Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại

Hà Nội là địa phương có truyền thuyết về tổ quê ca trù (truyền thuyết ca trù Lỗ Khê) và là nơi có ca trù phát triển lâu đời nhất. Nếu căn cứ vào văn bản còn được lưu truyền hiện nay thì có thể khẳng định rằng Hà Nội có lịch sử ca trù dài nhất, có thời điểm ca trù Hà Nội thịnh hành nhất Việt Nam.

Tác giả: TS. Nguyễn Đức Mậu
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 728 trang
Kích thước: 16x24cm
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 5.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

- Hà Nội là địa phương có truyền thuyết về tổ quê ca trù (truyền thuyết ca trù Lỗ Khê) và là nơi có ca trù phát triển lâu đời nhất. Nếu căn cứ vào văn bản còn được lưu truyền hiện nay thì có thể khẳng định rằng Hà Nội có lịch sử ca trù dài nhất, có thời điểm ca trù Hà Nội thịnh hành nhất Việt Nam. Trên cơ sở các tư liệu có thể xác lập một cách rõ ràng, không cần phải biện luận, cũng đủ để khẳng định Hà Nội có vai trò và vị trí rất lớn trong lịch sử ca trù và vì vậy ca trù cũng từng có đóng góp không nhỏ trong đời sống và tâm thức người Hà Nội. Nghiên cứu ca trù Hà Nội qua truyền thuyết, xác định thời gian, thời điểm hình thành và quá trình phát triển ca trù Hà Nội là mục đích quan trọng không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước đối với bộ môn vừa là văn học, vừa là nghệ thuật này.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đó được thể hiện trong công trình Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại, độc giả có điều kiện hiểu biết thêm về một phương diện trong đời sống tinh thần của Hà Nội và vai trò của Hà Nội đối với ca trù.

- Đến nay chưa có một công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu sưu tầm và biên soạn ca trù Hà Nội một cách hệ thống. Đề tài này sẽ nghiên cứu ca trù Hà Nội theo tiến trình lịch sử; sưu tầm biên soạn các bài ca trù và các văn bản nói về sinh hoạt ca trù ở Việt Nam. Qua đó, chứng minh vai trò quan trọng của Hà Nội đối với ca trù.

- Tác phẩm sẽ cung cấp một khối lượng tư liệu phong phú góp phần bảo tồn, lưu giữ loại hình văn hoá phi vật thể này. Tác giả cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ, âm nhạc trong ca trù, nhất là tính lan toả, chi phối của ca trù Thăng Long - Hà Nội với tư cách là quốc đô Việt Nam.

Sách cùng chuyên mục

Hà Nội với những tấm lòng gần xa

Đây là tuyển tập các bài thơ văn, bút ký, tản văn và một số ký hoạ, tranh, ảnh nghệ thuật của người nước ngoài nhìn Hà Nội, cảm nhận và viết về Hà Nội. Điểm theo thời gian, nêu những nét đặc sắc của Hà Nội qua cái nhìn của bè bạn. Các tác phẩm nêu bật được vẻ đẹp của cảnh sắc và con người Hà Nội, bày tỏ sự thán phục trước sự dũng cảm của con người Hà Nội và những ấn tượng sâu sắc mà Hà Nội để lại trong lòng bạn bè.
Hoàng Thuý Toàn (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
16 x 24 cm

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
952 trang

Tuyển tập ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội

Trong suốt 10 thế kỷ với biết bao biến thiên, đổi thay của đất nước, của Thủ đô thì những bài ký, tản văn - với vai trò “được ghi chép” hay nói đúng hơn là mang dấu ấn trực tiếp của “sự kiện” đã thể hiện một bức tranh khá sinh động, chân thực và khá đầy đủ về cuộc sống xã hội, con người, văn hoá, lối sống phong tục truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa (từ năm 1010) trải qua bao biến thiên lịch sử cho đến Hà Nội ngày nay.
Chủ trì tuyển chọn: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
2184 trang

Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
PGS.TS. NSND. Lê Ngọc Canh
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
372 trang
16 x 24

Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội

Là công trình tuyển chọn có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung
Chủ trì tuyển chọn: Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
8808 trang
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Trần Đình Sử (22/08/2011)
Đây là một công trình có quy mô bề thế về ca trù Hà Nội. Nội dung bao gồm: Phần một chuyên luận nghiên cứu trên 100 trang. Phần hai tư liệu tác phẩm hát nói Hà Nội của 84 tác giả, gồm 321 bài từ xưa tới nay, đầu thế kỉ XXI, cho thấy dòng hát nói không bao giờ ngừng nghỉ trong đời sống của người Hà Nội. Phần ba gồm tư liệu (kí sự, phóng sự, hồi kí); phần bốn gồm văn bia và các tư liệu khác, bao gồm ảnh chụp các văn bia, tranh ảnh tư liệu quý cùng các tư liệu về ca trù Hà Nội, bao gồm 76 ảnh chụp và thác bản văn bia. Phần thư mục gồm 132 đơn vị, cùng bảng kê công trình của tác giả. Tổng số trang công trình là 620 + 76 ảnh chụp = 696 trang, gần 700 trang.. Phần chuyên luận nêu được các vấn đề quan trọng của ca trù, kết tinh những tri thức của tác giả với tư cách là chuyên gia hàng đầu về ca trù ở Việt Nam, người đã có 6 công trình riêng về ca trù và sẽ xuất bản 3 công trình trong thời gian tới. Phần tuyển chọn tư liệu ca trù có số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Phần tư liệu cũng phong phú nhất, không bao gồm các công trình nghiên cứu. Đó là “phần cứng” làm nên nội dung và giá trị cuốn sách. Trong cuốn sách này phần tuyển chọn văn bản ca trù quan trọng nhất, được độc giả chú ý nhất. Trước hết, phần tư liệu gọi là “tư liệu” đã ổn chưa? Ông Nguyễn Tài Cẩn gọi tư liệu Truyện Kiều là đó văn bản còn đang là đối tượng nghiên cứu, còn ở đây là tác phẩm chọn lọc để thưởng thức, kỉ niệm nghìn năm Thăng Long, văn bản nói chung đã ổn định, đề nghị goi là phần “tác phẩm tuyển chọn”. Nếu còn băn khoăn về chất lượng thì có lời thưa trước. Trong một công trinh như thế này, gọi là “tư liệu” theo tôi, không thích hợp, mà nên gọi là “tác phẩm tuyển chọn”. Thứ hai, là một công trình chủ yếu là tư liệu thì giá trị của nó chủ yếu là phải xác thực, đáng tin cậy. Hiện tại lỗi morat còn rất nhiều, có thể làm mất nghĩa. Soạn giả và các biên tập viên sau này phải có sự đối chiếu thật công phu thì mới bảo đảm giá trị của một tập văn bản có giá trị, nếu không, những lỗi in sai, chép nhầm. tam sao thất bản sẽ để lại hậu quả rất đáng tiếc. Thứ ba, đối với các bài hát nói cổ việc diễn dịch và chú thích có ý nghĩa to lớn. Nhìn chung các bài đã có chú thích, diễn giải cụ thể, có chỗ kĩ lưỡng… Tuy nhiên có một số bài trong tập vẫn chưa có chú thích hoặc chú thích không đầy đủ, không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thưởng thức của độc giả ngày nay. Những bài đã có chú vẫn bỏ sót nhiều điều chưa chú. Một số câu chú thích chưa chính xác, nhất thiết cần được tập trung tu chỉnh. Thứ bốn, việc đánh số chưa thông nhất, chưa có quy cách rõ ràng, phần thì có, phần thì không. Nên tìm cách xử lí thống nhất để khi cầm cuốn sách người đọc có thể bao quát được nội dung của nó. Điều này liên quan tới mục lục, cần cụ thể đến từng bài hát nói để cho dễ tìm. Về tiểu sử tác giả ca trù cần có quy cách viết thống nhất, không nên kẻ viết nhiều người viết ít, qua loa. Theo tôi, nên viết một cách nghiêm chỉnh, ít nhất mỗi người một trang hay nửa trang. Trường hợp thiếu tư liệu, chờ tra khảo thí viết là còn chờ tra khảo. Đây cũng là một phần làm nên giá trị của cuốn sách. Phần Lời nói đầu và tiểu dẫn không nên tách ra, trong phấn nói đầu cũng nói rõ thêm về quy cách biên soạn, sắp xếp, tuyển chọn. Nhìn chung đây là một công trình khoa học công phu, bề thế, đáp ứng tính chất một công trình kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Đề nghị được nghiệm thu và tác giả có thời gian tiếp tục tu chỉnh, cùng các biên tập viên để có bản thảo tốt nhất.
PGS.TS. Vũ Nhật Thăng (22/08/2011)
1. Bản thảo dùng khổ giấy A4, đánh máy vi tính cỡ chữ 14, gồm: Những trang viết có đánh số: 620 trang Những trang chụp văn bia không đánh số: 70 trang Những trang ảnh ca trù không đánh số: 5 trang -------------- Tổng số: 695 trang Ngoài 5 trang Mục lục 8 trang Thư mục 2 trang Lời nói đầu 2 trang Tiểu dẫn 5 trang bìa của sách và của các phần ----------- Cộng: 22 trang thì toàn bộ nội dung cuốn sách được chứa đựng trong: 695 - 22 = 673 trang khổ A4. Khi xuất bản, chắc chắn số trang sẽ còn lớn hơn. Tôi coi đây là một cuốn sách khá dày và có giá trị. Sách giới thiệu khái quát về nghệ thuật ca trù, đặc biệt là ca trù ở Hà Nội trên bình diện lịch sử, phong tục tập quán, văn chương và môi trường trình diễn mà nhiều người gọi chung là Văn hoá Ca trù. Tôi cho rằng với nội dung như thế, đồng thời tác giả lại chủ tâm không đi vào những vấn đề chuyên sâu của nghệ thuật Ca trù nên cuốn sách sẽ rất phù hợp với đông đảo bạn đọc, không những chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi toàn quốc. 2. Sách được chia thành bốn phần: Phần một gồm ba chương, có tổng chiều dài 118 trang, chiếm 17,5% số trang nội dung của sách. Chương 1: Giới thiệu chung về lịch sử, địa bàn phân bố Ca trù, về thời gian không gian trình diễn. Chương 2: Giới thiệu ba lối Hát cửa đình, Hát chơi và Hát thi cùng các thể hát trong ba lối đó. Chương 3: Ca trù tại Hà Nội từ xưa đến nay. Phần một có vai trò quan trọng. Tác giả đã căn cứ vào nhiều tài liệu, nhiều văn bản còn lưu giữ được tới ngày nay để giới thiệu với độc giả những nét khái quát về nghệ thuật Ca trù. Trong phần này, TS Nguyễn Đức Mậu luôn tỏ ra rất thận trọng, chỉ nói ra những điều đã được người xưa ghi chép rõ ràng, do đó anh thường xuyên nêu những câu hỏi về những vấn đề tồn nghi. Ba phần còn lại đều nhằm cung cấp tư liệu: Phần hai có chiều dài 397 trang, chiếm 59% số trang nội dung của sách, dùng để ghi chép và chú giải 366 bản lời ca cho điệu Hát nói của 86 tác giả sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi nhận thấy đây là cuốn sách có số lượng lớn nhất những bài lời ca Hát nói so với các sách xuất bản bằng chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX đến nay. Ngay cuốn Văn ca trích cẩm chuyên về lời ca các bài Hát nói trong cả nước do Phó bảng Hoàng Tăng Bí biên khảo, Tân dân thư quán xuất bản tại Hà Nội năm 1928 cũng chỉ thu thập được 200 bài mà thôi. Tôi cho rằng TS. Nguyễn Đức Mậu đã có công phu sưu tầm từ nhiều năm nay mới có thể vẫn hạn chế trong các tác gia sống trên địa bàn Hà Nội mà đã thu thập được một số lượng lớn lời bài ca Hát nói đến như thế. So sánh trên cũng cho chúng ta biết rằng, dù nghệ thuật Ca trù đã trải qua bao bước thăng trầm nhưng đến nay nhiều người vẫn ngưỡng mộ nó, vẫn coi Hát nói là nơi có thể gửi gắm niềm xúc cảm cá nhân. Thật vậy, trong phần này ta chỉ thấy 96 bài của 14 tác giả sinh tại Hà Nội trước thế kỷ XX, còn lại là 270 bài của 72 tác giả sinh tại Hà Nội trong thế kỷ XX. Ta gặp nhiều tên tuổi mới với những lời ca chưa quen biết, tuy vần điệu vẫn tuân thủ niêm luật của Hát nói nhưng cảm xúc đã khác xưa. Có nhiều bài vừa được viết vào những năm 2004 - 2005. Tất cả đã được ghi lại đầy đủ và có chú giải rõ ràng. Phần ba dày 44 trang, chiếm 6,5% số trang nội dung cuốn sách, dành để trích đăng 8 hồi ký về Ca trù của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Phần bốn là phần cuối, có chiều dài 114 trang, chiếm 17% số trang nội dung cuốn sách. Phần này được coi như chia thành 2 mục: Mục thứ nhất cung cấp thông tin về 43 văn bia liên quan tới nghệ thuật trình diễn ca trù, kèm theo ảnh chụp các bản rập văn bia. Có thêm 6 trang ảnh chụp nhóm ca trù vào cung hát chúc hỗ. Mục thứ hai đăng 5 bài viết về Ca trù. Nhìn toàn cuốn sách, ta nhận thấy có hai bộ phận lớn: Bộ phận thứ nhất do tác giả viết và bộ phận thứ hai dành để cung cấp tư liệu. Tôi cho rằng cách bố cục như thế là được. Ta cũng đã thấy cách bố cục này trong hầu hết các sách khảo luận về Ca trù được xuất bản trong thế kỷ XX. Nhân đây với cách nhìn của một độc giả, tôi xin phát biểu một vài ý kiến có tính chất đóng góp để tuỳ tác giả xem xét: 1. Trước tiên là về bố cục. Như đã nói, cuốn sách này tuy khá dày nhưng thực chất cũng chỉ có hai bộ phận lớn. Tôi nghĩ rằng mỗi bộ phận này nên được gọi là Phần (Phần một, Phần hai). Như vậy, sách có hai phần: Phần một gồm ba Chương (Chương I, Chương II, Chương III) như tác giả đã phân chia. Phần hai là Tư liệu, chắc cũng sẽ gồm nhiều chương. Dưới chương là các Mục (Mục 1, Mục 2...). Nếu cần thì thêm tiểu mục đánh số Ả Rập có ngoặc đơn (1/, 2/...) và ta còn có thể chia nhỏ hơn nữa đến từng Ý, dùng chữ a, chữ b để đánh dấu thứ tự. Một là ta dùng cách đánh số thống nhất trong toàn cuốn sách như trên, hai là trong mỗi phần có thể dùng cách đánh số riêng nhưng nhất thiết phải thống nhất trong từng Phần. Tôi thiên về ý nghĩ xếp ảnh và văn bia lên đầu phần tư liệu vì như thế phù hợp với trật tự thời gian và có tác dụng làm đẹp thêm cho sách. Đó cũng được coi như nơi ngưng nghỉ đối với người đọc. Tiếp theo là những ký sự, phóng sự, hồi ức và cuối cùng là lời ca các bài hát nói. Tôi cho rằng tác giả nên đưa thêm nhiều ảnh khác nữa về Ca trù giáo phường xưa kia và Ca trù câu lạc bộ ngày nay. Nếu những ảnh chụp bản rập bia đá mà còn đọc được thì rất quý, ta phải xếp chúng tuần tự theo thời gian cùng với lời chú thích văn bia, bằng không thì cũng chỉ dùng để trang trí mà thôi. Tôi đề nghị xem lại bài của Nguyễn Tuân, của Vũ Hoàng Chương, của Vũ Trọng Phụng vì chúng quá buồn và có phần u tối. Chưa có bài nào phản ánh sinh hoạt ca trù trước kia và hiện nay. Về các tác gia Hà Nội viết lời bài Hát nói thì ngoài thông tin về nơi cư trú, nghề nghiệp và tác phẩm, cần có thông tin về năm sinh, năm mất nếu đã qua đời và tất cả được xếp tuần tự theo năm sinh. 2. Xem các đầu đề trong sách, trước tiên tôi thấy phân vân về sự trùng lặp nhan đề của toàn cuốn sách với nhan đề của phần một và nhan đề của chương III phần một. Theo tôi nghĩ thì không nên để như thế vì sách này không phải là tuyển tập thơ hay tuyển tập truyện ngắn mà có thể mượn tên của một bài thơ, một truyện ngắn để đặt tên cho toàn tuyển tập. Cũng vậy, tác giả nên soát lại tất cả các nhan đề trong sách, nếu cần thì sửa cho gọn hơn, đúng hơn, đẹp hơn và không trùng lặp nhau. 3. Trong Lời nói đầu, trong Tiểu dẫn và trong ba chương của phần một, tôi có mạn phép dùng bút viết màu đỏ sửa các lỗi đánh máy, sửa một vài từ và ghi lời góp ý trực tiếp. Tôi sẽ nộp lại toàn bản thảo, mong tác giả xem qua. Ở đây tôi không nhắc lại mà nói thêm mấy ý quan trọng như sau: Trang 9, dòng 8: vấn đề Tỳ bà hành là "văn bản Trung Quốc". Tôi nghĩ Nguyễn Du đã phóng tác truyện Kiều dựa trên Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, Phan Huy Vịnh dịch bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Ngô Thế Vinh dịch bài Thu hứng thứ nhất của Đỗ Phủ đều đã được các ả đào cảm thấy hay mà phổ vào điệu hát Ca trù của ta đến nỗi chúng thành nổi tiếng. Thêm nữa, giới văn học cũng đánh giá những bản dịch hoặc tác phẩm mượn ý kể trên đã có đời sống độc lập so với nguyên tác. Trong nghệ thuật trình diễn ca nhạc thì nguồn gốc của lời ca không quan trọng bằng xuất xứ của điệu hát. Trang 12: tôi xin bổ sung thêm năm tỉnh thành có Ca trù. Ở dòng 13: Ca trù không phải là "một điệu hát" mà là "một loại hình nghệ thuật diễn xướng". Cuối trang 19: Xin chớ hiểu lầm. Nguyễn Xuân Khoát muốn nói toàn bài Ba mươi sáu giọng là một bài được xếp vào "giọng vặt" vì nó được hình thành từ sự lắp ghép nhiều giọng (điệu nhạc) khác nhau. Lắp ghép để hát cho vui như thế không phải là cách làm chính quy trong nghệ thuật ca trù. Nguyễn Xuân Khoát không muốn nói toàn bộ các điệu nhạc bị ghép lại đều là giọng vặt cả. Trong những trang tiếp theo, tôi cũng đã ghi thêm nhiều ý kiến khác. Mong tác giả nhìn qua và nếu cần thì cũng có thể trao đổi. 4. TS. Nguyễn Đức Mậu nghiên cứu văn bản rất kỹ, làm công việc so sánh văn bản cũng rất cẩn thận. Đó là ưu điểm nhưng cũng chính từ ưu điểm đó mà tôi thấy anh thường xuyên băn khoăn, thắc mắc về sự thiếu thốn, về độ chính xác của các văn bản. Hầu như ở trang nào tôi cũng thấy anh nêu câu hỏi, như vậy là có quá nhiều điều tồn nghi. Thành thật mà nói thì khi đọc những đoạn như thế, tôi thấy khó tránh khỏi cảm giác nặng nề. Chúng ta đang sống ở đầu thế kỷ XXI, chúng ta thích có được sự tổng kết số lượng chính xác các lối hát (mục đích và địa điểm tổ chức hát), các thể hát (điệu hát) và đặc biệt là tiết-mục-biểu (répertoire) rõ ràng cho từng lối hát. Anh Mậu cũng thừa biết là không thể có sự chính xác như vậy và anh cũng đã biết những lý do dẫn tới hiện tượng này. Chưa chắc đã phải do sự yếu kém về mặt khoa học của cổ nhân mà có thể ngày xưa các cụ thích như vậy thì sao. Cũng thế, không thiếu những bài hát giao duyên đã chính thức được dùng trong các loại dân ca nghi lễ, thờ cúng và ta còn biết nhiều hiện tượng khác thú vị hơn nữa. Do đó, theo tôi nghĩ thì tác giả nên giảm bớt nỗi băn khoăn, bỏ bớt những câu hỏi nghi hoặc để mạch văn được thanh thoát và người đọc đỡ bị áy náy, dằn vặt. Tôi cho rằng cuốn sách này rất quý, sau khi sửa chữa và biên tập thì nên được xuất bản kịp thời trong dịp kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy (22/08/2011)
1. Đây là một đề tài rất hay, nhưng cũng rất khó hay. Bởi lẽ, nó đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu dường như trái ngược nhau: vừa là một công trình học thuật vừa là một cuốn sách cho đông đảo bạn đọc; vừa phải giới hạn không gian vào một địa phương vừa phải trải dài theo thời gian lịch sử… Người thực hiện đề tài đã làm chủ được tư liệu và quan trọng hơn, có “cảm giác mức độ” rất tốt, nên bản thảo “Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại” là một sản phẩm trung hoà, nhưng vẫn thú vị, độc đáo. 2. Với tư cách là một công trình học thuật, tác giả đã đi vào nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển, nhưng không theo kiểu biên niên, mà theo các vấn đề nội tại của ca trù, như các làn điệu, ca từ, không - thời gian hát ca trù… Từ đó cung cấp cho người đọc những tri thức chung đồng thời cả những kiến giải riêng của tác giả về ca trù, khiến người đọc có chuẩn bị để hiểu “Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại”. Ở chương này, tác giả đã làm nổi bật được những vấn đề như Hà Nội tuy không phải là nơi phát tích nhưng là trung tâm của ca trù trong cả nước, đặc biệt là cái nôi của hát nói. 3. Với tính cách là một cuốn sách, bản thảo có nhiều mục, phần nhiều tư liệu, ảnh nhằm phục vụ các đòi hỏi khác nhau của bạn đọc. Văn phong tác giả rõ ràng, sáng sủa, có sức hấp dẫn. 4. Tóm lại, đây là bản thảo xuất sắc, rất đáng có mặt trong Tủ sách của Nhà xuất bản Hà Nội để chào mừng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Bà Trần Kim Anh (22/08/2011)
Đề tài đã được thực hiện tốt, thể hiện sự nỗ lực hết mức của tác giả trong tình hình tư liệu rất hạn chế. Với bố cục chia thành phần chuyên luận và phần tư liệu, đề tài đã cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết và khá đầy đủ về ca trù nói chung và ca trù Hà Nội nói riêng. Cách viết khoa học, thuyết phục. Sau đây là một vài ý kiến cụ thể: Chương một Ca trù trong quá trình hình thành và phát triển, ở Phần I Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại là một dẫn luận cần thiết trước khi nói về ca trù Hà nội, bao gồm 6 mục 1. Cấu trúc hệ thống các điệu ca trù 2. Số lượng các điệu hát ca trù và các vấn đề của nó 3. Sự phân chia các điệu ca trù 4. Không gian - thời gian hát ca trù. 5. Địa bàn phân bố ca trù trong lịch sử. 6. Cái hay của ca trù và những nhận thức. Chương này bố cục như vậy là rất hợp lý, đủ để trình bày một cách hệ thống và rõ ràng về nghệ thuật ca trù nói chung. Nhìn chung ở chương này, do là một nhà nghiên cứu nên tác giả đã rất khoa học khi sử dụng tư liệu để phân tích và trình bày vấn đề. Ba mục đầu Cấu trúc hệ thống các điệu ca trù; Số lượng các điệu hát ca trù và các vấn đề của nó và Sự phân chia các điệu ca trù cho thấy tác giả đã thực sự đi vào những vấn đề hóc búa nhất của ca trù. Nhìn chung ở những mục này tác giả viết rất có hứng, tìm hiểu tư liệu, hệ thống tư liệu khá công phu, thể hiện một thái độ khoa học và nghiêm túc. Tuy nhiên do hạn chế về tư liệu nên tác giả chỉ dừng lại ở mức đưa ra những ý kiến mang tính chất gợi mở chứ chưa thể giải quyết vấn đề. Trên thực tế, để nhận thức được đầy đủ các vấn đề nêu ra trong 6 mục của chương này phải đi từ nhạc vũ Giáo phường, bởi ca trù như sau này chúng ta được biết là thoát thai từ nhạc vũ Giáo phường. Tuy nhiên đây là vấn đề không nằm trong phạm vi đề tài này. Ở chương ba: Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại, tác giả đã viết khá hay về tác gia hát nói, nhưng lại bỏ qua hát cửa đình mà đại biểu là giáo phường Lỗ Khê của Đông Anh. Mục Sinh hoạt ca trù Hà nội trong quá khứ và hiện tại được chia thành: a) Sinh hoạt ca trù trước thế kỷ XX, và b) Sinh hoạt ca trù Hà Nội thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Ở mục này tác giả đã giúp người đọc nhận biết: sinh hoạt ca trù Hà Nội trong quá khứ và hiện tại đã mang ba hình thức tổ chức gồm: Ca trù giáo phường trước thế kỷ XX, ca trù ca quán đầu thế kỷ XX và ca trù câu lạc bộ hiện tại. Ở mục a, viết về sinh hoạt ca trù đầu thế kỷ XX, do hạn chế về tư liệu nên tác giả viết có phần rụt rè, chưa nói được gì nhiều về giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ca trù Giáo phường. Bù lại khi viết về ca trù đầu thế kỷ XX mà điểm nhấn là ca trù ca quán với tư liệu phong phú phần viết này đã khá hấp dẫn. Tuy nhiên cần tách bạch sự đóng góp cho nghệ thuật ca trù của ca trù ca quán và những biến tướng của nó. Về ca trù câu lạc bộ, chúng ta biết rõ, từ sau năm 1954, ca trù hầu như bị dẹp bỏ. Trong một thời gian dài ca trù chỉ được nhắc đến trong sự hoài niệm nhớ tiếc trong một số văn nhân thi sĩ và một vài ca nương còn sót lại. Việc truyền dạy lại ca trù ngày nay cũng do (hoặc từ) một số ca nương ca quán, điều này quy định diện mạo ca trù câu lạc bộ, đó là điều cần chú ý. Tác giả nên lưu ý: Trước khi Pháp vào không có ca quán, chỉ có các tổ chức Giáo phường, việc công việc tư đều đón phường hát về biểu diễn. Tuy có ca viện (được nhắc đến trong thi tự của Phan Huy Ích), song cái đó chỉ mang tính chất gia nhạc, tức nuôi con hát tại nhà để phục vụ riêng trong gia đình. Phần 2, Tư liệu tác phẩm hát nói Hà Nội: Phần này tác giả hơi tham, nhiều bài xoàng xĩnh, nên chọn tinh hơn, bởi vẻ đẹp trong ca từ là phần quan trọng khiến cho hát nói trở thành đỉnh cao của nghệ thuật ca trù. Cần phải làm kỹ hơn, có những bài dịch chưa đúng, chưa hay; chú thích chưa chuẩn, hoặc không cần thiết. Chẳng hạn bài Nhớ giai nhân ở trang 169, câu: Giai nhân khứ khứ hành hành sắc / Tài tử chiêu chiêu mộ mộ tình mà dịch là “Vẻ đẹp giai nhân đi đi lại lại / Tình riêng tài tử sớm sớm chiều chiều” thì quá thật thà. Hay ở bài Tài hoa là nợ, trang 172, từ “Châu huyền” trong câu Khả liên bán điểm thấp châu huyền phải dịch là “dây đàn” thì ở đây dịch là “sợi dây tơ đỏ”. Bài Thanh nhàn là lãi ở trang 174, “Kiếp phù sinh” được chú là “Kiếp sống trôi nổi” thì rất khó nghe. Một số bài của Tản Đà để chú thích quá rườm, ngược lại những bài của Nguyễn Đức Ý đều không được chú. Hoặc có một số đề bài không được dịch, như Hàm tình phương chức cô đăng tận là rất khó hiểu đối với bạn đọc. Ở trang 191, phần tác phẩm của Dương Khuê không có tên tác giả. Có lẽ phần này để xuống cuối cùng thì hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Văn Cẩn (18/08/2011)
Bản góp ý này là dựa vào bản dự thảo đề cương theo thứ tự của nó. Đồng ý: Quê hương xuất xứ của nghệ thuật hát ca trù là Hà Nội (Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội) nhưng nói rõ truyền thuyết câu chuyện về sự tích Thanh Hà, Bạch Xà của GS. Trần Văn Khê có phần nào nêu lên. Về văn học: Trong các bài bản cụ thể về hát ca trù là những thể loại thơ nào và những câu thơ bác học… Về nghệ thuật: cần nêu rõ và nói cụ thể về sự phối hợp tài tình giữa kép đàn - Đào hát với chiếc phách trong tay vừa hát vừa đánh phách - sự kết hợp uyển chuyển tế nhị với người đánh trống chầu. Cần đi vào cụ thể trong sự cấu trúc của cây đàn đáy và các cung bậc của nó: + Giọng hát của Đào hát với cách phát âm ngôn ngữ (cụ thể là ngữ âm Việt Nam). Sự kết hợp trong khi hát và những nguyên tắc đánh phách… + Về người đánh trống chầu: nói rõ các khổ trống và tác dụng của nó đối với Đào hát. Chính những điều trên sẽ nói rõ về việc bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể trong lịch sử và hiện tại. Chính vì lẽ đó mới đáp ứng được với các đối tượng “các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật và những người có nhu cầu hiểu biết về loại hình văn hóa phi vật thể của Hà Nội; với các tác giả trong cả nước, để có những hiểu biết sâu rộng về ca trù, về những diễn biến của nó trong lịch sử và hiện tại. Công trình sẽ cung cấp nhận thức về những tư liệu cần thiết”. Cần phải hệ thống hóa các bài bản qua các thời kỳ phát triển của ca trù. Tên gọi của ca trù cần phải sắp xếp thứ tự các thời kỳ lịch sử: ví dụ: thời kỳ lịch sử nào thì ca trù được gọi là hát cửa đình; thời kỳ nào được gọi là hát ả đào, hát cô đầu… Tuy nhiên các làn điện dân gian khác qua các thời kỳ cũng có phần nào ca trù đã sử dụng. Trên đây chúng tôi xin góp ý sơ bộ vào dự thảo đề cương… Các phần sưu tầm ở phần dưới của bản đề cương chúng tôi không có ý kiến gì.
Bà Trần Kim Anh (18/08/2011)
"Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại" là một đề tài rất hay và cần thiết. Lẽ ra một đề tài như thế này phải được thực hiện từ sớm hơn, do đó việc Nxb Hà nội đưa đề tài này vào dự án Điều tra sưu tầm biên soạn và xuất bản tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” là một việc làm hợp lý và cần thiết. Qua đề cương có thể thấy ngay một số ưu điểm của công trình này: 1. Bố cục hợp lý: Công trình được chia làm hai phần. Phần I, giới thiệu ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại. Phần này giúp nắm bắt về lịch sử và nghệ thuật ca trù nói chung và Hà Nội nói riêng. Phần hai, Các tác gia tác phẩm liên quan đến ca trù, phần này cũng rất lý thú trong sự trình bày về các tác gia hát nói và một số tác phẩm ký sự, phóng sự hồi ức về ca trù Hà Nội của các văn nhân tài tử nổi tiếng một thời. Đây là phần minh họa hữu ích cho những chặng đường phát triển của nghệ thuật ca trù Hà Nội. 2. Mạnh về tư liệu: Các vấn đề về ca trù Hà Nội đều được trình bày hệ thống và khoa học trên cơ sở các tư liệu đáng tin cậy. Nhận xét chi tiết: Chương một (Phần I): Ca trù trong quá trình hình thành và phát triển là một dẫn luận cần thiết trước khi nói về ca trù Hà nội. Phần này được bố cục thành bốn mục gồm - Cấu trúc hệ thống các điệu ca trù. - Không gian hát ca trù. - Trật tự diễn trình hát ca trù (Có lẽ nên đổi là Trật tự diễn xướng của ca trù). - Địa bàn phân bố ca trù trong lịch sử Một bố cục như vậy là rất khoa học, hợp lý, đủ để trình bày một cách hệ thống và rõ ràng về nghệ thuật ca trù nói chung. Tuy nhiên ở đây cần lưu ý, nếu nhận định “Ca trù là loại hình âm nhạc ca vũ dành riêng cho tầng lớp trí thức, các tao nhân mặc khách của nhiều thời đại” sẽ dễ dẫn tới sự trình bày phiến diện về ca trù, bởi song song với lối hát chơi dành cho trí thức còn có lối hát cửa đình (bao gồm cả hát thờ và giúp vui) là để dành cho tầng lớp bình dân, nếu nói như vậy sẽ không nêu được tính phổ biến, đặc điểm văn hóa cộng đồng của ca trù Chương hai: Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại. Chương này cũng được chia thành 4 mục gồm: - Truyền thuyết ca trù Lỗ Khê Hà Nội và mối liên hệ của nó với ca trù cả nước - Bài văn thưởng đào của Lê Đức Mao và ý nghĩa của nó trong việc tìm kiếm thời điểm ra đời của ca trù - Các tác gia ca trù Hà Nội - Sinh hoạt ca trù Hà nội trong quá khứ và hiện tại Ở chương này, do là một nhà nghiên cứu nên tác giả đã rất khoa học khi dùng các tư liệu lịch sử để phân tích và khái quát vấn đề, tuy nhiên, nếu chỉ như vậy không thể cho một cái nhìn đầy đủ về quá trình phát triển của nghệ thuật ca trù ở Thăng Long - Hà Nội. Theo tôi chương này cần có một mục nêu bật vị trí của Thăng Long - Hà nội với nghệ thuật ca trù. Bởi việc cho thành lập ty giáo phường cung đình cũng như dân gian là của các vua triều Lê ở Thăng Long từ thế kỷ XV đến XVIII. Đặc biệt thế kỷ XVIII là thời kỳ ca trù được phát triển mạnh mẽ về cả tổ chức và nghệ thuật, sự phổ biến và lan rộng của ca trù, những tác động của nó vào đời sống tinh thần trong cộng đồng, trong xã hội. Các tư liệu văn học đã chứng minh thú chơi hát ả đào tại kinh đô Thăng Long đến cuối thế kỷ XVIII phát triển khá phổ biến trong giới nho sĩ trí thức và quý tộc phong kiến. Chẳng hạn, gia đình Nguyễn Du từ ông anh cả Nguyễn Khản đến cậu em út là Nguyễn Du đều yêu thích và tham gia vào môn nghệ thuật này. Nhiều đào nương với tài hoa sắc đẹp của mình đã khiến các vương hầu khanh tướng đua nhau vung tiền như nước (Cô Cầm) Các quan chức cao cấp của triều đình nuôi con hát, đặt ca viện, tự soạn ra các lời ca phổ vào bản đàn cho ca nữ hát (Nguyễn Khản, Phan Huy Ích, Nguyễn Hữu Chỉnh). Phong khí đó của chốn kinh kỳ đã giúp hình thành lối hát chơi với sự kết hợp tuyệt đẹp giữa đào nương - kép đàn - quan viên để sang thế kỷ XIX, được đẩy lên hoàn chỉnh trong nghệ thuật hát nói Mục 3, tên đề mục là Các tác gia ca trù Hà Nội có lẽ nên được đổi thành: Văn nhân trí thức Thăng Long - Hà Nội với ca trù Mục 4, Sinh hoạt ca trù Hà Nội trong quá khứ và hiện tại, ở chương này tác giả cho biết sẽ là phần thống kê miêu tả một số câu lạc bộ ca trù ở Hà nội. Theo tôi nếu chỉ như vậy thì chưa đủ so với tên đề mục, bởi thiếu phần quá khứ, có lẽ ở đây tác giả nên trình bày sinh hoạt ca trù trong sự tiếp nối từ hát cửa đình (Lỗ Khê) đến các ca quán Khâm Thiên…, rồi các câu lạc bộ ca trù ngày nay.
PGS.TS. Vũ Nhật Thăng (18/08/2011)
Tôi vui mừng được biết nhân dịp kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định phê duyệt Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Tủ sách này mang một ý nghĩa lớn và có tác dụng thiết thực. Dự kiến trong Tủ sách sẽ có một cuốn viết về Ca trù Hà Nội, tôi cho là rất hay, rất tốt vì mấy lẽ dưới đây: - Từng là thủ đô của nước Đại Việt, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xây dựng trên vùng đồng bằng đông dân cư, kinh tế phát triển, Hà Nội không chỉ là một trung tâm chính trị kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa nghệ thuật của cả nước. - Nghệ thuật hát múa và diễn trò mà những người biểu diễn chính là các ả đào nên được gọi là Hát ả đào, đã có thời gian tồn tại ngang bằng cùng Thăng Long. Sau năm thế kỷ, tức phân nửa quãng thời gian từ đó đến nay, nghệ thuật Hát ả đào được định hình rõ nét và chính tại đất Thăng Long - Đông Đô này, cùng với tên gọi cũ, nó có thêm tên gọi mới là Ca trù. - Hát ả đào - Ca trù là một môn nghệ thuật hát múa cổ truyền duy nhất có sức lan tỏa rộng lớn, bao trùm cả vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ tới Bắc Trung bộ. Nó đã để lại ảnh hưởng tại kinh đô Huế, đồng thời một nhánh vượt dãy Trường Sơn vào tới tận đồng bằng Nam bộ. Đã có một vài tên gọi phái sinh ở một số địa phương nhưng bài bản và thể cách là thống nhất và tên gọi Ca trù là phổ biến. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn là nơi có truyền thống lâu đời về Ca trù và đã giữ gìn được nhiều thể cách cổ truyền của môn nghệ thuật này. Với một môn nghệ thuật tổng hợp như Ca trù, lại đã từng được dùng vào những mục đích khác nhau thì ta có thể đặt ra nhiều hướng nghiên cứu, nhiều phương pháp tiếp cận. Ở đây, thông qua bản đề cương chi tiết của TS. Nguyễn Đức Mậu - chủ nhiệm đề tài, tôi nhận thấy tác giả đã chọn hướng tiếp cận lịch sử - văn học nghệ thuật. Theo hướng này, cuốn sách sẽ có khả năng phục vụ được nhiều đối tượng độc giả, do đó phù hợp với mục đích của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ ra mắt bạn đọc trong dịp kỷ niệm sắp tới. Nội dung của đề cương bản thảo phù hợp với tên đề tài, bố cục thích hợp với mục tiêu và mục đích nghiên cứu. Cuốn sách ra đời sẽ là nơi cung cấp nhiều tư liệu quý về Ca trù cho độc giả và các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, khoảng 200 đơn vị thư mục đặt ở cuối sách cũng sẽ có giá trị lớn đối với những ai muốn tra cứu thêm để tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật Ca trù. Đề cương chi tiết đã thể hiện rõ mối quan tâm của tác giả tới nghệ thuật Ca trù trên đất Thăng Long - Hà Nội cùng với các phần, các chương như: Lịch sử Ca trù Hà Nội; các tác gia Hà Nội với những tuyển tập lời ca được viết cho điệu Hát nói; các bài ký sự, phóng sự, hồi ức về Ca trù ở Hà Nội V.v... Có thể coi đây là cuốn sách viết về nghệ thuật Ca trù trên đất Thăng Long - Hà Nội. Đề cương bản thảo cũng đã chú ý tới việc cung cấp cho người đọc những tư liệu mới về hoạt động Ca trù từ cuối thế kỷ XX tới hiện nay - đầu thế kỷ XXI. Những tư liệu này thể hiện tính thực tiễn, khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới, cũng là biểu hiện của sức sống bền vững và lâu dài của nghệ thuật Ca trù. Với những nhận định như trên, tôi công nhận đề cương bản thảo Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại của TS. Nguyễn Đức Mậu, đồng thời cũng cho rằng khi viết thành sách, tác giả sẽ còn phải chỉnh sửa thêm về nội dung và chiều dài của các phần, các chương sao cho phong phú và cân xứng. Ngoài thể Hát nói, tác giả cũng nên chú ý hơn tới các thể hát khác của Ca trù và tới những đặc điểm của phong cách thể hiện trong trình diễn.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)