Năm 2010, nhận giải C của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tập truyện ngắn Khu vườn yên tĩnh, mới đây lại được nhận giải thưởng Fanxifan - Giải thưởng 5 năm của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, chủ nhân của những giải thưởng đó và nhiều giải thưởng khác nữa là nhà văn trẻ Tống Ngọc Hân. Chị sinh ở Phú Thọ, lập nghiệp ở Sa Pa – Lào Cai, viết văn, làm thơ đã nhiều năm nay, với một giọng điệu rất riêng, Ngọc Hân gây được ấn tượng khá đậm nét trong lòng bạn đọc bởi những câu chuyện, số phận nhân vật đậm chất phong hóa vùng Tây Bắc. Là một cây bút già dặn, sắc sảo, có giọng văn linh hoạt, cách khai thác tình huống độc đáo và triển khai các chi tiết đặc sắc, tập truyện Đêm không bóng tối của chị do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành sẽ mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm qua mỗi cảnh ngộ của mỗi nhân vật.
Tập truyện gồm 18 truyện nhưng mỗi câu chuyện lại là một cảnh đời vừa mang âu lo, chua xót, vừa đầy những niềm vui và sự tin tưởng. Đêm không bóng tối được chia làm hai mạch chủ đạo:
Mạch truyện viết về những con người của xã hội đương đại. Đó là chuyện về một cô con dâu út sống với mẹ chồng không chỉ bằng trách nhiệm mà hơn cả là tình yêu thương và sự hy sinh dù phải đánh đổi hạnh phúc của bản thân, chút riêng tư và mong mỏi đời thường (Đêm không bóng tối). Đó còn là những câu chuyện viết về cuộc sống đầy tình nghĩa của những người chốn thôn quê đối lập với vị giáo sư không nghe, không nhìn, không biết (Tam không), hay những câu chuyện đậm chất nhân văn về kiếp người nổi trôi, thân phận bọt bèo, về sự tha hóa của con người khi bị vật chất làm chủ (Tôi là ai?, Hoa bìm bìm trong mưa, Đầm Phượng, Cờ người).
Thế mạnh của ngòi bút Tống Ngọc Hân thể hiện rõ trong mạch truyện viết phong tục, lối sống của những con người vùng cao Tây Bắc: đám cưới của người Dao, cuộc sống của người Mông, phiên chợ Sa Pa... Qua đó tác giả vừa dành cái nhìn xót thương cho thân phận người bị sự ràng buộc của lệ tục, đói nghèo, cảm thương cho kiếp vật mà nghĩa tình nặng sâu, vừa lên án sự lạnh lùng của con người trước nỗi đau của đồng loại (Chiếc lồng son, Cặp tuấn mã, Nước mắt đêm vượt can, Con rể...).
Với những gì trải nghiệm và thể hiện sâu sắc, đậm nét, ấn tượng đọng lại sau khi đọc tập truyện Đêm không bóng tối quả thực như những gì nhà văn Nguyên An đã viết: “... Truyện của Tống Ngọc Hân đầy ứ, đầy tràn những nỗi đời. Đôi khi ta như không rõ những chuyện trong truyện ngắn của chị là ở thời nào nữa... Mà cái thời nào đấy cũng chỉ thấy thoáng hiện qua thôi, hình như là mấy năm hợp tác xã, đâu như hồi còn chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, chả như là dạo mới kinh tế thị trường... Nhưng nỗi đời thì sâu đằm và da diết quá, buồn thương tiếc nuối rồi bâng khuâng ngẩn ngơ nữa. Cả một vùng đất với nhiều số phận đã được khai mở dẫn trong truyện ngắn Tống Ngọc Hân, mang mang mà mồn một rõ.” (Bạn đã đọc Tống Ngọc Hân rồi chứ? – bài viết thay lời giới thiệu trong tập truyện ngắn Đêm không bóng tối).
Nhà xuất bản Hà Nội