Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hoá của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hoá và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Những giá trị nổi bật toàn cầu đó không chỉ thể hiện ở các di tích di vật hiện hữu được phát lộ mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hoá phi vật thể và những giá trị tinh thần vô giá, được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trên hành trình khám phá và nhận thức, mở rộng các nguồn sử liệu là yêu cầu có tính cơ sở và càng ngày càng đạt nhiều thành tựu đáng mừng. Trong các nguồn sử liệu chữ viết, từ các bộ sử, địa chí cổ đã được mở rộng phạm vi khai thác sang các nguồn lưu trữ, các văn bia, địa bạ, gia phả, các tư liệu người nước ngoài viết về Hà Nội. Các di tích trên mặt đất cũng được điều tra khảo sát, những nhát cuốc của các nhà khảo cổ học đã làm phát lộ một quần thể di tích vô cùng phong phú và đa dạng từ thời Tiền Thăng Long với di tích thành Đại La thế kỷ VII-IX, di tích thời Đinh - Tiền Lê thế kỷ X cho đến toàn bộ thời Thăng Long thế kỷ XI đến cuối XVIII và cả thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Các tầng văn hoá chồng xếp, đan xen nhau với các di tích kiến trúc, các giếng nước, cống thoát nước, tường bao các cung điện và một khối lượng di vật khổng lồ gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, vật dụng cung đình, vũ khí, tiền đồng và cả dấu tích cảnh quan như “ngự hà”, hồ nước qua các thời kỳ lịch sử. Khu di tích và các tầng văn hoá mở ra trước mặt mọi người như một bộ sử bằng di tích, di vật rất cụ thể, đa dạng, giàu tính biểu đạt của một vùng trung tâm của Cấm thành Thăng Long trong suốt quá trình lịch sử tồn tại.
Khu di tích có một diện tích rất khiêm nhường chỉ có 18,395 ha nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá rất lớn lao. Về mặt nghiên cứu, khu di tích là một không gian hội tụ đầy đủ nhất ba cơ sở sử liệu về nhận thức Thăng Long – Hà Nội: tư liệu thư tịch, di tích trên mặt đất và di tích khảo cổ học trong lòng đất. Từ những giá trị trên, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007, Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009 và năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Trở thành di sản văn hoá thế giới, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là niềm tự hào của nhân dân thủ đô Hà Nội và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hoá, truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị cho di sản. Tài sản vô giá của cha ông để lại sẽ được bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời con cháu mai sau.
Để tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội biên soạn, xuất bản cuốn sách “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, di sản văn hoá thế giới”. Cuốn sách được biên soạn trên Hồ sơ khoa học đề cử di sản văn hoá thế giới, đệ trình Uỷ ban di sản thế giới năm 2009 nhưng được viết gọn lược hơn và bổ sung thêm một số phát hiện gần đây. Cuốn sách thực sự là cuốn tư liệu hữu ích với những hình ảnh và di vật giá trị sẽ góp phần quảng bá giá trị khu di sản và đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của khách du lịch, bạn đọc trong nước và quốc tế.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách!