thời này chỉ để những ngày lễ, những công trình kiến trúc do ta xây sau Cách mạng tháng Tám thí dụ như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Bảo tàng Hồ Chí Minh Đường Thanh Niên… Hay những sự kiện diễn ra như: Cuộc kháng chiến chống Pháp Cuộc kháng chiến chống Mỹ Hà Nội xây dựng trong hòa bình… Với tinh thần là sách ảnh Hà Nội, nên mục V: NHIẾP ẢNH HÀ NỘI TRÊN NHỮNG NẼO ĐƯỜNG… là đi lạc đề, nên tôi đề nghị bỏ. Vì đây không phải là giới thiệu về lịch sử nhiếp ảnh. Về Phụ lục: Tôi đề nghị chỉ ghi tên tác giả, không ghi trích ngang. Đây không phải là cuốn sách giới thiệu tác giả tác phẩm. GHI CHÚ: - Có một số di tích đưa vào niên đại không đúng như chùa Hòe Nhai đưa vào thời Trần không đúng, vì chùa Hoè Nhai xây từ thời Lý. - Bến Bình Than, đền Vạn Kiếp, tượng Trần Hưng Đạo ở Vạn Kiếp thuộc tỉnh Hải Dương. Ở Hà Nội ta vẫn còn nhiều di tích đời Trần. Nên lấy tượng Trần Hưng Đạo ở đền Ngọc Sơn.
NSNA. Mai Nam (23/08/2011)
Từ đề tài: “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009” chuyển thành “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh”, nội dung cuốn sách trước nói về sự phát triển của nhiếp ảnh Hà Nội từ khi nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam, nay đã thay đổi nội dung mới: nói về lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội qua những hình ảnh. Tác giả bố cục cuốn sách theo dòng lịch sử Lý, Trần, Lê, Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh. Cách bố cục như vậy là hợp lý. Mỗi một thời kỳ có kèm một bài viết về thời kỳ đó. Hình ảnh đi kèm với thời kỳ ấy là minh chứng nói về những dấu tích lịch sử còn lại đến bây giờ. Tất nhiên khi nhiếp ảnh chưa có ở Việt Nam thì chỉ có hình ảnh những di tích, di vật nay được chụp bằng ảnh. Khi nhiếp ảnh ở Việt Nam đã phát triển thì những hình ảnh được chụp nhiều hơn, phần lớn những thời kỳ trước cách mạng đều do người Pháp chụp. Sau này nhất là sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 nhiếp ảnh Việt Nam phát triển ghi lại được những hình ảnh lịch sử rất quý của đất nước. Nội dung cuốn sách từ “Lịch sử phát triển nhiếp ảnh Hà Nội” thành “Lịch sử phát triển Thăng Long - Hà Nội bằng ảnh”, đã thay đổi hẳn nội dung nên những vấn đề về lịch sử phải được nhấn mạnh hơn trong việc chọn lựa các tác phẩm. Từ thời đại Hồ Chí Minh cần khai thác những hình ảnh về Hà Nội trước Cách mạng tháng 8. Hình ảnh về cuộc Cách mạng tháng 8 và ngày Độc lập 2-9 phải nhiều hơn. Cuộc kháng chiến của quân dân liên khu 1 của Trung đoàn Thủ đô phải có số lượng ảnh lớn hơn. Những tư liệu này có rất nhiều nhưng trong đề án tác giả chỉ đưa ra quá ít ảnh và như vậy là không đầy đủ nếu nói về một Thủ đô Hà Nội anh hùng. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước cũng cần có nhiều ảnh tiêu biểu của Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ, tác giả cần sưu tầm thêm những hình ảnh có giá trị lịch sử làm cho sách ảnh có chất lượng cao hơn. Trong quyển sách này tính tài liệu của những hình ảnh trong sách phải được coi trọng cũng như tính nghệ thuật của ảnh. Không nên tham cho vào sách những hình ảnh đẹp nhưng không có giá trị lịch sử của Hà Nội. Hai danh nhân nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ và Khánh Ký không nên để vào sách này bởi vì nếu nói đến danh nhân của Thăng Long - Hà Nội thì không thể chỉ nói đến danh nhân nhiếp ảnh. Phần những nhà nhiếp ảnh Hà Nội trên các chặng đường đất nước đưa vào sách ảnh này là không còn phù hợp nữa vì không nói gì được về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nên chọn những tác phẩm của những tác giả trên chụp về Hà Nội có giá trị đưa vào các mục trong sách. Trên đây là những nhận xét của tôi về bản đề cương: “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh” của tác giả Hoàng Kim Đáng. Những hình ảnh mà tác giả chọn đưa vào sách có những hình ảnh tôi đã được biết và nhiều hình ảnh tôi chưa được xem nên tôi chỉ tin vào sự lựa chọn của tác giả. Khi đưa vào xuất bản nếu có thể được xem và góp ý kiến thì rất tốt. Trên đây là một số ý kiến của tôi có thể chưa đầy đủ lắm nhưng xin chân thành mong muốn cuốn sách ra bạn đọc được đón nhận tốt đẹp.
NSNA. Nguyễn Huy Toàn (23/08/2011)
Đọc phác thảo Đề cương sách ảnh “Thăng Long - Hà Nội” (Thăng Long Hà Nội qua hình ảnh 1010-2010, Hà Nội Photographers from 1869 - 2009), tôi thấy tên sách rườm rà quá. Nên chăng chỉ lấy tên sách là: Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh (1010-2010). Muốn nói đến lịch sử nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009 thì phải nghiên cứu khá công phu về quá trình hình thành, phát triển và những thành tựu của nhiếp ảnh Hà Nội, cả về tác giả và tác phẩm. Nếu phải bổ sung những nội dung trên đây tôi e là không kịp. Bố cục các chương, về cơ bản là được, nhưng cần phải bổ sung khá nhiều. Bởi khi ta nói đến Hà Nội 1000 năm (mặc dù là chỉ qua hình ảnh), ta không chỉ nói đến những danh lam, thắng cảnh của Hà Nội, mà phải nói đến quá trình phát triển của Thủ đô qua một ngàn năm, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội qua các triều đại phong kiến, rồi qua cách mạng tháng Tám và các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX. Đặc biệt là về con người. Vậy 1000 năm qua, ta có thể đưa ra những con người tiêu biểu của Hà Nội trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá xã hội không? Ví dụ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Chu Văn An, “Thần Siêu, Thánh Quát”, và ba vị tư lệnh có công giữ thành Hà Nội như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Vương Thừa Vũ; các nhà văn hoá có đóng góp nhiều cho Hà Nội: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, v.v... Lại còn các nhà quân sự, các nhà khoa học... Trong đề cương, tôi thấy tác giả đã đưa ra một số nhân vật như Quang Trung, Nguyễn Trãi, Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp, Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Cung Khắc Lược, Nguyễn Thị Hiếu và một số ảnh các cô gái Hà Nội), như vậy là còn sơ sài. Ngoài ra, cần bổ sung thêm: - Tứ trấn Hà Nội: Thần Linh Lang; - Tứ bất tử; - Các làng nghề ở Hà Nội (làm giấy, dệt lụa, dệt vải, tranh hàng Trống, cốm làng Vòng...); - Các trường học ở Hà Nội; - Giới trí thức Hà Nội được đào tạo từ khi có trường đại học Quốc Tử Giám đến nay; - Các chợ ở Hà Nội; - Các làng hoa ở Hà Nội (hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp, ...). Những nội dung trên đây, nếu thiếu ảnh thì đi chụp bổ sung hoặc thay bằng các bài viết thật ngắn gọn cũng rất quý.
NSNA. Lê Cường (23/08/2011)
I. Bản phác thảo đề cương sách ảnh Thăng Long - Hà Nội (lần 2) của nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng về căn bản vẫn nặng về “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009” cụ thể như sau: a) Mục V: Nhiếp ảnh Hà Nội trên những nẻo đường đất nước. Ảnh số 254 đến 324, không phải hình ảnh Thăng Long - Hà Nội (Từ trang 10 đến trang 12). b) Ảnh số 325 đến 336: Nhiếp ảnh Hà Nội là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. (trang 12) c) Ảnh số 337 đến 348 là trích ngang các tác giả trong cuốn sách (trang 12). d) Phần phụ lục lại nhắc lại tiểu mục đã viết rồi “Nhiếp ảnh Hà Nội là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam” trùng lặp đã nêu ở mục V (trang 12). e) Phần phụ lục + Các tác giả nhiếp ảnh Hà Nội có tác phẩm in trong sách (bao gồm: trích ngang, tiểu sử nghệ thuật tóm tắt, ảnh chân dung tác giả, địa chỉ liên hệ, điện thoại...) + Phần này mang tính địa chỉ liên lạc, liên hệ... mà các Hội nghệ thuật như: Điện ảnh, Hội họa, Nhà văn, Nhiếp ảnh... đã in và xuất bản, không cần thiết in một cuốn sách ảnh trang trọng chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Toàn bộ phần đã nêu từ a) đến e) không theo hướng phản ánh lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh. II. Phần “Đôi lời mở đầu của người chủ biên” (trang 1 và 2). Tôi xin đề nghị bỏ toàn bộ trang 2 (lạc đề), trang 1 cần viết bổ sung thêm và điều chỉnh đôi chút. III. Phần viết từng thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Thời đại Hồ Chí Minh (từ 1945...) của Đại tá Nguyễn Huy Toàn. Tác giả chủ biên Hoàng Kim Đáng nên tham khảo hàng loạt các cuốn sách đã từng giới thiệu về Thủ đô các nước như: Tôkyô, Paris, Matxcơva, Nữu Ước, Bắc Kinh... trong hàng loạt sách chủ yếu là ảnh, bài viết chỉ có phần giới thiệu và lời Nhà xuất bản cuối trang có mục lục tác giả... Phần viết của Đại tá Nguyễn Huy Toàn không cần thiết in theo sách bởi lý do sau: - Viết theo thông sử, thiếu nhiều. - Viết giới thiệu tác phẩm, không bám sát các bức ảnh. - Viết nêu bật những giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội hầu như chưa có. - Viết về mục: “Thời đại Hồ Chí Minh - 1945...” lại tổng hợp lịch sử Việt Nam từ xa xưa, trùng lặp... IV. Kết luận: Hà Nội cho đến nay chưa có cuốn sách ảnh nào tập hợp đầy đủ các giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể từ 1000 năm nay, Đề cương của Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng còn thiếu nhiều giá trị văn hoá như: Phố cổ, phố cũ, làng nghề, phố nghề, đời sống người Hà Nội, tổng thể các di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội các anh hùng, danh nhân, làng xã, làng nghề, các sản phẩm văn hoá, đời sống con người,... - Tác giả đặt chuyên mục ngoại thành nhưng lẽ nào bỏ và không có chuyên mục nội thành. - Sắp xếp các chuyên mục cần xem lại: Theo thông sử, các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Hồ Chí Minh... - Theo địa danh, hồ Tây, hồ Gươm, sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...
SMS (22/08/2011)
Se la rat hay neu co nhieu hinh anh ve Thang Long - Ha Noi qua cac thoi ky lich su
Nhà báo Trần Đương (22/08/2011)
I. Ý kiến bao trùm 1. Một cuốn sách ảnh để góp vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề xướng và Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện là một sự kiện đáng chào mừng nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chắc chắn việc ra sách này đem đến cho các nhà nhiếp ảnh một niềm vui lớn, vì họ vinh dự được đóng góp vào lễ hội trọng đại của Thủ đô, của dân tộc. Đồng thời độc giả và những người yêu nhiếp ảnh sẽ nhiệt liệt hoan nghênh. 2. Việc nhà nhiếp ảnh tên tuổi Hoàng Kim Đáng được cử làm chủ biên cuốn sách ảnh “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009” là một quyết định đúng đắn, vì - như tôi biết - ông là một người có nghề trong việc ra sách ảnh, có những cuốn được tặng thưởng, được đông đảo độc giả và công chúng chào mừng. Ông vốn là nhà giáo, đã nhiều năm lăn lộn ở chiến trường, trên mặt trận văn hóa - văn nghệ và báo chí, thu lượm khá nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực nhiếp ảnh, viết báo, làm thơ. Tóm lại ở ông tiềm ẩn nhiều năng lực cần thiết để đảm nhận một công việc quan trọng như vậy. Hơn nữa, với nhiệt tình của người nghệ sĩ, trách nhiệm công dân, ông đáng chiếm được sự tin cậy cao, làm việc vô tư, động cơ trong sáng. 3. Phác thảo đề cương của ông Đáng, trong bước đầu, cho thấy thể hiện được những yêu cầu lớn nhất của cuốn sách nói lên tiến trình lịch sử của Hà Nội với những trang hào hùng, oanh liệt nhất và cũng văn hóa nhất. Qua đó đã hình dung được cái nhìn tổng quan trong mối liên hệ hữu cơ, logic giữa các mặt. Danh mục ảnh cho ta thấy: - Sự phong phú, đa dạng của tư liệu; - Tập hợp được nhiều tác giả và tác phẩm ảnh về Hà Nội qua các thời kỳ. - Chứng tỏ người chủ biên có một quá trình tích lũy nghiêm túc để có được “kho” tư liệu quý như vậy. Trên cơ sở những điều trình bày trên đây, ý kiến bao trùm của tôi là hoàn toàn ủng hộ nên giao cho NSNA Hoàng Kim Đáng chịu trách nhiệm hoàn thành quyển sách ảnh quý giá này. II. Mấy điều đề nghị tham khảo Thái độ chung của chúng tôi là không chỉ ông Đáng và Nhà xuất bản Hà Nội chăm lo việc ra sách này mà mọi người - trong điều kiện có thể - nêu lên những suy nghĩ, nhận xét, đề nghị và cả những phân vân nữa để tác giả tham khảo, đặng đạt tới một tác phẩm hoàn chỉnh. Với tinh thần đó, tôi trình bày một số ý kiến riêng để cùng tham khảo: 1. Về kết cấu và một số chi tiết trong “Phác thảo đề cương” (Ông Đáng khiêm tốn gọi là “phác thảo” chứ chưa phải đề cương chính thức, chắc chắn ông sẽ tiếp tục suy nghĩ, cân nhắc và tham khảo ý kiến của đồng nghiệp để hoàn chỉnh đề cương chính thức). a) Về phần thứ nhất trong phác thảo: “Một số hình ảnh tổng quan về Thăng Long - Hà Nội xưa” - Theo tôi, đã “xưa” thì xưa hẳn và có giới hạn từ trước đến khi nào chứ không thể đến “nay”. Vì vậy, không nên đưa các ảnh “nay” vào phần này (ví dụ các đường phố Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Nhà bia Văn Miếu, Người phụ nữ ngày nay, Nhà thờ lớn ngày nay cũng vậy). Mặc dù tác giả có ý so sánh, nếu thế thì nên gọi là “xưa và nay”. - Để hai nhân vật Đặng Huy Trứ và Khánh Ký vào giữa mục này có lẽ không đúng chỗ, có phần lạc lõng. Nên ở trong phần lịch sử phát triển nhiếp ảnh. - Nên tách các ảnh về phong cảnh và con người ra, đừng nên xen kẽ. b) Về phần thứ hai: “Hà Nội - Thành phố sông hồ” - Nói về “sông hồ” sao lại có mục “Hà Nội ngoại thành với những chùa chiền, làng nghề, lễ hội”? - Sao lại đưa mục “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội” vào phần này? - Và dưới mục về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có các nhân vật khác như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đặng Thái Sơn, Văn Cao… là vì sao? c) Về phần thứ ba: “Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp” - Ảnh trong phần này ít quá, chưa xứng tầm với cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Hà Nội. - Sao lại có ngày bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 5-1-1948? (chính xác ngày đó là 6-1-1946). d) Ở phần 4 và 5, ảnh rất phong phú, hấp dâẫ nhưng nên sắp xếp theo thứ tự thời gian, ví dụ về thanh niên “ba sẵn sàng” phải đặt trước “Hà Nội Điện Biên phủ trên không”. Không nên có những 2 ảnh “ba sẵn sàng” (153 và 157) của cùng một tác giả Mai Nam; nên thay vào đó 1 ảnh “ba đảm đang” của phụ nữ. - Theo tôi chỉ nên dùng 1 ảnh cựu chiến binh Mỹ đến Hà Nội (của Trọng Mão), gác lại ảnh lính Mỹ thăm nhà tù Hỏa Lò. 2. Do nhiều lý do nên có một chương riêng “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội và Hà Nội với Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhằm làm rõ: - Hồ Chủ tịch khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hà Nội (ảnh Người đọc tuyên ngôn 02/9/1945). - Người là ứng cử viên Quốc hội tại Hà Nội. - Từ Hà Nội, Người lãnh đạo nhiều giai đoạn cách mạng (kêu gọi toàn quốc kháng chiến; từ chiến khu về, mở giai đoạn xây dựng mới; Hội nghị chính trị đặc biệt…) - Người ra đi vĩnh viễn tại Thủ đô Hà Nội (Lễ tang đầy xúc động…) - Nhân dân Hà Nội đối với Bác - Lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới - qua nhiều sự kiện đã được ghi bằng hình ảnh. 3. Trong phần nêu một số nhân vật tiêu biểu, ngoài những người đã được ông Đáng nêu, theo tôi nên có: - Ông Trần Duy Hưng (vị thủ trưởng đầu tiên, lâu năm, có nhiều công lao và rất gắn bó với Hà Nội). - Nhà thơ Tố Hữu, tác giả của nhiều bài thơ hay về Hà Nội và Hà Nội là nơi cất đi nhiều bài thơ giá trị của ông. - Theo tôi, trong 2 nhà văn chỉ nên để 1. - Có nên để ảnh nhạc sĩ Trọng Bằng không? 4. Những phân vân: a) Tôi hiểu dụng ý của Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng khi đưa ra phần “Nhiếp ảnh Hà Nội trên những nẻo đường đất nước”. Nhưng phần này sẽ làm cho chủ đề cuốn sách bị loãng, không rõ tiêu chí. Xem qua tôi rất phân vân ở chỗ: - Tác giả ở đây không chỉ là người Hà Nội mà là người tứ xứ, chụp khắp mọi nơi. Như vậy biết mấy cho vừa? - Mà đã chụp trên các nẻo đường đất nước thì sao lại đưa ảnh về Hà Nội vào phần này (ví dụ ảnh 277, 278, 292), vô tình lặp lại các phần trên. - Theo tôi, nên thay phần này theo một chủ đề khác, ví dụ: “Các nghệ sĩ nước ngoài chụp Hà Nội”, “Tác phẩm của các nghệ sĩ Hà Nội tiêu biểu”… b) Việc chọn ảnh và tác giả nên theo một tiêu chí cụ thể; có người được chọn khá nhiều, có người quá ít hoặc không có. Tác phẩm của các nghệ sĩ lớn như Võ An Ninh, Đăng Định, Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản… quá ít. Dường như không có tác phẩm của giới nhiếp ảnh nữ như Đan Quế, Tuyết Minh, Đỗ Lan Hương… Trong khi đó, có người ngót 20 ảnh. Với cuốn sách này, các nghệ sĩ nên có mặt đông đảo, như 1 cuộc “họp mặt” trong ngày hội lớn của dân tộc. Niềm vui và vinh dự của họ cũng là ở đó. 5. Không nên dùng nhiều ảnh cho một nội dung, ví dụ ở mục 286 có tới 4 tác giả ảnh cho Cảnh than Cửa Ông (mà cảng này chẳng liên quan gì đến Hà Nội). 6. Phần “Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” nên để cuối phần V của đề cương, như vậy tập trung hơn.
NSNA. Trần Mạnh Thường (22/08/2011)
1. Tên sách nên để “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” 2. Về nội dung: Phần : Một số hình ảnh tổng quan về Thăng Long - Hà Nội : Trước Cách mạng tháng Tám 1945, đặc biệt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều nhà nhiếp ảnh nước ngoài như nhà nhiếp ảnh Pháp Albert Kahl chụp rất nhiều về Hà Nội như: - Phố phường - Sinh hoạt, buôn bán, chợ búa - Chân dung các tầng lớp nhân dân - Về giáo dục: học sinh, sinh viên - Lễ hội, ma chay, cưới hỏi - Các công trình kiến trúc cổ đã bị phá hủy như chùa Báo Ân, cầu Thê Húc cổ , nhà ga Hàng Cỏ, khu Đấu xảo vv… - Các ngành nghề thủ công như đúc đồng Ngũ Xã vv..
NSNA. Mai Nam (22/08/2011)
Trước tiên tôi rất vui mừng trước chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội giao cho Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Nhà nước và Thủ đô Hà Nội. Trong Tủ sách này có sách ảnh “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009” do nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng làm chủ biên. Căn cứ vào nội dung khoa học của đề tài tôi tán thành cách đặt vấn đề của tác giả và phương pháp tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và các tác phẩm cũng như các tác giả nhiếp ảnh trong từng thời kỳ lịch sử 140 năm của Nhiếp ảnh Hà Nội. Tâm ý của tác giả muốn minh chứng các tác giả nhiếp ảnh Hà Nội là những “nhà chép sử bằng hình ảnh” đã được thể hiện trong toàn bộ đề cương sách ảnh. Để cuốn sách đợc phong phú hơn cũng cần sự đóng góp của nhiều nhà nhiếp ảnh và nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa. văn nghệ bổ sung cho cuốn sách quý này. Riêng tôi xin góp một số ý kiến sau đây: Về một số hình ảnh Hà Nội xưa: Ngòai những hình ảnh tác giả đã liệt kê trong mục này nên có thêm các hình ảnh sau đây: - Đền Quan Thánh - Chùa Trấn Quốc - Phố Bích Câu (với Tú Uyên Giáng Kiều) - Chùa Láng - Đền Bạch Mã… Hà Nội thành phố sông hồ: - Về sông Tô Lịch nên có hình ảnh cũ trước khi sông bị lấp - Phố Cầu Gỗ - Phố Hàng Bè… Hà Nội ngoại thành: - Làng cổ Đường Lâm - Đình Tây Đằng - Đền Hai Bà Trưng (Hà Nội - Mê Linh) - Đền Hát Giang - Hát Môn - Phúc Thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội: Ngoài nhưng ảnh tác giả đã ghi trong đề cương, tôi xin góp một số ảnh Bác Hồ với Hà Nội như: - Bác Hồ trên bao lơn Nhà hát lớn khai mạc Quốc hội khóa II - 1960. - Bác Hồ thử máy cấy ở Gia Lâm - Hà Nội 1960. - Bác Hồ về thăm Lỗ Khê Đông Anh tết tiết kiệm 1964… Các danh nhân văn hóa không nên gộp vào mục này: Những vị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không ai có thể phản bác. Nhưng các nhân vật khác như các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa thì 140 năm còn có nhiều nhân vật được nhân dân suy tôn là những nhà văn hóa lỗi lạc nếu xét về sự cống hiến cho Thủ đô Hà Nội. - Trước kháng chiến chống Pháp là Cách mạng tháng Tám. Tác giả nên đưa vào những hình ảnh của Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập 2-9 sau mới đến Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Mục Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập 2-9: Cần có những hình ảnh tiêu biểu như: - Mít tinh ở Nhà hát lớn - Chiếm Bắc Bộ Phủ - 2-9-1945 Ba Đình - Diễu hành của bộ đội giải phóng ở Tràng Tiền Trong kháng chiến chống Pháp: Cần có một số ảnh của Nguyễn Bá Khoản của bộ đội và tự vệ nội thành Hà Nội rất tiêu biểu như úp nồi đất bẫy xe tăng địch trên đường phố Hà Nội - Trận chiến Pháo Đài Láng. Nên có ảnh tự vệ ôm bom ba càng. Tự vệ dùng dao găm đánh giáp la cà ở chợ Đồng Xuân. Trong kháng chiến chống Mỹ: Nên có hình ảnh các đơn vị tên lửa Hà Nội bắn máy bay Mỹ. Pháo 100 của tự vệ nhà máy cơ khí Hà Nội. Tự vệ nhà in nhân dân trước Nhà hát lớn. Hà Nội trong hòa bình và bảo vệ Tổ quốc là một mục mở có thể còn tuyển chọn được nhiều hình ảnh đẹp về nhiều mặt hoạt động của nhân dân Thủ đô. Nhiếp ảnh Hà Nội trên những nẻo đường đất nước: Tác gải đã dành nhiều trang cho mục này làm cho cuốn sách có nhiều hình ảnh có giá trị nghệ thuật của các tác giả Hà Nội nhưng theo tôi không nên quá nhiều vì sẽ làm cuốn sách mất tính đặc trưng của Hà Nội. Trên đây là những ý kiến cá nhân của tôi đóng góp cho đề cương bản thảo “Nhiếp ảnh Hà Nội 1869 - 2009” nhằm góp phần cho cuốn sách được tốt hơn. Tôi tán thành nghiệm thu đề cương bản thảo “Nhiếp ảnh 1869 - 2009” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng cùng với những ý kiến đóng góp trên.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)