Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách địa lý
Địa bạ cổ Hà Nội

Cuốn sách do GS. Phan Huy Lê (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Địa lý.

Tác giả: GS.Phan Huy Lê (Chủ biên)
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 1728 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 5.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

 Địa bạ là một nguồn tư liệu rất phong phú và quý giá để nghiên cứu nông thôn và cả đô thị Việt Nam trên nhiều phương diện: tình hình khai phá ruộng đất, đặc điểm của nông nghiệp cổ truyền; chế độ sở hữu ruộng đất; tình trạng chiếm hữu ruộng đất và sự phân hoá xá hội ở nông thôn, kết cấu xã hội và các giai tầng; thống kê các dòng họ và sự phân bố theo các khu vực; bộ máy hành chính và quản lý từ cấp cơ sở…. Đây là nguồn tư liệu quý gần đây được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, khai thác.

  Địa bạ cổ Hà Nội là nguồn tư liệu về hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận (địa giới hành chính cũ của Hà Nội) được dịch, hiệu đính… Trên cơ sở nguồn tư liệu này tổng hợp, đưa ra những phân tích chuyên sâu về quy mô ruộng đất, quy mô sở hữu… của vùng đất Hà Nội cổ. Công trình cũng đưa ra những nghiên cứu chuyên đề về chế độ ruộng đất và cơ cấu đô thị Hà Nội nửa đầu thế kỷ 19; hệ thốn đơn vị hành chính và tổ chức quản lý, cảnh quan tự nhiên của Hà Nội; di tích lịch sử - văn hoá của Hà Nội… Đây là nguồn tài liệu có giá trị về Thăng Long - Hà Nội.

Sách cùng chuyên mục

Atlas Thăng Long - Hà Nội

Atlas Hà Nội thể hiện một cách khái quát lịch sử hình thành, phát triển và các điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội hiện nay của thủ đô Hà Nội. Atlas Hà Nội nhằm cung cấp thông tin nhiều mặt về thành phố Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến trong quá khứ và hiện tại cũng như tiềm năng để vươn tới những bước phát triển mới trong tương lai. Atlas có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập về Hà Nội, làm phương tiện để quảng bá và mở rộng hiểu biết về Hà Nội cho quảng đại quần chúng nhân dân và cho người nước ngoài quan tâm, tìm hiểu Hà Nội.
GS.TS Trương Quang Hải (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
180 trang

Giới thiệu sách “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (Từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”

Cuốn sách “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (Từ đầu thế kỷ XIX đến nay)” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh làm chủ biên là một cuốn sách nghiên cứu về địa danh từ cách tiếp cận lịch đại. Cuốn sách không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn cao. Với mục tiêu tìm hiểu, khôi phục, nghiên cứu quá trình biến đổi địa danh nhằm tìm ra nguyên tắc cấu tạo và giá trị lịch sử - văn hóa, cuốn sách đã tái hiện một bức tranh đầy màu sắc, hết sức sinh động và khoa học về hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long - Hà Nội truyền thống (tập trung chủ yếu vào 2 huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương) từ thế kỷ XIX đến nay.

Nguyễn Thị Việt Thanh
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
584
16x24

Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
TS. Đỗ Xuân Sâm (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
592 trang

Địa chí Cổ Loa

Cổ Loa có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và của quốc gia độc lập thời Ngô Quyền với dấu vết còn lại đến ngày nay là một toà thành cổ có quy mô đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc; PGS.TS. Vũ Văn Quân (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
832 trang
16x24cm

Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.
PGS.TS Vũ Văn Phái (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
280 trang
16 x 24
Ý kiến bạn đọc
GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ (24/08/2011)
1- Sách gồm 2 tập: Tập I Bản dịch tiếng Việt và sách dẫn, có độ dày trên 800 trang trên khổ giấy A4. Tập II: Hệ thống tư liệu nghiên cứu chuyên đề, trong đó phần II là phần Hệ thống tư liệu, chia thành các mục thừ A đến F: Tổng hợp số liệu theo thôn, phường; theo tổng; theo huyện; theo hai huyện; tổng hợp quy mô sở hữu tư điền và cuối cùng là quy mô sở hữu theo dòng họ. Phần III gồm 5 chuyên đề: Chuyên đề 1: Chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu đô thị Hà Nội nửa đầu thế kỉ XIX qua tư liệu địa bạ. Chuyên đề 2: Hệ thống đơn vị hành chính và tổ chức quản lý qua tư liệu địa bạ. Chuyên đề 3: Cảnh quan mặt nước của Hà Nội qua tư liệu địa bạ Chuyên đề 4: Cảnh quan tự nhiên và di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội qua tư liệu địa bạ. Chuyên đề 5: Dấu tích thành lũy Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu địa bạ. Phần cuối là Danh mục ảnh và các bản đồ minh họa (nhưng chưa có đầy đủ trong bản thảo). 2- Nhìn vào hai tập sách đồ sộ, được các tác giả dày công biên soạn, được xuất bản lần đầu vào năm 2005, và đã từng được công chúng, nhất là giới nghiên cứu hồ hởi đón đọc trong thời gian qua, đủ thấy tầm quan trọng và giá trị khoa học đích thực của công trình. Lần này, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, NXB Hà Nội lại tiếp tục cho in lại bộ sách, trên cơ sở có bổ sung, chỉnh lý và đưa vào “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Chúng tôi cho rằng đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, việc xuất bản bộ sách là để thiết thực kỉ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, giúp cho những người yêu Hà Nội, muốn tìm hiểu kĩ hơn, sâu hơn về Hà Nội, thấy được diện mạo của thành phố qua các thời kì lịch sử, qua những thay đổi về không gian, cảnh quan, phố phường, hồ ao, đình, đền, chùa miếu và các di tích lịch sử, các công trình văn hóa khác. Về lâu dài, tập sách giúp gợi mở hướng nghiên cứu mới về Hà Nội, ví dụ như trên cơ sở địa bạ hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận mở rộng việc nghiên cứu ra các khu vực khác; hoặc tiếp tục việc nghiên cứu Hà Nội trong thời kì cận đại và hiện đại... 3- Tập sách có cấu trúc chặt chẽ và khá lôgich. Sau phần bản dịch và bản kê sách dẫn của 160 địa bạ không trùng tên (trong tổng số 293 địa bạ của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận) hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, bộ sách còn cung cấp những thông tin có giá trị về tình hình sở hữu ruộng đất ở hai huyện nói trên ở nửa đầu thế kỉ X I X (thể hiện trong nội dung tập II của công trình), thông qua những nghiên cứu phân tích công phu và được phản ánh trong hai phần: Phần tổng hợp tư liệu và phần Nghiên cứu chuyên đề. 4- Cũng cần nói thêm rằng, khác với các công trình trước đây, những nghiên cứu lần này có một số điểm khác biệt: Đây là công trình có quy mô nhất từ trước tới nay về địa bạ hướng tới mục tiêu khai thác các thông tin về Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XIX, giúp độc giả hình dung được quy mô cấu trúc của làng xã thuộc các quận huyện của Hà Nội cổ cũng như cung cấp những thông tin khác có liên quan đến các di tích lịch sử - văn hóa, như dấu vết các thành lũy, các xứ đồng, các địa giới hành chính, một số nhân vặt lịch sử có liên quan. Phần các chuyên đề có thể xem là những luận văn khoa học thực sự, được nghiên cứu một cách cẩn thận, công phu, dựa trên các nguồn tư liệu thành văn xác thực và được xử lý bằng các phương pháp phân tích thống kê hiện đại, vì thế đã đưa lại những kết quả khách quan và có độ chính xác cao. Trong phần nghiên cứu chuyên đề, cuốn sách đã giúp cho người đọc dễ dàng nhận biết về các giá trị của địa bạ trong việc tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến lịch sử và văn hóa Thăng Long mà ở phần thứ nhất (phần biên dịch) mới chỉ cung cấp các thông tin ở dạng sơ cấp. Với những phân tích trong các chuyên đề này, người đọc không chỉ liên hệ, so sánh với bản đồ Hà Nội ngày nay để hiểu về cảnh quan, diên cách của Thăng Long - Hà Nội cách đây trên dưới 150 năm, mà còn còn cung cấp thêm những thông tin về cách thức tổ chức, quản lý Thăng Long - Hà Nội trong một số thời điểm (trước năm 1931 thuộc Bắc Thành và từ năm 1931 về sau chuyển đổi thành tỉnh thành); những nghiên cứu về cảnh quan mặt nước thông qua nghiên cứu địa bạ cổ cho thấy cuộc sống hòa đồng giữa con người và thiên nhiên xưa kia trên đất Thăng Long. Điều này có giá trị tham khảo đích thực trong việc tuyên truyền giáo dục cũng như cảnh báo cho những nhà quy hoạch đô thị và cho những nhà thực thi các chính sách bảo vệ môi sinh, môi trường Thủ đô trong thời gian trước mắt và tương lai. 5- Như vậy, không còn nghi ngờ gì về giá trị to lớn về nhiều nặt của công trình: Địa bạ cổ Hà Nội. Vì đây là lần xuất bản thứ hai, nên các tác giả đã có ý thức gia công, tu sửa khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên theo chúng tôi, để cho thật hoàn mĩ, các tác giả vẫn cần rà soát thêm lần cuối về các lỗi cơ học như chỉnh sửa các dấu chấm (.) khi viết về diện tích đất đai cho chính xác; bổ sung thêm các bản đồ như bảng kê danh mục đã giới thiệu ở phần đầu cuốn sách. Cuối cùng, chúng tôi hi vọng cuốn sách sách sẽ được xuất bản trong thời gian gần nhất để kịp thời đáp ứng mong muốn của độc giả. - Riêng về mặt hình thức, theo chúng tôi sách có thể chia thành 2 tập như đã xuất bản lần đầu, song cũng nên có một số lượng nhất định xuất bản trong một tổng tập để người đọc tiện sử dụng và tra cứu.
PGS.TS Trần Thị Vinh (24/08/2011)
Địa bạ từ vài chục năm trở lại đây bắt đầu được giới khoa học quan tâm khai thác vì nó là nguồn tư liệu vô cùng quí bổ sung một phần quan trọng cho sự ghi chép thiếu hụt trong chính sử khi nghiên cứu về nông thôn, nông nghiệp Việt Nam trong quá khứ. Đặc biệt, có một nguồn tư liệu địa bạ rất quan trọng mà trước đây chưa hề được khai thác, ngoài những bài viết đã công bố của Giáo sư Phan Huy Lê trong các Hội nghị Quốc tế ở Pháp, Hà Lan, hoặc đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, trong sách Tìm về cội nguồn… vào các năm 1995, 1996 và 1997, đó là những Địa bạ cổ của đô thị Thăng Long- Hà Nội. Do đó, Nhà xuất Bản Hà Nội đã đưa bộ sưu tập nghiên cứu về Địa bạ cổ Hà Nội vào “ Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến” là rất sáng suốt. Đây là việc làm hết sức cần thiết vì nguồn tư liệu về Địa bạ cổ Hà Nội sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu nhiều mặt về Thăng Long- Hà Nội trong quá khứ. Mặc dù, trong dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội đã công bố Tập I và Tâp II Địa bạ cổ Hà Nội này nhưng với tầm cỡ của công trình và với sự quan trọng của nguồn tài liệu thì lần xuất bản này chắc chắn sẽ mang tính phục vụ lớn hơn rất nhiều. Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ chủ trương này của Nhà xuất bản Hà Nội. Nếu bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội không được đưa vào chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long và “ Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến” trong dịp này thì sẽ khó có một cơ hội tốt hơn. Tập bản thảo Địa bạ cổ Hà Nội lần này được Giáo sư chủ biên và tập thể tác giả hoàn thiện rất kỹ lưỡng với một khối lượng công việc đồ sộ, gồm hai tập: Tập I : Bản dịch và sách dẫn. Tập II : Hệ thống tư liệu và Nghiên cứu chuyên đề. Tập sách có thêm Lời mở đầu. Phần Bản dịch đã được các tác giả kiểm tra đối chiếu lại về chữ Hán, chữ Nôm và các số liệu ghi chép trong địa bạ với bản tiếng Việt. Phần Hệ thống tư liệu cũng được rút gọn lại so với lần xuất bản trước. Đặc biệt là các Phần Chuyên đề nghiên cứu thông qua nguồn tư liệu địa bạ, nhiều chỗ cũng đã được các tác giả chỉnh sửa, ngôn từ chuẩn xác hơn với những lời lẽ hay hơn. Ngoài những nội dung chính là Phần Bản dịch tiếng Việt từ 160 địa bạ của hai huyện Thọ Xương( 8 tổng, 116 thôn, phường, trại), Vĩnh Thuận( 5 tổng, 44 thôn, phường, trại) cùng Phần Sách dẫn tra cứu của Tập I và Phần Hệ thống tư liệu cùng 5 Chuyên đề nghiên cứu của tập II còn có phần Nghiên cứu tổng quan rất công phu, được trình bày rất hấp dẫn về Sưu tập địa bạ của Giáo sư chủ biên, giúp cho người đọc trước khi sử dụng nguồn tài liệu đã hiểu được một cách khá tường tận về Nội dung và Giá trị của nguồn tư liệu Địa bạ cổ Hà Nội chứa đựng trong hai tập sách. Toàn bản thảo đã được rà soát và rất hiếm lỗi về kỹ thuật. Nhận xét chung : Hai tập bản thảo Địa bạ cổ Hà Nội do Giáo sư Phan Huy Lê làm chủ biên cùng tập thể tác giả dịch thuật và viết chuyên đề đều là những người có rất nhiều kinh nghiệm, trình độ và thâm niên trong nghiên cứu về địa bạ nên đã hoàn thành rất tốt nội dung bản thảo cũng như các khâu về kỹ thuật chuẩn bị bản thảo. Đây là tập bản thảo đảm bảo tốt về chất lượng, có thể xuất bản ngay được mà không cần góp thêm ý kiến gì về nội dung và cách thể hiện vì GS. chủ biên và các tác giả đã sử dụng ở đây một phương pháp tốt nhất về khai thác và nghiên cứu địa bạ. Tuy nhiên, trước khi đưa in, những tác giả nào mới thay đổi về học hàm, học vị cũng cần được đưa vào sách mới. Tôi đánh giá cao chất lượng của tập bản thảo. Hai tập bản thảo Địa bạ cổ Hà Nội được xuất bản sớm sẽ rất hữu ích và phục vụ rất kịp thời cho những người nghiên cứu về Hà Nội.
TS. Nguyễn Ngọc Nhuận (24/08/2011)
Bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội, huyện Thọ Xương - Vĩnh Thuận do GS. Phan Huy Lê làm chủ biên, gồm 2 tập Tập I gồm: Lời mở đầu, Địa bạ cổ Hà Nội, sưu tập và giá trị tư liệu, Phần I:Bản dịch tiếng Việt: Sách dẫn theo địa danh, nhân danh từ trang 1 đến trang 879 (không kể số trang phần sách dẫn) do GS. Phan Huy Lê, PGS.TS Vũ Văn Quân, Ths. Nguyễn Ngọc Phúc, NNC Võ Văn Sạch, PGS.TS Phan Phương Thảo thực hiện. Tập II gồm: Phần II Hệ thống tư liệu, Phần III: 5 chuyên đề nghiên cứu: - Chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu đô thị Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ. - Hệ thống đơn vị hành chính và tổ chức quản lý Hà Nội qua tư liệu địa bạ. - Cảnh quan mặt nước của Hà Nội qua tư liệu địa bạ. - Cảnh quan và di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội qua tư liệu địa bạ. - Di tích thành lũy Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu địa bạ. - Thư mục tham khảo. Từ trang 880 đến trang 1518. Do GS. Phan Huy Lê, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, PGS.TS Vũ Văn Quân, PGS.TS Phan Phương Thảo, ThS. Vũ Đường Luân, ThS. Phan Thị Hoàn thực hiện. Bộ sách với tầm vóc trên 1500 trang đã cung cấp cho người đọc 2 phần chính: - Phần bản dịch: Các tác giả đã "tuyển chọn 160 địa bạ không trùng tên để dịch sang tiếng Việt, cung cấp tư liệu về một bức tranh toàn cảnh của địa bạ cổ Hà Nội. Ngoài ra có 6 địa bạ trùng tên nhưng khác niên đại". Các tác giả đã "đưa vào Phụ lục để cung cấp thông tin về sự biên đổi liên quan đến địa bạ qua thời gian của một số đơn vị hành chính cơ sở của huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận". - Phần Nghiên cứu: gồm bài nghiên cứu: Địa bạ cổ Hà Nội, sưu tập và giá trị tư liệu của GS Phan Huy Lê và 5 chuyên đề nghiên cứu xung quanh những vấn đề rút ra từ tư liệu địa bạ cổ Hà Nội, như vấn đề chế độ sở hữu ruộng đất, vấn đề hệ thống tổ chức các đơn vị hành chính, vấn đề cảnh quan hồ ao mặt nước Hà Nội, cảnh quan di tích lịch sử văn hóa, dấu tích thành lũy Thăng Long - Hà Nội xưa do các GS.TS, các nhà nghiên cứu có uy tín đã nhiều năm đi sâu vào những vấn đề địa bạ cổ thực hiện. Sau đây là một số nhận xét của chúng tôi: 1. Phần bản dịch địa bạ cổ Hà Nội gồm 2 huyện Thọ Xương và huyện Vĩnh Thuận: Như chúng ta biết sau khi Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô Thăng Long trở thành kinh đô của cả nước thì bấy giờ. Phủ Ứng Thiên là đất thuộc Kinh thành. Đến đời Lê Quang Thuận 10 (1469) phủ Ứng Thiên được đổi thành phủ Phụng Thiên, gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương (huyện Vĩnh Xương sau đổi là Thọ Xương, huyện Quảng Đức năm Gia Long 4 (1805) đổi tên là Vĩnh Thuận). Đời Tây Sơn gọi là Bắc Thành. Năm Gia Long 4 (1805) đổi tên phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, gồm 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Như vậy trong nhiều thế kỉ, khuôn khổ của Thăng Long xưa chỉ bao gồm đất đai, mặt nước thuộc 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Đến năm Minh Mệnh 12 (1831) thực hiện cải cách hành chính cả nước, tỉnh Hà Nội ra đời, phạm vi địa dư Hà Nội bắt đầu được mở rộng. Trong bài Địa bạ cổ Hà Nội, sưu tập và giá trị tư liệu của GS Phan Huy Lê cũng cho biết những thay đổi của Thăng Long của từ “Năm 1010, sau khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) vua Lý Thái Tổ đổi tên thành Thăng Long… sang thời Trần gọi là phủ Trung Kinh, thời Hồ gọi là lộ Đông Đô… thời Lê sơ (1428-1527), vua Lê Thái Tổ vẫn định đô ở Thăng Long và năm 1430 đổi Đông Đô thành Đông Kinh… Từ đời Tây Sơn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân, thành Thăng Long trở thành trị sở của Bắc Thành… đến nhà Nguyễn (1802-1945) đóng đô ở Phú Xuân - Huế và buổi đầu vẫn duy trì khu hành chính Bắc Thành… Năm 1831, Minh Mệnh chia đặt các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân, đem các huyện Sơn Tây lệ vào phủ Hoài Đức. Tên Hà Nội xuất hiện từ đây và kinh thành Thăng Long xưa từ trị sở của Bắc Thành trở thành trị sở của tỉnh Hà Nội hay tỉnh thành Hà Nội, gồm 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức... Trong công trình nghiên cứu này, các tác giả chỉ công bố bản dịch và những chuyên đề nghiên cứu giới hạn trong phạm vi tỉnh thành Hà Nội tức đất kinh thành Thăng Long xưa, bao gồm 2 huyện Vĩnh Xương/Thọ Xương và Quảng Đức/Vĩnh Thuận tương xứng vùng trung tâm nội thành Hà Nội hiện nay, bao gồm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, một phần quận Đống Đa, Tây Hồ, trong phạm vi La Thành xưa và vùng quanh Hồ Tây cùng đất bãi ven sông Hồng. Việc công bố địa bạ cổ trong khuôn khổ hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận của Hà Nội là cần thiết và hợp lí. Trước khi công bố bản dịch địa bạ cổ hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận thuộc Hà Nội, tác giả chủ biên đã nghiên cứu kĩ lưỡng văn bản và tiến hành từng bước khảo sát văn bản theo đúng những nguyên tắc của phương pháp văn bản học. Từ danh mục địa bạ cổ hai huyện THọ Xương, Vĩnh Thuận của hai kho sách, tác giả chủ biên cho biết: - Trong sưu tập địa bạ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hai huyện kể trên có 127 địa bạ. Số địa bạ đó được phân bố theo các niên đại 1805, 1834, 1837. - Trong sưu tập địa bạ của Trung tâm lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, hai huyện kể trên có 166 địa bạ. Số địa bạ này đóng trong 82 tập phân bố theo các niên đại 1805, 1822, 1837, 1843. Khi so sánh và đối chiếu giữa 2 sưu tập của 2 kho sách, tác giả (chủ biên) nhận thấy: “Phần lớn địa bạ trong 2 sưu tập đó đều trùng nhau và về phương diện văn bản học, kho địa bạ ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I là văn bản gốc, là địa bạ chính thức được lưu trữ tại Bộ hộ của triều đình Huế. Đứng về số lượng số địa bạ của Trung tâm lưu trữ quốc gia I cũng tương đối nhiều hơn (chiếm tỉ lệ 166/293 = 56,65%) và đặc biệt bao gồm địa bạ cả 2 huyện, trong lúc Viện Nghiên cứu Hán Nôm gần như thiếu hẳn địa bạ huyện Vĩnh Thuận". Vì vậy, khi phiên dịch và nghiên cứu, các tác giả đã sử dụng địa bạ của Trung tâm lưu trữ quốc gia I làm bản chính và có đối chiếu với địa bạ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong những trường hợp đơn vị hành chính mà Trung tâm lưu trữ Quốc gia I không có địa bạ thì các tác giả đã sử dụng địa bạ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tổng số địa bạ được dịch trong công trình Địa bạ cổ Hà Nội là 166 địa bạ. Trong bản dịch các dịch giả đã nêu ra nguyên tắc dịch là trung thành theo văn bản gốc, khi có những điểm nghi vấn hoặc không rõ, người dịch đã đối chiếu và kiểm tra lại theo văn bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Phần dịch nghĩa được đặt trong hệ thống đề mục: 1. Giáp giới 2. Bản thôn/ trại/ phường/ xã công tư điền thổ 3. Loại khác: để xếp các loại đất đặc thù như giếng nước, bãi tha ma, mộ địa 4. Đất nơi khác tại bản thôn/ phường/ trại/ xã 5. Chức dịch và niên đại lập địa bạ. Trong quá trình dịch các dịch giả còn đối chiếu giữa văn bản và kết quả khảo sát thực địa để xác định tên chính xác của một địa danh. Đây là một bản dịch chuẩn mực, văn phong trong sáng, rõ ràng, mạch lạc. Phần phiên âm địa danh, nhân danh chữ Hán khá chuẩn xác, có một đôi chỗ nên cân nhắc thêm ví dụ: nhất sở, trong bản dịch nên dịch ra là một thửa; y xứ hồ, y xứ thổ trong bản dịch nên dịch ra là hồ xứ ấy, đất xứ ấy... để người đọc dễ hiểu hơn. Mặc dù trong phần Từ vựng Hán - Việt trong địa bạ đã giải thích riêng từng mục. Việc phiên âm chữ Nôm trong công trình: Đây là những mã chữ Nôm có niên đại muộn nhất vào năm 1843 (thế kỷ XIX) là chữ Nôm của thời Lê - Nguyễn. Việc phiên âm những chữ Nôm trong địa bạ cổ của tên người, tên đất là một việc khá khó khăn phức tạp. Bởi vì có thể một mã chữ nhưng được đọc bằng những âm khác nhau, hơn nữa những chữ Nôm trong văn bản chép tay dễ bị người chép viết thiếu hoặc sai nét, nên người phiên âm dễ đọc khác đi. Ví dụ: chữ trong văn bản đọc là Đống, chúng tôi cho rằng nên đọc là Đèo, nhưng ở đây có thể là chữ núi viết sai đi chăng (?). Trong một số trang khác trong văn bản, chúng tôi thấy cần tra cứu, cân nhắc thêm để đọc cho chuẩn hơn như: Rộc Hốt (tr.137); Hồ Bể (tr.138); xứ Đống Voi (tr.151); xứ hai ô cửa (tr.156); xứ Cửa đình (tr.183); xứ sau chùa (tr.205)... (xin xem phần kèm theo T1, T2, T3, T4, T5). Bản dịch còn có một số lỗi chính tả do đánh vi tính (ở những trang 244, 258...) thiếu trang 292. 2. Phần nghiên cứu của công trình: Địa bạ cổ Hà Nội Qua phần nghiên cứu cho người đọc thấy được giá trị của địa bạ cổ. Đây là "một nguồn tư liệu rất phong phú và quý giá để nghiên cứu nông thôn và cả đô thị Việt Nam trên nhiều phương diện như: - Tình hình khai phá và sử dụng ruộng đất, đặc điểm của nền nông nghiệp cổ truyền (ở nước ta). - Chế độ sở hữu ruộng đất và các hình thái sở hữu ruộng đất khác... - Tình trạng chiếm hữu ruộng đất và sự phân hóa xã hội ở nông thôn... - Thống kê các dòng họ và sự phân bố theo các khu vực... - Bộ máy hành chính và quản lý cấp cơ sở... - Gián tiếp nghiên cứu một số mặt của văn hóa như chữ Nôm..." Có thể thấy rằng từ những thông tin khai thác qua địa bạ kế hợp với các nguồn tư liệu khác đã đặt ra những hướng nghiên cứu trên các lĩnh vực về lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội xưa. Với chuyên đề I: Chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu đô thị Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX của GS. Phan Huy Lê. Đây là một chuyên đề nghiên cứu sâu và hết sức mẫu mực. Bằng vào phương pháp định lượng qua các bảng, biểu thống kê, đô thị, tỷ lệ, từ cơ sở dữ liệu là địa bạ của 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, tác giả chuyên đề cho người đọc hiểu được quy mô đơn vị hành chính; về ruộng đất công với những hình thái sở hữu khác nhau; về ruộng đất tư với việc phân bổ theo chính - phụ canh và đẳng hạng, thời vụ, quy mô sở hữu tư điền tại các phường, xã, thôn, tỷ lệ sở hữu ruộng đất tư theo dòng họ... Về việc phân bố đất đai và cơ cấu kinh tế đô thị của hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận. Chuyên đề II: Hệ thống đơn vị hành chính và tổ chức quản lý của hai tác giả PGS.TS. Vũ Văn Quân, ThS. Phan Thị Hoàn. Trong chuyên đề, từ cơ sở dữ liệu địa bạ, kết hợp với nhiều nguồn tư liệu khác đã trình bày rõ hệ thống các cấp hành chính và bộ máy quản lý của Thăng Long - Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX; từ cấp thành, tỉnh đến cấp phủ, huyện với quy mô bộ máy cai trị của các cấp... Chuyên đề III: Cảnh quan mặt nước của Hà Nội qua tư liệu địa bạ của PGS.TS. Phan Phương Thảo. Với chuyên đề này tác giả đi sâu nghiên cứu phân tích loại hình mặt nước nói chung, đặc biệt là các loại hồ nói riêng, giới hạn trong cùng Thăng Long - Hà Nội đầu thế kỷ XIX. Từ các thống kê cụ thể các loại hình mặt nước Thăng Long - Hà Nội tác giả chuyên đề đã đưa ra những nhận xét xác đáng về những biến động về cảnh quan Hà Nội nói chung, cảnh quan mặt nước nói riêng của khu vực phố cổ Hà Nội, vùng đất quanh Hồ Tây, khu Tây và Nam Hà Nội... Chuyên đề IV: Cảnh quan và di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội qua tư liệu địa bạ của PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế. Đây là một chuyên đề liên quan nhiều tới vấn đề văn hóa lịch sử. Trong chuyên đề tác giả đã đánh giá xác đáng rằng: "Chưa có nguồn tư liệu nào hiện có, phản ánh cảnh quan Hà Nội đầu thế kỷ XIX phong phú, đa dạng, nhiều thông tin bằng nguồn địa bạ năm 1804 (Gia Long 4), năm 1837 (Minh Mạng 18). Từ cấu trúc các khu vực trong thôn, phường, trại đến "vật" được dùng làm giới hạn thôn, phường, trại. Bằng vào các bảng thống kê, tác giả chuyên đề đã đưa ra những nhận xét lý thú: Vật dụng làm ranh giới nhiều nhất, theo thứ tự là thành Đại La, quan lộ, đường lớn, đường nhỏ, ao hồ, sông ngòi, nhà cửa dân cư, lũy rào dân cư... Cả đến Cây Gạo (cột dọc số 5) cũng được dùng làm mốc giới hạn ít nhất 18 đơn vị; rồi đến cột đá, tường gạch, bờ lũy... Trong phần 3 của chuyên đề, tác giả đã nêu lên những di tích tiêu biểu theo tư liệu địa bạ kết hợp với kết quả điều tra khai quật khảo cổ học gần đây như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trường Thi, Bảo tuyền cục, Đàn Nam giao, Đàn Xã Tắc, Thành Đại La, Cửa Tây, Cung Thái Hòa, Thôn Thạch Thị - Đồn Tây Luông, Núi Khán Sơn, Thôn Tự Tháp, Khu vực Ngự Sử - Lương Sử và một số di tích chưa được xác định, kèm theo phần phụ lục Thống kê di tích lịch sử - văn hóa qua tư liệu địa bạ. Chuyên đề V: Dấu tích thành lũy Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu địa bạ do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, ThS. Vũ Đường Luân thực hiện. Bằng vào việc sử dụng tư liệu địa bạ kết hợp với nhiều nguồn tư liệu khác nhau, các tác giả đã đưa ra được một cái nhìn đầy đủ về dấu tích thành lũy Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử: Hệ thống thành lũy Thăng Long thời Lý - Trần - Lê qua dấu tích của thành Đại La ở phía Đông, ở phía Nam, ở phía Tây, ở phía Bắc và dấu tích của các đoạn thành khác. Một phần của chuyên đề nghiên cứu đã viết khá sâu về những dấu tích liên quan đến Hoàng Thành Thăng Long, cũng như thành Hà Nội triều Nguyễn. Phần kết luận tác giả nhận xét "Những di tích đó không chỉ đơn thuần là những di vật đã gắn liền với quá trình thịnh suy, thăng trầm của mảnh đất kinh sư muôn đời còn lại đến hôm nay mà tự trong nó đã chứa đựng biết bao câu chuyện lịch sử, những thông tin quý giá về Thăng Long - Hà Nội". Trong phần đầu của tập II bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội có phần Hệ thống tư liệu của GS.TSKH. Phạm Thế Long từ trang 883 đến trang 1218. Đây là một hệ thống tư liệu công phu khoa học nhằm thuyết minh và hướng dẫn người đọc sử dụng. Hệ thống tư liệu đã nêu ra và Tổng hợp số liệu theo thôn, phường, tổng, huyện. Quy mô sở hữu tư điền, dòng họ. Đánh giá chung Bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội (huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận) đã cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu một bản dịch rất quý, một nguồn tư liệu phong phú nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Từ việc khai thác nguồn địa bạ cổ Hà Nội kết hợp với các nguồn tư liệu khác có thể có những phát hiện trên nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội... Phần chuyên đề nghiên cứu của các GS,TSKH, TS, NNC... đã đưa ra được những phát hiện, những nhận xét có giá trị khoa học. Đây là những suy nghĩ, nghiền ngẫm trên những dữ liệu của địa bạ cổ Thăng Long - Hà Nội kết hợp với những tư liệu khác. Tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi mong rằng bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội, một bộ sách quý sớm được ra mắt bạn đọc. Bộ sách xứng đáng được xếp vào một trong những bộ sách giá trị trong Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến".
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)