Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Bạn đọc và NXB
Thứ sáu, 16/01/2015 10:24
Cảm nghĩ của một nhà giáo 80 tuổi*

Tôi không phải là một nhà văn mà chỉ là người đã làm quen với bảng đen phấn trắng khi tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ từ năm 1944. Sau khi tham dự khoá huấn luyện giáo viên Bình dân học vụ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khoá có vinh dự mang tên khoá Hồ Chí Minh, mở cuối năm 1945 tại Hà Nội, tôi gia nhập ngành giáo dục với tất cả sự say mê, nhiệt tình của tuổi trẻ, trong khi vẫn tiếp tục nâng cao trình độ, kiến thức bằng mọi điều kiện, phương tiện, thời gian. Thế rồi, khi Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Văn Chuyên dạy cùng mái trường đã tâm đắc với tôi là cần phải viết thêm sách nữa để nâng tầm kiến thức của thanh niên, sinh viên và đáp ứng nhu cầu của độc giả. Thế là, cuốn sách đầu tay Ngữ pháp tiếng Pháp (1950) được đón nhận nhiệt tình, làm đà cho cuốn thứ hai: Tiếng Việt cho người nước ngoài (1952) và cuốn thứ ba Tiếng Bồ Đào Nha cơ bản và đơn giản (1958)… Cứ thế như con ong cần cù, tôi vừa dạy học vừa viết sách, đến nay đã được trên dưới 50 cuốn.


Thành quả đó có sự động viên của độc giả, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bầu bạn và của các nhà xuất bản. Tôi đã cộng tác với khá nhiều nhà xuất bản, nhưng đặc biệt Nhà xuất bản Hà Nội để lại cho tôi khá nhiều kỷ niệm đẹp đẽ. Còn nhớ, khi mới bắt đầu liên lạc với Nhà xuất bản Hà Nội, được sự động viên của Giám đốc Nguyễn Khắc Oánh, nhà văn Vũ Đức Nguyên (Trưởng phòng Biên tập), đồng chí Phạm Quốc Tuấn và nhiều cán bộ chuyên viên khác nên các cuốn: Phương pháp tự học ngoại ngữ nhanh và hiệu quả tái bản lần 2 (quý II-2002), tái bản lần 3 (quý II-2003); Bí quyết 9 bước để thành đạt trong kỷ nguyên mới, tái bản lần 2 (quý III-2002) đã kịp ra mắt bạn đọc cùng với cuốn: Học tập và lao động, bí quyết của mọi thành công (quý II-2003)…

Nhưng đáng nhớ nhất là khi ấn hành cuốn: Tục ngữ so sánh Việt - Anh - Pháp - quốc tế ngữ Esperanto thật là vất vả. Chẳng phải vì 4 thứ tiếng khác nhau của 838 câu tục ngữ Việt so với gần 3.000 câu tục ngữ Anh - Pháp - Esperanto, đánh máy sợ sai sót về chính tả, mà chính vì sự cẩn thận, chính xác, cầu toàn cao độ của Nhà xuất bản. Công trình tâm huyết này là của một giáo sư - nhà giáo nhân dân, một tiến sĩ ngữ văn, một nhà sư phạm lão thành; chúng tôi tích luỹ trên 10 năm có lẻ, sao nỡ để sai sót về nội dung, hình thức, nên phải sửa bông lại mất mấy tháng trời. Còn bìa, chịu tốn kém, Nhà xuất bản đã chọn hoạ sĩ chuyên nghiệp trong miền Nam trình bày. Gửi ra ngoài Bắc hai ba lần chưa đạt yêu cầu, thế là bỏ đi, trình bày lại đến năm, sáu lần. Tốn công, tốn của, mất thêm khá nhiều thời gian. Chưa hết! Lần cuối, bìa đạt yêu cầu về nội dung và hình thức, nhưng khi xem lại phim lần chót, tôi phát hiện ra có một chữ trên bìa viết sai chính tả. Đáng lý là chữ “Esperanto” có một chữ “r” nhưng bìa lại ghi là 2 chữ “r”. Hú vía! Thế là lại phải gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh để sửa lại. Thế là lại chậm thêm nửa tháng nữa. Nhưng cũng đáng công, vì sau khi sách gửi ra nước ngoài lại được giáo sư ở Nhật, tiến sĩ ở Úc và báo Pháp ca ngợi, giới thiệu nhiều lần, chưa kể các giáo sư, tiến sĩ và báo chí trong nước đánh giá cao. Đấy, ý thức tôn trọng độc giả của Nhà xuất bản Hà Nội cao như thế đấy! Chả bù cho những cuốn chúng tôi giao cho đầu nậu, họ in thật nhanh cho kịp thời vụ, bìa thì đẹp nhưng lỗi in quá nhiều, vì họ chạy theo lợi nhuận. Cạch đến già. Mà cũng đã già trên 70 tuổi rồi, chứ còn trẻ trung gì?

Thế nên, sau này khi biên soạn các sách về tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia, sửa đi sửa lại cách trình bày và phông cỡ chữ cho thích hợp đến hàng chục lần, nhất là cuốn: Từ điển Tây Ban Nha - Việt (bốn vạn từ) thì quả thật rất mất công sức, mất trên một năm để sửa bông, lâu đấy nhưng yên tâm về cung cách làm ăn thận trọng và đầy trách nhiệm của Nhà xuất bản. Còn về cung cách đối xử thì bình đẳng, thân tình, thẳng thắn, thận trọng, khi sửa đổi gì đều trao đổi nhất quán với tác giả, khi sách đáng in mới đưa vào xuất bản, không in ấn ồ ạt để đạt mục đích kinh tế. Cũng chẳng cảm tình nể nang, chẳng hề in những cuốn chạy theo thị hiếu tầm thường: tiền, tình, tù, tội, giật gân, truỵ lạc, khóc than, lãng mạn. Về tài chính phân minh, sòng phẳng, không có hiện tượng mè nheo, eo xèo. Các tác giả mà tôi quen biết đã từng cộng tác ở đây cũng đều có ý kiến tương tự.

Trên đây là cảm nghĩ của một người cao tuổi đã cộng tác với Nhà xuất bản Hà Nội. Càng già, lòng mong mỏi cống hiến hết mình lại càng cháy bỏng, nên chúng tôi thiết nghĩ hãy chọn mặt mà gửi đứa con tinh thần của mình. Chính nơi đây, đã dần khẳng định được tín nhiệm của độc giả cả nước, sẽ khiến cho sản phẩm tinh thần của mình được toả ra bốn phương, góp phần nhỏ bé vào việc quảng bá kiến thức và phát triển văn hoá đọc ngày càng cao của Tổ quốc Việt Nam mến yêu.

* Bài đã in trong cuốn 25 năm Nhà xuất bản Hà Nội (1979 - 2004). Nhà xuất bản Hà Nội, 2004.
* Nhà giáo lão thành - nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Bảo trợ và phát triển ngoại ngữ và tin học Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ và tin học 19-5.



Phạm Văn Vĩnh**

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)