Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách địa lý
Địa chí Cổ Loa
Cổ Loa có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và của quốc gia độc lập thời Ngô Quyền với dấu vết còn lại đến ngày nay là một toà thành cổ có quy mô đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam.
Tác giả: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc; PGS.TS. Vũ Văn Quân (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 832 trang
Kích thước: 16x24cm
Bình chọn:
(Tổng số: 3 - Trung bình: 5.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:
    Cổ Loa có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và của quốc gia độc lập thời Ngô Quyền với dấu vết còn lại đến ngày nay là một toà thành cổ có quy mô đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam. Với ý nghĩa như thế, Cổ Loa thu hút được sự quan tâm của đông đảo học giả với rất nhiều công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc nghiên cứu biên soạn Địa chí Cổ Loa là công trình lần đầu tiên thực hiện theo hướng có quy mô, hệ thống, phản ánh hết những đặc trưng của Cổ Loa, tổng kết các thành tựu nghiên cứu, bổ sung những kết quả nghiên cứu mới…
   Địa chí là công trình khoa học mang tính tổng hợp và liên ngành cao, trình bày một cách hệ thống và toàn diện về địa lý tự nhiên nhân văn vùng đất Cổ Loa (những biến đổi trong quá trình lịch sử; hiện trạng); về lịch sử (từ khởi nguồn cho đến hiên nay); về kinh tế (trong lịch sử, hiện trạng và những dự báo trong tương lai); về văn hoá (văn hoá vật thể và phi vật thể).
   Công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phục vụ đông đảo độc giả trong và ngoài nước.  
   + Về mặt khoa học sẽ góp phần giải quyết một trong những vấn đề quan trọng của lịch sử Cổ Loa: đó là kết hợp giữa công tác bảo tồn, gắn với phát triển theo hướng bền vững; những giá trị của công trình được xuất bản sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, là tài liệu khoa học cho học sinh, sinh viên…
   + Nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của nhân dân cả nước về Cổ Loa nói chung, về lịch sử Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho các thế hệ, nâng cao nhận thức của người dân địa phương….
 
Sách cùng chuyên mục

Atlas Thăng Long - Hà Nội

Atlas Hà Nội thể hiện một cách khái quát lịch sử hình thành, phát triển và các điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội hiện nay của thủ đô Hà Nội. Atlas Hà Nội nhằm cung cấp thông tin nhiều mặt về thành phố Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến trong quá khứ và hiện tại cũng như tiềm năng để vươn tới những bước phát triển mới trong tương lai. Atlas có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập về Hà Nội, làm phương tiện để quảng bá và mở rộng hiểu biết về Hà Nội cho quảng đại quần chúng nhân dân và cho người nước ngoài quan tâm, tìm hiểu Hà Nội.
GS.TS Trương Quang Hải (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
180 trang

Địa chí Hà Tây

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và Ông Đặng Văn Tu (Đồng chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
970 trang

ĐỊA LÍ HÀ NỘI

 Cuốn sách “Địa lí Hà Nội” mà bạn đọc đang cầm trên tay là một chuyên khảo thuộc mảng sách Địa lí trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, do GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh là chủ biên. Thực hiện cuốn sách này là đội ngũ các tác giả là những giáo sư, phó giáo sư là các chuyên gia đầu ngành thuộc Khoa Địa lí trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Địa lí trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Địa lí - Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. 

GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh (chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
824
16x24

Giới thiệu sách “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (Từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”

Cuốn sách “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (Từ đầu thế kỷ XIX đến nay)” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh làm chủ biên là một cuốn sách nghiên cứu về địa danh từ cách tiếp cận lịch đại. Cuốn sách không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn cao. Với mục tiêu tìm hiểu, khôi phục, nghiên cứu quá trình biến đổi địa danh nhằm tìm ra nguyên tắc cấu tạo và giá trị lịch sử - văn hóa, cuốn sách đã tái hiện một bức tranh đầy màu sắc, hết sức sinh động và khoa học về hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long - Hà Nội truyền thống (tập trung chủ yếu vào 2 huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương) từ thế kỷ XIX đến nay.

Nguyễn Thị Việt Thanh
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
584
16x24

Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.
PGS.TS Vũ Văn Phái (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
280 trang
16 x 24
Ý kiến bạn đọc
PGS. TS. Lâm Thị Mỹ Dung (19/08/2011)
Cổ Loa có một vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử văn hiến nhiều nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Cổ Loa là đối tượng quan tâm, nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về khu di tích này đã được xuất bản và góp phần đáng kể trong việc tìm hiểu, đánh giá và khai thác giá trị của khu di tích. Trong xu thế phát triển hiện nay, Cổ Loa cũng như nhiều di tích khác đang đứng trước nguy cơ biến đổi mạnh mẽ, cả ở khía cạnh vật thể và phi vật thể. Do vậy, bên cạnh kế hoạch xây dựng và thực hiện một chiến lược khả thi để nghiên cứu bảo tồn và khai thác di tích ứng dụng những phương pháp khoa học hiện đại thì việc xuất bản những công trình toàn diện như địa chí về Cổ Loa thực sự là rất cần thiết cho cả công chúng, nhà nghiên cứu và nhà quản lý. Địa chí Cổ Loa dựa trên những kết quả nghiên cứu thực tế và lý thuyết của nhóm tác giả cũng như kế thừa những thành tựu nghiên cứu của những người nghiên cứu đi trước, do vậy sẽ là một công trình có tính chất tổng hợp, cập nhật và đặc biệt là đánh giá được thực trạng giá trị nhiều mặt của Cổ Loa. Đề cương được xây dựng công phu và đặc biệt có tính khả thi cao. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng những phương pháp nghiên cứu và tiếp cận tổng hợp để nhìn nhận Cổ Loa từ nhiều góc độ khác nhau từ môi trường sinh thái đến văn hoá... Những chương mục của cuốn sách và nội dung các chương mục với dung lượng khoảng 800 trang viết cùng phần minh hoạ phù hợp cho nội dung của một công trình địa chí. Với một lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ nhiều ngành khác nhau và kế hoạch thực hiện công việc rất cụ thể có tính khả thi cao, tôi tin rằng công trình “Nghiên cứu và biên soạn địa chí Cổ Loa” do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc sẽ là một công trình khoa học nghiêm túc, xứng đáng với tầm vóc Cổ Loa.
TS. Nguyễn Văn Sơn (19/08/2011)
Trước hết tôi rất cảm ơn Nhà xuất bản Hà Nội đã mời tôi tham gian Hội đồng nghiệm thu đề cương bản thảo: “Địa chí Cổ Loa” do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển chủ biên. Đề tài được biên soạn, xuất bản góp phần xây dựng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do NXB Hà Nội làm chủ đầu tư vào thời điểm của những năm cuối trong cả hệ thống công trình sự kiện chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi là việc làm có ý nghĩa. Trong phần thuyết minh đề cương, chủ nhiệm đề tài và nhớm tác giả đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của đề tài không chỉ giới hạn phục vụ cho người dân Hà Nội mà còn là công cụ cho các nhà quản lý, cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, là công trình đầy đủ cho nhân dân cả nước và có thể nói cho những ai muốn tìm hiểu về Cổ Loa - nơi đã từng ba lần là kinh đô của Việt Nam thời An Dương Vương (208 TCN - 179 TCN. Với niên đại này đến nay còn có nhiều ý kiến khác nhau và nhiều tài liệu đã công bố còn chưa thống nhất nhưng tôi cũng nhất trí với niên đại thời kỳ An Dương Vương mà tác giả đưa ra), thời Lý Nam Đế (544-548) và thời Ngô Vương Quyền (938-944) - nơi có dấu tích thành đất có lịch sử lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay ở vùng Đông Nam Á. Đề cương đã nêu hệ thống các công trình nghiên cứu và đã được công bố về Cổ Loa qua các thời kỳ để từ đó nhóm tác giả đã đưa ra cấu trúc của đề tài mà kết quả của nó là cuốn sách "Địa chí Cổ Loa" được xuất bản gồm 3 phần, 11 chương với độ dày khoảng 700 trang và nhiều bản đồ, bản vẽ, ảnh minh họa, sẽ làm rõ những vấn đề về Cổ Loa trên tất cả các lĩnh vực địa lý, kinh tế, xã hội từ truyền thống đến hiện tại. Với cấu trúc chia các phần, các chương, các đề mục và các tiểu đề mục cho từng vấn đề là cấu trúc hợp lý, tỉ mỉ, khoa học. Nó không chỉ đáp ứng được yêu cầu chung về sách địa chí mà còn đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng tùy theo nhu cầu tìm hiểu của người nghiên cứu, người quản lý hay cho những chương trình phát triển kinh tế - văn hóa vùng Cổ Loa trong tương lai. Tóm lại: Tôi nhất trí với đề cương bản thảo "Địa chí Cổ Loa" của nhóm tác giả là những nhà khoa học, những người nghiên cứu rất có uy tín và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực tham gia và do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. Tuy nhiên, có hai điều băn khoăn: Một là: với diện tích về Cổ Loa không lớn, công trình này có số trang xuất bản khoảng 700 trang in không kể bản đồ, bản ảnh kèm theo, muốn làm rõ tất cả những vấn đề đã được nêu trong đề cương về Cổ Loa một vùng đất truyền thống với lịch sử lâu đời và là một khu di tích có giá trị đặc biệt thì vẫn có cái gì đó về số lượng trang in quá nhiều sẽ làm cho người đọc bị choáng ngợp chăng? Hai là: Với khối lượng tài liệu cần điều tra, cần hệ thống để hoàn thành nội dung bản thảo cuốn Địa chí Cổ Loa với lượng kinh phí như dự toán có lẽ còn quá khiêm nhường so với nội dung và công sức nghiên cứu, biên soạn. Sau khi nghiên cứu đề cương và lịch trình công việc có thể nói đây là một đề cương bản thảo hoàn chỉnh, nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu để xuất bản và khi xuất bản sẽ đạt được mục đích ý nghĩa về việc biên soạn "Địa chí Cổ Loa", góp phần xây dựng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến trước thềm đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi. Tôi đề nghị Hội đồng nghiệm thu đề cương bản thảo "Địa chí Cổ Loa" xem xét để NXB Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư) và nhóm tác giả sớm được triển khai theo tiến độ thời gian đã đề ra.
GS.TS. Nguyễn Cao Huần (19/08/2011)
1.Về tính cấp thiết của đề tài - Cổ Loa, một vùng đất có chiều dài lịch sử và văn hóa, có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt nam nói chung,của thủ đô Hà Nội nói riêng. - Khu di tích Cổ Loa đã và đang thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm, đã có nhiều công trình nghiên cứu theo các chuyên đề, tuy nhiên chưa có công trình mang tính tổng hợp về vùng đất này dưới góc độ địa chí trên nền của khoa học lịch sử, địa lý , địa chất, kinh tế, văn hóa... . Vì vậy, đề tài Địa chí Cổ Loa là thực sự cần thiết. 2. Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ có những đóng góp quan trọng về mặt khoa học ,kinh tế, xã hội. 3- Các tiếp cận nghiên cứu tổng hợp -hệ thống,liên ngành, lịch sử , khu vực học... là đúng đắn và phù hợp; các phương pháp nghiên cứu sẽ được áp dụng mang tính truyền thống và hiện đại, cho phép đảm bảo độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. 4-Bản thuyết minh được soạn thảo nghiêm túc; Cấu trúc các chương mục của cuốn sách nhìn chung là hợp lý,lôgic. 5-Những điểm cần bổ sung và chỉnh sửa Đối với Địa chí ,văn phong phải có nét riêng, các thuật ngữ khoa học sử dụng sao cho người đọc ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều hiểu được ,vì vậy xin được đề xuất bổ sung và chỉnh sửa một số điểm sau trong cấu trúc của cuốn sách: 1-Thêm mục : Cổ Loa trong lòng thủ đô Hà Nội 2-Cần có nội dung dân cư trong địa chí ,nên có thể bổ sung tên gọi cho phần Phần thứ nhất : Địa lý tự nhiên, dân cư và hành chính( thay cho tên cũ : Địa lý tự nhiên, dân cư và hành chính) 3-Chương 1: Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ( Thay cho tên cũ : Địa lý tự nhiên ) -Cố gắng dùng các thuật ngữ dễ hiểu đối với nhiều người đọc nhưng không sai về chuyên môn (thí dụ : Chương 1 -Đặc điểm địa chất - địa mạo thay bằng Đặc điểm địa chất-địa hình ; 1.4-Đặc điểm địa mạo thay bằng Đặc điểm địa hình ; 1.2. Địa tầng và 1.3. Cấu trúc kiến tạo,… gộp vào một mục với tên hợp lý hơn). 3- Chương II : Chỉnh lại tên là Đặc điểm khí hậu và thủy văn ( thay cho tên cũ : Đặc điểm địa lý tự nhiên). 2.2- Đặc điểm thủy văn và tài nguyên nước III- Đặc điểm đất và sinh vật 3.1. Đặc điểm đất và tài nguyên đất - Có thể thêm mục về các hiện tượng, quá trình địa lý tự nhiên cực đoan ( Nếu có ) 4- Chương II.Bổ sung nội dung Địa lý dân cư cho Chương II-Địa lý dân cư - hành chính và các hình thức liên kết cộng đồng . . Thêm mục Địa lý dân cư 5- Cần bổ sung nội dung Cổ Loa trong tương lai ĐÁNH GIÁ CHUNG Bản thuyết minh đề tài về Địa chí Cổ Loa được thực hiện một cách nghiêm túc,đã xác định được vấn đề có tính cấp bách, mục tiêu và sản phẩm rõ ràng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn ,có tính khả thi .
GS.TS. Nguyễn Cao Huần (20/05/2010)
Bản thảo Địa chí Cổ Loa có cấu trúc gồm 11 chương, được trình bày trong khuôn khổ 667 tr.(không kể phần phụ lục) với 11 bản đồ và hình vẽ, 40 bảng biểu và 4 ảnh chụp. Sau khi đọc bản thảo cuốn sách Địa chí Cổ Loa, người nhận xét có một số ý kiến sau: ƯU ĐIỂM - Đây là một cuốn sách viết công phu, đầy đủ về các nội dung cần có đối với một công trình Địa chí cho một đơn vị hành chình không lớn, nhưng có ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng. - Cuốn sách gồm 11 chương, phân bố theo 4 phần: Địa lý tự nhiên, hành chính; Lịch sử; kinh tế - xã hội; văn hóa là hợp lý. - Nhìn chung, các tác giả đã cố gắng diễn đạt dễ hiểu đối với các thuật ngữ liên quan đến chuyên môn. - Liên quan đến chương 1- Địa lý tự nhiên: Có thể nhận thấy rằng hiếm có công trình về Địa chí của một đơn vị với diện tích nhỏ được phản ánh qua nhiều thông tin về tự nhiên. Những kết quả nghiên cứu địa lý tự nhiên (trong đó, đặc biệt là nghiên cứu địa chất - địa mạo) làm sảng tỏ vị thế của Cổ Loa và lịch sử phát triển kinh tế của lãnh thổ này qua các giai đoạn. MỘT SỐ GÓP Ý VÀ TRAO ĐỔI: - Về nội dung: nếu có thể, nên thêm thông tin về dân số và nguồn lao động trong phần kinh tế xã hội. Ở phần kết luận, nên có những nhận định mang tính dự báo về Cổ Loa - tầm nhìn tương lai ( CO LOA - FUTURE VISION ). - Kiểm tra một số các thông tin và chỉnh sửa lại cho thống nhất, đôi chỗ cần phổ thông hóa một số thuật ngữ chuyên môn.(Người nhận xét đã đánh dấu những lỗi cần xem xét và chỉnh sửa trên bản thảo) . - Bổ sung tập bản đồ và ảnh cho phần phụ lục (nếu có). - Còn có những sai sót về kỹ thuật cần chỉnh sửa. Người nhận xét đánh giá cao về chất lượng của bản thảo Địa chí Cổ Loa. Kính đề nghị Văn Phòng Dự án cho xuất bản sau khi các tác giả đã chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng.
TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học (20/05/2010)
Không kể phần Tài liệu tham khảo, Công trình Địa chí Cổ Loa gồm 4 phần (11 chương) với tổng cộng 654 trang. Theo tôi được biết thì để có được bản thảo này, tập thể tác giả đã có nhiều năm nghiên cứu, khảo sát điền dã và khai thác nhiều nguồn tài liệu khác nhau trên các lĩnh vực sử học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học và các tài liệu về địa chất, thủy văn... liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất và con người Cổ Loa. Với một tập thể tác giả là những nhà khoa học có uy tín, có trình độ chuyên môn sâu và rộng, nội dung cuốn Địa chí Cổ Loa đã đạt đến chất lượng khoa học cao nhất. Cấu trúc các phần, chương, tiết hợp lý, phương pháp biên soạn mang tính tổng hợp liên ngành, đa ngành. Trên cơ sở nguồn tài liệu đa dạng và phong phú, tập thể tác giả đã đem đến cho độc giả niềm thích thú say mê khi đọc Địa chí Cổ Loa. Toàn bộ diện mạo của Cổ Loa hơn 2000 năm tuổi được các tác giả phản ánh rõ nét, đầy đủ từ điều kiện địa lý, địa chất, địa mạo... đến tiến trình lịch sử - văn hóa. Tôi đánh giá rất cao chất lượng của công trình và mong muốn các tác giả sớm công bố Địa chí Cổ Loa trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Được Lãnh đạo Nxb Hà Nội giao trách nhiệm đọc và có ý kiến đóng góp vào bản thảo, tôi cũng xin được nêu ra một vài vấn đề cần trao đổi với các tác giả như sau: 1. Tr. 30, trong mục 3.2.3 Địa hình nhân sinh, nên chăng bổ sung thêm địa hình các khu dân cư. Ở đây các tác giả chủ yếu mới mô tả thành Cổ Loa (tường thành, hào thành...). 2. Tr. 55, 56, nên chuyển các địa danh cũ của Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Đan Phượng (Hà Tây) về Hà Nội. 3. Tr. 60: Nếu có điều kiện đề nghị các tác giả bổ sung thêm tài nguyên nước ngầm của Cổ Loa. 4. Tr. 63 - 69 mục 1.4: thống nhất viết tên hoặc ký hiệu hóa học của các nguyên tố hay hợp chất hóa học: ví như Nhôm hay Al. Ôxit sắt 2, 3 nên chua thêm ký hiệu FeO, Fe2O3... 5. Tr. 110, Không nên viết là Lê Quang Thuận (1460-1469) mà nên cụ thể hơn: niên hiệu Quang Thuận triều vua Lê Thánh Tông. 6. Tr.111: Năm Thành Thái 11 là 1899 chứ không phải 1889. 7. Tr. 116, tác giả ghi: đứng đầu quận Giao Chỉ là chức Thứ sử. Theo tôi là chưa hợp lý. Thời Tây Hán đặt nước ta làm Giao Châu gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Đứng đầu Giao Châu là chức Thứ sử, đứng đầu các quận là chức Thái thú. 8. Tr. 122, 123, 134, 233 khi nói về diện tích các loại đất, tác giả nên chú thích rõ (mẫu, sào, thước, tấc...) chứ chỉ viết, ví dụ 34.2.1.6 những người chuyên sâu về ruộng đất sẽ hiểu là 34 mẫu, hai sào, 1 thước, 4 tấc, còn phần đông sẽ không biết gì về con số này (như ở trang 239). 9. Tr. 129, các tác giả cho rằng: Vào thời nhà Mạc (1527-1592), có nhiều người vùng Thanh Nghệ di cư đến Cổ Loa .... Xóm Lan Trì ra đời trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, ngay sau đó, tác giả cho biết: Dòng họ đầu tiên đến đây là họ Lại gốc ở Hà Trung. Trong đó có ông Lại Duy Chí đỗ TS năm 1700. Ông là người đã đưa gia đình đến Lan Trì lập nghiệp... Ở đây có mâu thuẫn trong nhận xét. 10. Trong mục II. Các đơn vị hành chính - cộng đồng (từ trang 121) Theo tôi, nên thống nhất các đơn vị đo lường ruộng đất, có nơi thì tính diện tích là mét vuông, có nơi lại tính bằng hecta. 11. Tr. 159, tác giả viết: Vào thời Hán, Cổ Loa thuộc huyện Tây Vu có 32.000 hộ ... người đọc dễ hiểu đây là số hộ của Cổ Loa chứ không phải của huyện Tây Vu. 12. Tr. 199, tác giả viết: Luy Lâu là trị sở của Giao Châu do Thái thú đóng giữ. Đúng ra phải là Thứ sử Giao Châu (hoặc Thái thú Giao Chỉ) đóng giữ. 13. Tr. 232, tác giả viết: Năm 1832, trấn Kinh Bắc đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Ở đây có sự nhầm về niên đại, đúng ra là năm 1822, và đổi là trấn Bắc Ninh, năm 1831 mới là tỉnh Bắc Ninh. 14. Tr.237, tác giả viết:... ở cấp huyện là một viên Tri huyện, Tri phủ người Việt, nên viết rõ hơn là ở cấp phủ, huyện là một viên Tri phủ, Tri huyện, người Việt... 15. Tr. 243, nên đổi địa danh tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phúc Yên. 16. Tr. 25, Nên sửa câu: Cổ Loa còn là trạm nghỉ ngơi và dưỡng bệnh cho một số lãnh đạo cao cấp, vừa vượt ngục của Đảng thành Cổ Loa còn là trạm nghỉ ngơi và dưỡng bệnh cho một số lãnh đạo cao cấp của Đảng vừa vượt ngục. 17. Tr. 444, tác giả viết: ... nhóm thanh niên xóm Chợ đã phát hiện 1 trống đồng có chứa hơn 200 hiện vật các loại "... tổng số hiện vật chứa trong trống đồng thu hồi được đến nay là 247 di vật" (công cụ sản xuất 194, vũ khí 29, đồ dùng sinh hoạt 7 chiếc...). Hiện vật này thu hồi được ở Di tích Mả Tre hay ở trong Trống đồng? 18. Tr. 456: tứ quý là tùng, cúc, trúc, mai chứ không nên viết thông, cúc, trúc, mai. 19. Tr. 461, Thành Thái năm thứ 3 là 1891, chứ không phải 1903. 20. Tr. 467, về các đạo sắc phong năm Cảnh Hưng và Cảnh Thịnh nên cho biết niên đại cụ thể, vì trong sắc phong bao giờ cũng ghi rõ, do đó không viết chung chung Cảnh Hưng (1740-1786) và Cảnh Thịnh (1793-1801). 21. Tr. 474, Đô nguyên soái Tăng quốc chính hay Tổng quốc chính... 22. Tr. 569, nên thống nhất viết tên tác phẩm của Cao Hùng Trưng là An Nam chí (như các trang trước đó) chứ không viết là An Nam chí nguyên. 23. Tr. 577, 579. Thống nhất viết cụm từ Ngự triều di quy như các trang trước đó (không viết hoa toàn bộ). 24. Tr. 595, 596: nên sắp xếp thứ tự các văn bia theo niên đại được soạn khắc sớm nhất. - Thứ tự bia số 46 là Duy Tân thứ 9 chứ không phải Duy Tân 11. Năm thứ 11 là năm 1917, đã sang năm thứ 2 triều Khải Định. 25. Tr. 598, Hồng Phúc nguyên niên là năm 1572 chứ không phải 1557. 26. Tr. 599, Thành Thái thứ 9 là 1897 chứ không phải 1898. 27. tr. 606, nên đổi niết sứ thành Án sát sứ. 28. Tr. 642, nên bổ sung thêm lý lịch của Hoàng Quốc Việt (quê quán), vì các nhân vật viết trước và sau đều ghi rõ quê quán. 29. Tr. 660, thư mục số 91: Phạm Văn Kính (sử học) hay Phạm Văn Kỉnh (Khảo cổ học). Trên đây là một số ý kiến cá nhân góp ý cho bản thảo Địa chí Cổ Loa để tập thể tác giả xem xét.
PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung (20/05/2010)
1. Giá trị khoa học của công trình Đây là công trình khoa học tổng hợp toàn diện về Cổ Loa đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp độc giả từ đại chúng phổ thông đến khoa học chuyên sâu. Bản thảo lần này đã được nhóm tác giả đầu tư công sức, cập nhật thêm một số tư liệu để diễn giải rõ hơn những vấn đề mà cuốn địa chí đã in, đặc biệt là những tư liệu khảo cổ, tư liệu khảo sát thực địa ở Việt Nam và Trung Quốc để đánh giá lại một số nhận thức trước đây về nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan đến An Dương Vương và thành Cổ Loa. Vị trí của “Địa chí Cổ Loa” biên soạn mới trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Những người thực hiện bản thảo này cố gắng theo đúng theo tinh thần của hội đồng nghiệm thu đề cương bản thảo 19/10/2007 là cập nhật tư liệu, lược bớt nhiều phần khoa học chuyên sâu, kết cấu hợp lý và lô gich và bổ sung thêm phần minh họa. Do vậy so với cuốn đã in, cuốn địa chí mới này sẽ phục vụ được lượng độc giả đa thành phần và có khả năng phổ biến rộng rãi hơn. Như vậy, “Địa chí Cổ Loa” soạn mới này có vị trí xứng đáng trong tủ sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Các chương mục lớn và các đề mục nhỏ của bản thảo đã được soạn đúng theo đề cương sách đã được hội đồng thẩm định. 2. Hiệu quả nhiều mặt của công trình Công trình khi được xuất bản thành sách với các tiêu chí hệ thống, phổ thông, phổ quát, tổng hợp… sẽ là tập tư liệu tham khảo hữu ích cho những người quản lý, hoạch định chính sách, tài liệu nghiên cứu quý cho những người nghiên cứu , đào tạo lịch sử, văn hóa, nhân học… Cổ Loa nói riêng và Hà Nội nói chung. Về xã hội: Nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ và đóng góp vào việc quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Cổ Loa và Hà Nội. 3. Những vấn đề cần lưu ý Các chương viết chưa đều tay, văn phong còn chưa thống nhất giữa các chương viết. Mặc dù những người soạn thảo đã cố gắng bớt đi những nội dung và thuật ngữ quá khoa học chuyên sâu nhưng vẫn còn một số mục, chương đi sâu vào mô tả chi tiết, khô khan. Ví dụ chương 1, chương 9… Các chương mục nhìn chung là hợp lý, nhưng vẫn có những vấn đề còn lặp lại. Nên chăng đưa nội dung của chương 9 lồng ghép vào các chương 3,4. Nếu vẫn để chương 9 thì nên soạn lại cho ngắn gọn, theo những tiêu chí thống nhất. Đặc biệt là phần các di tích khảo cổ và kiến trúc lịch sử. Bên cạnh các bảng biểu nên có một số đồ thị biểu hiện cho diễn biến ruộng đất, dân cư, biến đổi văn hóa qua các thời kỳ. Minh họa và phụ lục: Không nhận được phần minh họa ngoài và phụ lục nên không thể đưa ra nhận xét. Tuy nhiên, những minh họa chương 1, bản đồ cần ghi rõ nguồn hay được làm lại dựa trên nguồn nào. Theo đề cuơng. Địa chí Cổ Loa lần này sẽ có nhiều minh họa, do vậy nên chú ý những minh họa phải sát với phần viết và có ghi chú rõ ràng hợp giữa số trong bản viết với số trong phụ lục và phải ghi nguồn chính xác. Tư liệu trích dẫn: Có hai cách 1. Đầy đủ chi tiết, thống nhất giữa các chương mục 2. Hoặc chỉ ghi những tác phẩm, công trình, sách chính Index: Trong bản thảo không thấy index, vì vậy cần bổ sung phần index.
TS. Nguyễn Văn Sơn_GĐTT Thành cổ Hà Nội (20/05/2010)
Tôi xin nhận xét bản thảo cuốn Địa chí Cổ Loa do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt nam học và Khoa học phát triển, PGS.TS. Vũ Văn Quân, Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ biên đã được Hội đồng nghiệm thu đề cương bản thảo họp góp ý và thông qua đề cương vản thảo ngày 19/10/2007 như sau: 1. Về sự cần thiết của đề tài: Việc biên soạn và xuất bản cuốn Địa chí Cổ Loa trước thềm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là việc làm có ý nghĩa và râấ cần thiết. Cuốn sách này khi hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu lịch sử thành Cổ Loa - một quân thành, kinh thành, thị thành đã ba lần từng là kinh đô trong lịch sử. Có thể nói đây là bộ đại tập thành về Cổ Loa với tư cách là đơn vị hành chính cấp xã và các vùng phụ cận có di tích liên quan đến Cổ Loa - một địa danh lịch sử trên tất cả các phương diện mà cuốn địa chí đã nêu. Mặt khác, cuốn địa chí Cổ Loa còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng nội dung trưng bày của Bảo tàn hà Nội, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa và đặc biệt với những cứ liệu khoa học sẽ góp phần vào việc quy hoạch phát triển Thủ đô gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa Khu di tích Cổ Loa trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. 2. Bản thảo cuốn Địa chí Cổ Loa với gần 700 trang gồm 11 chương được chia làm 4 phần: Phần thứ nhất gồm 2 chương: Chương 1: Địa lý tự nhiên; Chương 2: Địa lý hành chính và các hình thức liên kết cộng đồng; Phần thứ hai gòm 4 chương từ chương 3 đến chương 6: Chương 3: Cổ Loa - Kinh đô của thời dựng nước; Chương 4: Cổ Loa từ sau An Dương Vương đến giữa thế kỷ XIX; Chương 5: Cổ Loa từ khi Pháp xâm lược cho đến Cách mạng tháng Tám; Chương 6: Cổ Loa từ năm 1945 đến 2005; Phần thứ ba có 2 chương: Chương 7: Kinh tế; Chương 8: Giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và vệ sinh môi trường; Phần thứ tư gồm 3 chương: Chương 9: Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng; Chương 10: Đời sống văn hóa; Chương 11: Nhân vật Cổ Loa. 3. Với thời gian hơn hai năm, chủ biên và các cộng sự đã gấp rút hoàn thành bản thảo có chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu về nội dung, về bố cục của một công trình khoa học về địa chí. 4. Tuy nhiên trong bản thảo còn có một số lỗi về kỹ thuật như: Sằn Giã trong các trang: 332, 339, 343, 344, 352, 358, 363, 364 đều viết là Sàn Giã. - Tại tr.431: văn hóa Đông Sơn - Văn minh sông Hồng. Đây là một khái niệm do GS. Hà Văn Tấn đưa ra và quan niệm Văn minh sông Hồng có không gian vùng châu thổ sông Hồng và có niên đại từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Nhưng hiện nay khái niệm này còn chưa thống nhất và cũng chưa có cuộc hội thảo khoa học nào bàn về không gian và thời gian của Văn minh sông Hồng. Vì vậy đề nghị chủ biên xem xét lại vấn đề này. - Về niên đại An Dương Vương trong bản thảo còn có chỗ chưa thống nhất: tr.13 tác giả cho rằng Cổ Loa thời An Dương Vương từ 257 TCN đến 208 TCN, tr.188 lại ghi niên đại chấm dứt thời kỳ An Dương Vương là năm 179 TCN. Tr. 614 ghi Triệu Đà cai trị đất Việt từ năm 213 đến 137 TCN. Vấn đề niên đại Cổ Loa thời An Dương Vương tuy còn có những sách viết khác nhau, nhưng với những tư liệu hiện có đến nay thì nhiều người đã khẳng định là: 208 TCN đến 179 TCN. Vì vậy xin chủ biên xem lại. - Tại tr.206 ghi Cổ Châu là xã Vân Hà, xin sửa lại là thuộc xã Vân Hà cho chính xác. - Trong bản thảo có chia sách làm 4 phần nhưng lại thiếu tên các phần 2, phần 4, cần phải thống nhất chung khi in chính thức. 5. Về cơ bản, tôi rất nhất trí với bản thảo do chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã dự thảo. Tôi đề nghị chủ biên xem lại những vấn đề mà các thành viên Hội đồng góp ý để có thể chỉnh sửa những lỗi kỹ thuật và một số sai sót trước khi in. Tôi cũng đề nghị Hội đồng nghiệm thi công trình để đưa in.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)