Trăng quê - cuốn tiểu thuyết xoay quanh các nhân vật của đội dân quân du kích làng Hạ với bối cảnh và không gian ở một làng quê vùng trung du Bắc Bộ trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Không gian không rộng, thời gian không dài nhưng những ngày đội quân du kích hoạt động là những ngày đầy cảm xúc gắn với bao kỷ niệm của lớp trẻ thanh niên làng Hạ. Ở đó có những chàng trai mới lớn chưa một lần cầm tay con gái nhưng lòng vẫn háo hức tòng quân vào chiến trận. Những người ở lại là những cô gái, những người bị khuyết tật nhưng tất cả họ đều vững tay cày, tay súng chiến đấu với một tinh thần ngoan cường nhất.
Bằng ngòi bút sắc sảo, đậm chất từng trải, tác giả đã phác hoạ, tái hiện như những thước phim sống động về đội dân quân du kích làng Hạ. Đội dân quân du kích phần lớn là nữ, họ sống và chiến đấu gắn với làng Hạ quê hương, mỗi nhân vật là một số phận, mỗi hình ảnh là một sự phác hoạ tiêu biểu cho thời chiến, cùng con người và cảnh vật nơi thôn quê.
Không có nhân vật chính, nhân vật trung tâm mà tác giả đã khơi gợi số phận của toàn bộ những người trong đội dân du kích làng Hạ cùng trận địa Đồi Ma. Như chị Nhân, một cô gái thôn quê, hiền lành nhút nhát, ít va chạm đã nhẹ dạ cả tin trao tình yêu trong trắng đầu đời cho Dương Thụy – một trí thức, cán bộ bảo tàng theo đoàn di cư chuyển hiện vật lịch sử về làng Hạ lưu trữ. Chị đâu ngờ anh ta là kẻ nhát gan, hèn hạ trong chiến đấu, một kẻ đã lợi dụng sự ngây thơ cả tin của chị để lừa dối, phản bội tình yêu. Trong lúc bom rơi đạn nổ hắn đã bỏ lại chị cùng nỗi đau buồn bị sẩy thai do ảnh hưởng từ sức ép của bom đánh vào trận địa Đồi Ma. Đau khổ và xấu hổ chuyện cái thai vô thừa nhận bị sẩy, chị đã rời xa quê hương xin vào chiến trận. Khi trở về quê hương chị gây dựng gia đình với một người lính, những tưởng sẽ có một gia đình hạnh phúc nhưng ngờ đâu bất hạnh lại ập xuống đứa con của chị sinh ra không lành lặn mà như một quái thai khiến chị và đứa bé bị nhà chồng đay nghiến, hắt hủi. Không chịu đựng được cảnh sống tủi hờn, chị đã sống riêng cùng đứa con tật nguyền, lấy niềm vui từ ký ức một thời son trẻ với đội quân du kích làng Hạ. Nhưng hình ảnh có sức ám ảnh nhất đối với mỗi người đọc có lẽ đó là câu chuyện, sự hy sinh của nữ trung đội trưởng dân quân tên Tình. Chị có một mối tình đẹp và chuẩn bị đám cưới với người lính pháo cao xạ. Ở vào lúc chiến tranh với bao nhiêu lo âu, mất mát hằng ngày thì chuyện đám cưới của họ đã thổi bùng niềm vui, hạnh phúc trong mỗi người dân quân làng Hạ. Chuẩn bị cho một đám cưới thời chiến dẫu giản đơn, nhưng tất cả họ đã dành toàn bộ tâm trí, niềm háo hức để trang trí hội trường trang trọng, ấm áp với các hình cắt giấy đôi trai gái đứng bên gốc cọ, hình chim bồ câu ngậm trái tim bay lên, hình hoa, hình lá dán xung quanh tường rồi thì hình đôi chim bồ câu ngậm một trái tim có hai chữ cái tên của cô dâu chú rể được lồng vào nhau dán trên phông chính.
Mọi công đoạn chuẩn bị đám cưới đã hoàn tất, không chỉ đôi uyên ương vui mừng, háo hức mong chờ buổi lễ cưới mà tất cả mọi người ai cũng mong trời tối nhanh để được đến dự lễ cưới của người chỉ huy mà họ yêu mến.
Thật không ngờ, trưa hôm ấy máy bay Mỹ bắn phá, người nữ trung đội trưởng đã gạt bỏ niềm vui riêng lao vào chỉ huy trận địa. Thật không may một quả tên lửa đã phóng trúng đỉnh Đồi Ma cùng loạt bom trút xuống, cả trận địa của đội dân quân chìm trong khói lửa. Tiếng bom đạn vừa rứt thì trận địa trở thành đống đất đá ngổn ngang, hoang tàn, có người bị thương, người chết trên đường đưa tới trạm cấp cứu, sự rùng rợn đáng sợ của chiến tranh là hình ảnh hy sinh của nữ trung đội trưởng với người đẫm máu, chân trái và cánh tay phải cầm cờ chỉ huy bị mảnh bom phạt đứt văng đi đâu mất.
Họ đã khâm liệm chị với thân thể không nguyên vẹn rồi đưa chị về hội trường của làng đặt chị nằm ngay dưới tấm phông cưới của mình, dưới hai chữ “hạnh phúc” và câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Mọi người và cả chị Tình không ai ngờ rằng lẽ ra tối hôm ấy sẽ là đám cưới, nhưng lại là lễ truy điệu của chị. Mâm cơm bố mẹ chị làm để kính cáo tổ tiên ông bà báo hỷ lại trở thành mâm cơm cúng cho chị.
Khép lại cuốn tiểu thuyết là một hình ảnh đẹp: Nam, một nam thanh niên mới lớn sau những năm tháng chiến đấu trong đội dân quân du kích làng Hạ đã vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Hòa bình quay trở về quê hương gặp lại Liên vốn thông minh, sắc sảo, tinh nghịch cùng chiến đấu với Nam trong đội quân du kích, khi anh quay lại thì Liên bị mất một cách tay, có cô con gái 4 tuổi. Nam không ngờ, không biết bé gái 4 tuổi ấy chính là kết quả của một đêm mà Liên đã cố tình tặng Nam trước ngày vào chiến trận với nghĩ suy sợ Nam chẳng may hy sinh mà vẫn không biết mùi đàn bà.
Đọc Trăng quê không giản đơn chỉ để nhớ và nghĩ suy về một thời đã qua của tác giả mà ở đó đã phác họa nhiều hình ảnh đẹp, trong chiến sự ác liệt là tình yêu, khát khao của tuổi trẻ cùng những giá trị nhân văn cao cả.