Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại
Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại được tác giả Nguyễn Đức Mậu tổng hợp, giới thiệu từ nhiều công trình khoa học của các nhà nghiên cứu đã được công bố và nhiều ấn phẩm sách báo qua các thời kỳ khác nhau. Cuốn sách tập trung vào việc hệ thống quá trình hình thành và phát triển của ca trù nói chung trong đó dành nhiều chương viết riêng cho ca trù Hà Nội. Người đọc có thể dễ dàng hình dung và hệ thống những giá trị nghệ thuật mà ca trù đã đóng góp trong nền âm nhạc dân tộc và những dấu mốc thăng trầm trong chiều dài phát triển của di sản này.
Hà Nội từ xưa đã là một trung tâm ca trù, một trong số không nhiều nơi có truyền thuyết ghi nhận là tổ quê ca trù và cũng là nơi lưu giữ được các tư liệu sớm nhất về ca trù từ thế kỷ XV. Những bản dịch nội dung văn bia cổ hiện còn lưu giữ tại nhiều đình đền ở Hà Nội mà tác giả cung cấp đã cho thấy đời sống sinh hoạt của ca trù và các tổ chức giáo phường ca trù ở Hà Nội từ thế kỷ XV đã có quy mô, lệ định và khế ước rất rõ ràng. Các tư liệu thời kỳ này đủ để khẳng định ca trù là một nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng xã hội. Sênh, phách, đàn đáy - những nhạc cụ dùng trong biểu diễn ca trù còn hiện diện trên các bức chạm trổ ở nhiều đình đền. Điều này cho thấy ca trù rất được coi trọng trong đời sống tinh thần của người Việt thời đó. Đặc biệt là vào dịp lễ tết, giáo phường ở các làng xã còn mở cuộc thi nghề ca hát để các cô đào từ các nơi về thi tài có thưởng còn phía khán giả lại được cảm cái hay tuyệt kỹ của những thứ âm thanh “tận thiện tận mỹ”.
Ca trù trong lịch sử và hiện tại còn giới thiệu hàng trăm bài hát nói của các tác gia ca trù Hà Nội tiêu biểu như Nguyễn Bá Xuyến, Cao Bá Quát, Trần Lê Kỉ, Tản Đà ... đến các sáng tác mới của các tác gia đang sinh hoạt trong những câu lạc bộ ca trù hiện nay.
Không chỉ được tiếp cận với những nghiên cứu chuyên sâu, người đọc còn thấy như được sống trong không gian nghệ thuật ca trù, say đắm với giọng đào nương rung, nảy cùng tiếng phách giòn lắng, tiếng đục tiếng trong như thứ giọng thứ hai của đào nương qua bức tranh về đời sống ca trù từ quá khứ tới hiện tại lần lượt hiện diện qua từng trang của cuốn sách. Khó có thể nói một loại hình nghệ thuật cổ truyền nào của Việt Nam lại có không gian phát triển rộng lớn như ca trù và cũng hiếm có loại hình nghệ thuật cổ truyền nào làm đau đáu tâm hồn của người thưởng thức như ca trù.
Trần Thọ