Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của dư luận quốc tế
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Do đó, kể từ khi Chiến dịch Điện Phủ kết thúc đến nay, dư luận quốc tế luôn dành những lời lẽ tốt đẹp đối với chiến thắng vĩ đại này của dân tộc Việt Nam.
Ngợi ca sức mạnh của nhân dân Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng truyền thống đoàn kết, yêu nước, đặc biệt là sức mạnh nội sinh, sức mạnh của cả dân tộc là nhân tố quyết định. Ngày 30-11-1961, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Hécto Rôđrighết Lompác trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam phát biểu: “Lịch sử của nhân dân Việt Nam, trải qua hơn 1000 năm đấu tranh quyết liệt chống sự bất công của những chế độ xã hội khác nhau, chống ách thống trị nước ngoài, đã rèn luyện nên tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nêu gương cho nhân dân các nước đấu tranh giành tự do và giành quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử”.
Mười năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả A.Phi líp pốp trong bài viết “Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam” trên báo Sự Thật (Liên Xô), ngày 8-5-1964, khẳng định: “Chữ Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam”. Còn những người cộng sản Indonesia coi “chiến thắng lịch sử vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ là một bài học chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng lực lượng của bọn đế quốc tuy có vẻ ghê gớm và hùng hổ nhưng thực ra lực lượng của nhân dân có thể hoàn toàn đánh bại và đập tan được chúng [1]...
Cho đến nay, thế giới vẫn đặt câu hỏi vì sao một đất nước tương đối nhỏ bé và lạc hậu về công nghệ lại có thể đánh thắng thực dân Pháp và tại sao Pháp lại thua. Ph.Leclerc, một Đại tướng giỏi của quân đội Pháp đã nói một cách cô đọng và rõ ràng bài học thất bại của Pháp rằng: “Người ta không thể nào dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam” [2].
Ngợi ca vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khi sang tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9-1960, đồng chí Đimitơrơ Đimốp, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Bulgaria phát biểu: “Nhân dân Bungari đã rất chú ý theo dõi với mối cảm tình sâu sắc cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam… Chúng tôi cũng rất chú ý theo dõi cuộc đấu tranh vũ trang 9 năm ròng của nhân dân Việt Nam kết thúc năm 1954, bằng chiến thắng thực dân Pháp trong trận chiến đấu oanh liệt Điện Biên Phủ”.
20 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm Cuba (1974), đồng chí Phiđen Caxtơrô chỉ rõ rằng: “Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường, vạch ra chiến lược, chiến thuật và đã không tính toán quá nhiều về những vũ khí mà nhân dân Việt Nam có trong tay. Năm 1946, lúc đế quốc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Người đã nói ai có súng thì dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy mà… kết thúc với chiến thắng hết sức quan trọng ở Điện Biên Phủ”.
Ngợi ca sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Góp phần trực tiếp làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là những đóng góp, hy sinh to lớn của một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” - Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đại tướng Kim Tsang Bông, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Triều Tiên sang thăm Việt Nam, tháng 12-1964, khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã biểu thị sức mạnh vĩ đại vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam được sự giáo dục của Đảng Lao động Việt Nam”.
Sống sót sau trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Trung tá Marcel Bigeard (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp) rút ra nguyên nhân thất bại của Pháp trước năng lực bậc thầy về tổ chức và xây dựng Quân đội cũng như tài cầm quân của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn” [3].
Marcel Bigeard tự vấn: “Liệu có ai có thể tin được rằng những người Bắc Kỳ nhỏ nhắn ấy, những con người của đồng ruộng, thanh đạm, tích cực lao động, được huấn luyện chút ít về chính trị và quân sự lại đã có thể biết cách hành động, có năng lực không chỉ ở cấp độ người chiến binh mà cả ở cấp độ bộ chỉ huy...” [4].
Với phía bên kia chiến tuyến
Nhà sử học phương Tây Giuyn Roa viết: “Điện Biên Phủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp” [5]; đồng thời, “đánh dấu chấm hết cho quyền cai trị không chỉ của riêng nước Pháp mà của cả châu Âu, châu Á” [6].
Năm 2004, học giả R.Phrăng, Trường Đại học Tổng hợp Păngtêông - Soócbon Pari 1, Pháp nhận định: “Âm vang về Điện Biên Phủ như là tiếng sấm trên bầu trời Pháp… Điện Biên Phủ quả thực được xem như là một sự thất bại và cũng là sự phá sản của nước Pháp” [7].
Còn đối với Mỹ, nhà nghiên cứu Berna Fall viết: "Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ [8]. Bởi trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp [9].
Tác động tới phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới
Âm vang Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động và ảnh hưởng to lớn, là niềm tự hào chung của cả nhân loại tiến bộ, tấm gương sáng cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước Á, Phi, Mỹ La tinh.
Báo Lao động Tân văn, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, số ra ngày 7-5-1961 ngợi ca: “Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng chung của tất cả các dân tộc bị áp bức, bị bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, giành độc lập và tự do”.
Hơn nữa, Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam vang dội đến tận Haiti giữa Đại Tây Dương. Bởi nhân dân Haiti coi “Tinh thần Điện Biên Phủ… là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới…” [10]. Những năm sau này, Tiến sĩ Seung-Kyun KO (Đại học Hawaii Pacific, Mỹ) khẳng định: “Trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam không chỉ là thắng lợi lịch sử trước chủ nghĩa thực dân mà còn hình thành niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập” [11].
***
70 đã năm trôi qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ còn vang vọng mãi trong lòng bè bạn thế giới. Sự ngợi ca của bè bạn thế giới về Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ khẳng định sự đồng tình ủng hộ của họ đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, mà vượt lên trên hết đó là sự ngưỡng mộ, khâm phục và tự hào về chiến công mà dân tộc Việt Nam giành được. Với ý nghĩa đó, việc phát huy bài học kinh nghiệm về tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm về trước vào thực tiễn hiện nay là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, để chúng ta lập nên nhiều Điện Biên Phủ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
-----------
[1] Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr334.
[2] Phillippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, Edition Gallimard Juliard, 1988, p.375.
[3] Marcel Bigeard, Lời thú nhận muộn mằn, Nhà Xuất bản Hà Nội, 2004, tr.78.
[4] Marcel Bigeard, Lời thú nhận muộn mằn, Nhà Xuất bản Hà Nội, 2004, tr.89.
[5] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2 năm 1994, tr.8.
[6] Tum bull, Patrick, Điện Biên Phủ, in trong History Today, Apr, 1979, Vol 29, Issua 4, p.239.
[7] Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 520.
[8] Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.1161.
[9] Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh.
[10] Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.354-355.
[11] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014 tr.385.
(Theo