Hai cụm từ đó chính là “Sĩ phu Bắc Hà” và “Kẻ sĩ Thăng Long”. Xung quanh hai khái niệm này đã có nhiều ý kiến khác nhau với những cách tiếp cận khác nhau. Để giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về những khái niệm này, tác giả Bằng Việt đã biên soạn cuốn sách Kẻ sĩ Thăng Long, sách thuộc mảng sách phổ thông Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành quý 1 năm 2017.
Kẻ sĩ Thăng Long là cuốn biên khảo đầu tiên về đề tài thú vị và rất đa diện này trong lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Với phương pháp diễn dịch và quy nạp kết hợp dẫn giải bằng lịch sử văn hóa, cùng một mạch văn tùy bút phóng túng có pha thêm giọng kể chuyện cùng điểm xuyết các dẫn chứng văn chương kim cổ, tác giả Bằng Việt cùng cộng sự đã cố gắng đề làm rõ các khái niệm và nỗ lực tìm cách khai thác từ nhiều khía cạnh những điều ẩn chứa trong toàn bộ nội hàm của khái niệm “Kẻ sĩ”. Qua ba phần của cuốn sách (Phần I: Khái niệm và điều kiện hình thành nền quốc học và “kẻ sĩ Thăng Long”; Phần II: Thế giới tinh thần và vị thế xã hội của Kẻ sĩ Thăng Long”; Phần III: Tính cách phẩm chất của “Kẻ sĩ Thăng Long”), độc giả sẽ phần nào hiểu được nội hàm của khái niệm Kẻ sĩ, những yếu tố chính trị - kinh tế - xã hội tác động đến sự hình thành tầng lớp “Kẻ sĩ” ở nước ta. Đồng thời hiểu được thế giới quan, nhân sinh quan cũng như tính cách và phẩm chất của Kẻ sĩ Thăng Long xưa.
Có thể nói, Kẻ sĩ Thăng Long là cuốn sách hay dù “hấp dẫn một cách gai góc” (TG). Đây chắc chắn sẽ là một cuốn sách thú vị đối với những độc giả quan tâm nghiên cứu đề tài này, đồng thời cho chúng ta những hiểu biết sâu hơn về một chiều cạnh của văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn xưa.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!