Văn hóa lễ hội Hà Nội – Những góc nhìn
Nhắc tới cố đô Thăng Long – vùng đất thiên thời địa lợi nhân hòa, nơi được xem như là nơi hội tụ các tinh hoa văn hóa của con người đất Việt, điều này đã được chứng minh từ rất nhiều triều đại trước đó đã lựa chọn chốn Thăng Long xưa - Hà Nội nay làm kinh đô của đất nước. Xa xưa, đây là nơi tập trung khá nhiều đặc sản, của ngon vật lạ ở khắp miền đất nước tụ lại, là nơi sinh ra rất nhiều thợ thủ công tay nghềgiỏi, là trung tâm văn hóa chính trị đứng đầu cả nước. Với truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, vùng đất đã gánh trên vai mình tầng tầng lớp lớp tinh hoa văn hóa, mang nặng giá trị tinh thần của người dân đất Kinh kỳ.
Phải chăng, cũng vì những lẽ đó mà đất Hà Nội nay là nơi quy tụ của rất nhiều các lễ hội lớn nhỏ, trải dài suốt các tháng trong năm – điều mà không phải tỉnh thành nào cũng có. Tuy qua nhiều thăng trầm biến cố lịch sử nhưng nó không hề bị mai một, mất đi cái bản sắc vốn có mà nó vẫn được duy trì và phát huy như một sự minh chứng có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Phải kể đến là những lễ hội cung đình - cái làm nên một Hà Nội riêng biệt, mà trừ Huế thì nó chỉ diễn ra tại kinh thành Thăng Long. Song nếu Huế chỉ là Kinh đô của triều Nguyễn, thì Hà Nội là kinh đô của rất nhiều triều đại khác nhau như nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê... Các lễ hội Thăng Long còn chứa đựng tính chất truyền thống ngay cả trong các nghi lễ và các trò chơi mô phỏng lại đời sống, sinh hoạt của cư dân thời xa xưa, đồng thời thể hiện những tiếp biến văn hóa lâu đời qua các thời kỳ lịch sử. Thăng Long là cái nôi hội tụ văn hóa của nhiều thời kỳ, trải qua nhiều biến cố lịch sử chiến tranh, loạn lạc mà vẫn được lưu giữ, cải biến và duy trì. Tuy nhiên, những lễ hội ấy vẫn giữ được cái tinh hoa vốn có của dân tộc làm nên một Thăng Long - Hà Nội rất riêng.
Bên cạnh đó còn có những lễ hội mang đậm chất dân gian, gắn liền với cuộc sống, lao động của người dân Đông Đô. Các lễ hội được tổ chức ở trên từng địa bàn cụ thể và mang sắc thái và đặc điểm của mỗi làng quê gắn liền với vị thần bất tử (Thánh Dóng, Thánh Tản Viên), những người anh hùng (Hai Bà Trưng, An Dương Vương (Cổ Loa)…) hay thần Hoàng làng.
Lễ hội cổ truyền gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, nó mang tính thiêng, do vậy nó thuộc thế giới thần linh, thiêng liêng, đối lập với đời sống trần gian, trần tục. Tính tâm linh và linh thiêng của lễ hội nó quy định “ngôn ngữ” của lễ hội là ngôn ngữ biểu tượng, tính thăng hoa, vượt lên thế giới hiện thực, trần tục của đời sống thường ngày. Ví dụ, diễn xướng ba trận đánh giặc Ân trong Hội Gióng, diễn xướng cờ lau tập trận trong lễ hội Hoa Lư, diễn xướng rước Chúa gái (Mỵ Nương) trong Hội Tản Viên… Chính các diễn xướng mang tính biểu tượng này tạo nên không khí linh thiêng, hứng khởi và thăng hoa của lễ hội.
Lễ hội cổ truyền là một sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống tính phức hợp, một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm gần như tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội của con người: sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi, sân khấu…), các cuộc thi tài, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua bán…
Đất nước đang trên đà hội nhập, nền kinh tế công nghiệp hóa – hiện đại hóa, vậy nên ở vùng đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay cuộc sống của con người càng trở lên tất bật nhộn nhịp. Do vậy, các lễ hội là dịp kết dính, quy tụ cộng đồng người nhất định lại với nhau, đó có thể là cộng đồng làng xã (hội làng), cộng đồng nghề nghiệp (hội nghề), cộng đồng tôn giáo (hội chùa, hội đền, hội nhà thờ) đến cộng đồng nhỏ hẹp hơn, như gia tộc, dòng họ...
Tất cả mọi lễ hội cổ truyền đều hướng về nguồn. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra và nay vẫn là một bộ phận hữu cơ; nguồn cội cộng đồng như dân tộc, đất nước, xóm làng, tổ tiên, nguồn cội văn hoá... Bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tư tưởng còn hiện hữu đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng - chân thiện mỹ - cái mà con người ngưỡng mộ, ước vọng, tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Tuy không phải tất cả đời sống tâm linh là tôn giáo tín ngưỡng đều hướng đến đời sống tâm linh của con người. Nhưng chính tôn giáo tín ngưỡng, các nghi lễ, lễ hội góp phần làm thoả mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người, đó là “cuộc đời thứ hai”, đó là trạng thái “thăng hoa” từ đời sống trần tục, hiện hữu.
Trên đây là những yếu tố thiết yếu nhằm duy trì lễ hội suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay. Dù xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con người có thay đổi thì các lễ hội vẫn ngày càng được duy trì, phát triền sao cho phù hợp hơn với đời sống xã hội. Cuốn sách “Tìm hiểu về lễ hội Hà Nội” của PGS.TS. Lê Hồng Lý do Nhà xuất bản ấn hành năm 2010 đã cho chúng ta một cái nhìn khái quát nhất về bức tranh lễ hội của đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Lễ hội không chỉ duy trì những văn hóa xa xưa mà còn có sự cải biến, tiếp thu thêm để gần gũi hơn với con người hiện đại. Nó được xem như cầu nối gắn liền quá khứ với hiện tại, đong đầy văn hóa để gửi tới tương lai, làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân Thăng Long – Hà Nội.
Kim Anh
Nhà xuất bản Hà Nội