Các tên gọi khác của sông Hồng
Thời sơ sử, sông Hồng có tên là sông Văn Lang. Vào thời nhà Hán, sông Hồng có tên là sông Diệp Du, rồi sông Mi Linh. Thời Lý Trần và thời thuộc Minh (đầu thế kỷ XV), sông Hồng được gọi là sông Lô. Thời kỳ cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn (khoảng trên 200 năm trước), sông Hồng được gọi là sông Bạch Hạc. Khúc sông từ Điệp Thôn (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đến Hải Bối (huyện Đông Anh) được gọi là sông Tráng Việt; từ Hải Bối trở đi gọi là sông Nhị (hoặc Nhị Hà). Ở phía thượng nguồn tính từ Việt Trì, người Thái gọi sông Hồng là Nậm Tao, đoạn sông này, tiếng Kinh là sông Thao (Nguyễn Chí Bền, 2008).
Trong thư tịch của Trung Quốc và Việt Nam, sông Hồng có các tên gọi khác nhau như sông Văn Lang, sông Mê Linh, sông Thao, sông Nhị/Nhĩ Hà, sông Phú Lương, sông Bạch Hạc, sông Tam Đới, sông Hồng Hà, sông Xích Đằng, sông Hoàng Giang, sông Tráng Việt, sông Lô hay Lô Giang, sông Kẻ Chợ,...
Ngoài những tên gọi được ghi chép trong sử liệu, sông Hồng còn có một tên gọi dân gian khá phổ biến là sông Cái. Trong thời kỳ Pháp thuộc, khi thấy con sông Cái này luôn “đỏ nặng phù sa” nên được người Pháp cùng gọi tên sông là “Le Fleuve Rouge” (sông có màu nước đỏ/hồng) và tên gọi sông Hồng hay Hồng Hà bắt đầu được sử dụng. Có thể nói, tên gọi sồng Hồng hay Hồng Hà được dùng phổ biến hiện nay đã chính thức xuất hiện vào thế kỷ XIX.
Dương Vũ