Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/12/2015 09:36
Nguyễn Công Hãng gắn với tư tưởng táo bạo trên lĩnh vực đối ngoại

Nguyễn Công Hãng tự Đại Thanh, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc xưa, nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cùng thời Lê Trung hưng, cùng quê hương trấn Kinh Bắc với nhà đối ngoại đại tài Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, công trạng của Nguyễn Công Hãng trên lĩnh vực đối ngoại ở vị thế chánh sứ, đã gắn liền với việc xoá bỏ “cái vạ” cống người vàng Liễu Thăng đặt ra từ đầu thời Lê và việc cống nước giếng Cổ Loa rửa ngọc không rõ từ bao giờ của triều đình phương Bắc.

 
Nổi tiếng hay chữ, năm 20 tuổi Nguyễn Công Hãng thi đỗ Tam đệ giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hoà 21 (1700) đời vua Lê Hy Tông. Gặp minh chúa An Đô vương Trịnh Cương là người tận tuỵ với công việc lại biết trọng dụng nhân tài, Nguyễn Công Hãng cùng các văn thần như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ phát huy được nhiều tài năng trong dựng xây đất nước. Là một trung thần có tư tưởng cải cách, có nhiều suy nghĩ hết sức táo bạo, một lòng dựng xây đất nước, vậy nên Công Hãng được vua Lê, chúa Trịnh trọng dụng, sùng ái, ông được đề bạt đến chức Thượng thư, Tể tướng đầu triều.
 
Tài năng của Nguyễn Công Hãng được chúa Trịnh đánh giá cao, khi ông được cử đi sứ nhà Thanh, chúa Trịnh đã đích thân làm 2 bài thơ ban cho đoàn đi sứ có ý ngợi khen tài năng, chí khí Công Hãng, đồng thời khuyến khích, động viên và bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của sứ bộ sẽ mang điều vẻ vang cho đất nước.
 
Không phụ lòng mong mỏi của vua, chúa, cùng thần dân Đại Việt, Nguyễn Công Hãng đã đạt được thành quả rực rỡ trong chuyến đi sứ năm Mậu Tuất (1718). Với tài năng ứng đáp mẫn tiệp, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép nhưng lại hết sức mềm mỏng khiến triều thần nhà Thanh phải quy phục mà bỏ lệ cống người vàng Liễu Thăng vốn đã tồn tại qua nhiều triều đại.
 
Trong những sứ bộ trước đó, lễ tuế cống ngoài các sản vật quý hiếm, vàng bạc châu báu của nước Nam làm ra còn phải cống thêm tượng vàng Liễu Thăng và nước giếng lấy từ giếng Trọng Thuỷ ở Cổ Loa. Vì tương truyền nước giếng này rửa ngọc trai rất sáng. Trong chuyến đi sứ năm đó, Nguyễn Công Hãng đã thay nước giếng Trọng Thuỷ bằng nước giếng khác đem theo. Thấy được người dân Việt lầm than, vất vả mà lại thêm cái nạn cống tuế nặng nề, Nguyễn Công Hãng trong chuyến đi sứ đã đề nghị không đúc người vàng mà chỉ mang theo những sản vật làm đồ lễ và lấy nước giếng khác thay nước giếng Trọng Thuỷ. Khi sang đến Trung Quốc, các quan triều Thanh soát thấy thiếu đồ lễ tuế cống, liền tâu lên vua nhà Thanh. Khi bị các quan triều Thanh truy vấn, ông đáp: - Quốc vương nước tôi nối gìn nghiệp cũ, không dám bỏ việc tuế cống còn các việc thu thành, nạp khoán hay bồi thường thì sứ thần này đâu biết đến. Người Thanh lại nhắc lại chuyện Liễu Thăng, ông cười trả lời: Liễu Thăng là tên bại tướng của nhà Minh, nhà Hoàng Thanh ta ngày nay bao gồm có cả muôn nước, lại đi khư khư đòi món của đút để trả mối thù của người xưa, như vậy sao đủ để làm khuôn mẫu cho người sau?
 
Lời đối đáp chí tình, chí lý, đồng thời lại khẳng định vị thế của triều Thanh đương thời khiến vua quan nhà Thanh thấy lẽ phải và đã chấp thuận xoá bỏ lệ cống vàng Liễu Thăng vốn đã tồn tại nhiều năm trước đó. Còn về hũ nước giếng do đổi nước giếng khác nên người Thanh đem nước đó ra rửa ngọc trai thì không thấy ngọc sáng, liền kì kèo. Ông nói: - Đấy là tại lâu ngày khí mạch biến đổi đi! Người Thanh nghe thế, đành chịu! Bắt đầu từ thành công trong chuyến đi sứ của Nguyễn Công Hãng năm 1718, mỗi lần triều cống, nước ta không phải cống 2 thứ đó.
 
Trên lĩnh vực đối ngoại, Nguyễn Công Hãng với tư tưởng táo bạo cùng sự thông minh tuyệt đỉnh của mình đã làm nên thành công lớn với việc phá bỏ lệ cống tượng vàng Liễu Thăng và nước giếng Trọng Thuỷ. Không chỉ có tài ứng đáp mà ông còn có tài thơ ca. Trong một năm đi sứ ông đã để lại tập thơ đi sứ “Tinh sà kỷ hành”, gồm những bài thơ tả tình, vịnh cảnh, thù tiếp sứ bộ Triều Tiên...
 
Đối nội, ông là quan luôn có tư tưởng cải cách, với việc sửa tô thuế, giúp dân giảm bớt đi những nỗi thống khổ của sưu cao, thuế nặng đè lên đôi vai yếu ớt của người dân vốn lam lũ nghèo đói. Nhưng cũng chính tư tưởng táo bạo, một lòng vì dân giúp nước nên Nguyễn Công Hãng cũng bị không ít gian thần tìm cách hãm hại. Ở tuổi 53, năm 1732, có người gièm pha ông và tâu với Trịnh Giang việc ông muốn thay ngôi thế tử. Vì thế ông bị Trịnh Giang giáng chức xuống thành Thừa chính sứ Tuyên Quang, đồng thời tìm cách bức tử ông chỉ sau một tháng. Cái chết oan ức của Nguyễn Công Hãng mãi đến đầu đời Cảnh Hưng (1740-1786), Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, ông mới được minh oan và truy phục chức cũ.
 
Sinh năm 1680, mất năm 1732, hơn 30 năm trên quan trường, với nhiều đóng góp lớn cho đất nước, Nguyễn Công Hãng được người đời biết đến là một trung thần có tư tưởng cải cách, có nhiều suy nghĩ, việc làm táo bạo, đồng thời còn là một nhà ngoại giao có tính cách mạnh mẽ, ứng đối mẫn tuệ. Trên lĩnh vực đối ngoại, công lao của Nguyễn Công Hãng không chỉ phá bỏ được hai lệ cống vốn tồn tại bao năm mà còn khẳng định vị thế của Đại Việt ngày một lớn mạnh với triều thần phương Bắc.
 
 
Ngọc Khánh
 
Nhà xuất bản Hà Nội