Kỷ niệm viết trong ngày lập đông
Nhớ dịp Lập đông năm 1984, tôi mang những truyện ngắn đơn sơ đến gặp chị Minh Tâm, biên tập viên của Nhà xuất bản Hà Nội. Khi còn công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội, chính chị Tâm đã lần lượt cho in hai truyện ngắn đầu tay của tôi trong tạp chí “Sáng tác Hà Nội”. Và, vào năm 1972, 1973 gì đó, cũng vào dịp đầu đông như thế này, chị Minh Tâm đã tặng tôi một tấm giấy mời, mời đến buổi họp mặt các cây bút trẻ do tạp chí “Tác phẩm mới” tổ chức, tại phố Nguyễn Du. Trong tâm khảm tôi, đêm khuya, lúc tan cuộc gặp gỡ, là hương hoa sữa thấm đẫm đường Nguyễn Du, là không khí văn chương hồ hởi, chân thành, là sự sang trọng của cuộc gặp gỡ, và là hình ảnh nhà văn Trọng Hứa tóc rất dài, ngồi sâu trong chiếc ghế bành lớn, tôi đã nhìn mãi ông với lòng ngưỡng mộ. Chị Lê Minh ngồi cạnh tôi. Tôi chỉ biết chị là cán bộ biên tập của tạp chí còn chị tên gì tôi cũng không biết nữa. Sau này, khi gặp chị Minh Tâm, tôi có kể lại ấn tượng của mình: Đấy là một phụ nữ có giọng nói và cử chỉ dịu dàng, ân cần vô cùng... Nghe tôi kể, chị Minh Tâm cười, bảo:
- Đấy là chị Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan đấy!
... Trở lại việc tôi bồn chồn mong mỏi sau khi đưa tập bản thảo truyện ngắn cho chị Minh Tâm. Chính chị đã gợi ý cho việc in chung ba tác giả đều là giáo viên Hà Nội trong một đầu sách, mỗi tác giả được chọn bốn truyện.
Chớm mùa nghỉ hè năm 1985, chị Tâm báo tin cuốn sách “Bông hoa phấn trắng” của ba tác giả đã được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Tôi rất nhớ là cầm tập sách mẫu mà chị Tâm vừa tặng xong, tôi đã đi, gần như mê man trong tiếng ve trưa đầu hè, trong lung linh muôn cành phượng vĩ sà xuống ngang đầu, những chùm hoa phượng đỏ rực như cảm xúc tôi trong mê đắm với mùa hè, mê đắm với nỗi niềm văn chương ngày ấy.
*
Vào đầu những năm chín mươi, Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức cuộc thi tiểu thuyết và tập truyện ngắn viết về đề tài Hà Nội dưới sự chủ trì của chị Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội lúc bấy giờ. Ngoài việc tăng cường bổ sung quỹ bản thảo, cuộc thi còn nhằm mục đích cổ vũ người viết, tạo cơ hội xuất bản tác phẩm cho họ trong hoàn cảnh in ấn còn khó khăn lúc bấy giờ.
Vào năm 1992, sau những khó nhọc viết lách của tôi và khó nhọc thúc đẩy của chị Hoàng Châu Minh, bản thảo tập truyện ngắn dự thi của tôi cũng đã hoàn tất và được đặt lên bàn biên tập của Nhà xuất bản Hà Nội. Tuy nhiên có một số chi tiết trong truyện ngắn “Biệt thự hoang vắng”, và một truyện ngắn khác nữa buộc phải chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn thì tôi không sao làm nổi, một mặt do đời sống khó khăn, một mặt do nản lòng nữa thì phải.
Một sáng cuối thu, biên tập viên Hoàng Châu Minh hẹn tôi đến Nhà xuất bản, chị đưa tôi lên gác hai, vào một căn phòng có bàn viết gần cửa sổ trông ra mấy cây bàng đã hoe hoe lá rồi bảo tôi đợi. Lát sau Châu Minh từ phòng biên tập bước sang, đặt trước mặt tôi tập bản thảo truyện ngắn tôi gửi dự thi, một chiếc bút bi hảo hạng và một chén rượu trắng nho nhỏ. (Chị biết tôi có thói quen nhâm nhi một ly rượu khi cần tập trung suy nghĩ). Chị giao hẹn:
- Anh ngồi tại đây, từ giờ đến trưa, bắt buộc phải sửa xong hai truyện ngắn mà em đã trao đổi để kịp đưa đi in, nếu không sẽ lỡ hết việc.
Tập “Biệt thự hoang vắng” được in xong một vài tháng sau đó. Với tôi, cuốn sách thật kỳ diệu, bởi đây là đầu sách in riêng đầu tiên, bởi trong đó tôi gửi gắm được bao buồn vui, bởi bìa cuốn sách được họa sĩ Lương Xuân Đoàn vẽ rất đẹp... Chờ in sách đã hao tâm tổn sức, chờ nhuận bút của sách cũng khó nhọc không kém. Sách đã in rồi và sau đấy là món nhuận bút mà tôi hy vọng trang trải nhiều khó khăn cuộc sống, cuộc sống của một ông giáo dạy học ở nông thôn.
Một buổi trưa, sau khi dạy học xong ở Gia Lâm, tôi sốt ruột quá, đành đạp xe đến nhà Châu Minh, hy vọng có tăm hơi gì của nhuận bút. Chị Châu Minh ra mở cửa và reo lên:
- Đây rồi! Khổ chủ đây rồi!
Ngồi bên bàn nước trong nhà là nhà văn quân đội Ngô Tự Lập. Châu Minh lấy từ ngăn kéo bàn ra một xấp tiền gồm những tờ bạc hai nghìn đồng láng coóng, đưa cho tôi:
- Đây là nhuận bút của tập truyện “Biệt thự hoang vắng”. Mà anh có biết không, em với Ngô Tự Lập vừa đi lấy về đấy.
*
Hôm tổng kết cuộc vận động sáng tác về đề tài Hà Nội, tôi vừa được in sách vừa được giải thưởng. Tôi còn nhớ như in, khi đang bước lên thang gác thì có tiếng reo lanh lảnh ở phía trên vọng xuống:
- Đây rồi, người quan trọng nhất đã đến đây rồi. - Nhà văn Lê Bầu, thành viên ban giám khảo, đón tôi ở ngay hành lang gác hai. - Nhà xuất bản chọn in cho mỗi tác giả được giải một truyện ngắn, trong một tuyển tập riêng. đây là sách biếu, đây là nhuận bút riêng, không nằm trong kinh phí của giải.
Và anh Lê Bầu đưa sách cho tôi, kèm theo một phong bì thơm phức mùi giấy, mùi tiền mới. Tôi chợt nhớ lại chuyện những năm trước khi tôi đến Nhà xuất bản Hà Nội lấy nhuận bút cho một phần ba cuốn “Bông hoa phấn trắng”, anh Lê Bầu nói với tôi:
- Ba tác giả được in 12 truyện ngắn. Truyện của Lê Phương Liên và của Hồ Quang Khắc Vĩnh dài. Còn bốn truyện của cậu lại rất ngắn, nếu tính theo số trang thì cậu thiệt thòi quá nên Nhà xuất bản tính tăng nhuận bút của cậu lên thêm năm mươi phần trăm, cho cậu đỡ thiệt...
Lễ trao giải được diễn ra ít phút sau. Tôi trân trọng cầm tấm bằng công nhận giải và cẩn thận đặt cục tiền vuông vức một triệu đồng tiền mặt vào túi áo ngực, cẩn thận cài khuy nắp túi lại mới lặng lẽ ra ngoài trời đi bộ theo con đường đầy cây lá gần phố
Lý Đạo Thành cho bình tâm trở lại.
*
Những dìu dắt, thành công bước đầu nhưng mang tính chất quyết định mà Nhà xuất bản Hà Nội tạo dựng cho tôi, đã khích lệ tôi bước tiếp tới những thành công sau này. Vào năm 1998, tập truyện “Người hùng trường làng” của tôi do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành đã được trao tặng giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau đó một thời gian diễn ra đại hội Hội Nhà văn Hà Nội. Hôm đó tôi đang đứng ở hành lang thì nhà thơ Vũ Cao bước đến, ông chìa tay cho tôi bắt, mắt ông nheo nheo như đùa:
- Chào ông Thọ, chúc mừng ông vừa được giải!
Bấy giờ tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng về ông khi gặp ông lần đầu vào mấy năm trước: ông rất cao, tay rất dài và nụ cười hồn hậu...
Mãi về sau này tôi mới biết, ông là một thành viên của Ban Giám khảo, xét giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998.
Nhớ những năm về trước, trại sáng tác văn học của ngành giáo dục Hà Nội có mời một số nhà văn tên tuổi đến trao đổi về tác phẩm, về kinh nghiệm sáng tác cho các trại viên. Lần đầu tiên được gặp nhà thơ Vũ Cao tại trại sáng tác, tôi mới biết ông chính là tác giả bài thơ Ngang dốc núi với những câu thơ tôi đã chép vào sổ tay từ khi còn là một cậu học sinh Hà Nội mộng mơ:
“Lên ngang dốc núi
Chợt thấy mình say
Người ơi, hoa tím
Đầy rừng hoa bay..."
Bài thơ này tôi chép cạnh bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Hôm gặp gỡ, chúng tôi thích thú nghe ông nói và ông cũng say mê nói mãi đến tận gần mười hai giờ trưa. Trước khi kết thúc, ông ân cần:
- Cũng đã hết buổi sáng rồi, còn anh chị nào muốn hỏi thêm điều gì nữa, tôi trình bày nốt!
Tôi chợt đứng lên:
- Chúng cháu đã đọc, đã dạy bài thơ Núi đôi của bác nhiều lần, hôm nay chỉ muốn nghe chính bác đọc bài thơ này để làm kỷ niệm.
Vũ Cao còn chưa kịp trả lời thì đồng chí phụ trách trại sáng tác đã đỡ lời:
- Thôi, nhà thơ Vũ Cao nói suốt từ sáng đến giờ, xin để bác nghỉ. Tôi hứa sẽ bố trí để trại của chúng ta được gặp lại bác trong một buổi khác. Một lần nữa thay mặt anh em trong trại sáng tác cảm ơn nhà thơ Vũ Cao, Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội.
*
Mùa đông năm 2009 tôi chính thức nhận lương hưu, sau gần bốn mươi năm dạy học.
Vào tháng 11 của năm 2010, cũng đầu đông như thế này tôi nhận được điện thoại của Nhà xuất bản Hà Nội, từ đầu dây bên kia, tiếng phụ nữ trầm ấm:
- Anh Tạ Nguyên Thọ đấy ạ! Em là Châu Minh đây! Anh có khỏe không ạ? - Sau câu chào hỏi, Châu Minh vào việc ngay: - Anh có hẹn từ đầu năm là sẽ gửi cho Nhà xuất bản một tập truyện ngắn, em chờ mãi...
- ừ, anh cũng chuẩn bị xong bản thảo rồi, sau này anh sẽ mang nộp cho em...
Châu Minh ngắt ngang lời:
- Em biết tính anh rồi, không sau này gì cả, ngay ngày mai anh mang cho em đi, em sẽ đọc. Thế anh nhé!
Nấn ná mấy hôm, phải đến ngày 18/11 năm ấy tôi mới mang bản thảo đến Nhà xuất bản Hà Nội.
Ra khỏi Nhà xuất bản Hà Nội, vượt qua cầu Sông Cái thì đã hơn mười một giờ trưa. Đợt rét đầu tiên trong năm mà sao rét thế. Ngồi nghỉ trong một cái quán quen thuộc ngay chân cầu Chương Dương mà người tôi cứ run lên bần bật. Sông Hồng vào mùa đông mà sao nước vẫn chảy xiết quá. Nhìn xuống dòng nước lạnh càng thêm lạnh. Trong tập truyện vừa gửi cho Châu Minh, tôi đã viết bao nhiêu về dòng sông này, dòng sông và vùng đất bãi sông Hồng với bao nhiêu lứa học sinh thân yêu tôi đã yêu thương dạy dỗ. Liệu có phần nào hy vọng tập sách sẽ được xuất bản?
Gió sông thổi ù ù, sóng sông chợt nổi lên như đang mùa con nước. Tôi cố gắng xoa dịu niềm mong mỏi vô vọng của mình bằng lời khuyên của những nhà văn đàn anh từ ngày tôi mới cầm bút:
- Cậu phải nhớ rằng viết xong là xong, gửi bản thảo xong là xong. Còn thì quên ngay nó đi. Khi nào được in thì hẵng hay!
*
Cuối xuân, chớm hè năm 2011, tiếng Châu Minh từ đầu dây Nhà xuất bản:
- Nhà xuất bản đã in xong tập truyện “Hoa biển mùa giông bão” của anh rồi... - Ngừng giây lát, chị nói tiếp: - Anh có thể đến nhận sách biếu ngay bây giờ.
Cầm tập sách bìa màu xanh biển, tôi ấp nó vào ngực với nỗi xúc động đến nghẹn ngào đang dâng lên trong lòng. Không muốn ai thấy tình cảm thật của mình tôi lại đi lang thang, miên man trong nắng cuối xuân, đầu hè, đi mãi trên những con đường Hà Nội thân quen với bao ý nghĩ ngổn ngang. Sau gần bốn mươi năm vừa dạy học vừa viết, đến lúc đã hoàn thành nghĩa vụ công dân, tôi lại được Nhà xuất bản Hà Nội in cho một cuốn sách, có lẽ là cuốn sách cuối cùng trong đời viết - giữa lúc ngành xuất bản đầy rẫy khó khăn.
Lòng tôi cứ mãi xốn xang nhớ về con phố nhỏ nơi có Nhà xuất bản của thành phố quê hương mà tôi đã sinh ra, lớn lên, đã yêu thương gắn bó cả cuộc đời mình. ở đó, dấu ấn sâu đậm nơi tôi chính là hình ảnh những biên tập viên tâm huyết, yêu nghề, chí tình chí nghĩa, chăm chút từng con chữ, nâng niu những trang viết đơn sơ đầu tiên.
Tôi đắm mình trong cảm giác ấm áp ngập tràn hạnh phúc và biết ơn!
Tạ Nguyên Thọ