Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách địa lý
Địa chí Hà Tây
Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và Ông Đặng Văn Tu (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 970 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 2 - Trung bình: 5.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

Địa chí Hà Tây là bộ sách chuyên khảo viết về lịch sử văn hóa của các làng ở tỉnh Hà Tây. Công trình khảo cứu giới thiệu một số bản hương ước ở Hà Tây sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu để hiểu biết về quá trình lập làng, giữ gìn thuần phong mĩ tục của nhân dân ta.

Kế thừa kết quả công trình được xuất bản lần trước, lần này Địa chí Hà Tây được cấu trúc theo 5 phần, đặt làm 5 chương:

Chương I: Đất và người Hà Tây

Chương II: Lịch sử truyền thống

Chương III: Kinh tế

Chương IV. Văn hoá xã hội

Chương V. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Tây

Cuốn sách giúp cho nhiều thế hệ người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng hiểu rõ về mọi phương diện xưa và nay của một vùng đất thuộc về thủ đô mới hôm nay.

Sách cùng chuyên mục

Atlas Thăng Long – Hà Nội

 “Atlas Thăng Long – Hà Nội” là hệ thống bản đồ và thuyết minh về địa lý, lịch sử, kinh tế và văn hóa – xã hội của thành phố “Rồng bay” nghìn năm văn hiến. Atlas là một công trình khoa học tổng hợp và liên ngành, có thể được sử dụng làm nguồn tài liệu hữu ích cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, quản lý đô thị, đầu tư phát triển và tìm hiểu tổng quát hoặc chuyên sâu về thủ đô Hà Nội.

Trương Quang Hải (chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
180 trang
21x30cm

Địa bạ cổ Hà Nội

Cuốn sách do GS. Phan Huy Lê (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Địa lý.

GS.Phan Huy Lê (Chủ biên)
NXB Hà Nội
2010
1728 trang

Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.
PGS.TS Vũ Văn Phái (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
280 trang
16 x 24

Giới thiệu sách “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (Từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”

Cuốn sách “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (Từ đầu thế kỷ XIX đến nay)” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh làm chủ biên là một cuốn sách nghiên cứu về địa danh từ cách tiếp cận lịch đại. Cuốn sách không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn cao. Với mục tiêu tìm hiểu, khôi phục, nghiên cứu quá trình biến đổi địa danh nhằm tìm ra nguyên tắc cấu tạo và giá trị lịch sử - văn hóa, cuốn sách đã tái hiện một bức tranh đầy màu sắc, hết sức sinh động và khoa học về hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long - Hà Nội truyền thống (tập trung chủ yếu vào 2 huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương) từ thế kỷ XIX đến nay.

Nguyễn Thị Việt Thanh
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
584
16x24

Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
TS. Đỗ Xuân Sâm (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
592 trang
Ý kiến bạn đọc
PGS. TS Vũ Thanh (25/08/2011)
1. Cầm tập bản thảo Địa chí Hà Tây trên tay, quả thật tôi thấy hơi ngỡ ngàng và có nhiều băn khoăn suy nghĩ. Vì sao Hà Tây đã được sáp nhập vào Hà Nội rồi mà chúng ta vẫn tiếp tục xuất bản địa chí về Hà Tây? Nhất là cuốn sách dày dặn gần một ngàn trang này cũng được xếp là một trong những công trình quan trọng của bộ sách Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ? Nhưng rồi đọc toàn bộ tập bản thảo, tôi càng nghiệm ra một điều là việc biên soạn, chỉnh lý, bổ sung Địa chí Hà Tây và cho xuất bản vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một công việc hết sức có ý nghĩa và hợp lý. Một Hà Nội mở rộng sẽ cần chấp nhận một sự đa dạng và phát triển hài hòa của những tinh hoa vùng miền khác nhau hợp thành. Những đặc trưng khác biệt của một Hà Tây nhiều ngàn năm cần phải được duy trì và tiếp tục nở rộ trong lòng một Hà Nội rộng lớn. Tuy nhiên, để cho một công trình như Địa chí Hà Tây có thể tồn tại và phát huy hết những giá trị của nó, các tác giả của tập sách cần phải làm rõ điều đó trong Lời giới thiệu và trong một số nội dung của tập sách trên tinh thần Hà Tây đã trở thành một miền đất không thể thiếu được của Thăng Long ngàn xưa và Hà Nội ngày nay. Đây là một công trình khoa học rất có giá trị, là công sức của nhiều nhà khoa học từ nhiều chuyên ngành khác nhau, nhiều phần của cuốn sách là những phát hiện khoa học đã được khẳng định cùng thời gian và được bạn đọc chấp nhận. Tập sách đã đề cập đến nhiều lĩnh vực của Hà Tây lịch sử, hội tụ được nhiều thành tựu của các ngành khoa học và văn hóa khác nhau. Rất nhiều phần được viết công phu, uyên bác, đặc biệt những chuyên mục khai thác được vốn tài liệu từ các kho lưu trữ Hán Nôm và văn hóa dân gian địa phương... Tư liệu được các tác giả cuốn sách sử dụng là phong phú, cơ bản và đáng tin cậy. Công trình cũng tập trung thống kê, hệ thống hóa và cập nhật được các nguồn tài liệu mới, kể cả bổ sung và đính chính sử liệu, đánh giá các nhân vật, sự kiện theo tinh thần khách quan, khoa học. Đó là những đóng góp đáng kể của cuốn sách. 2. Sau đây là một vài ý kiến của chúng tôi với mong muốn góp ý cho cuốn sách được tốt hơn: xin được lần lượt nhận xét từng phần của công trình. - Mục lục cuốn sách còn có một số phần không ăn khớp với phần nội dung bản thảo như: mục III.3. Các tướng lĩnh quân sự và các nhà khoa học tiêu biểu trong Mục lục (thực ra là không có trong bản thảo) bị trùng lặp với mục III.1 và III.2 trong bản thảo. Mục III.4 trong Mục lục thực ra là mục III.3 trong bản thảo. Mục lục: VIII.2. Đóng góp của người Hà Tây với văn học Việt Nam hiện đại, trong bản thảo lại là: VIII.2. Văn học thành văn Hà Tây , VIII.2.1. Văn học thời cổ trung đại vv... Việc sắp xếp như vậy là còn khá lộn xộn, các tác giả tập sách cần phải đầu tư thời gian chỉnh sửa, đối chiếu cho chính xác. - Nhiều địa danh, sự kiện... của Hà Tây cũ cần phải được cập nhật các thông tin mới trên tinh thần Hà Tây ngày nay đã là một phần quan trọng của Hà Nội. Về mặt này các soạn giả tập sách làm chưa thật tốt. Các chú thích ghi chú “Nay thuộc tỉnh Hà Tây” cần phải được lược bỏ hoặc chỉnh lại là “Nay thuộc Hà Nội”... Ví dụ phần chú ở trang 235, dòng 8 từ dưới lên... và rải rác trong nhiều trang khác của cuốn sách. - Về kết cấu của cuốn sách: cuốn sách có một kết cấu khá hoàn thiện, đầy đủ. Tuy nhiên, theo tôi, các soạn giả cần phải bổ sung thêm một số nội dung sau: + Vì Hà Tây là miền đất cổ giàu giá trị truyền thống và văn hóa, miền đất duy trì được nhiều đặc trưng của văn hóa Việt, nên nhất định phải có những phần biên soạn về các dòng họ lớn ở địa phương, nhất là những dòng họ có những đóng góp lớn vào lịch sử và văn hóa dân tộc như dòng họ Nguyễn Nhị Khê, dòng họ Ngô Thì (Ngô gia văn phái) Thanh Oai, dòng họ Phan Huy ở Quốc Oai, dòng họ Đặng ở Lương Xá (Chương Mỹ) vv... + Ở mục Danh nhân Hà Tây cần phải bổ sung (hoặc chuyển từ các phần khác sang sau khi đã sửa chữa, nâng cao thêm) các nhân vật sau: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh, Nguyễn Trực, Ngô Thì Nhậm, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... Các vị này hết sức xứng đáng được xếp bên cạnh các nhân vật khác ( có phần còn kém hơn) như Phạm Tu, Đặng Huấn, Lý Tử Tấn, Nguyễn Thiến... + Một nhà thơ, một kiến trúc sư rất nổi tiếng và có công lớn với Hà Tây nữa không hề thấy được nhắc đến là Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905). Vị Tiến sĩ khoa Nhâm thìn đời Thành Thái 1892 này đã gia công vẽ kiểu chùa Thiên Trù (Chùa Hương) và đứng ra trùng tu chùa ấy. Ông cũng là người có công bảo tồn, tôn tạo nhiều công trình khác ở chùa Hương. Chu Mạnh Trinh là nhà thơ có những bài thơ hay vào bậc nhất viết về Chùa Hương như Hương Sơn hành trình, Hương Sơn nhật trình, và một bài hát nói đặc biệt hay là Hương Sơn phong cảnh ca. Những đóng góp của ông cho Hà Tây cần phải được ghi nhận. + Cần bổ sung thêm nhà thơ Dương Lâm (1851 – 1920) quê ở Vân Đình vào danh sách các nhà thơ, nhà văn thời trung đại. + Đặng Đình Hưng không chỉ là nhạc sĩ mà còn là một nhà thơ với những cách tân đã có đóng góp cho sự phát triển của thơ ca dân tộc. Đoạn viết về ông ở trang 880 là chưa đầy đủ. Cần bổ sung phần viết về ông ở mục Văn học với tư cách một nhà thơ. Về các nhà thơ, nhà văn này, các soạn giả nên tham khảo cuốn Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, 2004. Cuốn này không thấy có trong phần Phụ lục, Tài liệu tham khảo ở cuối sách. + Ở chương 5 – Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Tây không hiểu lý do tại sao lại không thấy các soạn giả của tập sách nhắc đến Khu di tích Đồi Đá Chông K84 ở Hà Tây hết sức quan trọng, liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ngày nay ai cũng biết ? - Hà Tây xưa và nay đều là vùng đất của các lễ hội truyền thống nhưng mục viết về Lễ hội (tr.637 – 642, khoảng 5 trang) là chưa bề thế. Nếu có thể nên đầu tư thêm cho phần viết này. - Một điểm nữa là khi viết về phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng ngoài phần viết về người Kinh, các soạn giả nên bổ sung ít nhiều những tri thức về các dân tộc khác trên đất Hà Tây, nhất là người Mường và người gốc Chàm..., không nên chỉ chú trọng có người Kinh. - Đạo Thiên Chúa là một trong vài tôn giáo chủ chốt trong cộng đồng cư dân Hà Tây nhưng phần viết về tôn giáo này, theo tôi, ở một vài chỗ còn đơn giản. Ví dụ câu: “Sau đó, giai cấp tư sản thống trị đã lợi dụng - Thiên Chúa giáo trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích của họ” có lẽ vẫn được viết đơn giản theo quan điểm trước đây, nên được viết lại cho cụ thể, chính xác, phù hợp hơn. Hoặc đoạn văn: “Như vậy, có thể nói đạo Thiên chúa đã có kết quả truyền giáo đối với cư dân vạn chài, cư dân đất bãi, cư dân ở đồn điền thường có đời sống kinh tế không ổn định. Đó cũng là nguyên do đẩy họ đến với đức Chúa Trời”. Câu cuối cùng nên viết lại cho đầy đủ với một thái độ trân trọng hơn. Kinh tế không ổn định chưa phải là nguyên nhân chính khiến các cư dân trên theo đạo Thiên Chúa. - Phần viết về văn học (VIII.2. Văn học thành văn Hà Tây) nói chung chưa thật tốt, nhất là mục viết về văn học hiện đại, nhiều chỗ khá lộn xộn. Các chương viết về các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa... nhiều chỗ cũng ở trong tình trạng tương tự. Ở các chương, mục này các soạn giả chưa nêu bật được một cách khái quát các đặc điểm cơ bản mang đặc trưng của văn học, nghệ thuật Hà Tây. Phần viết về các tác giả không đều tay, có tác giả được viết quá ngắn, quá ít thông tin, như về Nguyễn Đôn Phục (tr.832), Văn Thảo Nguyên (tr.843), Phạm Khải (tr. 851), các họa sĩ ở trang 870... Đoạn về Vũ Đình Long các câu nên viết liền mạch, không nên để rời rạc và có chỗ không chấm câu như hiện nay. + Phần viết về các tác giả văn học bắt đầu từ 2.2.4. Từ 1945 -1954 và 2.2.5. từ 1955 – nay là khá lộn xộn. Sự sắp xếp thứ tự sau trước không theo một tiêu chí cụ thể nào cả (?). Có lẽ nên xếp theo thứ tự năm sinh của các tác giả thì sẽ hợp lý hơn. Quy cách biên soạn cũng khá tự do (?). Có lúc thì ghi tên tác giả trước, rồi ghi “nhà văn”, hoặc “nhà thơ” sau, có lúc thì ngược lại. Có tác giả sau bút danh là tên thật, có tác giả ghi hai tên nhưng chẳng giải thích đâu là tên thật, đâu là bút danh, người thì có năm sinh, năm mất, người thì không (Phan Kế An, trang 868)... Việc chấm câu trong phần này cũng khá lộn xộn. Hội đồng biên soạn cần biên tập lại các chương đoạn này một cách kỹ lưỡng hơn. Quan trọng hơn là nên lược bớt một số tác giả không có tên tuổi, cả ở các phần viết về nghệ thuật (như trang 870 liệt kê hàng loạt tên các họa sĩ, nhiều người trong số đó không có tác phẩm, thông tin về họ chưa viết hết một dòng). - Một số câu chữ diễn đạt cần được chỉnh sửa như ở trang 259, dòng 11 từ trên xuống viết “Cao Bá Quát thua bị chết”. Đây là ngôn từ của người biên soạn chứ không phải trích dịch từ sử liệu nên cần phải diễn đạt lại để thể hiện sự trân trọng với danh nhân. Trang 864, dòng 6 từ dưới lên, khi nêu tên các tác giả được Huy chương vàng và Huy chương bạc, soạn giả chỉ viết độc tên người trong ngoặc đơn mà không có họ: (Hòa, Huyền: vàng), (Dũng, Phương: bạc). Cần phải viết lại đầy đủ và trân trọng. Trang 868, dòng 4 trên xuống: “Ông đã đem cây cọ phục vụ kháng chiến...” (?); trang 869, dòng 8 từ dưới lên: “Một họa sĩ kiêm thi sĩ tưởng đưa chất họa vào thơ và chất thơ vào họa” (?); trang 880, dòng 11 dưới lên viết “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”... đều là những câu cần sửa chữa cho chính xác. Rải rác ở một vài trang vẫn còn có lỗi vi tính và lỗi câu. Như ở trang 217: chữ “Đại” ở dòng thứ 3 cần phải được in nghiêng; Bài thơ của Trần Quang Khải hai từ đầu là “Đoạt sóc” chứ không phải “Đoạt sáo”... Các sai sót ở nhiều trang như trang 262, 263, 266, 315, 316, 374, 383, 823, 825, 843, 844, 846... đã được tôi sửa chữa trực tiếp vào bản thảo Tôi trân trọng đánh giá cao công phu của văn bản Địa chí Hà Tây. Một vài ý kiến nhận xét ở trên là những góp ý thêm trên tinh thần xây dựng, mong muốn cho công trình khi ra đời sẽ được bạn đọc chào đón và góp phần tích cực thiết thực chào mừng ngày Đại lễ của Thủ đô và dân tộc.
PGS. TS Nguyễn Công Việt (25/08/2011)
1. Nhận định chung Hà Tây là một tỉnh trước đây diện tích phần lớn giáp ranh địa phận Hà Nội và có quan hệ mật thiết với thủ đô trên nhiều lĩnh vực. Cuốn Địa chí Hà Tây được biên soạn năm 1999 và tái bản năm 2008 là một công trình mang ý nghĩa khoa học và văn hóa đã được độc giả trân trọng khen ngợi. Việc tái bản có bổ sung Địa chí Hà Tây năm 2010 khi mà Hà Tây đã trở thành máu thịt của thủ đô mang một ý nghĩa không nhỏ trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời còn đóng góp cho việc chuẩn bị xây dựng một bộ Địa chí Hà Nội đồ sộ trong giai đoạn kế tiếp này. 2. Đóng góp mới - Trong lần tái bản này các tác giả đã sắp xếp lại bố cục kết cấu cuốn sách gọn và hợp lí hơn. Đã bổ sung hoàn chỉnh khoảng hơn 100 trang sách, cụ thể trong 3 chương Lịch sử truyền thống, Kinh tế, Văn hóa xã hội. Chương II. Lịch sử truyền thống: Đã bổ sung thêm năm nhân vật lịch sử là Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Trạng nguyên Nguyễn Thiến, danh tướng Mạc Ngọc Liễn, Đô đốc Đặng Tiến Đông và danh y Hoàng Đôn Hòa. Chương III. Kinh tế: Bổ sung thêm một số chợ khai thác từ bi kí và thư tịch Hán Nôm như chợ Nghệ - Sơn Tây, chợ Chuông – Thanh Oai, chợ Nủa – Thạch Thất. Chương IV. Văn hóa xã hội: Bổ sung thêm một số làng khoa bảng. - Bên cạnh đó ở rải rác một số trang trong các chương mục khác nhau các tác giả đã chỉnh sửa một số điểm sai hoặc chưa chính xác mà khi tái bản trước đây chưa có điều kiện tra cứu. - Nhìn chung tôi đánh giá tốt về cố gắng của nhóm biên tập tái bản lần thứ 2 năm 2010 do PGS. TS Nguyễn Tá Nhí phụ trách thực hiện. 3. Một vài ý kiến nhỏ với các tác giả - Trang 20: Lưu ý quá trình thay đổi của TP. Hà Nội. - Trang 99. Xem lại tác giả sách Bắc thành địa dư chí? -Trang 254. Minh Mệnh dụ Đốc phủ, Bố chánh, Án sát. Tên chức quan Đốc phủ là Tổng đốc, Tuần phủ được đặt từ sau cải cách Minh Mệnh 1831. - Trang 368. Thời Trần Đặng Lộ đổi lịch Thụ thì sang Hiệp kí- nên viết lại cho chuẩn hơn. Từ thời Trần nước ta mới làm lịch theo phép lịch Thụ thời giống nhà Nguyên. Đến cuối thời Trần mới đổi lịch Thụ thời làm Hiệp kỉ lịch. Sang thời Lê ta dùng theo lịch pháp Đại thống nhà Minh. Đến nhà Nguyễn dùng lại Hiệp kỉ lịch. -Trang 645. Việc tang trên quan tài thắp 3 đến 5 ngọn nến? Thực ra phải thắp 7 ngọ nến đặt theo âm Đẩu thất tinh gọi là Đẩu, Thược, Quyền, Hành, Tất, Phủ, Phiêu. - Trang 661. Phần III Các Tôn giáo. Việc xếp Nho giáo trong mục Tôn giáo? Về quan điểm cách nhìn ở đây sau này khi làm Địa chí Hà Nội cần có sự thống nhất. Nho giáo là học thuyết chính trị xã hội khác tôn giáo là hình thái và ý thức xã hội… Nên chăng xếp Nho giáo sang mục văn hóa giáo dục truyền thống… - Trang 720. Lịch sử y: Sang thời Hậu Lê có Nguyễn Trực? Chính ra Nguyễn Trực ở thời Lê sơ. - Nên lược bớt tên vài ba tác giả thơ văn đương đại không tên tuổi đi. 4. Kết luận Bản thảo Địa chí Hà Tây năm 2010 đã được các tác giả thực hiện nghiêm túc có sửa chữa, bổ sung sắp xếp lại bố cục, trên cơ sở xem xét thêm tư liệu Hán Nôm và tra cứu cẩn thận. Tiếp thu ý kiến xây dựng của các thành viên trong Hội đồng, bản thảo chỉ cần chỉnh sửa chút ít có thể chuyển nhà xuất bản in ấn và ra mắt bạn đọc cố gắng kịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
TS. Nguyễn Hữu Mùi (25/08/2011)
Địa chí là sách tổng hợp tri thức về nhiều lĩnh vực của một làng, một xã, một huyện, một tỉnh cho đến một nước. Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh thành ở nước ta chú trọng biên soạn sách Địa chí của địa phương được giới nghiên cứu và bạn đọc trân trọng đón nhận. Sách Địa chí Hà Tây xuất bản lần đầu vào năm 1999 cũng nằm trong số đó. Từ đó đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tây có sự phát triển không ngừng, lĩnh vực kinh tế, An ninh quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội đều chuyển biến tích cực, thu được nhiều thành tựu quan trọng thì việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm, những tư liệu mới trong quá trình nghiên cứu để tái bản thành sách Địa chí mới là điều cần thiết. Bản thảo lần này, tên sách Địa chí Hà Tây vẫn để nguyên là hợp lý, bởi đây là sách tái bản, mặc dù tỉnh Hà Tây hiện nay đã sáp nhập vào Thành phố Hà Nội. Tên tác giả tham gia biên soạn hai lần trước và lần này đều ghi rõ ràng, vừa để tôn trọng quyền tác giả, vừa để đảm bảo sự kế thừa. Kết cấu của công trình, trước đây chia làm 9 phần, là Điều kiện tự nhiên, dân cư và dân số; Lịch sử; Kinh tế; Du lịch và danh lam thắng cảnh; Y tế - Giáo dục; Thành tựu văn hoá – Khoa học kỹ thuật; một vùng văn học; Tôn giáo và tập quán văn hoá; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Tây thì nay điều chỉnh, sắp xếp thành 5 phần, là Đất đai và người Hà Tây; Lịch sử truyền thống; Kinh tế; Văn hoá xã hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Tây. Kết cấu như vậy không chỉ gọn cho đề mục mà còn bổ sung được nhiều tư liệu cần thiết, làm cho sách thêm đầy đủ, dày hơn 900 trang. Đi vào từng phần của bản thảo, mỗi phần đều được trình bày rất tỷ mỷ, công phu, các mục được sắp xếp khoa học, đặc biệt ở đây có sử dụng khá nhiều biểu bảng giúp người đọc dễ nắm bắt số liệu cũng như các thông tin cần thiết cho công việc. Nói tóm lại, do đây là bản thảo dựa trên công trình qua hai lần xuất bản, nay được bổ sung nhiều tư liệu, lại thêm các chuyên gia ở Viện Hán Nôm, Viện Sử học, trong đó có nhiều người đã từng biên soạn nhiều bộ sách Địa chí cho các tỉnh tham gia vào công việc biên tập cho lần xuất bản thứ ba thì có thể khẳng định đây là công trình đạt chất lượng vào loại tốt. Công trình này khi xuất bản sẽ đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu khoa học cũng như dùng cho người làm công tác quản lý, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Để công trình xuất bản ở lần thứ ba đạt chất lượng tốt hơn nữa, chúng tôi chỉ góp ý vào Phần Lịch sử truyền thống, tức Chương 2, thuộc các Mục 1.1 và Mục 1.2. (từ trang 198 đến 207). Ở Mục 1.1, dưới tiêu đề Nhân dân Hà Tây tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các tác giả sử dụng nhiều tư liệu trong Thần tích của Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền để chứng minh cho nhận định nêu ở tiêu đề là điều cần xem lại. Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa từ năm 40 đến năm 43 sau công nguyên, các bộ chính sử của chúng ta vốn ghi rất vắn tắt về sự kiện này. Điều đó có nghĩa đây là thời kỳ khan hiếm về tư liệu, nay nhân vì thế mà thay thế bằng tư liệu trong Thần tích đứng tên tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền, mà loại hình Thần tích của hai tác giả này đều được biên soạn dưới triều Nguyễn, có nguồn gốc ở xã Bằng Đắng và Đền Hùng, những tư liệu ở đây đều ở dạng hư cấu, thì không thể chính xác, nếu như xét về mặt sử liệu. Tiếp đến ở Mục 1.2, dưới tiêu đề Tham gia khởi nghĩa Lý Nam đế, các tác giả cũng sử dụng tư liệu trong Thần tích của Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền để minh hoạ cho cuộc đấu tranh ở thời kỳ này của người dân Hà Tây, mặc dù không nhiều như ở phần trên. Theo chúng tôi, 2 mục này vẫn để nguyên nhưng viết thành một mục và chỉ sử dụng tư liệu trong chính sử và các tư liệu khác khi đã thấy đảm bảo độ tin cậy, trừ những tư liệu Thần tích của hai tác giả nói trên. Như thế dù ở mục này có ngắn gọn đi chăng nữa thì vẫn đảm bảo tính khoa học do được sử dụng tư liệu có độ chính xác cao. Còn tư liệu Thần tích ở 2 Mục vừa nêu vẫn tận dụng và đưa xuống phần Tín ngưỡng dân gian, thuộc Mục Thờ Thành hoàng làng, ở trang 660 thì sẽ hợp lý hơn.
TS. Phạm Văn Thắm (25/08/2011)
1- Tôi nhận được tập bản thảo Địa chí Hà Tây với độ dày 928 trang. Tôi đã đọc với tấm lòng hết sức trân trọng. Phải nói rằng tập bản thảo Địa chí Hà Tây được biên soạn rất công phu, tỷ mỉ và sáng tạo. Sự sáng tạo thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, bản thảo được trình bày không theo khuôn mẫu sách địa chí của một số địa phương đã xuất bản trước đó. Bản thảo có các phần: Đất và người Hà Tây; Lịch sử truyền thống; Kinh tế; Văn hóa xã hội; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Tây. Thứ hai, nhóm biên soạn đã thu thập một khối lượng tư liệu đồ sộ, nhất là mảng tư liệu Hán Nôm, từ đây các nhà biên soạn đã xây dựng một tập bản thảo cung cấp cho người đọc một cái nhìn có hệ thống về các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội của Hà Tây trước kia. Trong mỗi phần, các soạn giả đã chia ra các mục nhỏ ví như phần chính trị có phần địa lý hành chính, các soạn giả đã trình bày diên cách địa lý hành chính của Hà Tây từ xưa đến nay như Hà Tây xưa thuộc quân Giao Chỉ cho đến năm 2007, Hà Tây có 2 thành phố, 12 huyện, 296 xã. Phần Lịch sử truyền thống, các soạn giả đã trình bầy quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của người Hà Tây từ thời Hai Bà Trưng đến công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong phần này, các soạn giả đã thống kê các thành tích chiến đấu của người Hà Tây. Một chiếc gậy ở Hòa Xá trở thành phong trào chiếc gậy Trường Sơn, Cầu Giẽ biểu tượng của một cụm chiến đấu giữ vững mạch máu giao thông trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, một danh mục các đợn vị, các bà mẹ được phong tặng Anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã làm xúc động người đọc. Bản thảo Địa chí Hà Tây cũng cung cấp cho người đọc biết được những đặc sản nổi tiếng của Hà Tây như lụa, the, các loại quả như mít, bưởi, vải , khế... 2- Căn cứ vào những kết quả mà các soạn giả đã trình bày trong công trình Địa chí HàTây, tôi nhận thấy các soạn giả đã thể hiện sự lao động cần cù, nghiêm túc, có tư duy khoa học. Sản phẩm của đề tài đóng góp thiết thực cho việc phát triển kinh tế xã hội. Tôi đề nghị Hội đồng thông qua tập bản thảo Địa lý Hà Tây do PGS. TS Nguyễn Tá Nhí và ông Đăng Văn Tu làm chủ biên và đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội cho in để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
GS.TS. Trương Quang Hải (25/08/2011)
1. Vấn đề tên sách: Từ 1/8/2008, với quyết định mở rộng Hà Nội, trên bản đồ Việt Nam tỉnh Hà Tây đã không còn tồn tại. Quá trình chỉnh sửa để tái bản cuốn sách này đã kéo dài trong nhiều năm, bắt đầu từ trước khi có quyết định mở rộng thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại cần xem lại có nên xuất bản cuốn sách địa chí với tên của một tỉnh đã không tồn tại. Cần tìm cho cuốn sách một tên mới, dù không muốn, có thể là “Địa chí thành phố Hà Nội (phần Hà Tây cũ)”. Cùng với tên gọi, nhóm tác giả cũng cần xem xét, chỉnh sửa lại “Lời giới thiệu” đưa thêm một số thông tin liên quan đến quá trình chỉnh sửa từ khi có quyết định mở rộng Hà Nội đến khi cuốn sách được xuất bản: cập nhật thời gian viết lời giới thiệu và cả chức danh của ông Đặng Văn Tu – đồng chủ biên. 2. Kết cấu cảu cuốn địa chí về cơ bản là hợp lý, khoa học, song cũng còn vài điểm cần xem xét, chỉnh sửa thêm: - Cuốn sách bao gồm 5 chương được đánh số theo hệ chữ số Lã Mã từ 1 đến V: mỗi chương lại bao gồm nhiều mục lớn được đánh số bằng chữ suố La Mã từ I đến hết: sau đó đến các mục được đánh số kết hợp giữa chữ số La Mã, thứ tự của mục lớn và một chữ số theo hệ chữ số thập phân (1, 2, 3...)thể hiện thứ tự của mục: tiếp theo là các tiểu mục được đánh số bằng 2 chữ số hệ thập phân: chữ số đầu bên trái là thứ tự của mục và đnáh số như thế này thì khá phức tạp, gây khó khăn cho người tra cứu. Nên chăng có thể chuyển 5 chương thành 5 phần: từ phần 1 đến hết; sử dụng hệ chữ số thập phân đặt bên cạnh chữ “chương”. Bên dưới chương là các mục và tiểu mục được đánh số theo cách hiện hành, sử dụng hệ chữ số thập phân, chữ số đầu tiên bên trái là số thứ tự chương; số thứ 2 là số thứ tự mục, số thứ 3 là thứ tự tiểu mục (ví dụ: 1.1.1.1; 2.1.2.3...) - Chương I: “Đất và người Hà Tây”, từ phần I đến phần VIII không có gì phải bàn, nhưng phần IX “Dân số dân cư” thì cần xem xét lại: (1) mục IX.1 “Thiên nhiên và con người tiền sử trên đất Hà Tây” vế thứ nhất “Thiên nhiên” sẽ khó phân định giữa phần viết này và các phần viết về địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, đát đai, thực vật và động vật ở trên: vế thứ 2 “con người tiền sử Hà Tây” lại dễ trùng lặp với phần 1 của chương II “Thời kỳ tiền sử”. Nên chăng chương I chỉ tập trung viết về các điều kiện tự nhiên, địa ý, địa chất, còn phần viết về “con người” sẽ tích hợp vào phần viết ở các chương sau (các chương sau đề viết về con người Hà Tây mà). Tên gọi của chương II “Lịch sử truyền thống” cũng gây ít nhiều thắc mắc Lịch sử là “Quá trình ra đời, phát triển đã qua “Truyền thống là Đức tính tập quán, tư tưởng, lối sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” Vậy “Lịch sử truyền thống” là gì? Nên chăng gọi tên chương đơn giản là “Lịch sử”. Thực ra nội dung của chương cũng chỉ tập trung phản ánh lịch sử vùng đất Hà Tây từ cổ địa đến ngày nay mà thôi. Trong chương II, phần III “Danh nhân Hà Tây” Tại sao lại có sự trùng lặp như vây: có thể bở đi mục III.3 để tập trung vào ba mục còn lại (?) - Chương III “Kinh tế “ phần I “Nông nghiệp” được chia là 4 mục, từ I1 đến I.4;ở mục 1.1 “Thủy lợi hóa thời xưa” 1.2 “Những công trình Thủy lợi xây dựng từ thời Pháp đến nay còn phát huy tác dụng” và 1.3 “Sự nghiệp thủy lợi hóa của Hà Tây từ 1954 đến nay”. Vấn đề đặt ra là “Kinh tế nông nghiệp truyền thống” đâu chỉ có thủy lợi? Cần phải đề cập ở đây nhiều vấn đề khác như trồng trọt, chăn nuôi và hoạt động khai thác các nguồn lợi thiên nhiên...(?). 3. Chú thích dưới chân trang cần thống nhất về hình thức trong cả sách (sử dụng chữ số hệ thập phân: có ngoặc đơn hay không (trang 94 có 2 chú thích (1): tr. 316 có một chú thích (1) và một chú thích 1); thụt vào hay không thụt vào... Trang 243 có 2 dòng chú thích dưới chân trang khong đánh số; không hiểu chú thích cho cái gì... 4. Nhiều số liệu sử dụng cũ: sử dụng đất đến 1995 (trang 15), dân số đến 1997. 5. Một vài lỗi kỹ thuật, “nhiệm” thành “niệm” (tr. 315, d6 tx): “Tây quân” hay “Tây quận” (tr.315, d7 dl); Ông sau dấu chấm không viết hoa (tr.27,d9 tx); thừa một chữ “được” (tr.321, d7 dl); “khô khan” thành “khô khăn” (tr.331, d. 10 tx); “chuyên” thành “chuyện” (tr.331 d1 dl)v.v. Tên các địa tầng cần viết hoa. 6. Lưu ý trích nguòn: phần các yếu tố khí hậu, động vật. 7. Phần định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch đến năm 2010 (theo NQĐH Đảng XIV tỉnh Hà Tây) nên bỏ.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)