Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách lịch sử
Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội
Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09
Tác giả: PGS.TS. Phạm Xuân Hằng (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 524 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 0.00)
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

Nghiên cứu, tổng kết, đúc rút các bài học kinh nghiệm từ hoạt động đối ngoại suốt một ngàn của Thăng Long - Hà Nội là một nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách, trước hết là để tiếp tục phát huy giá trị ngàn năm văn hiến trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hôm nay. Đồng thời, việc làm sáng cái tài, đức, trí, tâm của cha ông trong ngàn năm giữ nước, dựng nước là một trọng trách và vinh dự, tự hào của thế hệ chúng ta hôm nay. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), Đề tài Bài học kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước Nghiên cứu, phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô đã được triển khai trong 3 năm (2005-2007), thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học nhằm cố gắng thực thi nhiệm vụ đó. Nhằm xã hội hóa kết quả nghiên cứu, trên cơ sở kết quả của đề tài, nhóm biên soạn tổ chức biên soạn lại để xuất bản thành sách với tiêu đề Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Hoạt động đối ngoại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng rất phong phú và sôi động, từ chủ thể (tổ chức chính trị, nhà nước, nhân dân), đối tượng (quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức văn hóa, cơ sở sản xuất kinh doanh...) đến các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục...), trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, với những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Khuôn khổ cuốn sách này không đủ sức đi sâu nghiên cứu tất cả những vấn đề trên, mà chỉ giới hạn tổng hợp những hoạt động đối ngoại tiêu biểu diễn ra trên đất Thăng Long - Hà Nội trong một ngàn năm qua, chứa đựng những ý nghĩa nhiều mặt để khái quát thành một số bài học kinh nghiệm hữu dụng đối với hoạt động đối ngoại thủ đô và đất nước thời mở cửa và hội nhập ngày nay.

          Cuốn sách có kết cấu 7 chương như sau:

Chương 1. Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Lý (1009-1225)

Chương 2. Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Trần (1226 - 1400)

Chương 3. Đông Đô - Đông Quan trong hoạt động đối ngoại thời kỳ kháng chiến chống Minh và thời Lê sơ (1426-1257)

Chương 4. Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Mạc và Lê - Trịnh (1527-1789)

Chương 5. Thăng Long - Hà Nội trong hoạt động đối ngoại thời Tây Sơn và thời Nguyễn (1789-1945)

Chương 6. Các hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội giai đoạn 1945-2006

Chương 7. Một số nhận xét về hoạt động đối ngoại qua ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nội

Chương 8. Bài học lịch sử và một số vấn đề đặt ra

Sách cùng chuyên mục

Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.
GS. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
292 trang

Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.
PGS.TS. Trịnh Sinh (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
ước 532 trang

Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội

 Hàng ngàn năm, đồng hành với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, Thăng Long - Hà Nội nhiều lần bị tàn phá bởi giặc ngoại xâm nhưng vẫn hiên ngang trụ vững “Thăng Long phi chiến địa”, “Giặc đến Bồ Đề giặc lại tan”. Thăng Long - Hà Nội với thế “rồng cuộn hổ ngồi” mảnh đất địa linh nhân kiệt, từ lâu đã được biết đến với truyền thống hào hùng, bất khuất của cha ông, càng yêu hơn mảnh đất kinh đô linh thiêng hào hoa. Đến nay mảnh đất này vẫn giữ một vai trò quan trọng là trung tâm kinh tế chính chị và văn hóa của đất nước là nơi hội tụ của bốn phương.

Phan Phương Thảo
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
1100
16x24

Lịch sử chính quyền Thành phố Hà Nội (1945 - 2005)

Cuốn sách trình bày một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề về chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến nay, bao gồm cả việc tổ chức bộ máy và hoạt động, đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố đặc thù của địa phương Hà Nội.
TS. Đoàn Minh Huấn, TS. Nguyễn Ngọc Hà (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
312 trang

Lịch sử Hà Nội cận đại (1883 - 1945)

“Lịch sử Hà Nội cận đại (1883 - 1945)” là một công trình nghiên cứu nằm trong khuôn khổ của dự án “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” giai đoạn II do Nhà Xuất bản Hà Nội tổ chức. Công trình này do GS.TS. Phạm Hồng Tung và PGS.TS. Trần Viết Nghĩa thực hiện.

Phạm Hồng Tung - Trần Viết Nghĩa
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
16x24
Ý kiến bạn đọc
GS.TS Đỗ Quang Hưng (25/08/2011)
1. Rõ ràng tính cách của tập sách được biên soạn theo lối biên niên, kết hợp với lối làm từ điển sự kiện và nhân vật lịch sử. Vì thế, trước hết nó phải có nguồn tư liệu (càng nhiều tư liệu gốc càng tốt). Đọc công trình này với trên 350 trang nội dung (khổ A4), chúng tôi nhận thấy nguồn tư liệu phong phú, có chọn lọc, đặc biệt là các tài liệu lưu trữ, văn kiện của Đảng và chính quyền Thành phố cũng như lượng công trình bằng tiếng nước ngoài rất phong phú. Trong điều kiện hiện nay cũng khó có thể đòi hỏi hơn về điều này. Cách cấu trúc nội dung tập sách hợp lý, chấp nhận được. Với sáu chương đầu dành cho việc mô tả “biên niên hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội”, từ thời Lý đến 2006. Sáu chương này tương ứng với sáu giai đoạn, phù hợp với phân kỳ lịch sử cổ trung đại và cận hiện đại của giới sử học nói chung. Trong mỗi chương, các tác giả kết cấu theo lối biên niên sự kiện chính và kết thúc bằng việc “lựa chọn” tên tuổi các nhà ngoại giao tiêu biểu của mỗi thời. Chúng tôi cũng tán thành hai chương sau (về đại thể) dành cho việc nêu nhận xét về hoạt động đối ngoại ngàn năm lịch sử, những bài học và các vấn đề đặt ra. Ưu điểm đầu tiên này, tuy là câu chuyện cơ sở và phương pháp biên soạn nhưng nó có ý nghĩa quyết định đế thành công của tập sách. 1. Về nội dung biên soạn - Các chương từ thời Lý đến trước Hà Nội thuộc địa chiếm tỷ lệ không nhỏ (184 trang). Với những sự kiện có chọn lọc, các tác giả đã phản ánh tốt hoạt động đối ngoại của nhà Lý - Trần với Chămpa, đế quốc Mông - Nguyên, nhà Minh, Thanh, v.v… Người đọc cũng thú vị vì tính hệ thống và dễ theo dõi của nó. Các nhân vật được lựa chọn cũng khá cẩn trọng, chắc chắn với bạn đọc đông đảo sẽ có thêm nhiều kiến thức về những con người cụ thể ấy (các nhà ngoại giao tiêu biểu). - Cũng phải nói rằng “từng sự kiện” cũng được chắt lọc, trình bày, bình luận thích hợp. - Các chương của giai đoạn 1945 - 2006 ở Hà Nội lại có những phức tạp khó khăn khác. Các tác giả đã khá thành công trong việc mô tả những hoạt động ngoại giao phong phú, sáng tạo của chính phủ Hồ Chí Minh với Pháp, Tưởng Giới Thạch, với Mỹ và với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ít nhất trước giai đoạn 1954) rất phong phú và sinh động. Các quan hệ ngoại giao trên đất Hà Nội từ năm 1954 - 1975, và đặc biệt từ sau năm 1975 đến 2006, với chồng chất những sự kiện quốc tế phong phú và phức tạp cũng đã được các tác giả xử lý căn bản và thỏa đáng. Chỉ lấy một ví dụ giai đoạn 1986 - 2006, các tác giả hướng tới các mối quan hệ với Bắc Kinh, các thành phố của Trung Quốc, với thủ đô các nước trong khu vực, thủ đô các nước Âu - Mỹ và với các tổ chức quốc tế khác, v.v… Cách lựa chọn này có những hợp lý và hiệu quả nhất định. - Việc lựa chọn các nhân vật ngoại giao càng gần với hôm nay càng khó, chẳng hạn trước khi Hà Nội thất thủ hoàn toàn việc chọn các nhà ngoại giao như các tác giả đã chọn chắc hẳn cũng còn nhiều tranh cãi (với bốn nhân vật Nguyễn Du, Ngô Thì Vị, Lý Văn Phức, Nguyễn Văn Siêu). Nhưng nhìn chung vẫn đạt những mục đích mà tập sách đã tự đặt ra. - Những nhận định, đánh giá của các tác giả về đặc điểm hoạt động đối ngoại và các bài học lịch sử nêu ra có nhiều ý kiến đáng chú ý và thú vị, đặc biệt là những hoạt động đối ngoại trước năm 1975, với những sự kiện đã được định vị rõ rệt. Dù thế nào các tác giả cũng làm rõ hơn vai trò, vị thế của Thăng Long - Hà Nội trong sự phát triển của nền ngoại giao Việt Nam từ xưa đến nay, một thành phố có vị trí đặc biệt không nơi nào có thể sánh được. 2. Về nghệ thuật trình bày Mặc dù công trình có rất nhiều người tham gia nhưng Ban Chủ nhiệm của đề tài cũng đã có những nỗ lực dễ thấy trong việc tìm tiếng nói chung, tương đối hài hòa trong cách trình bày, nghệ thuật thể hiện. Điều quan trọng là tính nghiêm túc trong dẫn liệu, trong xử lý các sự kiện cũng như bình luận, so sánh, đối chiếu, v.v… Không phải mọi chương, mọi tiết, mọi mảng, mọi sự kiện đã có sự thống nhất về tiêu chí trình bày (có hàng loạt sự kiện, một số chương, nặng về trưng dẫn các văn bản gốc; có những chương ngược lại lại coi trọng phân tích về nội dung…), nhưng nhìn chung tính thống nhất như chúng tôi đã nhận xét cơ bản vẫn đảm bảo. 3. Một vài đóng góp, trao đổi a. Dù bất kể thế nào, tên của đề tài này vẫn gợi cho người đọc cách nghĩ: hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội (nó có thể được hiểu là của chính quyền trung ương ở mảnh đất thủ đô). Nhưng trong thực tế, các chương, nhất là từ 1954 trở lại đây, thì các tác giả lại có vẻ thiên về những hoạt động đối ngoại của Hà Nội. Đây là một điểm cần hết sức lưu ý. Chúng tôi cũng khẳng định những ưu điểm về "nội dung” hoạt động này ở Hà Nội (từ năm 1975 đến 2006). Nhưng về mặt phương pháp luận lại chưa ổn nếu so với toàn bộ các chương trước đó (khi Thăng Long - Hà Nội được hiểu là “chính quyền trung ương”). a. Có thể và cần phải tu chỉnh một lần nữa việc lựa chọn các sự kiện đối ngoại, nhất là việc lựa chọn các nhân vật. Một số chương vẫn có cảm giác còn hơi tham các sự kiện chính trị xã hội và văn hóa, dù nó có liên quan đến đối ngoại. Thống nhất hơn nữa trong cách trình bày của các chương. Về lựa chọn nhân vật ngoại giao tiêu biểu. Chỉ xin nêu giai đoạn 1945 - 2006, một giai đoạn vô cùng phong phú và quan trọng với bảy nhân vật được chọn. Nhưng nếu ai đó nêu câu hỏi: Nhà ngoại giao nào của Việt Nam được coi là nhân vật tiêu biểu việc phá vỡ sự bao vây cấm vận của Mỹ và góp phần đưa Việt Nam thực sự hội nhập quốc tế như hôm nay, thì với những nhân vật nói trên chắc chắn là băn khoăn. 4. Kết luận Chúng tôi cho rằng, về cơ bản đây là một công trình tốt có thể nghiệm thu. Trước khi xuất bản, các tác giả tập sách có thể điều chỉnh, tu chỉnh, nâng cao thêm một số phần thì chắc hẳn tập sách sẽ có hiệu quả phục vụ tốt hơn.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giáp (25/08/2011)
1. Về cấu trúc, hình thức thể hiện, phương pháp tiếp cận nghiên cứu: Với hơn 300 trang nội dung, ngoài Lời nói đầu, Kết luận và các Phụ lục, cuốn sách được kết cấu thành 9 chương là hợp lý, có tính lôgic, vừa bao quát được diễn trình tổng thể hoạt động đối ngoại vừa có những điểm nhấn nổi bật đối với các sự kiện đối ngoại chính yếu và những nhà ngoại giao tiêu biểu trong mỗi thời kỳ của lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Văn phong trình bày trong sách rõ ràng, khúc chiết. Các sự kiện, số liệu và tài liệu được sử dụng, trích dẫn trong sách, về cơ bản, có sự chọn lọc kỹ càng, thận trọng, trong đó có nhiều tài liệu gốc với độ tin cậy cao. Các tác giả là những nhà nghiên cứu sử học có uy tín, nắm vững đối tượng nghiên cứu, từ đó có cách tiếp cận thích hợp, sử dụng phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp lịch sử kết hợp với lôgic trong phân tích, đánh giá, lý giải các sự kiện và vấn đề về hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội. 2. Về nội dung: - Trên cơ sở những sự kiện, tư liệu lịch sử được chọn lọc, cuốn sách đã tái hiện bức tranh tổng quát có tính hệ thống, xác thực về những diễn tiến chủ yếu của các hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội từ thời nhà Lý đến năm 2006. Qua đó cho thấy rõ không chỉ quá trình định hình nên cốt cách văn hóa đối ngoại Thăng Long - Hà Nội, mà cả vai trò và những đóng góp xứng đáng của Thăng Long - Hà Nội đối với sự hình thành phong cách, truyền thống ngoại giao của dân tộc trong trường sử cả ngàn năm dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước. Điểm nổi bật của cuốn sách là, từ góc nhìn địa văn hóa và địa lịch sử, các tác giả đã tập trung làm rõ vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong việc hội tụ, khởi phát những tư duy, quan điểm, tư tưởng chính trị đối ngoại, nghệ thuật ngoại giao, hình thành và triển khai thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. - Cuốn sách đã lựa chọn và giới thiệu một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của các nhà ngoại giao tiêu biểu trong lịch sử dân tộc - những con người mà tài năng, tâm huyết và sự cống hiến của họ trên lĩnh vực đối ngoại luôn gắn bó mật thiết với những chặng đường phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội gần trọn một ngàn năm qua. Đây thực sự là một trong những niềm tự hào lớn lao đối với các thế hệ người Hà Nội hôm nay, đồng thời rất cần thiết phải được ghi nhận như một nguồn nội lực nhân văn quan trọng của thủ đô cần khai thác triệt để và quảng bá sâu rộng trong thời kỳ hội nhập vì mục tiêu phát triển. - Chương 8 và chương 9 của cuốn sách là những phần có ý nghĩa khoa học và chính trị thực tiễn sâu sắc. Các tác giả đã đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính khách quan, xác đáng và khá toàn diện về hoạt động đối ngoại qua một ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nội, chỉ rõ tính sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc trong sự lựa chọn phương cách ứng xử ngoại giao của dân tộc. Phương cách đó ngày càng hoàn thiện, vươn tới tầm nghệ thuật xử lý các vấn đề bang giao với bên ngoài trước những bối cảnh và tình huống phức tạp đặt ra ở mỗi thời kỳ lịch sử, nhất là trong nền ngoại giao hiện đại - nền ngoại giao Hồ Chí Minh. Hệ thống các bài học lịch sử trong hoạt động đối ngoại ngàn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội, được các giả tổng kết trên bốn phương diện (mục tiêu tổng quát, nguyên tắc tổng quát, phương pháp tổng quát, các giải pháp cơ bản), có giá trị tham khảo hữu ích, thiết thực cả về lý luận cả về thực tiễn đối với công tác đối ngoại hiện nay của Thủ đô nói riêng và của nước ta nói chung. Phần “Một số vấn đề đặt ra” (tr.340-347) thể hiện sự tâm huyết rất đáng trân trọng của các tác giả - các nhà sử học - trong việc tìm giải pháp khả thi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động đối ngoại của thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, theo chúng tôi, đề xuất vấn đề về “quan tâm phát triển môi trường văn hóa đối ngoại” có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết phải được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong định hướng chiến lược phát triển hoạt động đối ngoại của thủ đô cũng như của đất nước đến năm 2020. 3. Một số điểm nên cân nhắc thêm: Bên cạnh những ưu điểm và đóng góp chính nêu trên, các tác giả cuốn sách có thể cân nhắc thêm hoặc chỉnh sửa một số điểm sau: - Các tài liệu được trích dẫn cần thống nhất cách trích (đánh số và chú dẫn ở cuối trang), chẳng hạn như tài liệu: Hậu Hán thư, Mã Viện truyện (tr.11), Bắc sứ thông lục, quyển 4 (300); thống nhất phiên âm tên nước ngoài hay giữ nguyên? Khi trích văn kiện Đảng cần giữ đúng nguyên trạng các chữ, thí dụ câu trích Văn kiện Đạ hội IX: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước...”, thì các chữ “là bạn, là đối tác tin cậy” không in nghiêng (tr.221)... Đồng thời, các tác giả cũng kiểm tra lại xem có phải Đại hội X đề ra chủ trương và chính sách, nhiệm vụ đối ngoại theo thứ tự ưu tiên: coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng? (tr.221) vì đây có lẽ là quan điểm của Đại hội IX. - Một số sự kiện nhiều người chưa biết, thì khi nêu ra nên có sự giải thích ngắn gọn, thí dụ như “vụ việc Đuypuy” (tr.177). Cân nhắc việc dùng cụm từ, khái niệm “Hoạt động đối ngoại thông thường” để phân biệt với “Hoạt động đối ngoại giải quyết xung đột” (tr. 102, 107). Xem lại cách diễn đạt trong câu: “Tuy nhiên xin sắc phong chỉ là một biện pháp, trong hoạt động ngoại giao tương quan lực lượng giữa hai bên cũng đóng vai trò quyết định trong từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử” (tr.259)... - Việc trình bày bối cảnh lịch sử diễn ra hoặc có liên quan đến các sự kiện, hoạt động đối ngoại, các nhân vật hoạt động đối ngoại là cần thiết, nhưng có lẽ cần viết cô đọng hơn. Khi đề cập các nhà ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ, ngoài việc giới thiệu thân thế, sự nghiệp nên tập trung làm rõ hơn những đóng góp về đối ngoại, nhất là những sáng tạo trong tư duy, chủ trương, quan điểm, cách xử trí các tình huống điển hình trong ngoại giao... - Phần viết về một số hạn chế của đối ngoại thủ đô (tr.276-278) còn chung chung, một số điểm hạn chế có thể coi là khó khăn đối ngoại. Có thể đưa phần này gộp vào phần “Hoạt động đối ngoại của Hà Nội với vị thế thủ đô” (mục 7 chương 8) cho gọn hơn. Cân nhắc bổ sung một bài học lịch sử về việc kế thừa, vận dụng, phát huy, phát triển sáng tạo truyền thống ngoại giao của dân tộc. 4. Đánh giá chung: Tuy có một số điểm nên cân nhắc thêm như đã nêu trên, song nhìn chung bản thảo cuốn sách “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội” là một công trình khoa học công phu, có chất lượng tốt, có giá trị tham khảo bổ ích cả về lý luận lẫn chính trị thực tiễn. Tôi cho rằng sau khi chỉnh sửa, chính xác hóa thêm vài điểm (trích dẫn văn kiện Đảng), Nhà xuất bản Hà Nội hoàn toàn có thể xuất bản cuốn sách này trong Tủ sách Ngàn năm Văn hiến chào mừng Thăng Long - Hà Nội tròn tuổi ngàn năm.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (25/08/2011)
1. Công trình đã có những ưu điểm nổi bật: - Công trình nhìn chung là nghiêm túc, cẩn thận, có nhiều cố gắng lớn, nhiều công phu trong việc sưu tầm và khai thác các tư liệu trong suốt nghìn năm lịch sử... - Nhờ một khối lượng tư liệu như thế, nội dung công trình phong phú với những phân tích, lý giải nhìn chung là hợp lý, có sức thuyết phục được dựa trên các cứ liệu tin cậy. Nhiều phần trong công trình viết hay, lôi cuốn người đọc với những thích thú say sưa. - Công trình thực sự như một chuyên khảo có hệ thống về hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội và các nhà ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử nước ta từ trước đến nay. Theo hiểu biết của tôi, có lẽ đây là lần đầu tiên có một công trình như thế (bởi trước đây những hoạt động đối ngoại ở Thăng Long - Hà Nội và các nhà ngoại giao nước ta chỉ là một phần trong các công trình chung hoặc chỉ dừng trong một giai đoạn lịch sử…). Như thế, công trình giúp người đọc có được những hiểu biết cơ bản, có hệ thống về hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội và các danh nhân - ngoại giao nước ta. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể các tác giả. 2. Tuy nhiên, công trình cũng bộc lộ dễ thấy những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục khi in thành sách phục vụ đông đảo người đọc. Ngoài việc đã ghi trực tiếp trong bản thảo, tôi xin nêu lên mấy nhận xét chính như sau. Trước hết về nội dung: - Nhìn chung công trình có thể viết gọn hơn, súc tích hơn, nhất là tránh trùng lặp các ý, nội dung (có thể do nhiều người viết). Đây là một hạn chế luôn bắt gặp trong nhiều phần của bản thảo, như các nội dung ở cuối tr.310 - đầu tr.311; hoặc Chính sách ngoại giao 4 điểm đối với Đông Nam Á của Chính phủ ta được nhắc lại ở nhiều trang (thực ra trong đó có những điểm ngày nay không nên nhắc lại); hoặc cụm từ cái chiêng và cái tiếng cũng nhắc lại hơi nhiều, dễ bị “nhàm”… Nhiều câu cần viết gọn hơn. - Một vài “lời bình” nên viết ngắn gọn, lưu ý nên để các sự kiện lịch sử tự nói lên ý nghĩa của chúng, tránh những kết luận mang tính áp đặt của người viết. Nên xem lại mục 8 (tr.276 - đầu tr.277), theo tôi chưa ổn lắm. Bởi nội dung phần này có nhiều chỗ không thật cần thiết đối với chủ đề của công trình, và có thể khái quát hơn; vả lại đây là một vấn đề phức tạp, nếu đề cập thì cần phân tích theo nhiều chiều, nhiều khía cạnh. Phần viết về Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch còn sơ sài, nhất là từ 1980 - 1991 khi ông đảm nhiệm cương vị ngoại trưởng Chính phủ ta. - Mục 4.5 (tr.338…) đã nêu lên những hạn chế của Hà Nội hiên nay như ách tắc giao thông, hoặc chưa thật xanh, sạch đẹp…, nhưng lại hầu như không đề cập tới vấn đề quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa chiến luợc lâu dài hàng trăm năm là vấn đề quy hoach Thủ đô Hà Nội. Đành rằng đây là vấn đề thời sự nóng bỏng, lại không ít “nhạy cảm”, nhưng công trình cần bày tỏ ngắn gọn quan điểm của mình, hoặc ít ra cũng nhìn lại quy hoạch Hà Nội trong vài chục năm gần đây. Thí dụ theo tôi, mạng lưới các trường đại học ở Hà Nội hầu như chẳng có quy hoạch gì cả, gần như giải quyết mang tính tình thế. Ngày nay nhìn lại có trường toạ lạc ở khu vực ô nhiễm nhất Hà Nội (ĐHKHXH&NV và ĐHKHTN), có trường lại gần nghĩa trang (ĐH Thương mại), có trường lại liền kề một bệnh viện lớn (ĐH Tài chính) v.v và v.v. Hoặc vừa qua, nhiều cơ quan chức năng đã “mờ mắt” tìm đất để xây dựng các khu ký túc cho sinh viên, thì trước đây ta đã có mà không biết giữ. Đó là khu Bách khoa. Từ trước 1945 người Pháp đã lập ở đây Đông Dương học xá dành riêng cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lúc đó, sau Cách mạng tháng Tám cũng như sau 1954 được gọi là Viêt Nam học xá (nhiều giáo sư nổi tiếng, trước đây đều là những sinh viên đã ở đó). Do sự quản lý yếu kém, nhất là tầm nhìn của nhiều cấp lãnh đạo, cuối cùng ngành giáo dục đã “mất trắng” khu này và ngày nay nơi đây đã biến thành một khu dân cư thật đông đúc với tên gọi phường Bách Khoa! Tôi viết như thế như một dịp để bày tỏ sự tiếc nuối của mình lẽ ra ta đã có từ lâu một khu sinh viên như kiểu khu Latinh ở Paris, còn cũng khó hy vọng ý kiến của mình được lắng nghe và thừa nhận… Về hình thức và hành văn diễn đạt - Trước hết, đánh máy sai khá nhiều, kể cả lỗi chính tả, thậm chí lỗi viết “ngọng” như lập lên tr. 40 (đã ghi trong bản thảo). - Một vài từ dùng chưa đúng như tương quan so sánh lực lượng (đã dùng tương quan thì thôi so sánh, tr. 310, 339). Không hiểu do đâu lại có một lỗi thật “lộn xộn” (kể cả đôi lần trên VTV) là tham quan viết thành thăm quan (tr.215, 218). Những lỗi kiểu này gần đây mới có (cũng như gia nhập lại viết là ra nhập!). Không thể chấp nhận sự lộn xộn như thế lại hiện diện trong một công trình khoa học của Thủ đô Hà Nội. - Cần thống nhất từ nước ngoài phiên âm hay để nguyên, không nên như ở tr. 251đã viết: nhà báo Ôxtrâylia Burchett. Theo tôi nói chung nên phiên âm, trong trường hợp cần thiết có thể chú thêm trong ngoặc nguyên văn từ đó, thí dụ: Phôngtennơblô (Fontainebleau). Khá nhiều từ tiếng Pháp, tiếng Anh viết sai. - Có lẽ do nhiều người viết nên “giọng điệu văn chương” dễ thấy sự khác nhau. Quả thật các trang như từ 270 đến 278 như được đọc “lịch sử Đảng” lại thêm không ít từ “hoành tráng”. Chương 9 nên viết gọn và sâu sắc hơn. Cuối cùng, công trình nhìn chung có chất lượng tốt, cần nhanh chóng xuất bản thành sách phục vụ đông đảo người đọc, sau khi được điều chỉnh một số nội dung và nhất là được biên tập cẩn thận.
PGS.TS. Phạm Quang Minh (25/08/2011)
1. Tính cấp thiết: Tháng 10 năm nay, cả nước Việt Nam sẽ long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong lịch sử phát triển của Thủ đô, chưa bao giờ có một sự kiện được chuẩn bị, tuyên truyền và giới thiệu một cách sâu rộng như vậy. Thăng Long - Hà Nội xứng đáng được hưởng niềm vinh quang đó. Viết về Thăng Long - Hà Nội đã có rất nhiều công trình, và chắc chắn sẽ còn có rất nhiều công trình khác nữa, nhưng một công trình về hoạt động đối ngoại của Thủ đô như công trình mà tôi được mời đọc và cho nhận xét vẫn chưa có nhiều và đó là việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa lớn. 2. Ưu điểm 2.1. Cuốn sách là công trình quy mô, cơ bản, hệ thống nhất từ trước đến nay về hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm xây dựng và phát triển kể cả từ thời kỳ tiền Thăng Long cho đến tận ngày nay. 2.2. Với độ dày 380 trang, cuốn sách được cấu trúc thành 9 chương khá hợp lý và logic, theo thời gian từ thời nhà Lý (1010) đến năm 2006, cụ thể như sau: Chương 1: Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Lý (1009-1225) Chương 2: Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Trần (1226-1400) Chương 3: Đông Đô - Đông Quan trong hoạt động đối ngoại thời kỳ kháng chiến chống Minh và thời Lê sơ. Chương 4: Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Mạc và Lê - Trịnh (1527-1789). Chương 5: Thăng Long - Hà Nội trong hoạt động đối ngoại thời Tây Sơn và thời Nguyễn (1789-1945). Chương 6: Các hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội giai đoạn (1946 -2006) Chương 7: Các nhà ngoại giao tiêu biểu giai đoạn 1945 - 2006 Chương 8; Một số nhận xét về hoạt động đối ngoại qua ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nội Chương 9: Bài học lịch sử và một số vấn đề đặt ra 2.3. Công trình có sự tham gia của một số lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành của đất nước trong khoa học lịch sử, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình yêu đối với đề tài. 2.4. Cuốn sách đã khai thác được một số lượng lớn, phong phú, đa dạng, tin cậy các tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu, bao gồm 184 đầu sách bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp; các tài liệu lưu trữ, các bài viết trên các tạp chí và internet. 2.5. Công trình có phần phụ lục khá thú vị và quan trọng như Bảng thống kê 207 sứ đoàn phong kiến Việt Nam từ năm 954 đến năm 1883; Bảng thống kê tổng cộng 84 sứ đoàn Trung Quốc đến Thăng Long từ năm 1010 đến năm 1841. 3. Một số góp ý: 3.1. Cần làm rõ đối tượng nghiên cứu vì tên cuốn sách là “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội”, được hiểu là các hoạt động đối ngoại được diễn ra trên đất Thăng Long - Hà Nội, nhưng chưa chắc đã phải của Thăng Long - Hà Nội. Hơn thế nữa, tên các chương từ 1 đến 5 lại là “Thăng Long trong hoạt động đối ngoại” của các triều đại phong kiến. Như vậy, cả tên sách và phần lớn tên các chương của sách đều không coi hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội là đối tượng nghiên cứu chính. Chỉ riêng chương thứ 6 mới có tên gọi sát với đối tượng “Các hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội giai đoạn 1945 - 2006". Tuy nhiên, ở đây lại có 02 câu hỏi là - tại sao lại là “tiêu biểu”, trong khi các chương trước đó các hoạt động đối ngoại lại không có tính từ “tiêu biểu”; - tại sao lại dừng lại ở năm 2006? 3.2. Cần thống nhất và/hoặc làm rõ một số khái niệm ví dụ như “Hoạt động đối ngoại”, “đối ngoại” (chương 1, 2, 6), “đấu tranh ngoại giao” (chương 3), “hoạt động ngoại giao” (chương 5), “quan hệ” (chương 6), trong chương 8 có tất cả các khái niệm “đấu tranh ngoại giao”, “hoạt động ngoại giao”, “ngoại giao hiện đại”, “hoạt động đối ngoại”, “đối ngoại”. Theo tôi, cần có sự giải thích và thống nhất ngay từ đầu. Nếu không sẽ không nhất quán và và dễ gây ra thắc mắc, ví dụ như trong mục 2 của chương 1: Hoạt động đối ngoại với nhà Tống có 2 mục nhỏ là 2.1. “Hoạt động đối ngoại chính thức và 2.2, “Hoạt động đối ngoại giải quyết xung đột”. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có 2 loại hoạt động đối ngoại này thôi? Nếu đã có “chính thức” thì phải có “không chính thức”, nếu đã có “hoạt động đối ngoại giải quyết xung đột”, thì cũng phải có “hoạt động đối ngoại gìn giữ/củng cố hoà bình”. 3.3. Cần nhất quán trong tên gọi, bố cục của từng chương: ví dụ tất cả các chương từ 1 - 6 đều có phạm vi thời gian xác định, nhưng riêng chương 3 “Đông Đô - Đông Quan trong hoạt động đối ngoại thời kỳ kháng chiến chống Minh và thời Lê sơ” lại không ghi thời gian từ năm nào đến năm nào? - Tất cả các chương từ 1 đến 5 đều có tên gọi theo môtip “Thăng Long trong hoạt động đối ngoại...”, nhưng riêng chương 6 thì có 2 vấn đề. Một là, tên chương được đặt theo môtip khác “Các hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội giai đoạn 1945 - 2006”. Hai là, có một tính từ “tiêu biểu”, tại sao lại chỉ là các hoạt động đối ngoại “tiêu biểu”??? - Tất cả các chương đều không có phần bối cảnh lịch sử thế giới và khu vực, tuy nhiên riêng chương 4 lại có phần này 3.4. Cần thống nhất danh mục tài liệu tham khảo ở cuối sách với các tài liệu được sử dụng trong công trình nghiên cứu. Nhiều tài liệu được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo (phần tiếng nước ngoài) nhưng không được sử dụng/xuất hiện trong công trình và ngược lại có tài liệu được sử dụng nhưng lại không xuất hiện trong danh mục tài liệu tham khảo. 3.5. Cần chỉnh sửa lại lời mở đầu cho chặt chẽ, logic hơn, theo trình tự: Ý nghĩa, mục đích, nội dung chính, một số điểm lưu ý.... 3.6. Cần rà soát lại các lỗi kỹ thuật, đánh máy, tên riêng… 4. Kết luận: Đây là công trình có ý nghĩa to lớn, thiết thực chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi. Đây là công trình đầu tiên về hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội, có tầm vóc, quy mô lớn, có sự đa dạng phong phú, có chất lượng khoa học tốt. Đề nghị cho nghiệm thu và thông qua.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)