Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Bạn đọc và NXB
Thứ bảy, 29/11/2014 11:21
Quốc Tử Giám và nền nho học thời nhà Trần (1226 -1400)

Tản bộ trên con phố Quốc Tử Giám trong cái se lạnh của tiết chuyển mùa, tôi chợt nhớ tới hai tập sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên, được Nhà xuất bản Hà Nội tặng trong Hội sách 2014, nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Cuốn sách đã thức cùng tôi ròng rã một tháng trước khi tôi được trò chuyện với Chủ biên và nhóm tác giả về nội dung của nó. Cuốn sách dành khá nhiều trang viết về Văn Miếu Quốc Tử Giám, một biểu tưởng của sự trường tồn, những tinh hoa văn hóa của nền giáo dục Việt với truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài.

 
Khuê Văn Các – Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội
 
Văn Miếu Quốc Tử Giám là công trình văn hóa mang tính cải cách được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thái Tổ với mục đích ban đầu làm nơi dạy học cho các thái tử trong cung, đầu tiên là thái tử Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông 1066-1128). Từ lớp học hoàng gia, dần dần Văn Miếu trở thành trường Quốc Tử Giám, trung tâm giáo dục và đào tạo tri thức, nơi tìm kiếm hiền tài của nước Đại Việt.
 
Triều Lý, tuy rất coi trọng Phật Giáo, tôn giáo này đã trở thành quốc giáo, chùa tháp được xây dựng khắp mọi nơi và nhân dân quá nửa làm sư. Song bên cạnh đó, các vua triều Lý vẫn trân trọng Đạo giáo và Nho giáo thể hiện trong tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”. Vì vậy mà Văn Miếu trước hết là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối thất thập nhị hiền những danh Nho nổi tiếng mà quan điểm của họ rất có lợi cho việc xác lập thiết chế chính trị và đào tạo quan lại cho triều đình quân chủ tập quyền.
 
Trở lại lịch sử, sau khi vua Trần Cảnh (Trần Thái Tông) nhận ngôi, với sự hậu thuẫn đắc lực của Thái sư Thông quốc hành quân vụ, Chính thảo sứ Trần Thủ Độ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước Đại Việt đầu thời Trần.
 
Song song với công việc chính trị và quân sự, triều nhà Trần tiếp tục những chính sách văn hóa, khoa cử. Năm 1232, vua Trần cho mở khoa thi Thái học sinh để lấy Tiến sĩ và từ đó quy định cứ 7 năm lại tổ chức một kỳ. Ngoài Quốc Tử Giám là nơi đào tạo con cháu hoàng tộc thì nhà Trần còn mở Quốc học viện để con em quan lại và tụng thần vào học. Nhiều thái tử được rèn cặp chu đáo, khi lên ngôi vua đã trở thành những vị minh quân như Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông), Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông), Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông), Trần Mạnh (vua Trần Minh Tông). Không ít con em quí tộc thành danh như Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, … và nhiều danh sĩ khác có công lao to lớn trong sự nghiệp phò vua kiến quốc như Mạc Đĩnh Chi (1280-1350), Chu Văn An (1292-1370), Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, … Đến đầu thế kỷ XIV, nhà Trần đã có được một thế hệ tinh hoa của Nho học tham gia các công việc triều chính cho phép kinh đô của đất nước vượt qua những thử thách lớn lao, bước vào xây dựng một Thăng Long thời Trần với hào khí Đông A rừng rực. “Đó là một Thăng Long oanh liệt võ công, rỡ ràng văn trị, một chương mới huy hoàng của kỷ nguyên văn minh Thăng Long – Đại Việt” (Phan Huy Lê).
 
Năm 1370, Đại học sĩ Chu Văn An mất, triều đình nhà Trần đã đưa bài vị của Chu Văn An vào phối thờ ở Văn Miếu. Ông được coi là “vạn thế sư biểu” “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được đương thời suy tôn, đời sau ngưỡng mộ… Tìm trong nhà Nho nước Việt ta từ trước đến nay chỉ có mình ông” (Phan Huy Chú, thế kỷ XIX). Tiếp theo đó là Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình cũng được đưa vào tòng tự ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử và các bậc tiền liệt. Đó là thể hiện dấu ấn Đại Việt hóa quan trọng của Nho giáo ở thời nhà Trần.
 
Truyền thống tôn vinh khoa cử và những người đỗ đạt cao trên văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu được khởi xướng từ thời Lý và tiếp tục duy trì hết triều nhà Trần. Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn là trung tâm đào tạo và bồi dưỡng “hiền tài” cho “nguyên khí quốc gia” theo quan điểm Nho giáo phù hợp với yêu cầu về tổ chức quản lý xã hội và bộ máy hành chính nhà nước quân chủ tập quyền. Những tư tưởng “Thiên mệnh, tam cương ngũ thường, trung hiếu, …” của Nho giáo không chỉ được xem là đạo sống trên đời mà còn là phép dùng người của vua Trần Thánh Tông “tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách”. Nho giáo ngày càng phát huy vị thế của mình, trở thành hệ tư tưởng chính trị của triều đình. Và với những điều kiện thuận lợi khách quan, Nho giáo đã dần tiến lên nắm giữ vị trí chủ đạo trong sinh hoạt tư tưởng của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII, XIV.
 
Hơn một ngàn năm Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay đã hơn một ngàn tuổi, đã chứng kiến bao sự đổi thay. Thời gian sẽ lu mờ nhiều thứ nhưng sẽ còn sáng mãi những trân giá trị, đặc biệt những giá trị được khởi sự từ tư tưởng trọng việc học hành, khoa bảng; coi trọng “hiền tài” vì đó là sự hưng thịnh của nguyên khí quốc gia.
 
 
Trần Thọ, Thu Phương

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)