Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Bạn đọc và NXB
Thứ sáu, 24/10/2014 10:53
Tìm hiểu lễ hội Hà Nội trong Tủ sách 1000 năm Thăng Long

Trong mỗi người sẽ là một ấn tượng rất riêng về Hà Nội ứng với cái tình của họ. Bởi vậy, để khái quát lại thì quả không dễ. Bởi Hà Nội trong tim người nhạc sĩ khác với Hà Nội của một kiến trúc sư, Hà Nội trong các bạn học trò hồn nhiên áo trắng khác Hà Nội “của” những bậc cao niên, …

 

Hà Nội của chúng ta thanh lịch, hào hoa, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” đã qua 1000 tuổi. Viết cho Hà Nội, viết về Hà Nội xưa nay đã rất nhiều với đa dạng thể tài chỉ với chung một mong muốn thể hiện cái ý tình với Hà Nội mà từ đó có thể nhân thêm trong nhiều người. Có lẽ từ điều “giản dị” đầu tiên như thế mà PGS.TS Lê Hồng Lý bắt tay thực hiện đề tài khoa học Tìm hiểu lễ hội Hà Nội và biên soạn thành sách nằm trong Tủ sách 1000 năm Thăng Long để một bước rút ngắn khoảng cách của một công trình khoa học với công chúng độc giả. Trước hết, đó là điều mà nhiều bạn đọc muốn cảm ơn, trong đó có tôi.

Một phần của Hà Nội cổ kính nằm ở các lễ hội dân gian truyền thống. Hay nói cách khác, lễ hội dân gian là tham chiếu cho những giá trị truyền thống của Hà Nội được bồi đắp hàng ngàn năm. Cuốn Tìm hiểu lễ hội Hà Nội là đề tài tuy không mới nhưng mang lại cách “nhìn nhận lễ hội ở Hà Nội một cách toàn diện hơn” điều mà trước đây, vì lý do và điều kiện của “mỗi người mà chưa có ai trọn vẹn tâm trí vào việc nghiên cứu một cách triệt để. Từ góc độ này hay góc độ khác, mỗi người đều có nói đến nhưng chưa được toàn diện”.

Bạn đọc được tiếp cận với hệ thống lễ hội ở Hà Nội từ quá khứ tới hiện tại, từ lễ hội truyền thống đến lễ hội hiện đại. Không thống kê ghi chép thực tế số lượng lễ hội ở các địa phương, phường xã Hà Nội (điều dễ thấy trong nhiều cuốn sách về lễ hội Hà Nội đã xuất bản trước), tác giả đặt các lễ hội trong bối cảnh tự nhiên và xã hội của Hà Nội; xem xét một số lễ hội cung đình khi mà Hà Nội là kinh đô của nhiều triều đại trong quá khứ; lựa chọn một số lễ hội dân gian và tìm hiểu sâu hơn; xem xét những lễ hội mới du nhập những năm gần đây; cách tiếp cận vấn đề theo cả thời gian và không gian qua lối tư duy của người làm khoa học đã đem lại cho bạn đọc cái nhìn bao quát hơn và cách hiểu cặn kẽ những yếu tố văn hóa gốc của lễ hội ở Hà Nội hay có thể giải mã được một số biểu tượng văn hóa từ lễ hội ở Hả Nội. Từ một phong tục, một tập quán, một lễ hội ban đầu chỉ là sự cứu cánh về mặt tâm linh cho những cư phường nghề tứ xứ xa quê tụ hội về kinh đô rồi biến thành sinh hoạt văn hóa của các ông hoàng, bà chúa để từ đó nâng cấp hơn, sang trọng hơn thành các lễ hội cung đình qua bao triều đại từ Thăng Long đến Đông Đô và tiếp tục kế thừa đến nay nhiều trong số đó đã mang tầm lễ hội quốc gia.

Đọc Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội bạn đọc sẽ nhận thấy những giá trị như vậy. Hơn thế, cuốn sách này còn là nguồn tư liệu bổ ích cho những công trình nghiên cứu tiếp sau về văn hóa Hà Nội hay lễ hội nói riêng.

Tiếp cận với văn hóa Hà Nội qua chiều cạnh lễ hội cũng chính là tìm một câu trả lời cho tình yêu với Hà Nội. Hà Nội 36 phố phường giờ đang từng ngày hội nhập và phát triển như bao thủ đô khác trên thế giới, đối mặt giữa hiện đại và xưa cũ. Những trầm tích văn hóa của đất kinh kỳ có trở thành vốn liếng quý giá phải giữ gìn trong xây dựng thủ đô mới hay không? Câu hỏi này không dành riêng cho người làm quản lý mà thiết nghĩ nên có ở mỗi chúng ta. Để bằng cách này hay cách khác (theo cách riêng của mỗi người) giữ gìn Hà Nội mãi là thủ đô ngàn năm văn hiến.


Trần Thọ
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)