Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Bạn đọc và NXB
Thứ sáu, 16/01/2015 10:14
Nhà xuất bản Hà Nội đã góp công xây dựng ngành Hà Nội học

Một phần tư thế kỷ, một thời gian không dài nhưng Nhà xuất bản Hà Nội quả đã làm nhiều việc trong lĩnh vực tạo dựng ngành Hà Nội học, dù rằng tới tận năm 2001, thuật ngữ này chỉ có trong ngôn từ dân dã.

 
Cho nên trước khi nói về sự đóng góp của Nhà xuất bản Hà Nội cần nói qua về thuật ngữ đó. Xin bắt đầu từ một đoạn trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do đồng chí Bí thư Thành uỷ ký ban hành ngày 30/5/2001. Đó là đoạn B.2: “Đưa môn Hà Nội học vào dạy ở các trường phổ thông và các trường đào tạo cán bộ của Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến”.
 
Như vậy là đến giữa năm 2001, thuật ngữ Hà Nội học đã được Thành phố công nhận với tư cách là một ngành học.
 
Số là từ những năm 70 của thế kỷ XX đã liên tiếp ra đời một số sách nghiên cứu về những mặt khác nhau của người và đất Thăng Long - Hà Nội. Riêng phòng Xuất bản của Sở Văn hoá ngày ấy - tiền thân của Nhà xuất bản Hà Nội đã in Người Hà Nội (Nhiều tác giả), Thăng Long - Đông Đô - Hà NộiPhố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội nghìn xưa của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán…
 
Cũng trong thời gian đó, trên báo chí, đặc biệt là trên báo Thủ đô Hà Nội rồi Hà Nội mới có mở mục Thủ đô ta giới thiệu các di tích lịch sử, cách mạng, kháng chiến và suốt thập kỷ 70 là những bài biên khảo về các đường phố Hà Nội.
 
Cho nên, trong giới bạn đọc đã hình thành một nhận thức là đã bắt đầu có một dòng chuyên khảo cứu về Hà Nội và thế là nói theo những thuật ngữ đã phổ biến về địa phương học như Trung Quốc học, Việt Nam học… mà ra đời thuật ngữ Hà Nội học. Ban đầu là tuyên truyền miệng rồi sau thành văn. Thuật ngữ này được sử dụng chính thức lần đầu tiên trong một tập sách do Nhà xuất bản Sự thật in năm 1984. Đây là một tập lịch sử Hà Nội do nhiều người biên soạn, mỗi người viết một chương. Trong Lời nói đầu của tập sách, khi giới thiệu tác giả một phần, chương, có ghi: “… do nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc biên soạn”.
 
Nhưng dẫu sao đấy vẫn là một từ ngữ dân dã, chưa được điển chế hoá, bạn bè với nhau gọi vui như thế thôi!
 
Tuy nhiên trong thực tế, nhất là từ sau năm 1975, báo chí tăng cường đăng tải những chuyên khảo về Thăng Long - Hà Nội; đặc biệt phòng Xuất bản của Sở Văn hoá được nâng thành Nhà xuất bản (song vẫn thuộc Sở Văn hoá) đã in nhiều sách về lịch sử - văn hoá Thăng Long - Hà Nội như Lăng Bác Hồ của Tô Hoài (1977), bản dịch Ký sự lên kinh (1977)… Đến năm 1979, Nhà xuất bản Hà Nội trực thuộc Thành phố chính thức ra đời thì số lượng sách về các loại đề tài Hà Nội nở rộ như hoa xuân. Không kể các mảng sách về những đề tài chính trị, văn nghệ… mà tôi hiểu biết, chỉ kể đề tài lịch sử, địa chí thì lượng sách của Nhà xuất bản Hà Nội khá phong phú. Đó là Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá in ngay năm Nhà xuất bản ra mắt (1979), rồi Hà Nội thời đại đồng và sắt sớm của Trịnh Cao Tưởng, Trịnh Sinh (1982); Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc (1983); Nơi đây Bác viết Tuyên ngôn độc lập của nhiều tác giả (1985); Hà Nội tự điển của nhóm Nguyễn Bắc (1985); Hà Nội kháng chiến chống thực dân Pháp của Quân khu Thủ đô (1986)… Những năm sau đó, đặc biệt là từ dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, bên cạnh các sách chính trị, văn nghệ, vừa tái bản vừa in sách mới, Nhà xuất bản Hà Nội cung cấp cho bạn đọc có tới vài ba chục đầu sách về lịch sử và địa chí Hà Nội như: Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, Hà Nội cũ, Lễ hội Thăng Long, Lịch sử thủ đô Hà Nội, Dấu tích kinh thành, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… và mới đây nhất là Danh nhân Hà Nội, 696 trang khổ 17x24 khá hoành tráng.
 
Vậy những tác phẩm đó đã giúp gì cho Hà Nội học? - Thực ra “Hà Nội học” là một loại địa phương học, nó phân tích và tổng hợp các vấn đề thuộc về đất và người Hà Nội, vừa lịch đại vừa đồng đại, trong đó lấy lịch sử văn hoá làm trục chủ thể trên nền tảng lịch sử - văn hoá dân tộc.
 
Các bộ sách lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội in ra trong suốt 25 năm qua, ít hay nhiều đã giúp người đọc hiểu biết cụ thể hơn những sắc thái của Hà Nội, giúp ích phần nào cho công cuộc xây dựng đô thành. Vì như Lênin đã nói: “Không xem xét đến tất cả những đặc điểm của mỗi địa phương sẽ rơi vào quan liêu, điều đó cản trở rất nhiều các cán bộ địa phương trong việc xác lập những nét đặc trưng tiêu biểu của vùng, mà những đặc trưng đó là cơ sở của mọi công việc đúng đắn”.
 
Như vậy là có nghiên cứu kỹ về địa phương thì mới tránh được quan liêu trong quản lý lãnh thổ. Nếu ngành Hà Nội học phát triển sẽ giúp “chiết xuất” tinh hoa của văn hiến Thăng Long - Hà Nội, biết cái gì hay, cái gì dở trong truyền thống xây dựng và bảo vệ kinh đô, thủ đô, biết mặt mạnh mặt yếu, biết tiềm năng và dự báo thì tất là có những đóng góp thiết thực, có ý nghĩa lớn đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô, công cuộc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn thành phố ngàn tuổi.
 
Hy vọng Nhà xuất bản Hà Nội sẽ đề xuất với Thành uỷ cho điển chế hoá, chương trình hoá ngành Hà Nội học để ngành này có được tính mục đích và đối tượng cụ thể, có thể tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống mọi mặt của đời sống đô thị đặng có được những bộ sách tốt hơn nữa, có ích hơn nữa. Xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Hà Nội!

* Bài đã in trong cuốn 25 năm Nhà xuất bản Hà Nội (1979 - 2004) . Nhà xuất bản Hà Nội, 2004.
* Nhà giáo lão thành, nhà nghiên cứu lịch sử. Nguyên Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội.
 
 
Nguyễn Vinh Phúc*
 
Nhà xuất bản Hà Nội
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)