Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn học - nghệ thuật
Nghìn năm sân khấu Thăng Long
Là đề tài nhánh của công trình “1000 năm văn hiến Thăng Long” do Thành uỷ và UBND thành phố phát động năm 1998. Đến nay, tác giả phát triển thành tác phẩm nghiên cứu tổng hợp các bộ môn sân khấu thủ đô.
Tác giả: NNC. Trần Việt Ngữ
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Tổng số trang: 1500
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

- Là đề tài nhánh của công trình “1000 năm văn hiến Thăng Long” do Thành uỷ và UBND thành phố phát động năm 1998. Đến nay, tác giả phát triển thành tác phẩm nghiên cứu tổng hợp các bộ môn sân khấu thủ đô.

- Xuất phát từ bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội qua các triều đại, thời kỳ; dựa vào các nguồn tư liệu; tác phẩm tập trung nêu lên bộ mặt các bộ môn sân khấu đất Thăng Long từ cội nguồn, thành hình, chuyển hoá, phát triển đến đầu thế kỷ XXI; tổng kết, rút ra bài học về ý nghĩa, vị thế các bộ môn sân khấu Thăng Long trong lịch sử nghệ thuật biểu diễn của cả nước; kiến giải một số vấn đề xưa nay còn nhiều giả thuyết khác nhau; một số khó khăn cần khắc phục của các Nhà hát thủ đô và hướng đi tiếp theo…

Sách cùng chuyên mục

Giới thiệu cuốn sách “Xin chữ”

 Xin chữ là nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt. Xin chữ không chỉ thể hiện những tâm nguyện sâu xa thầm kín mà còn là sự gửi gắm niềm mong ước của mỗi người vào những con chữ. Do vậy những chữ được xin, được tặng luôn mang giá trị tinh thần sâu sắc.

Phạm Quang Nghị
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
388
14,5x20,5

Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại

Hà Nội là địa phương có truyền thuyết về tổ quê ca trù (truyền thuyết ca trù Lỗ Khê) và là nơi có ca trù phát triển lâu đời nhất. Nếu căn cứ vào văn bản còn được lưu truyền hiện nay thì có thể khẳng định rằng Hà Nội có lịch sử ca trù dài nhất, có thời điểm ca trù Hà Nội thịnh hành nhất Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Mậu
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
728 trang
16x24cm

Giới thiệu cuốn sách “Chuyện quanh ta”

“Để lại tiếng thơm cho đời qua cách sống của mình” chính là tâm niệm, là quan điểm sống của tác giả cuốn “Chuyện quanh ta” - PGS.TS. Phạm Quang Long - người đã từng là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV, người đã nhiều năm đứng đầu ngành văn hóa Thủ đô.

Phạm Quang Long
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
380
14,5x20,5

Tục ngữ, ca dao, dân ca Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất ngàn năm văn hiến. Việc sưu tập, tuyển chọn, giới thiệu một cách có hệ thống ca dao, tục ngữ của Thăng Long, Hà Nội và viết về Thăng Long - Hà Nội là cần thiết và kết quả của đề tài sẽ đóng góp đáng kể cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội.

ThS. Nguyễn Thuý Loan (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
1076
16 x 24 cm

Gương mặt văn học Thăng Long

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.
GS. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
840 trang
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Kiều Thu Hoạch (18/08/2011)
I. Những ưu điểm cơ bản: - Nhìn chung tư liệu phong phú, có giá trị khoa học. Nhờ đó, tác giả đã giới thiệu cho người đọc thấy được diện mạo của sân khấu Thăng Long - Hà Nội trong suốt tiến trình lịch sử từ khi khởi dựng kinh đô Thăng Long cho tới nay. - Phạm vi nghiên cứu của đề tài đã bao quát được tất cả các loại hình sân khấu từng hiện diện qua các thời đại. Mỗi loại hình đều được trình bày khá hoàn chỉnh, hệ thống từ lịch sử hình thành đến quá trình phát triển cùng những thành tựu nghệ thuật và cả sự tiếp nhận của khán giả. - Cấu trúc tác phẩm tương đối hợp lý, góp phần nhất định vào việc phản ánh nội dung của tác phẩm vừa theo lịch đại vừa theo đồng đại. Và chính là nhờ vào cấu trúc theo cả hai hướng lịch đại, đồng đại mà tác phẩm đã miêu tả khá sống động hơi thở của thời đại, gợi cho người đọc nhiều hứng thú như là cảm thức của người đương thời, hay nói khác đi đó chính là cái cảm thức của “nhập thân văn hóa” theo quan niệm của nhân loại học. - Phương pháp nghiên cứu cũng như phương pháp thao tác khoa học đạt kết quả tốt do kết hợp đồng bộ giữa khảo tả và phân tích, lý giải. Nhờ vậy không chỉ đưa tới cho người đọc những nhận thức lịch sử cụ thể vè sân khấu Thăng Long - Hà Nội mà còn khiến người “ngoại đạo” có được phần nào những tri thức chuyên ngành nói chung. II. Một số nhược điểm cần chỉnh sửa: A. Phần góp ý chung - Trước hết, về tên đề tài, có lẽ nên sửa là “Nghìn năm sân khấu Thăng Long - Hà Nội”, bởi thực chất công trình không chỉ nói về sân khấu Thăng Long mà còn nói cả về sân khấu Hà Nội. -Về tên chương: Chương hai, nói Tạp kỹ trên trái đất Thăng Long… hơi lạ tai, có vẻ cầu kỳ mà lại thiếu chuẩn xác về mặt ngôn từ khoa học. Chương ba, mấy chữ “Nói mặt diễn tích” nên để trong ngoặc kép và ở dưới nên có sự giải thích về từ ngữ/ thuật ngữ. Chương bốn, tên chương có vẻ lôi thôi khó hiểu, nên viết gọn và giản dị hơn (chẳng hạn chỉ cần: “Quá trình hình thành và phát triển của sân khấu chèo” là đủ). Tên chương năm cũng vậy, nên sửa cho đồng bộ. - Về chương một của phần III, cần có giới thuyết về khái niệm “Hiền tài sân khấu”, sau đó mới trình bày nội dung cụ thể. Và cả cái tên chương này cũng nên sửa cho gọn nhẹ, dễ hiểu hơn. Tên chương hai cũng nên sửa. không thể ghi là “Tạm nêu mấy vị đóng góp nhiều công tích…” nghe như tên một báo cáo tổng kết thi đua của ngành sân khấu. Tên một chương sách khoa học không thể viết văn nói và mang tính thực dụng như vậy. - Cuối cùng, đã gọi là Tổng luận thì không thể ghi Đôi điều tạm kết được. Mà Tổng luận cũng như Khải luận (Généralité) là những nhận xét chung có ý nghĩa khái quát của cả quyển sách, theo thông lệ có tính quốc tế, thường để lên đầu chứ không ai để cuối sách. (Còn nếu tác giả muốn có ý Tổng kết vấn đề thì lại khác). B. Phần góp ý cụ thể, chi tiết: - Trang 10, nói về Thăng Long thì không thể kể là vùng đất từ thời vua Hùng được; về địa lý - lịch sử chỉ nên nói Hà Nội kể từ thời mang tên Long Đỗ/ Đại La... - Trang 22, Hội Vua là hội gì, nên giải thích. - Trang 24, “Quân sư phụ nãi...” (chứ không phải “nai”). “Thiền uyển tập anh” là sách chữ Hán chứ không phải chữ Nôm. - Trang 39, “quyền bính” chứ không phải “quyền binh”. - Trang 79, Nói mặt diễn tích đã thể gọi là chèo hoặc tuồng (văn què/ cụt quá). - Trang 94, “Kiền Liên” là đúng, sửa lại “Kiều Liên” là sai với nguyên văn chữa Hán (Nên soát lại tất cả). Chương bảy, về Múa rối, nên bỏ qua phần lịch sử quá sơ sài về múa rối, bởi đã nói thì phải “nói có sách mách có chứng” và nói tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ, không thì thôi, chỉ cần nói từ thời Lý là đủ. (Có lẽ nên tham khảo Huy Hồng) III. Kết luận: - Đây là một đề tài có giá trị khoa học, rất cần thiết cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. - Chất lượng khoa học của công trình đạt kết quả tốt, chứng tỏ tác giả là người có tay nghề khá vững vàng và có hiểu biết khá sâu rộng về văn hóa - lịch sử Thăng Long - Hà Nội. - Công trình sau khi chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng nghiệm thu thì có thể xuất bản.
GS.TS.NSND. Đình Quang (18/08/2011)
Sau khi đọc kỹ bản đề nghị của tác giả Trần Việt Ngữ, tôi đề nghị nên chọn những kịch bản sau: * Về Chèo: - Lưu Bình trò (Chèo cổ) - Quá chơi nên nỗi (của Nguyễn Đình Nghị) - Sợi tơ vàng (của Việt Dung) - Lý Nhân Tông kế nghiệp (của Tào Mạt) * Về Tuồng: - Xuân Đào cắt thịt (tuồng cổ pha chèo) - Nghĩa nặng tình sâu (của Hoàng Tăng Bí) - Đề Thám (của Bửu Tiến…) - Suối đất hoa (của Hoàng Yến, Thuỳ Linh) * Về Kịch nói: - Kim tiền (của Vi Huyền Đắc) - Một đảng viên (của Học Phi) - Quẫn (của Lộng Chương) - Hà Mi của tôi (của Doãn Hoàng Giang) - Tôi và chúng ta (của Lưu Quang Vũ) * Về Cải lương: - Thuý Kiều bán mình (của Phạm Ngọc Khôi) - Bà mẹ sông Hồng (của Hoàng Luyện) - Người công dân số một (của Hà Văn Cầu, Vũ Đình Phòng) - Kẻ sĩ Thăng Long (của Nguyễn Khắc Phục và Đức Thịnh) Và Giành ánh sáng tự do (của Sĩ Tiến) thay cho Khi thành phố lên đèn (của Nguyễn Ngọc Phương). Vì anh Sĩ Tiến là nghệ sĩ tiêu biểu cho cải lương miền Bắc và nhất là của Hà Nội, nên có một vở của anh ấy. Ngoài ra tôi cũng hơi băn khoăn, nếu về Chèo có mặt Hoài Giao nữa thì đầy đủ hơn chăng. Nhìn chung, danh sách vở anh Trần Việt Ngữ đề xuất là xứng đáng. Nói chung những vở này đã có quá trình gắn bó với kịch mục của các đoàn và có tác động tới khán giả.
TS. Lê Thị Hoài Phương (18/08/2011)
Theo đề nghị của quý cơ quan, tôi đã xem danh sách dự kiến các kịch bản mà nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ đã tuyển chọn (theo văn bản ngày 5/8/2008). Sau khi suy nghĩ và có tham khảo thêm ý kiến của một số đồng nghiệp trong giới sân khấu, tôi xin phép được góp mấy ý như sau: 1. Trước hết, Nhà xuất bản cùng với tác giả cần xác định rõ các tiêu chí ưu tiên tuyển chọn là gì? Có mấy hướng để đánh giá: - Là những kịch bản có nội dung và nghệ thuật tốt, những tác phẩm xuất sắc của sân khấu Việt Nam nói chung. - Là những kịch bản được đánh giá là tiêu biểu của mỗi chặng đường lịch sử của đất nước. - Là những kịch bản hay có nội dung gắn với Thăng Long - Hà Nội qua các chặng đường lịch sử của đất nước và của Thủ đô. 2. Theo tôi, có lẽ tiêu chí thứ ba là tương đối hơn cả hội đủ các tiêu chuẩn để phù hợp với công trình “Nghìn năm sân khấu Thăng Long”. Tất nhiên, chỉ là tương đối, vì khó có được một danh mục bao gồm các kịch bản đều thỏa mãn cùng một lúc các yêu cầu. 3. Về danh mục kịch bản mà ông Trần Việt Ngữ dự kiến, tôi thấy khá chính xác theo tiêu chí tứ ba, tức là có thể thỏa mãn được các yêu cầu một cách hài hòa: về tác giả và tác phẩm, về thời điểm lịch sử, về sự gắn kết với Thăng Long và Hà Nội… 4. Tuy nhiên tôi thấy cần có một số điều chỉnh sau: - Ở phần Cải Lương, đưa vở “Người công dân số 1” ra, vì đây không phải là vở Cải lương, mà là vở Kịch nói về Bác Hồ, do diễn viên của Nhà hát Cải lương Trung ương đóng. - Ở phần Kịch nói, nên đưa vở “Vùng sáng” (hay là “Hà Mi của tôi”) ra, mà thay bằng vở Tiền Tuyến gọi (của tác giả Trần Quán Anh). Cả hai vở này đều nói về giai đoạn chống Mỹ, đều liên quan đến Hà Nội, nhưng vở “Tiền tuyến gọi” ra đời đúng vào thời kỳ chiến tranh, có tiếng vang tốt; còn vở “Hà Mi của tôi” thì ra đời vào khoảng 1980. - Nếu có thể thêm, theo tôi ở phần Kịch nói nên thêm vở Đêm và ngày (của tác giả Đào Hồng Cẩm), là một tác phẩm hay nói về cuộc chiến chống bành trường Bắc Kinh. Như vậy sẽ đầy đủ hơn cho các sự kiện lịch sử. 5. Tôi không biết Nhà xuất bản dự định Phụ lục này dài bao nhiêu trang, nên không muốn đề xuất thêm, mặc dù còn một số tác phẩm tiêu biểu của vài tác giả khác nữa. Đây là một số ý kiến đóng góp của tôi, hy vọng sẽ có ích để quý vị tham khảo.
TS. Trần Đình Ngôn (18/08/2011)
1. Nói chung nhất trí với sự chọn lọc của NNC Trần Việt Ngữ về những vở kịch, chèo, tuồng, cải lương biểu diễn ở sân khấu Hà Nội và đề tài gắn bó với Hà Nội. 2. Đề nghị xét thêm: - Nên đổi “Suối đất hoa” bằng “Tiếng thét giữa hoàng cung” của Xuân Yến vì đề tài gắn với Thăng Long (về Chu Văn An). - Chuyển “Người công dân số 1” xuống bảng kịch nói vì đó là vở kịch nói do Nhà hát Cải lương diễn, không phải kịch bản Cải lương. - “Vùng sáng” hay “Tôi và chúng ta” chỉ chọn 1 vì cùng là kịch bản thời kỳ đổi mới. Ý tôi thiên về “Tôi và chúng ta”. Vẫn phải khẳng định đây là một công trình Nghiên cứu khoa học có giá trị khoa học về mặt lịch sử và lý luận sân khấu, có nhiều đóng góp mới cho quá trình nhận thức về sân khấu Việt Nam ngày càng đầy đủ hơn, chính xác hơn. Sau khi được sửa chữa, công trình rất cần được xuất bản để cung cấp sách tham khảo cho giới nghệ sĩ Sân khấu và bạn đọc nói chung.
PGS.TS. Chương Thâu (18/08/2011)
1. Tôi hoàn toàn tán thành và hoan nghênh Nhà xuất bản và Tác giả Trần Việt Ngữ bổ sung thêm phần Phụ lục một số bản văn chèo, tuồng, cải lương, kịch nói… vào bản thảo công trình “Nghìn năm sân khấu Thăng Long” để được hoàn chỉnh hơn. Và đó cũng là để “thuyết minh” cho phần nghiên cứu tổng quát về các chương mục ở phần trên của công trình đã viết rất công phu và nghiêm túc của Trần Việt Ngữ. 2. Về số kịch bản văn học được chọn đưa vào Phụ lục, tôi có cảm tưởng “hơi ít”. Vì trong lịch sử sân khấu Hà Nội trước 1945 - 1975 còn xuất hiện một số vở diễn khá hấp dẫn, lại có tính “lịch sử xuất hiện” của nó như một số tuồng Lôi Xích (Le Cid)… do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, cũng như những năm 1946 - 1950 có các vở kịch nói dịch từ nước ngoài được công chúng hoan nghênh như Nhật xuất, Lôi vũ của Tào Ngu (Trung Quốc) rất gây ấn tượng với các nghệ sỹ như Trúc Quỳnh (vai Phồn Y)… là một cái mốc lớn đối với kịch nói của Việt Nam. Sau 1954, còn có một số vở của Liên Xô như Liuba, cũng từng làm chấn động dư luận Thủ đô… Là khán giả của các vở kịch nói ngoại nhập rất hấp dẫn đó, tôi vẫn nghĩ là nó có thể đại diện cho một luồng thưởng thức những cái mới lạ của các nước tân tiến đối với sân khấu Việt Nam. Vậy có nên chọn đưa vào Phụ lục một vài vở diễn không? (để ghi lại dấu ấn lịch sử sân khấu Việt Nam một thời). Vả chăng, theo tôi việc tiếp thu nghệ thuật ngoại lai như trước kia (là tuồng Tàu: Sơn Hậu chẳng hạn, và thời cận hiện đại là tuồng Tây, kịch nói Tây) thì cũng là góp phần làm phong phú sân khấu nói riêng và văn hoá nói chung của lịch sử văn hiến Việt Nam. Ý kiến này xin để tác giả Việt Ngữ và Ban cố vấn Dự án tham khảo. 3. Về tác giả tuồng Việt Nam: Tôi rất muốn tác giả và Ban cố vấn chọn thêm vở tuồng Trưng Vương của tác giả Hoàng Tăng Bí. Về đề tài Trưng Vương đã có ít nhất 5 tác giả soạn vở (Phan Bội Châu; Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện; Nguyễn An Ninh, Tống Phước Phổ, Thanh Khầm…) nhưng theo tôi vở diễn của cụ Hoàng Tăng Bí là tốt nhất cả về nghệ thuật lẫn văn chương. Trước đây, Nhà xuất bản Giáo dục đã in toàn văn bản Trưng Nữ Vương của Hoàng Tăng Bí trong chuyên khảo “Chèo và Tuồng” của tác giả Huỳnh Lý và các giáo trình dạy ở các trường đại học cùng thường trích dạy văn bản tuồng này. Hơn nữa, cụ Hoàng Tăng Bí là một nhân sĩ trí thức - chí sĩ yêu nước tiêu biểu của Hà Nội, là sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ thông hiểu các nền văn hoá, giỏi tiếng Pháp, văn hoá Trung Quốc, văn hoá Việt Nam, rất đáng được tôn vinh là “danh nhân văn hoá Hà Nội”. Việc chọn tác phẩm Trưng Nữ Vương của cụ và đưa vào Phụ lục của “Nghìn năm sân khấu Thăng Long”, tôi nghĩ là rất thoả đáng. Có điều là do dung lượng của phần Phụ lục có được dành nhiều trang in không thì lại là quyền của tác giả và Ban Dự án tính toán. Còn độc giả như giới nghiên cứu lịch sử thì thấy rằng có một Phụ lục căn bản, phong phú như ý muốn là hết sức tiện lợi và cần thiết. 4. Tôi không có ý kiến thay đổi các văn bản Phụ lục như tác giả đã chọn ở cả 4 mục: Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch nói mà chỉ thấy là đáng nên thêm, đưa vào một số văn bản được chọn thêm khác mà tác giả là người có thẩm quyền quyết định. Xin chúc tác giả và Ban Dự án làm việc khẩn trương, chu đáo. Bạn đọc chúng tôi đang chờ đón tác phẩm này sớm được xuất bản.
GS.TS. NSND. Đình Quang (18/08/2011)
Nhìn chung đây là một công trình công phu, là sự cố gắng rất lớn của tác giả do dung lượng nội dung đa dạng lại dàn trải cả hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng cũng chính do nội dung đa dạng và thời gian cả ngàn năm nên chưa thể hoàn hảo ngay được, tuy vậy đã là một cơ sở để tác giả có thể tiếp tục hoàn chỉnh. Sau đây là một số góp ý để tác giả suy nghĩ thêm: 1. Cần đặt công trình này trong khuôn khổ Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, cùng với nó còn khá nhiều cuốn chuyên khảo về các mặt lịch sử, xã hội, văn hóa... Hơn nữa, cho tới nay cũng đã có khá nhiều chuyên khảo về từng bộ môn sân khấu, cũng như một số nghệ nhân nổi tiếng. Tuy là chuyên khảo chung về từng bộ môn nhưng phần lớn đều nói nhiều tới tình hình hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội do vị thế của nó trong lịch sử. Riêng về “Nửa thế kỷ sân khấu Hà Nội” cũng đã có một chuyên khảo độc lập. 2. Do đó, khi soạn thảo không nên coi đây là một tiếng nói đơn độc, nên chọn một hình thức viết thế nào cho phù hợp nhất, đầy đủ mà không nhiều trùng lặp. Khi cần nhắc tới các mặt khác, ví như khi nói về lịch sử, bối cảnh xã hội thì chỉ nên viết một cách tóm lược và bị chú chỉ dẫn nguồn tham khảo để tránh quá dài, khiến người đọc ngại và cứ phải đọc khá nhiều điều đã biết qua các sách khác. Cứ như bản thảo hiện nay là quá dài, còn dài hơn cả những cuốn nói về sân khấu của các nước đã có lịch sử lâu hơn và phát triển hơn. 3. Tránh quá nhiều trích dẫn nguyên bản... chỉ cần nhắc ý tóm tắt và chú thích nguồn tra khảo khi ai cần biết rõ hơn. Nếu tính riêng các trích dẫn thì hiện số trang đã chiếm tỉ lệ quá nhiều. 4. Cần xác định lại đối tượng khảo sát. Nói về sân khấu Thăng Long - Hà Nội có nghĩa là chỉ tính những thiết chế thuộc tổ chức biển chế Thăng Long - Hà Nội hay là chung các hoạt động sân khấu trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội (kể cả các thiết chế sân khấu của TW?). Nếu chỉ tính theo tổ chức thì sẽ làm cho hoạt động sân khấu Thăng Long - Hà Nội nghèo đi và cũng không phản ảnh được hoạt động thực sự của sân khấu diễn ra trên đất này và rồi những tổ chức không thuộc Nhà nước sẽ tính vào đâu? Ở các nước khi nói về hoạt động sân khấu của một thành phố nào đó người ta không chỉ tính là thuộc biên chế của thành phố đó hay không mà là hoạt động của mọi thiết chế thường trực diễn ra tại thành phố đó. 5. Bản thảo hiện nay còn nặng nhiều tư liệu hơn là lý luận nhận thức, đánh giá. Ví dụ: So sánh thành quả các thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc và sau cách mạng, thời kỳ bao cấp và sau mở cửa.. cũng như nói về tính hòa bình, nhân ái giữa các triều đại mà trong bản góp ý này chúng tôi không thể trình bày cặn kẽ được. Và tỷ lệ tư liệu cũng không thống nhất theo một yêu cầu nào mà chỉ theo kết quả sưu tầm được nhiều hay ít. Ví dụ: khi nói về các vở diễn gần đây bản thảo đã liệt kê cả hệ thống các nghệ sĩ tham gia sáng tạo còn các vở diễn trước kia thì không? 6. Lời mở đầu không rõ nhiệm vụ của nó là gì? Lẽ ra nên nói mục tiêu, phương pháp, giới hạn đối tượng khảo sát... Tính chất của công trình là sử hay nghiên cứu học thuật? Đối tượng bạn đọc của nó là ai? Vì mỗi đối tượng có yêu cầu khác nhau. Hiện lời mở đầu không rõ định nói gì? 7. Căn cứ để chia giai đoạn và thời kỳ là gì (3 giai đoạn, 2 thời kỳ)? Cách chia này thể hiện ra trong bố cục như thế nào? 8. Trong phần 1 nên chăng chỉ cần có một chương nói qua về sự hình thành chung của sân khấu, một chương cho tuồng và chèo, và một chương chung cho xiếc và rối? Không nên có từng chương riêng cho sự hình thành và hoàn thiện của chèo và tuồng. 9. Có nên có phần về Hiền tài sân khấu Thăng Long - Hà Nội hay không? Phần này chiếm dung lượng 97 trang. Liệu có nên dành cho các tập nói về từng nghệ sĩ như trước đây chúng ta đã có hàng chục cuốn chuyên khảo? 10. Nên chú ý thêm về văn phong. Hiện nay nhiều chỗ nặng về văn nói hơn viết và cũng nên chú ý cả về văn phạm, những tên riêng sai... Tôi có cảm giác nhiều chỗ còn cẩu thả.
GS.TS. Kiều Thu Hoạch (15/07/2009)
Bản thảo Nghìn năm sân khấu Thăng Long có tư liệu phong phú và có giá trị khoa học. Nhờ đó, tác giả đã giới thiệu cho người đọc thấy được diện mạo của sân khấu Thăng Long - Hà Nội trong suốt tiến trình lịch sử từ khi khởi dựng kinh đô Thăng Long cho tới nay. Phạm vi nghiên cứu của đề tài đã bao quát được tất cả các loại hình sân khấu từng hiện diện qua các thời đại. Mỗi loại hình đều được trình bày khá hoàn chỉnh, hệ thống từ lịch sử hình thành đến quá trình phát triển cùng những thành tựu nghệ thuật và cả sự tiếp nhận của khán giả. Cấu trúc tác phẩm tương đối hợp lý, góp phần nhất định vào việc phản ánh nội dung của tác phẩm vừa theo lịch đại vừa theo đồng đại. Và chính là nhờ vào cấu trúc theo cả hai hướng lịch đại, đồng đại mà tác phẩm đã miêu tả khá sống động hơi thở của thời đại, gợi cho người đọc nhiều hứng thú như là cảm thức của người đương thời, hay nói khác đi đó chính là cái cảm thức của “nhập thân văn hóa” theo quan niệm của nhân loại học. Phương pháp nghiên cứu cũng như phương pháp thao tác khoa học đạt kết quả tốt do kết hợp đồng bộ giữa khảo tả và phân tích, lý giải. Nhờ vậy không chỉ đưa tới cho người đọc những nhận thức lịch sử cụ thể về sân khấu Thăng Long - Hà Nội mà còn khiến người “ngoại đạo” có được phần nào những tri thức chuyên ngành nói chung
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)