Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách địa lý
Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội
Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
Tác giả: TS. Đỗ Xuân Sâm (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 592 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách kế thừa kết quả nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KX.09: "Nghiên cứu phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, địa lý, môi trường góp phần định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XXI" mã số KX - 09 - 01 do Viện Địa lý chủ trì thực hiện.

- Đề tài đã đi sâu phân tích, đánh giá tổng hợp các yếu tố tự nhiên: cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, địa chất thủy văn, địa chất công trình, đất, sinh vật, cảnh quan sinh thái nhằm sáng tỏ tính khá đa dạng của tự nhiên cũng như mức độ biến đổi của nó do hoạt động khai thác lãnh thổ mạnh mẽ.

- Đề tài đã đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về ĐKTN, TNTN và môi trường lãnh thổ Hà Nội (Về khoáng sản; Về tài nguyên sinh vật; Tài nguyên nước dưới đất; Môi trường không khí; Tài nguyên khí hậu...).

- Đề tài đồng thời đưa ra các dự báo tải lượng gây ô nhiễm nước mặt đến năm 2020; Dự báo nhu cầu dùng nước, trữ lượng khai thác và trị số hạ thấp mực nước đến năm 2020; Dự báo xu thế biến đổi đa dạng sinh học ở Hà Nội...

- Từ việc xác định những nguyên nhân chính và dự báo khả năng gây suy thoái tài nguyên, môi trường đề tài đã đề xuất các định hướng cơ chế, chính sách, các giải pháp sử dụng hợp lý ĐKTN, TNTN và bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững.

- Đề tài đã đi sâu nghiên cứu các luận cứ khoa học cho việc định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội

- Đề tài cũng đã cung cấp CSDL bản đồ chuyên đề điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường thành phố Hà Nội đã ứng dụng HTTĐL để xây dựng tuân thủ theo quy phạm thành lập bản đồ chuyên đề, tiện lợi cho khai thác ứng dụng và cập nhật thông tin.

Đề tài đã cố gắng để đưa vào CSDL lượng thông tin đầy đủ, phong phú cho người đọc nắm bắt, tra cứu và có thể ứng dụng, phát triển nội dung theo các chuyên đề sâu, rộng hơn.

Sách cùng chuyên mục

Địa chí Cổ Loa

Cổ Loa có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và của quốc gia độc lập thời Ngô Quyền với dấu vết còn lại đến ngày nay là một toà thành cổ có quy mô đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc; PGS.TS. Vũ Văn Quân (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
832 trang
16x24cm

Địa chí Hà Tây

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và Ông Đặng Văn Tu (Đồng chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
970 trang

Giới thiệu sách Sông, hồ Hà Nội

Trong lịch sử nghiên cứu các vấn đề về sông hồ Hà Nội từ trước đến nay, chưa có một công trình nào về sông - hồ - đầm Hà Nội mang tầm tổng hợp, khái quát, phục vụ việc tra cứu thông tin cần thiết cho những nhu cầu sử dụng khác nhau. Trên cơ sở kế thừa và hệ thống nhiều tài liệu nghiên cứu về sông hồ Hà Nội từ trước đến nay, kết hợp những phương pháp nghiên địa chất địa mạo, PGS.TS. Đặng Văn Bào, GS. Đào Đình Bắc cùng các cộng sự đã biên soạn cuốn sách “Sông hồ Hà Nội”. Cuốn sách thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.

Đặng Văn Bào
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
356
16x24

Atlas Thăng Long – Hà Nội

 “Atlas Thăng Long – Hà Nội” là hệ thống bản đồ và thuyết minh về địa lý, lịch sử, kinh tế và văn hóa – xã hội của thành phố “Rồng bay” nghìn năm văn hiến. Atlas là một công trình khoa học tổng hợp và liên ngành, có thể được sử dụng làm nguồn tài liệu hữu ích cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, quản lý đô thị, đầu tư phát triển và tìm hiểu tổng quát hoặc chuyên sâu về thủ đô Hà Nội.

Trương Quang Hải (chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
180 trang
21x30cm

Atlas Thăng Long - Hà Nội

Atlas Hà Nội thể hiện một cách khái quát lịch sử hình thành, phát triển và các điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội hiện nay của thủ đô Hà Nội. Atlas Hà Nội nhằm cung cấp thông tin nhiều mặt về thành phố Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến trong quá khứ và hiện tại cũng như tiềm năng để vươn tới những bước phát triển mới trong tương lai. Atlas có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập về Hà Nội, làm phương tiện để quảng bá và mở rộng hiểu biết về Hà Nội cho quảng đại quần chúng nhân dân và cho người nước ngoài quan tâm, tìm hiểu Hà Nội.
GS.TS Trương Quang Hải (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
180 trang
Ý kiến bạn đọc
GS.TS.Trương Quang Hải (25/08/2011)
Bản thảo cuốn sách chính là Báo cáo tổng quan đề tài KX.09.01 thuộc Chương trình KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”. Sau khi đọc toàn văn bản thảo theo thư mời của ông Tổng giám đốc NXB Hà Nội, người đọc có những ý kiến nhận xét nêu dưới đây. 1. Về tính cấp thiết và giá trị của cuốn sách - Cuốn sách là kết quả nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc của nhiều nhà khoa học có uy tín về các lĩnh vực khoa học Trái đất, sinh học, khoa học môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan; - Cuốn sách trình bày có hệ thống về hiện trạng và xu thế biến đổi các điều kiện tự nhiên, một số dạng tài nguyên, đánh giá tiềm năng, lợi thế và hạn chế của chúng, từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp khai thác hợp lý và phát triển không gian thủ đô Hà Nội; - Cuốn sách góp phần đáp ứng nhu cầu hiểu biết về đặc điểm tự nhiên của thành phố Hà Nội trong bối cảnh hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; 2. Về nội dung của cuốn sách Cuốn sách có nội dung phong phú, thể hiện ở các chương mục: - Đặc điểm điều kiện tự nhiên; - Quá trình biến đổi lòng dẫn sông Hồng và điều kiện khí hậu thuỷ văn; - Đánh giá tiềm năng, lợi thế, hạn chế của các điều kiện tự nhiên, các tai biến địa lý; - Đề xuất định hướng và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ; - Định hướng phát triển không gian thủ đô; - Xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường Hà Nội. Trong các chương mục cùng với phần lời đều có các số liệu thống kê hoặc phân tích định lượng kết quả nghiên cứu; Hệ thống bản đồ tự nhiên thể hiện đặc điểm phân bố, mối liên hệ của các hợp phần tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. 3. Bố cục và hình thức Bản thảo cuốn sách trình bày trong 476 trang in vi tính khổ A4, có kèm theo các bản đồ, hình vẽ và các bảng số liệu. - Bố cục các chương mục tương đối hợp lý; - Các bản đồ chuyên đề giầu thông tin khoa học; 4. Một số ý kiến góp ý Để góp phần nâng cao chất lượng bản thảo cuốn sách, người đọc có một số ý kiến góp ý như sau: a, Nên bố cục cuốn sách cho hợp lý hơn: - Phần địa hình 1.3 chỉ có nửa trang, đề nghị đưa vào phần đặc điểm địa mạo thành tiểu mục với tên 1.3.1. Khái quát địa hình; - Nên bỏ chương 6. Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường Hà Nội. Trong phần này chỉ có 7 trang gắn với nội dung, còn các mục về hệ thông tin địa lý và ứng dụng trình bày về lý thuyết chung dài tới 26 trang. b, Nên cặp nhật tài liệu và các kết quả nghiên cứu mới (nếu có thể): - Môi trường khí số liệu đến năm 2004; - Số liệu và chất lượng nước sông hồ đến năm 2006; - Cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy (trang 123) được giới thiệu ở tình trạng chưa hoàn thành. c, Các bản đồ nên được khái quát hoá cho phù hợp giữa tỷ lệ và nội dung: Xây dựng ở tỷ lệ 1/25000; thu về ở tỷ lệ 1/150 000 (tương ứng sách khổ A3); khi in ở khổ A4 hoặc nhỏ hơn nên biên tập thêm. d, Nên biên tập và viết cho súc tích hơn: yêu cầu diễn đạt, trình bày trong sách cao hơn nhiều so với trong báo cáo tổng kết đề tài khoa học. e, Một số góp ý cụ thể cần được xem xét, chỉnh sửa trong bản thảo: - Phần mở đầu cần nói rõ phạm vi không gian; - Trang 26 có chú giải bản đồ Địa chất và Khoáng sản nhưng không có bản đồ kèm theo; - Bỏ tên “Biến trình mùa của lượng mưa khu vực Hà Nội trong hộp trang 56 vì trùng tên hình; - Bảng 1.5 Bỏ cụm từ “kênh mương” trong tên hình bảng 1.5 “Đặc trưng hình thái sông ngòi kênh mương Hà Nội”; - Chiều dài sông Công trong bảng 1.5 (trang 60) là 10km, trong phần viết trang 63 là 96km; - Mục “1.9.1 . Đa dạng các cảnh quan và các hệ sinh thái”, xem lại cụm từ “các cảnh quan” vì không đề cập trong nội dung, nên bỏ; - Cần viết hoa tên các loại thảm thực vật: trang 91; - Lỗi chính tả: trang 122, 202, 211, 240, 2.1.2 (trang 119),...; - Trong các Hình 2.5; 3.15; 4.4; 4.5, Bản đồ nền mô hình cần thể hiện rõ hơn; - Các hình 2.9; 2.10; 2.11; 2.12; 2.13; 2.14; 2.15; 2.16; 2.17; 2.18 về dòng chảy sông Hồng cần bỏ phần tiếng Anh và thay bằng tiếng Việt; - Phần vận tốc dòng chảy sông Hồng nên viết kết quả nghiên cứu, không cần diễn giải chi tiết các mô hình; - Bảng 3.19 và dư lượng thuốc trừ sâu không có đơn vị tính. 5. Nhận xét chung - Cuốn sách trình bày bức tranh tổng quan về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường Hà Nội. Cuốn sách là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. - Cuốn sách có nội dung phong phú, cấu trúc tương đối hợp lý. - Cuốn sách sẽ góp phần cung cấp cho độc giả tri thức hữu ích về thiên nhiên và môi trường Hà Nội. Người đọc đánh giá cao chất lượng của cuốn sách và ý nghĩa của nó đối với việc nghiên cứu và giới thiệu về thiên nhiên Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Kính đề nghị NXB Hà Nội tạo điều kiện để cuốn sách sớm được ra mắt bạn đọc sau khi đã chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bản thảo.
PGS. TS Trương Xuân Luận (25/08/2011)
Đề tài cấp nhà nước “Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội” mã số KX - 09 - 01 thuộc chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KX.09 là một công trình khoa học lớn, thuộc nhiều lĩnh vực, rất khó cho từng cá nhân đóng góp ý kiến, nhất là chúng tôi không đủ thời gian đọc kỹ bản thảo. Được mời tham gia Hội đồng thẩm định bản thảo, với mong muốn có một cuốn sách có chất lượng, phù hợp với đông đảo quần chúng người đọc; chúng tôi xin có những ý kiến để cùng trao đổi sau đây: I. Ý kiến tổng quát 1. Kết quả của đề tài là đáng trân trọng, có giá trị khoa học và thực tiễn, cung cấp những thông tin quý báu về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và những định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội. Người thẩm định rất hoan nghênh việc giới thiệu thành sách các kết quả nghiên cứu của đề tài trong khuôn khổ Tủ sách: “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. 2. Để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mục tiêu là phục vụ đông đảo người đọc, kể cả cho những người dân. Các tài liệu trích dẫn, dẫn liệu, kế thừa là rất cần thiết cho bất kỳ đề tài nghiên cứu khoa học nào (hay quyển sách khoa học nào) song cũng không nên quá dài, vì nếu theo chuyên sâu đó nếu muốn, người đọc sẽ tìm đến ngay các tài liệu đó, đối với cuốn sách của chúng ta người đọc muốn tìm thấy những gì mới, khác,…mà các tài liệu khác chưa có; vậy theo chúng tôi, cuốn sách nên hạn chế: chỉ nên đưa ra những nội dung ít còn tranh luận, cố gắng đưa ra các thành quả nghiên cứu của chính các tác giả đề tài, tài liệu và kết quả mới có tính thời sự mà nhiều người dân Hà Nội quan tâm nhất, không mở rộng ngoài phạm vi Hà Nội,… 3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là Hà Nội lúc chưa mở rộng, sách lại được xuất bản năm 2010 do vậy, việc chọn lọc những thông tin, những định hướng phù hợp cho Hà Nội đã mở rộng như ngày nay và trong tương lai gần và xa (đặc biệt cho định hướng phát triển) là cần thiết. Nếu trình bày như trong bản thảo, lại không có chú giải gì thì e rằng sẽ gây những băn khoăn cho người tham khảo sách sau này. Vậy nên chăng có ghi chú như thế nào đó hoặc tên cuốn sách không nhất thiết như tên của đề tài nghiên cứu có lẽ phù hợp hơn. II. Một số ý kiến trao đổi cụ thể 1. Chương 1: Đặc điểm điều kiện tự nhiên lãnh thổ Hà Nội, gồm 91 trang - Các bản đồ đưa ra làm dẫn liệu là cần thiết, song cần có tỷ lệ đủ lớn, có mầu đúng quy định (đặc biệt là các bản đồ địa chất) để người tham khảo có thể đọc, hiểu được. Các bản đồ, sơ đồ đó (ngay cả của chính các tác giả) nên đầy đủ các thông tin: nguồn (tác giả), năm thành lập, nhà xuất bản (thành lập). - Các đặc điểm địa chất, chỉ đưa ra các dẫn liệu của các tác giả khác, nên có thể tóm lược hơn và những quan điểm được nhiều người ủng hộ (thông dụng) nhất. Ví dụ các đặc điểm địa chất công trình thường phân (mô tả) theo trật tự: lớp  nhóm  phụ nhóm. Lớp (chủ yếu dựa vào tính liên kết, chia ra cứng, không có liên kết cứng); Nhóm (chủ yếu theo đặc tính địa chất công trình, chia ra đá cứng, nửa cứng, mềm rời, nén dính, nhóm có thành phần và tính chất đặc biệt); Phụ nhóm (chủ yếu dựa vào nguồn gốc thành tạo, như đá magma, biến chất, trầm tích). 2. Chương 2: Tổng quan quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gồm 91 trang. - Là chương có kết quả rất đáng trân trọng, song một số kết quả đưa ra không mới; ví dụ như các tác giả đưa ra 2 bản đồ phễu hạ thấp mực nước vùng Nam Hà Nội đều từ năm 2004, trước thời gian thực hiện đề tài, hơn nữa nếu cùng với các bản đò đã có đó nếu được thành lập cho các năm sau này (2008, 2009) với thông tin đầu vào phong phú hơn để có thể rút ra sự hạ thấp mực nước diễn biến theo các năm thì tốt hơn nhiều. Cũng như vậy, đối với các thông số về dòng chảy trung bình, sự biến đổi mực nước dưới đất,… đều trước thời gian được giao đề tài. - Một số thuật ngữ còn chưa chuẩn, như xác suất thống kê vận tốc dòng chảy … (các trang 143, 144) có lẽ gọi là các đặc trưng (định lượng) thống kê thì chuẩn xác hơn. Trong khuôn khổ cuốn sách, không nên đưa ra nhận xét nhiều về tính ưu việt hay không của một phương pháp hay phần mềm nào đó, ví dụ như các nhận xét về phần mềm EFDC (trang 146). 3. Chương 3: Đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gồm 96 trang. Nhóm tài nguyên khoáng sản chỉ nên đưa ra những gì thuộc Hà Nội. Nhiều thuật ngữ cơ bản sử dụng đã lạc hậu rất dễ gây hiểu nhầm đối với các tác giả cuốn sách, đơn cử gọi là điểm quặng chứ không gọi là điểm mỏ, là điểm quặng (khi còn nghiên cứu rất sơ lược) thì không thể có trữ lượng (gọi là trữ lượng khi đã chứng minh được khoáng sản nào đó nếu khai thác sử dụng thì có hiệu quả kinh tế tại thời điểm đánh giá); Từ năm 2006, Việt Nam đã sử dụng bảng phân loại cấp trữ lượng/tài nguyên mới (111, 121,122; 222,…); các tác giả vẫn sử dụng bảng phân cấp cũ (các cấp A, B, C1. P1, P2, ), điều này là khó trong việc chuyển đổi song cần có nghi chú cụ thể. 4. Chương 4: Đề xuất định hướng và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ, gồm 88 trang; chương 5: Định hướng phát triên không gian của thủ đô Hà Nội, gồm 34 trang. Người đọc không có thời gian để đưa ra những nhận xét định lượng nội dung của chương song, chắc chắn đây là những ý tưởng mà nhiều người dân Hà Nội quan tâm nhất, song như đã nêu ở trên, vì trong khuôn khổ của đề tài nên nhiều nội dung đã không còn phù hợp với Hà Nội hiện tại, năm xuất bản sách. Vấn đề này cần được làm rõ để cuốn sách mang tính thời sự cao. Nhiều nội dung (định hướng) đưa ra trong bản thảo còn rất chung chung, thiếu cụ thể, bố cục giữa các đề mục, nội dung còn không khoa học (người thẩm định đã đánh dấu chì trong bản thảo). 5. Chương 6: Xây dựng cở dữ liệu tổng hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường lãnh thổ Hà Nội, gồm 40 trang. - Các tác giả không tiến hành xây dựng phầm mềm mà sử dụng một công cụ rất hiệu quả là công nghệ hệ thông tin địa lý, song không nên đưa ra quá nhiều nội dung về hệ thông tin địa lý (25 trang) nên chỉ để 5 trang là đủ, nên thay vào đó là 24 (hay 22, trong bản thảo không thống nhất) trang bản đồ, là thành quả của các tác giả. Tuy nhiên các trang bản đồ này mới chỉ ở dạng cơ bản, còn thiếu nhiều thông tin cần thiết. - Nếu các tác giả phát triển thêm các công cụ, chức năng của hệ thông tin địa lý để làm phong phú hơn, mở rộng hơn về các thông tin và xử lý thông tin thì tốt hơn. Trong phần kết luận không thấy đưa ra nhưng ý tưởng quy hoạch xây dụng dựa vào các yếu tố địa chất công trình-địa kỹ thuật. 6. Trong bản thảo còn để lại nhiều lỗi do đánh máy, kết cấu biểu bảng không thật khoa học, chú giải bản đồ còn thiếu và không rõ; các bản vẽ in nhỏ, không màu nên rất khó cho người thẩm định. Người viết nhận xét đã đánh dấu chì chưa hết vào bản thảo. Trên đây là những nhận xét, trao đổi của chúng tôi, mong được trao đổi để cuốn sách của các tác giả có chất lượng cao nhất, góp vào tủ sách quý “Thăng Long ngàn năm văn hiến” phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS. Pham Quang Tuấn (25/08/2011)
. Về tính thời sự, cấp thiết và ý nghĩa của đề tài Để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, nhu cầu hiểu biết về Hà Nội trở nên quan trọng và cấp thiết đối với người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, kiểu bào ta ở nước ngoài và đông đảo bạn bè trên thế giới. Kết quả nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội là nguồn tài liệu quan trọng cho các nhà quản lý, quy hoạch và các nhà khoa học trong công tác phát triển không gian của Hà Nội mới, là những thông tin quý giá đối với các độc giả quan tâm và muốn hiểu biết về Thủ đô Hà Nội - trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội của cả nước. 2. Cấu trúc và nội dung của bản thảo Về cấu trúc chương mục Sách được cấu trúc 6 chương: Chương 1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên lãnh thổ Hà Nội; Chương 2. Tổng quan quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Chương 3. Đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Chương 4. Đề xuất định hương và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ; Chương 5. Định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội; Chương 6. Xây dựng CSDL tổng hợp về điều kiện tự nhiên và môi trường lãnh thổ Hà Nội về cơ bản là hợp lý và có tính logic. Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu của một cuốn sách, người đọc có một số nhận xét. góp ý như sau: - Thống nhất thuật ngữ xác định không gian khu vực nghiên cứu là Thủ đô Hà Nội trước khi mở rộng, hay Thủ đô Hà Nội cũ... bởi vì các kết quả nghiên cứu của đề tài kết thúc năm 2007, nhưng nội dung được chuyển thành sách sẽ được xuất bản năm 2010 - khi Hà Nội đã có quyết định mở rộng; - Cần thống nhất việc đề tên lãnh thổ nghiên cứu trong tên của các chương sách. Theo người đọc, tên của cuốn sách đã chỉ rõ không gian lãnh thổ là thủ đô Hà Nội, trong tên chương không cần lặp lại nữa, nếu có thì phải chuẩn thuật ngữ và xuất hiện trong tiêu đề của toàn bộ các chương; - Đây là một cuốn sách có tính chất chuyên khảo, cần tránh sử dụng lặp lại các nội dung của các sách/ tài liệu đã được xuất bản. Nội dung của Chương VI về xây dựng CSDL tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường lãnh thổ Hà Nội là cần thiết, tuy nhiên không nên tách thành một chương riêng với phần lớn nội dung chỉ mang tính chất lý thuyết, đã có trong nhiều sách đã được xuất bản (các mục 6.1, 6.2, 6.3). Theo người đọc, nội dung quan trọng là việc tổ chức và xây dựng cơ sở dữ liệu GIS cho Hà Nội (6.4), và nên được cấu trúc thành một phần của chương V, xem như là một kết quả ứng dụng công nghệ không gian phục vụ công tác quản lý và phát triển không gian đô thị; Về nội dung của các chương Phần mở đầu cần được viết lại dưới dạng lời tựa/ lời giới thiệu của một cuốn sách, không nên viết giống như là của đề tài nghiên cứu khoa học. Chương 1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên lãnh thổ Hà Nội. Trong chương này, cần thống nhất việc có sử dụng hoặc không sử dụng cụm từ "đặc điểm" trong tên của tất cả các mục 1.1, 1.2,.... 1.10. Mục 1.3 và 1.4 nên gộp lại thành một mục là Địa hình, địa mạo. Các thuật ngữ liên quan đến tuổi địa chất nên sử dụng chuẩn theo các quy định của Tổng cục địa chất Việt Nam, ví dụ Holocene (tiêu đề mục 1.6.1) là từ tiếng Anh, trong các văn liệu địa chất Việt Nam thường chỉ sử dụng là Holocen, hoặc thống nhất viết Holocen hay Holoxen (trang 109)... Chương 2. Tổng quan quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Một số góp ý cụ thể cho chương ngày như sau: - Sửa lại các lỗi kỹ thuật theo bản sửa gửi kèm. Bổ sung những phần nội dung bị cắt mất ở phần nội dung Nhiệt độ, trang 171; - Chú ý sử dụng thuật ngữ bản đồ để chú thích các hình. Các hình 2.5, 2.6 không thể gọi là bản đồ vì thiếu hẳn cơ sở toán học, nên để là Sơ đồ; - Tiêu đề và chú thích nội dung của một số hình, ví dụ hình 2.6, 2.10, 2.11, 2.12, 2.13, 2.14, 2.15, 2.16, 2.17, 2.18 cần được dịch ra tiếng Việt. Chương 3. Đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đề nghị sửa các lỗi kỹ thuật theo bản sửa gửi kèm. Cần thay đổi tên của mục 3.2 thành là Tai biến thiên nhiên, bởi vì các tai biến nêu ra ở đây hầu hết là các tai biến địa chất/ địa mạo (động đất, nứt đất; trượt lở đất; xoí lở bờ sông...). Các thuật ngữ sử dụng cần được chuẩn hóa và thống nhất, ví dụ ở mục 3.3, tiêu đề sử dụng thuật ngữ "xói sạt bờ sông" nhưng mục 3.3.2. thì dùng là "xói lở bờ sông" ("xói lở bờ sông" là thuật ngữ khá chuẩn và thường được sử dụng trong các tài liệu khoa học). Chương 4. Đề xuất định hương và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ. Cần thống nhất về mặt thời gian giữa các kết quả nghiên cứu với năm xuất bản sách. Cần làm rõ thuật ngữ "từ nay" (tr.296...) được hiều là mốc thời gian nào (năm kết thúc đề tài hay năm xuất bản sách)?! Thống nhất dùng "." hay "," cho phần thập phân (bảng 4.6, 4.7...), sử dụng "Tấn/năm/ha" hay "Tấn/ năm.ha". Nên bổ sung những quy chuẩn về môi trường mới nhất được ban hành (QCVN 08, QCVN 24). Chương 5. Định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội. Nội dung đáp ứng được yêu cầu của cuốn sách, tuy nhiên cần sửa chữa một số lỗi kỹ thuật. Chương 6. Xây dựng CSDL tổng hợp về điều kiện tự nhiên và môi trường lãnh thổ Hà Nội. Như đã góp ý, nên lược bỏ các nội dung có tính chất lý thuyết và gộp vào chương 6. Chú ý, các phần mềm như AutoCAD, Micro Station không phải là các phần mềm GIS. Chúng được xếp vào nhóm các phần mềm bản đồ tự động (Automatic Mapping), có nhiều đặc điểm giống với phần mềm GIS, nên dễ bị nhầm lẫn. Về hệ thống bản đồ Hệ thống bản đồ phong phú, đa dạng, được biên tập khá công phu đáp ứng được nội dung và yêu cầu của cuốn sách. Tuy nhiên, cần: - Thống nhất một tỷ lệ bản đồ trình bày trên khổ giấy A4 (1:150000 hay 1:250000 (?!)). Để thuận tiện, có thể sử dụng thước tỷ lệ. Các bản đồ thiếu cơ sở toán học hay tỉ lệ, nên để Sơ đồ (hình 2.5, 2.6). - Nội dung các bản đồ cần được biên tập lại phù hợp với tỷ lệ bản đồ in trên khổ giấy A4 (khi đã được thống nhất về tỷ lệ), nên in màu, hoặc biên tập ở dạng nét trải đề người đọc, đặc biệt là những người không có chuyên môn sâu về các lĩnh vực khoa học Trái Đất có thể theo dõi và hiểu được. Kết luận chung Bản thảo sách có nội dung khoa học phong phú, được cấu trúc hợp lý, logic, cùng với hệ thống bản đồ, biểu bảng được biên tập và xây dựng khá công phu, đáp ứng tốt yêu cầu của một cuốn sách chuyên khảo. Người đọc đánh giá cao bản thảo và kính đề nghị Nhà xuất bản cho phép xuất bản thành sách sau khi đã chỉnh sửa các nội dung và lỗi kỹ thuật theo góp ý.
TS. Vũ Quang Lân (25/08/2011)
Đây là báo cáo tổng quan của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do tập thể tác giả gồm nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực tham gia thực hiện. Báo cáo gồm 476 trang, ngoài phần mở đầu và kết luận, báo cáo có 6 chương đề cập đến các nội dung nghiên cứu của đề tài, phần tài liệu tham khảo gồm 199 tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Sau khi đọc toàn văn báo cáo, người đọc có một số ý kiến nhận xét như sau: 1. Trong lời nói đầu, tác giả đã khái quát sự cần thiết và mục tiêu của đề tài. Đồng thời, nêu rõ mục đích của việc giới thiệu kết quả tổng quan đề tài trong khuôn khổ tủ sách Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. 2. Chương I: Đặc điểm điều kiện tự nhiên lãnh thổ Hà Nội (từ trang 13 đến trang 104). Đây là chương đề cập đến các điều kiện tự nhiên của Hà Nội, bao gồm: vị trí địa lý, cấu trúc địa chất, đặc điểm địa hình, đặc điểm địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, địa chất thuỷ văn, đặc điểm địa chất công trình, thổ nhưỡng và sinh vật. Nhìn chung, các nội dung được trình bày khá chi tiết với nhiều thông tin chi tiết về khí hậu, thuỷ văn, thổ nhưỡng và sinh vật. Về nội dung chương I, người đọc có một số ý kiến như sau: - Trong chương I, thuật ngữ được sử dụng không thống nhất như: lãnh thổ Hà Nội, thủ đô Hà Nội, vùng thủ đô Hà Nội, thành phố Hà Nội... Theo ý kiến người đọc nên thống nhất sử dụng thuật ngữ thủ đô Hà Nội trong chương này cũng như trong toàn bộ báo cáo như trong tiêu đề của báo cáo. Đồng thời, người đọc đề nghị trong toàn bộ báo cáo thống nhất cách viết tên một số hệ, thống trong thang địa tầng như: hệ Trias (trong báo cáo viết là Triat), thống Pleistocen (trong báo cáo khi viết là Pleistocen, khi viết là Pleistoxen), thống Holocen (trong báo cáo khi viết là Holocen, khi viết là Holoxen) - Phần viết về cấu trúc địa chất (từ trang 14 đến trang 36) được tác giả sử dụng nguồn từ (đã rút ngắn và thay đổi một phần) chương III: Cấu trúc địa chất trong cuốn sách: "Địa chất và Tài nguyên khoáng sản thành phố Hà Nội" do Vũ Nhật Thắng chủ biên, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xuất bản năm 2003 (tài liệu tham khảo số 126) nên đề nghị tác giả nêu rõ nguồn tài liệu được trích dẫn, sử dụng để đảm bảo quyền tác giả. Về nội dung phần này, người đọc có một số ý kiến như sau: + Đối với các thành tạo địa chất Đệ tứ không nên phân chia đến phụ hệ tầng mà nên phân chia thành hệ tầng với các kiểu nguồn gốc khác nhau. + Chuyển mục 1.2.3. Mối quan hệ giữa các thành tạo địa chất Đệ tứ với các di chỉ khảo cổ lên trước mục 1.2.2. Kiến tạo, để các nội dung được liên tục và logic. + Bỏ hình 1.3. Sơ đồ vị trí lỗ khoan và các tuyến mặt cắt vì nội dung này đã có trong hình 1.2. Bản đồ địa chất và khoáng sản, và đưa phần chỉ dẫn bản đồ địa chất và khoáng sản ngay sau bản đồ này để có thể đọc được bản đồ. Trong bản đồ địa chất và khoáng sản cần bổ sung vị trí các mỏ và điểm quặng (82 mỏ và điểm quặng như trong phần viết về khoáng sản). Để minh hoạ cho phần viết cần bổ sung 5 mặt cắt địa chất theo 5 tuyến mặt cắt thể hiện trong hình 1.2. + Dòng 22 (từ trên xuống) trang 20 viết độ sâu phân bố của trầm tích hệ tầng Hà Nội ở vùng phủ từ 35,5m đến 69,5m là không chính xác, tổng hợp từ tài liệu khoan cho thấy các trầm tích này phân bố ở độ sâu từ 6,2m đến 69,5m. + Trong phần kiến tạo nên có thêm phần viết về lịch sử phát triển địa chất. - Mục 1.3. Địa hình và mục 1.4. Đặc điểm địa mạo nên viết gộp lại trong một mục là Địa mạo với 2 nội dung chính: đặc điểm địa hình và các kiểu địa hình. Trong phần này có dẫn hình 1.6. Bản đồ địa mạo Hà Nội và các vùng phụ cận ở tỷ lệ nhỏ, nên thay bằng bản đồ địa mạo trong phạm vi Hà Nội ở tỷ lệ lớn hơn để thể hiện rõ hơn các yếu tố địa mạo. - Trong chú giải địa chất thuỷ văn, các thể địa chất chưa thống nhất với phần địa tầng, cần chỉnh sửa lại cho thống nhất. Đồng thời, nên bổ sung thêm một số mặt cắt địa chất thuỷ văn để minh hoạ cho phần lời. 3. Chương II: Tổng quan quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. - Trong chương này tác giả trình bày khá chi tiết về biến đổi lòng dẫn sông Hồng qua các giai đoạn từ cuối Pleistocen muộn đến hiện nay và sự biến đổi các điều kiện tự nhiên khác: khí hậu, thuỷ văn, nguồn nước. Tuy nhiên, tác giả không đề cập đến quá trình biến đổi tài nguyên khoáng sản rắn, tài nguyên đất, sinh vật và môi trường. Theo ý kiến người đọc nội dung được trình bày trong chương II chưa đủ, chưa phản ánh hết tiêu đề của chương II, cần được bổ sung các nội dung còn thiếu. - Nên chăng đưa mục 2.1.3. Đề xuất phương hướng khai thác tổng hợp bãi bồi sông Hồng đoạn thuộc địa phận Hà Nội vào nội dung chương IV: Đề xuất định hướng và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ để phù hợp hơn. 4. Chương III: Đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Chương III được trình bày thành ba mục lớn: mục 3.1. Tiềm năng, lợi thế và các hạn chế, mục 3.2. Các tai biến địa lý, và mục 3.3. Vấn đề biến đổi lòng sông Hồng, khả năng xói sạt bờ sông. Về chương này người đọc có một số ý kiến sau: - Mục 3.1. chủ yếu mô tả các tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường đất, không khí và ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, mà chưa có những nhận xét, đánh giá để làm nổi bật các tiềm năng, lợi thế cũng như hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường của thủ đô Hà Nội như tiêu đề của mục cũng như của chương. + Tiểu mục 3.1.1. Tài nguyên khoáng sản rắn, chỉ nên đề cập đến những loại khoáng sản phân bố trên diện tích Hà Nội (gồm 82 mỏ và điểm quặng), không nên đề cập đến những loại khoáng sản phân bố ở các tỉnh lân cận. Trong phần này có hình 3.1. Sơ đồ phân vùng khoáng sản Hà Nội nhưng không nêu rõ cơ sở của việc phân vùng, cũng như đề cập đến ý nghĩa của sự phân vùng khoáng sản trong phần lời. + Cần bổ sung thêm nội dung về tài nguyên đất trong mục 3.1. - Trong mục 3.2. có hình 3.17. Sơ đồ tai biến địa chất Hà Nội và phụ cận ở tỷ lệ nhỏ, đề nghị thành lập sơ đồ tai biến địa chất chỉ trong phạm vi thủ đô Hà Nội ở tỷ lệ lớn hơn, để thể hiện các nội dung chi tiết hơn. - Mục 3.3. Vấn đề biến đổi lòng dẫn sông Hồng, khả năng xói sạt bờ sông có 2 mục nhỏ, nên chăng đưa tiểu mục 3.3.1. Quá trình biến đổi lòng dẫn sông Hồng... về mục 2.1. của chương II để trình bày liên tục về sự biến đổi lòng dẫn sông Hồng từ cuối Pleistocen muộn đến nay, đồng thời gộp tiểu mục 3.3.2. Hiện trạng xói lở - bồi tụ theo tài liệu khảo sát vào tiểu mục 3.2.8. Xói lở bờ sông. 5. Chương IV: Đề xuất định hướng và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ. - Mục 4.1. Dự báo biến động điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường cần bổ sung thêm các nội dung dự báo biến động tài nguyên khoáng sản rắn và tài nguyên đất. - Mục 4.2. Đề xuất định hướng và các giải pháp sử dụng hợp lý điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường cần có thêm nội dung về định hướng khai thác và các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất 6. Chương V: Định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội. Chương này là hệ quả được rút ra từ những nghiên cứu chi tiết của các chương trước và là mục đích cuối cùng cần đạt được của đề tài. Đây là chương được viết khá chi tiết và có cơ sở. Người đọc đề nghị chuyển hình 5.4. Sơ đồ phân vùng định hướng sử dụng đất về mục 4.2. trong phần định hướng khai thác và các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất (được đề nghị bổ sung nêu trên). 7. Chương VI: Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường lãnh thổ Hà Nội. Trong chương này tác giả trình bày về hệ thông tin địa lý, các chương trình GIS và xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa địa lý về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường Hà Nội. Đây là việc làm cần thiết, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa thuận tiện cho việc lưu trữ, tra cứu và sử dụng tài liệu. Tuy nhiên, phần trình bày về hệ thông tin địa lý và các chương trình GIS khá dài (từ trang 421 đến trang 446). Theo ý kiến người đọc nên rút ngắn phần này lại và cần tập trung vào phần Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa lý về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường Hà Nội (mục 6.4). 8. Phần kết luận nên viết ngắn gọn lại, trong đó cần làm nổi bật những thông tin cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường trong định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội. 9. Phần tài liệu tham khảo: với 199 danh mục tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài cho thấy tập thể tác giả đã tham khảo, sử dụng nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu, điều tra có trước về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường của thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận trong quá trình thực hiện đề tài. 10. Đánh giá chung: Đây là báo cáo tổng quan của một đề tài nghiên cứu và tổng hợp lớn, với nhiều nội dung phong phú. Báo cáo đã cung cấp nhiều thông tin mới, đa dạng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội. Đáng tiếc là do thời gian thực hiện đề tài sớm, trước khi có Quyết định của Nhà nước về mở rộng Hà Nội nên không gian mà báo cáo đề cập đến chỉ bao gồm diện tích thủ đô Hà Nội (cũ). Việc cho biên tập và xuất bản báo cáo này trong tủ sách Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn: cung cấp cho bạn đọc những thông tin quý báu, có giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để xuất bản thành sách, đề nghị tác giả chủ biên cùng tập thể tác giả cần rà soát kỹ lưỡng toàn bộ nội dung báo cáo, chỉnh sửa và bổ sung những nội dung cần thiết, một phần những nội dung đó đã được người đọc nêu lên trong bản nhận xét này. Đề nghị Văn phòng Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội tổng hợp những ý kiến đóng góp của người đọc và những bản nhận xét khác để tập thể tác giả chỉnh sửa, bổ sung trước khi cho in thành sách.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)