Tàu thuyền từ ngoại tỉnh theo dòng chảy chở hàng hoá cập bến tại bến cảng Hà Nội rồi từ đây hàng hoá được vận chuyển lên đường bộ đi vào nội đô, toả đi các hướng. Bến tàu thuỷ Hà Nội thời kỳ đầu mới hình thành ở bờ sông chỗ ngang Cột Đồng hồ (Trước kia ở đầu phố từng có một quảng trường với cây cột đồng hồ công cộng khá to, cho nên dân quen gọi là “Bãi Cột Đồng Hồ”) bên ngoài cửa ô Ưu Nghĩa, khi ấy mép sông vào đến gần chân đê. Từ năm 1930 trở đi, do cát bồi làm cho tàu thuỷ ra vào khó khăn, nên bến đỗ tàu dời về hạ lưu đến Phà Đen ngày nay. Bến tàu là nơi để hành khách lên xuống tàu, đồng thời là bến đổ than đá, than đổ thành gò cao, màu đen lan tràn cả ra xung quanh, người ta gọi là bến Phà Đen. Ở địa điểm mới với lợi thế dòng sâu, bến rộng, cảng Hà Nội có bến hàng hoá, bến đổ than và bến tàu thuỷ lấy hành khách. Khu cảng Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX nằm trên một dải đất rộng bên bờ sông Hồng, dài chừng 1.500m, kể từ bên dưới đường Lãng Yên đến đầu con đường dốc ngã ba Vĩnh Tuy xuống.
Từ sau ngày Thủ đô giải phóng năm 1954, cùng với việc thành lập Quốc doanh Vận tải đường sông và biển, ban quản lý sông Hồng đóng ở Cảng Hà Nội. Những năm này, bến tàu thuỷ lấy hành khách được đặt ở xóm dưới làng Đồng Nhân bên ngoài khu cảng, như vậy cảng Hà Nội được dành riêng làm chỗ bốc dỡ hàng hoá. Bến than được đưa lui xuống giáp dốc Vĩnh Tuy gần kho của Công ty Lâm thổ sản. Từ năm 1978 cảng Hà Nội được thiết kế thành một cảng sông lớn, có máy móc bốc dỡ hàng hoá hiện đại, có những dãy nhà kho rộng suốt ngày xe tải ra vào tấp nập.
Ngày nay trên bến cảng Hà Nội không còn tàu khách đi đường thuỷ nhưng vẫn tấp nập những con tàu chở hàng cập bến. Cảng Hà Nội dẫu không còn sầm uất như xưa nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của Hà Nội.
Linh Chi
NXB Hà Nội