Đã bước sang tháng 5 nhưng không khí náo nức của những ngày tháng 4 lịch sử vẫn xôn xao, náo nức lòng người. Ngày 30 tháng 4 năm ấy, năm 1975, đã ghi một mốc son: kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt vào bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong những năm tháng ấy của cuộc chiến, cái thế cả nước cùng ra trận đã tạo nên sức mạnh vô địch để dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Để giành được thắng lợi ấy, chúng ta đã trải qua biết bao hy sinh và mất mát. Hàng triệu người đã ngã xuống và nhiều người đã mất một phần xương máu của mình trong các trận chiến đấu, trên các nẻo chiến trường. Và đến bây giờ không ít người nằm trong các nghĩa trang dưới những tấm bia có chung nội dung là “Liệt sĩ vô danh”. Và còn biết bao liệt sĩ mà hài cốt đã hòa tan vào lòng đất mẹ Tổ quốc trong đó có hài cốt của người pháo thủ số 2 trên chiếc xe tăng 390. Chính sự hy sinh, mất mát không thể đong đếm được của lớp lớp chiến sĩ đã góp phần cùng dân tộc lập nên những kỳ tích mà chắc chắn rằng sẽ còn rất lâu, rất lâu nữa các thế hệ những người cầm bút ở trong và cả ngoài nước còn phải dành trí lực để viết, để bàn.
Trong suốt hai mươi năm diễn ra cuộc chiến, có những sự kiện sớm được biết rõ, nhưng cũng còn không ít sự kiện cần có độ lùi thời gian, có điều kiện và cả cơ hội mới được làm sáng tỏ. Sự kiện chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng chính của dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 chính là một trong những trường hợp như vậy. Và rồi phải chờ đến 20 năm sau, kể từ ngày 30-4-1975, mới hội đủ các điều kiện để sự thật được chính thức xác nhận. Rồi những sự việc liên quan đến chiếc xe tăng này, đến đại đội xe tăng 4 và người chỉ huy đại đội xe tăng ấy mãi đến tận những năm 2012 và 2013 mới có cơ sở đánh giá đúng tầm vóc của nó. Đó là cả một khoảng thời gian có thừa để một con người mới sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Cũng như bao người lính khác, những chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 nói riêng, trở về cuộc sống đời thường từng ấy năm tháng với không ít khó khăn và trăn trở. Nhưng như một câu thơ trong bài thơ “Việt Nam đất nước ta ơi” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết về họ: Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa! Họ trở về làng quê với những tháng năm đổ mồ hôi trên các thửa ruộng thân thuộc gieo hạt lúa củ khoai hay làm anh thợ cắt tóc bình thường trên hè phố của cái thị xã nhỏ ngoại thành hoặc chạy xe lam kiếm sống trên các nẻo đường của thủ đô Hà Nội. Cứ thế họ vượt lên cái khó, thầm lặng sống với kỷ niệm chiến trận một thời của mình cùng đồng đội, thanh thản, không bon chen, giành giật. Và khi bị hiểu lầm cũng chẳng vì thế mà đánh mất phẩm chất của người lính: ra trận đâu phải để trục lợi cá nhân, cũng như khi trở về dứt khoát phải trọn vẹn với niềm tự hào là đã hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc. Chính vì vậy mà họ và những người lính như họ đã và sẽ còn được những người xung quanh quý mến và dư luận xã hội dành cho những tình cảm trân trọng.
Cuốn sách “Đường tới dinh Độc Lập” là câu chuyện về một phần cuộc đời có thể nói là quan trọng nhất của những anh lính xe tăng 390, 866, 846 cũng như đại đội tăng 4 trong đội hình của Lữ đoàn tăng 203 tiến vào dinh Độc Lập trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc chiến tranh: giải phóng Sài Gòn - trung tâm đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Bên cạnh đó là hình ảnh những người mẹ, người chị, người vợ tần tảo lặng lẽ gánh vác công việc gia đình, xã hội thay các anh lúc ra trận - và cả cùng các anh lúc xuất ngũ về giữa đời thường.
Tác giả, nhà báo Đào Nguyễn, nguyên Trưởng ban Thời sự, nguyên Giám đốc Hệ thời sự chính trị tổng hợp Đài Tiếng nói Việt Nam, đã dành nhiều tâm huyết cho cuốn sách.
Từ năm 1985, tác giả đã tìm tòi, nghiên cứu các tư liệu trong và ngoài nước, gặp gỡ nhiều nhân chứng liên quan và chính những người trong cuộc - các chiến sĩ của xe tăng 390 năm xưa. Với thái độ làm việc thận trọng, nghiêm túc, có trách nhiệm, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin xác thực, đáng tin cậy về các sự kiện và những con người đã góp một phần nhỏ bé trong chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.
Được sự cộng tác và giúp đỡ tận tình của những người lính xe tăng 390 và gia đình, các cựu chiến binh Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2, các đồng nghiệp Minh Đức, đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Việt Tùng, ông Phạm Công Dũng - nguyên cán bộ phòng Hướng dẫn báo chí nước ngoài của Bộ Ngoại giao, cuốn sách được ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước 30-4-1975.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!