Dấu tích Lý - Trần tại Đoan Môn
Theo cuốn sách “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học”, các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị thời Lý - Trần, trong đó đáng chú ý là dấu tích “con đường” thời Trần. Dấu tích này xuất lộ theo hướng Bắc Nam và đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tuy nhiên, hai đường biên của “con đường” còn khá rõ, được cấu trúc thành các ô gần hình vuông hoặc hình chữ nhật, xây bằng gạch bìa và gạch ngói vụn.
Móng của “con đường” rất dày, được tạo bởi 12 lớp sỏi, gạch vụn, bao nung và đất sét lèn chặt có đặc trưng kỹ thuật thời Lý. Ở đây, có những ô trang trí “hoa chanh” cách điệu. Điều này cho thấy, đây là dấu tích kiến trúc được xây dựng công phu, cẩn thận. Lần đầu phát hiện, các ý kiến cho rằng, di tích này là ngự đạo thời Trần đi từ di tích Đoan Môn vào Chính điện, được xây dựng trên cơ sở tiếp nối móng ngự đạo thời Lý. Gần đây, theo các phát hiện mới ở số 18 Hoàng Diệu, có ý kiến xem đây là dấu tích móng của một bức tường bao lớn thời Trần. phía Nam của móng “hoa chanh” này xuất hiện một cấu trúc “hoa chanh” khác hình tròn có kích thước lớn cắt phá lên một phần di tích đường hoa chanh có niên đại thời Trần. Hình ảnh về dấu tích được ghi chi tiết trong cuốn sách trên do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên, NXB Hà Nội ấn hành trong dự án Tủ sách 1000 năm Thăng Long.
Thu Hương