Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Bạn đọc và NXB
Thứ sáu, 12/09/2014 03:03
Văn hóa làng nghề Thăng Long

 

Với bề dày lịch sử 1.000 năm, Hà Nội – Thủ đô của Việt Nam được biết đến là mảnh đất hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt nền tảng văn hóa đã được lưu giữ, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Được mệnh danh là đất trăm nghề, Hà Nội từ lâu đã là một mảnh đất đầy tiềm năng quy tụ và phát triển làng nghề, phố nghề truyền thống.

 

 

Thăng Long xưa - Hà Nội nay là nơi được chọn làm kinh đô của nhiều triều đại, là trung tâm văn hóa - chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước. Từ xa xưa, tại đây đã là nơi tập trung của nhiều thợ thủ công có tay nghề cao từ khắp các Tỉnh lị đổ về. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Thăng Long xưa là nơi quy tụ của rất nhiều làng nghề truyền thống truyền qua nhiều thế hệ. Làng nghề, phố nghề Thăng Long không chỉ đem lại giá trị kinh tế, phát triển tiềm năng du lịch, mà nó còn góp phần quảng bá văn hóa lưu giữ những di sản được truyền lại từ cha ông ta.

Thăng Long không chỉ là nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc và là đất trăm nghề. Sức hút của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là nơi có hàng trăm nghề khéo và là một trong những tỉnh có nhiều nghề, nhiều làng nghề cổ truyền nhất trong cả nước. Hơn nữa, có rất nhiều mặt hàng thuộc loại hàng tinh xảo phục vụ nhu cầu của các tầng lớp thượng lưu trong xã hội.

Trước hết Thăng Long được biết đến là chốn hội thủy, tức là nơi tập trung của các đường nước, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho giao thông - giao thương. Bên cạnh đó còn là điều kiện thiết yếu giúp cho việc mua bán, chuyên chở, tập kết, nguyên - vật liệu cũng như các sản phẩm của các làng nghề truyền thống được thuận lợi. Việc này tạo đà cho sản phẩm được lưu truyền nhanh chóng trong thị trường rộng rãi. Đó là chưa nói tới sự thuận lợi của sông nước đối với một số nghề cổ truyền trong quá trình sản xuất phải cần có nhiều nước (giấy, sơn mài, nhuộm, gốm…)

 Thăng Long - Hà Nội là nơi đông dân, dân phần đông là dân buôn bán hoặc quan lại, người làm nghề thủ công nên họ khá tinh tế trong việc chơi và mua sắm, và có thị hiếu khá cao. Do vậy, nơi đây là thị trường lớn, có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao.

Từ rất sớm Thăng Long đã có hệ thống các chợ là nơi mua bán trao đổi trung chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm của các làng nghề, phố nghề Hà Nội cũng như của tất cả các miền quê có quan hệ buôn bán với Thăng Long. Có lẽ cũng không có một nước nào trên thế giới mà thủ đô lại có những con phố, những dãy phố có tên gọi chỉ một nơi bán một mặt hàng như ở Hà Nội. Mỗi một chữ hàng trong một tên phố đã xác định địa điểm tập kết nguyên vật liệu hay sản phẩm của một mặt hàng nào đó. Chính đặc điểm nổi bật của Thăng Long như vậy đã quy định cho kiến trúc nhà ở dân dụng của cả kinh đô này.

Và trong con mắt của dân tứ chiếng thì Hà Nội chính là một cái chợ khổng lồ được gọi bằng cái tên là Kẻ Chợ. Tôi nghĩ rằng chắc các nhà nghiên cứu và quy hoạch khu phố cổ nói riêng, các nhà quy hoạch thủ đô nói chung sẽ không quên đặc điểm này. Ngoài những khu phố hay chợ còn phải kể đến các chợ ở bến sông, bến đò nhộn nhịp trên bến dưới thuyền kẻ mua người bán suốt quanh năm.

Với những điều kiện như vậy, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là nơi tiêu thụ lớn, là nơi sàng lọc thử thách các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đó cũng chính là sức hút lớn của miền đất thủ đô. Việc mở những xưởng ngay tại kinh đô có ảnh hưởng nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghề thủ công cổ truyền ở Thăng Long. Ở đây ta thấy manh nha của kinh tế hàng hóa. Vừa sản xuất vừa bán sản phẩm, quan hệ của những nhóm người làm nghề thủ công vừa là quan hệ trong phường và giữa phường này với phường kia trong giao thương buôn bán, vừa là quan hệ trong cùng một hiệp hay giữa hiệp này với các hiệp khác trong sản xuất. Điều này khiến cho quan hệ của những người dân xa quê làm ăn sinh sống trên xứ người vừa đa dạng vừa gắn bó.

Từ chỗ Thăng Long Hà Nội chỉ là nơi bán hàng, có thể theo các phiên chợ có bán các mặt hàng, thời gian lưu lại kinh không nhiều, quan hệ giữa những người cùng đến đây là phường hội, theo kiểu “buôn có bạn bán có phường”; đến khi đặt xưởng mở lò ngay tại Kinh, quan hệ thêm gắn bó qua các tổ chức phường hiệp, nghề cổ truyền đã ăn sâu bám rễ vào Thăng Long trong một diện mới.

Tại đây họ đã cùng nhau xây dựng những nhà thờ tổ nghề (thường cũng là vị thành hoàng làng họ ở bản quán), rước chân nhang từ nơi quê nhà về Kinh để thờ vọng tổ nghề. Việc thờ cúng tổ nghề cũng gắn liền với việc tổ chức các lễ hội, các sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc.

Việc tìm hiểu nghiên cứu về các làng nghề khắp nơi có mặt tại Thăng Long, cũng như diễn biến, sự phát triển của nó trong lịch sử không chỉ có ý nghĩa như một nghiên cứu hồi cố, đi sâu vào việc biểu dương ca ngợi cái đẹp, cái dụng công công phu của nghề cổ truyền mà còn làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội cho thủ đô và các tỉnh xung quanh Hà Nội.

Hiểu sâu về nghề truyền thống cũng là tìm hướng giải quyết mối quan hệ hài hòa và tác động qua lại tích cực giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa truyền thống và hiện đại...

Cuốn sách “Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội” do Vũ Quốc Tuấn chủ biên, thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 sẽ giúp độc giả quan tâm đến Thăng Long - Hà Nội qua cuốn sách có thể tìm hiểu mọi khía cạnh của làng nghề, phố nghề trong đời sống văn hoá, xã hội của một Thăng Long xưa, từ đó có cái nhìn bao quát làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển thủ đô ngàn năm văn hiến hiện tại và tương lai.

Trần Anh Kim

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)