Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Bạn đọc và NXB
Thứ sáu, 16/01/2015 10:11
Nhà xuất bản của sự nghiệp văn chương tôi

Đó là Nhà xuất bản Hà Nội - Nhà xuất bản của Thủ đô mà cũng là nhà xuất bản của thành phố quê tôi. Nhan đề tôi đặt một cách thiết tha, đầy sự biết ơn đó đâu chỉ một sớm một chiều có thể hình thành mà là kết quả của chí ít gần trọn nghiệp một đời. Mà khi đã tính là nghiệp văn chương thì người ta thường nghĩ nó dài bằng cả một đời người và cùng với sự ngân vang của những vĩ thanh kéo theo năm tháng. Với tôi chuyện về Nhà xuất bản Hà Nội rất nhiều, chen cả vui và buồn. Lúc nghiêm trang và cả khi bông đùa. Việc nôn nóng và cả việc nhẫn nại, rồi những vị giám đốc, những lứa biên tập viên kế tiếp nhau trên những trang bản thảo. Xin cứ cho tôi được từ từ giãi bày với tư cách là một cố nhân, một nhân chứng, một cộng tác viên và cuối cùng là một nhà văn. Chuyện là thế này…

 
“Chuyện cái vòi nước” - sự kiện mở đầu

Tôi nhớ rất rõ hành trình để đến được một chút thành tựu văn chương hôm nay, để được thiên hạ gọi bằng cái danh hiệu “nhà văn” cao quý kia nó gian nan, nó vất vả và nếu như không có tình yêu và cả nghiệp chướng thì dễ bỏ ngang đường lắm.

Sau khi tốt nghiệp cấp III (1966) cho đến suốt thời gian học đại học tôi luôn ôm mộng văn chương với những tác phẩm lớn lao, nhưng tôi đã thất bại. Nghiệp làm báo ập đến. Bên những bài báo cập nhật, tôi rón rén viết những bút ký, truyện ngắn, tạp văn và những bài thơ… Sự thúc ép của kế sinh nhai trong thời buổi “gạo châu củi quế” vẫn không dập tắt ngọn lửa văn liu riu nhưng bền bỉ trong tôi. Thế là văn phẩm, báo phẩm cứ song song trào ra. Chỉ có điều báo thì lập tức oang oang trên đài, thi thoảng được in. Còn văn thì hoi hóp, đợi chờ.

Bất chấp tất cả mọi sự mà tôi cho là không may về in ấn, cứ hở lúc nào là tôi lại lao vào viết. Cũng may là trời thương kẻ hàn sĩ nên khi tôi trở thành tay bút cộng tác viên chủ lực cho mục “Chuyện trong mỗi nhà” của báo An ninh Thủ đô - một mục mà các bài viết có hình thức giống như những truyện ngắn mi ni hài hước về thế thái nhân tình - thì độc giả và bạn nghề bắt đầu chớm biết đến tôi. Nhà văn đàn anh Tuấn Vinh sau khi đọc những bài của tôi nhân một hôm gặp ở toà soạn An ninh Thủ đô đã bảo: “Chú mày viết được đấy. Hôm nào tập trung những cái hay nhất trong mớ “mỗi ngày một chuyện” để tao đưa cho Hà Ân xem thế nào”. Nghe lời đàn anh, tôi hồi hộp về chọn lựa, đánh máy lại sạch sẽ rồi rón rén đến đưa cho anh. Nửa tháng sau, anh Tuấn Vinh bảo tôi: “Hà Ân bảo sáng mai mày đến Nhà xuất bản”. Cả đêm đó tôi không ngủ được vì chỉ sợ ông nhà văn lừng danh tiểu thuyết lịch sử kia lại cho một bài giảng… Nào ngờ…

Nói về tập truyện ngắn Chuyện cái vòi nước - tác phẩm mở đầu, khai thông cho dòng chảy văn chương của tôi thì quá nhiều chuyện. Đó là kỷ niệm đầu đời cho nghiệp văn đa đoan của tôi. Để Chuyện cái vòi nước ra đời là công sức của cả tập thể Nhà xuất bản Hà Nội trong đó có công sức của cả các bậc thượng thừa của nền văn nghệ nước ta. Nhà văn Hà Ân biên tập. Danh hoạ Bùi Xuân Phái vẽ bìa. Nhà thơ Vũ Cao ký duyệt.

Khi Chuyện cái vòi nước ra lại trùng với thời gian phát hành cuốn Những người thích đùa của Aziz Nêxin do Nhà xuất bản Tác phẩm mới in ấn, nhưng giám đốc Vũ Cao lại đánh giá: “Đọc Chuyện cái vòi nước thấy cái cười của Nguyễn Hiếu gần với mình hơn Những người thích đùa. Năm 1984, Chuyện cái vòi nước ra đời là năm tôi vào tuổi 36. Bố tôi biết tôi say mê sáng tác văn học nên cứ có ý chờ tác phẩm của con ra đời. Chờ mãi, chờ mãi... thì bất ngờ bố tôi lâm bệnh rồi ra đi tháng tám năm đó, mãi hơn hai tháng sau Chuyện cái vòi nước mới ra mắt. Cầm cuốn sách còn thơm lừng mùi giấy in tôi chạy về đặt lên bàn thờ khấn bố. Khi về làng thì một chuyện bất ngờ xảy ra. Mẹ tôi vừa nhìn thấy tôi đã mắng xa xả:“Mày viết cái vòi nước thế nào mà mấy nhà ở xóm đi ôtô vào nói với mẹ là mày bôi xấu họ. Thôi, thôi. Mẹ tưởng văn chương thế nào chứ như thế này thì mẹ cấm, từ nay thôi ngay cái trò viết lách lăng nhăng ấy đi”. Tôi bật cười nghe mẹ mắng. Khi tôi ra giảng giải cho mấy vị “bị chạm lòng” kia thì họ cũng bật cười bảo tôi: “Hoá ra chú viết thiên hạ, thế mà chị cứ tưởng mày viết về chị. Thôi bỏ qua cho anh chị, nếu viết được cuốn nào thì mang về cho anh chị đọc nhé”.

Cũng năm 1984, hội nghị các cây bút trẻ toàn quốc khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bìa Chuyện cái vòi nước được vẽ phóng to trên pa-nô đặt trước Nhà hát Lớn coi như thành tựu của các cây bút trẻ, nhưng tác giả của nó lại không được mời. Cuối năm đó, với sự giới thiệu của nhà văn Hà Ân và nhà văn Tuấn Vinh tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội.

Dấu ấn các biên tập viên

Nhịp cầu nối tôi với Nhà xuất bản Hà Nội chính là các thế hệ biên tập viên nơi đây. Khởi đầu là nhà văn gạo cội Hà Ân - người đã đỡ đầu cho tác phẩm đầu tiên Chuyện cái vòi nước của tôi ra đời. Sau tập truyện ấy tôi bặt tăm đúng 4 năm cho đến năm 1988 - năm mở đầu cho sự sung sức đến kỳ lạ của tôi. Năm đó tôi cho in liền 3 tiểu thuyết: Người đàn bà quỷ ám (Nhà xuất bản Phụ nữ); Bụi đường (Nhà xuất bản Giao thông vận tải) và Vệt xoáy trước ngực làng (Nhà xuất bản Hà Nội).
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng đến bây giờ tôi không thể quên được hình ảnh mỗi khi đến Nhà xuất bản Hà Nội, cố nhà văn Vũ Đức Nguyên - một trong những biên tập viên hàng đầu - đã động viên và khích lệ tôi như thế nào. Theo cá nhân ông thì bút pháp huyền thoại trong Vệt xoáy trước ngực làng của tôi là một sáng tạo kỳ lạ trong giới tác giả viết tiểu thuyết đương đại.

Vị biên tập viên thứ ba của Nhà xuất bản Hà Nội có tác động lớn đến sự ra đời các tác phẩm của tôi là Châu Minh. Châu Minh đã biên tập hàng loạt tác phẩm của tôi như các tiểu thuyết Dòng sông màu máu vẫn chảy (có thể xem như tập hai của Vệt xoáy trước ngực làng), Tình nhân,… và các tập truyện ngắn Khi người đàn bà trở về, Bóng ảnh của đời, Trên mặt đất lại có người... Đặc biệt chị cũng là người tổ chức bản thảo và cho ra mắt bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu với hơn 6.000 trang nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sự ra đời bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu có thể nói là một kỳ công của Châu Minh từ việc vượt qua nhiều khó khăn để chọn lựa tác phẩm đến việc biên tập sắp xếp một khối lượng tác phẩm lớn, đa dạng về đề tài và thể loại, trải qua nhiều năm tháng. Sự thành công của bộ tuyển tập trải dài suốt sự nghiệp sáng tác văn chương của tôi gần bốn mươi năm, không chỉ đòi hỏi một biên tập viên giàu kinh nghiệm, có tay nghề mà còn cần người hiểu bút pháp, sở trường cũng như sở đoản của tôi. Biên tập viên Châu Minh thuộc số hiếm hoi đó. Vì vậy, không ít gợi ý của chị đã gợi mở những ý đồ sáng tác của tôi trong nhiều thể loại.

Những người gác cổng nghiêm cẩn

Tính từ Chuyện cái vòi nước đến năm 2014 là tròn 30 năm tôi làm việc với Nhà xuất bản Hà Nội, qua 5 đời giám đốc. Đầu tiên là Giám đốc - nhà thơ Vũ Cao, người anh hiền hậu ưu ái những cây bút trẻ.

Xin kể câu chuyện có liên quan đến tác giả Núi đôi thủa làm giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Ấy là sau khi nộp bản thảo cho nhà văn Hà Ân, tôi bắt đầu bồn chồn, hết lo lắng lại khấp khởi mừng thầm. Đầu óc tôi cứ lăn từ thái cực này sang thái cực khác, mặc dù kỳ nào lên Nhà xuất bản gặp nhà văn Hà Ân đều thấy anh nhìn tôi tủm tỉm, giọng khàn khàn bảo “yên tâm”. Thế rồi vào một hôm, cũng một lần giả vờ tình cờ đi ngang qua tiện thể rẽ vào, lúc đó khoảng hơn 9 giờ, người tôi gặp đầu tiên ở cổng Nhà xuất bản là một ông cao dong dỏng, khuôn mặt hiền hậu. Ông nhíu mắt nhìn tôi, giọng mềm và dịu hỏi khẽ: “Chú tìm ai?”. “Dạ em tìm anh Hà Ân ạ!”. “Chú tên gì?”. “Dạ em là Nguyễn Hiếu ạ!”. Ông nhìn tôi rồi mủm mỉm: “À, tác giả trẻ. Tốt lắm. Tốt lắm. Tập truyện hài hước Chuyện cái vòi nước của chú tôi duyệt rồi. Đọc rất được”. Sau này tôi mới biết đó là Giám đốc - nhà thơ Vũ Cao.

Giám đốc - nhà văn Hoàng Ngọc Hà, người chị chân tình, quan phương và nghiêm khắc. Sau khi đọc bản thảo tiểu thuyết Hội chứng ung thư - một tác phẩm tôi viết với bút pháp cực kỳ phóng túng về một chủ đề nhạy cảm rất ăn khách trong giai đoạn đó, giám đốc Hà mời tôi đến nhỏ nhẹ bảo: “Nghệ thuật cuốn này đáng chú ý ở sự cách tân, nhưng ra lúc này chưa phù hợp lắm”. Tôi lặng lẽ gật đầu và cầm bản thảo về.

Đến Giám đốc Đỗ Ninh thì ngay lần đầu gặp tôi ở Nhà xuất bản, anh “à” to một tiếng vui mừng vì nhận ra tay học sinh nghịch ngợm vào hạng nhất nhì cả ba khối 8, 9, 10 trường cấp 3 Xuân Đỉnh và cũng là người được kết nạp Đoàn đợt cuối cùng trước kỳ thi tốt nghiệp khi anh còn làm bí thư chuyên trách Đoàn Thanh niên trường tôi. Đầu tháng 12 năm 2013, trong buổi lớp 10A Xuân Đỉnh tổ chức gặp mặt, anh Đỗ Ninh cầm tay tôi đưa ra giữa đám đông lớp tôi mà giờ toàn là những vị đã ngoại lục thập, nói:“Đây là gã thanh niên cá biệt nhất trường giờ là nhà văn mà tôi yêu quý nhất”.

Còn với Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Oánh - nhà quản lý mẫn cán - rất thông cảm với công việc của người viết văn vì ông đã có gần hai mươi năm làm việc ở Nhà xuất bản trước khi giữ vị trí giám đốc. Chính ông là người đóng vai trò chủ chốt, kiên định cho việc ra đời bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu.

Riêng với Tổng Giám đốc Nguyễn Kim Sơn thì quan hệ giữa tôi và vị Tổng Biên tập đương nhiệm của Nhà xuất bản Hà Nội ngoài mối liên hệ của một cộng tác viên quen thân còn là quan hệ của hai đồng nghiệp báo chí, anh em thân thiện và đồng cảm.

Những năm tháng làm việc với các vị giám đốc tôi nhận ra mỗi người một tính nhưng khi đã ngồi vào chiếc ghế cầm sào chịu lái nhà xuất bản của Thủ đô thì tính quan phương ở họ nổi lên hàng đầu. Cùng với các biên tập viên chính các vị đã trở thành những người gác cửa nghiêm cẩn cho một toà nhà tư tưởng văn hoá, nghệ thuật Hà thành.

Năm tháng cứ trôi đi. Bao nhiêu biến động của cuộc đời đã diễn ra. Những cuốn sách ra đời đã có những cuộc sống riêng của nó. Còn với tôi - một nhà văn, một nhà báo - mỗi khi nghĩ đến những tác phẩm - những đứa con tinh thần của mình đang tồn tại trong khuôn viên của một nền văn chương, tôi lại nghĩ đến những nhà xuất bản - những chiếc nôi mà từ đó những tác phẩm của tôi ra đời với lòng biết ơn, kính trọng. Một trong những chiếc nôi - nhà xuất bản đáng yêu, đáng nhớ nhất đó là Nhà xuất bản Hà Nội của thành phố quê hương - nơi đã gắn với cả sự nghiệp văn chương tôi.

Quỳnh Mai, tháng 12/2013


Nguyễn Hiếu

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)